Nhân một phiên tòa

GN - Trong phòng xử án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản. Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu rupiah . Lời bào chữa của bà lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bệnh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói.

Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng sắn nói bà ta cần phải bị xử tội nghiêm minh như những người khác.

phien toa.jpg
Làm việc ác chắc chắn sẽ phải bị trừng trị, theo thời gian ác quả sẽ đến.
Luật nhân quả luôn luôn đúng, gây nhân ác sẽ nhận quả ác - Ảnh minh họa

Thẩm phán thở dài và nói: “Xin lỗi, thưa bà...”. Ông ngưng giây lát, nhìn ngắm bà cụ đói khổ. “Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu rupiah cho chủ vườn sắn.

Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi”.

Bà cụ run run, rướm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo. Thế rồi, ông thẩm phán lại nói tiếp:“Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên tòa này 50.000 rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật”.

Nói xong, ông cởi mũ của mình ra và đưa cho cô thư ký: “Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo”.

Cuối cùng, bà cụ đã nhận được  3,5 triệu rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu rupiah tiền bồi thường, bà lão run run vì vui sướng.

Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên tòa trong hạnh phúc của tất cả mọi người.

Trên đây là mẩu tin được phổ biến trên internet. Ông thẩm phán chủ tọa phiên tòa là một người thông minh, tài năng và đức độ. Từ một tình huống tưởng chừng khó khăn mà ông giải quyết giữa lý và tình làm cho mọi người đều cảm thấy hạnh phúc.

 Khi luật pháp thất bại trong việc biện minh cho trường hợp bà lão, ông chủ tọa phiên tòa đã cầu cứu đến đạo đức. Không có đạo luật nào kết tội không ngăn cản được sự phạm tội của người khác trong trường hợp không liên quan với người phạm tội. Ông chủ tọa không, các người tham dự phiên tòa cũng không. Nhưng xét về mặt đạo đức thì có. Để một người đói rét phải đi ăn cắp thì lương tâm của những người dù không liên quan phải lên tiếng và trong chừng mực nào đó phải có trách nhiệm và ông chủ tọa phiên tòa kết tội mọi người là hợp tình.

Một người phạm pháp có thể dùng mánh khóe gian dối để chạy tội, trốn tránh luật pháp. Nhưng người đó không thể trốn tránh sự trừng phạt của lương tâm. Không thể giết người mà sống yên vui, không thể ngoại tình mà hưởng hạnh phúc ngọt ngào của tình yêu, không thể lừa đảo tiền bạc của kẻ khác mà hưởng giàu sang phú quý…

Làm việc ác chắc chắn sẽ phải bị trừng trị, theo thời gian ác quả sẽ đến. Luật nhân quả luôn luôn đúng, gây nhân ác sẽ nhận quả ác.

Ở đây ta thấy sự khác biệt giữa luật pháp và đạo đức. Liệu luật pháp không cần đến đạo đức, nhất là đạo đức Phật giáo?

Với luật pháp, không vi phạm những điều quy định trong các bộ luật tức là người lương thiện; pháp luật chỉ trừng trị những tội phạm có hành vi phạm pháp.

Người Phật tử bình thường giữ gìn năm giới là có thể ngăn chặn những tội lỗi còn manh nha từ trong ý tưởng. Nói cách khác, giới pháp đã ngăn chặn từ xa, từ gốc rễ.

Nhưng vượt trên tất cả mọi lý luận của con người, tôi có lòng tin của một người bình dân Việt Nam rằng đã có Ông Bụt hiện thân làm ông chủ tọa phiên tòa để giúp đỡ kẻ khốn cùng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.