GN - Một tu sĩ Phật giáo đồng thời là vận động viên môn Kabaddi là hiện tượng hiếm, rất ít gặp trong xã hội Nhật Bản; nhưng sư Takamitsu Kono đang nỗ lực hết mình để hoàn thành cũng như cân bằng nhiệm vụ khi nắm giữ cả 2 vai trò này. Thầy Kono, hiện 25 tuổi, trưởng thành và được xem là thế hệ tu sĩ Phật giáo thứ 3 của đất nước Nhật Bản.
“Trở thành một tu sĩ Phật giáo đã tạo cho tôi cơ hội để có thể học cách tập trung tốt hơn cho Kabaddi và giúp tôi giữ được bình tĩnh trong mỗi trận đấu căng thẳng”, thầy Takamitsu Kono tâm sự.
Cách nay vài năm, Kono vô cùng hứng thú khi tiếp cận thông tin về môn Kabaddi được đăng tải trên website của Trường Đại học Tai Sho, nơi thầy nhận được bằng cử nhân Phật học. Kể từ đó, Kono thường vào xem các đoạn video trên mạng dạy cách luyện tập và thi đấu Kabaddi rồi dần dà gắn bó với môn thể thao này.
“Lúc đó tôi mới 18 tuổi và vẫn chưa có những quyết định cụ thể đối với Kabaddi, chỉ luyện tập vì đam mê và rèn luyện sức khỏe. Nhưng sau một thời gian, Kabaddi trở nên thân thiết và tôi đã trở thành vận động viên chuyên về Kabaddi khi nào không hay. Giai đoạn này, cha tôi là người huấn luyện, giúp tôi hiểu biết những động tác và phương pháp thi đấu đơn giản nhất của Kabaddi”, thầy Kono nhớ lại.
“Sau đó, Keijun Ito, một vận động viên Kabaddi đẳng cấp của Nhật Bản, biết được niềm say mê tôi, nên đã phát tâm làm huấn luyện viên chuyên nghiệp cho tôi, giúp tôi cải thiện rất nhiều trong quá trình luyện tập và nâng cao chất lượng thi đấu”.
Cũng theo thầy Kono, thông qua sự huấn luyện của Keijun Ito, tất cả mọi vận động viên, bao gồm thầy, nhận được những bài học giá trị của Kabaddi. Theo đó, sự gắn kết và tinh thần làm việc nhóm trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu đối với mỗi người tham gia bộ môn này.
Bằng tinh thần cầu thị, nỗ lực và luyện tập không ngừng, thầy Kono được mời tham gia và trở thành vận động viên đội tuyển Nhật Bản tham dự giải vô địch Kabaddi thế giới năm 2016 vừa qua. Trong giải đấu đó, Kono giữ vị trí thứ 8 của nhóm các vận động viên thủ lĩnh.
Chính niềm đam mê và sự cống hiến đối với Kabaddi đã thôi thúc thầy phải cố gắng di chuyển 3 lần trong tuần, từ tự viện trú xứ của thầy ở Saitama lên Tokyo, nơi có 20 vận động viên quốc gia Nhật Bản đang luyện tập và thi đấu hàng ngày.
Thầy Kono còn cho biết, Kabaddi không phải là môn thể thao phổ biến tại Nhật Bản nhưng nhờ giải vô địch Kabaddi 2016 mà số lượng người Nhật quan tâm, luyện tập trở nên đông đảo hơn. “Hiện tại đã có nhiều đội tuyển Kabaddi được thành lập trong trường đại học trên khắp nước Nhật”, Kono chia sẻ.
Đề cập tinh thần của đội tuyển Kabaddi Nhật Bản, thầy Kono khẳng định nơi này “giống một gia đình hơn là một đội tuyển. Tất cả mọi người luôn thân thiện và tốt bụng. Chúng tôi có nhiều niềm vui, sự tin tưởng và đoàn kết suốt thời gian qua”.
Đội tuyển mà thầy Kono tham gia đang được dẫn dắt bởi Arjuna và Ashok Shinde, những huấn luyện viên chuyên nghiệp có thành tích cao và được giới đam mê Kabaddi kính trọng.
Kabaddi là một môn thể thao thi đấu với 7 VĐV ở mỗi bên, chơi trong thời gian 40 phút với 5 phút nghỉ giải lao. Trò chơi ghi điểm bằng cách tấn công vào sân của đối phương và chạm vào càng nhiều đối thủ càng tốt mà không bị bắt. Người tấn công vừa hô Kabaddi! Kabaddi! Kabaddi! vừa tấn công sang sân đối phương và cố gắng chạm vào đối phương gần nhất với mình, trong khi 7 đối phương lại cố bắt giữ người tấn công. Kabaddi là trận đấu của 1 người chống lại 7 người. Từ một trò chơi dân gian Ấn Độ, Kabaddi dần du nhập vào các nước Nam Á những năm 1930 và phát triển thành môn thể thao được ưa thích như ngày nay. Đến nay, Kabaddi đã có luật chơi cố định. Trò chơi này gần giống với trò chơi “u” dân gian của trẻ em Việt Nam. |
Sơn Thoại (theo The Indian Express)