"Nhà sư & iPhone 6": Không còn là chuyện của “thế giới ảo”

GN - Những ngày gần đây, trên các diễn đàn mạng xôn xao quanh việc ĐĐ.Thích Thanh Cường (Trưởng BTS GHPGVN huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) đưa hình ảnh của mình với chiếc iPhone 6 lên Facebook cá nhân. Việc làm này không còn là chuyện trên “thế giới ảo”, đã ảnh hưởng tới cách nhìn, cách nghĩ, lòng tin của nhiều người đối với tu sĩ Phật giáo.

Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi sự việc này với TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS, Chánh Thư ký Ban Tăng sự T.Ư GHPGVN, Thượng tọa cho biết:      
thich-duc-thien.jpg

TT.Thích Đức Thiện

Ngay sau khi sự việc xảy ra, tôi đã liên hệ với ĐĐ.Thích Thanh Cường qua điện thoại, chỉ ra những sai phạm. Những việc làm của ĐĐ.Thanh Cường đã làm cho mọi người hiểu sai lệch hình ảnh tốt đẹp trong đường lối tu tập của Tăng Ni, tạo hiệu ứng xã hội không tốt trên cộng đồng mạng, khiến một số người quá khích lấy cớ đó mà quy chụp lên Phật giáo, ảnh hưởng đến thanh danh của GHPGVN. Tôi có chỉ cho Đại đức ấy thấy rằng, việc làm đó dù cho vô tình hay cố ý thì cũng rất nghiêm trọng.

Các báo đài ở London, Đài BBC đã điện thoại về Trung ương GHPGVN để xin phỏng vấn về việc này, cho thấy sự việc không chỉ dừng lại ở trong nước, mà đã lan ra cả nước ngoài.

ĐĐ.Thanh Cường đã thừa nhận sự sai trái của mình và nói rằng xin sám hối trước Hòa thượng Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hải Dương và sám hối trước toàn thể Tăng Ni cả nước về hành động đó.

Ngày 2-10 vừa rồi, GHPGVN tỉnh Hải Dương đã họp phiên thường trực của Ban Trị sự để giải quyết vấn đề liên quan tới ĐĐ.Thích Thanh Cường. Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Hải Dương đã nghiêm khắc phê bình những việc làm sai trái của ĐĐ.Thanh Cường. Căn cứ vào Hiến chương GHPGVN và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, đã đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng là cảnh cáo, tạm thời vẫn giữ nguyên những chức vụ của ĐĐ.Thanh Cường.

Thưa Thượng tọa, vậy ĐĐ.Thích Thanh Cường sai ở điều gì? Phải chăng người xuất gia không được phép tiếp xúc, sử dụng những sản phẩm công nghệ cao?

- TT.Thích Đức Thiện: GHPGVN không phản đối việc người xuất gia tiếp xúc hay sử dụng các sản phẩm công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đạo Phật không bao giờ phủ nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong công cuộc hoằng pháp, truyền bá Chánh pháp ngày nay, sự trợ giúp từ nhiều sản phẩm công nghệ hiện đại đã giúp công việc hóa độ chúng sinh dễ dàng hơn, nhanh hơn, sức lan tỏa rộng lớn hơn. Chẳng hạn, những đĩa CD, MP3, video đã giúp bài giảng đi xa hơn, thuận tiện cho những người bận rộn không thể trực tiếp đến chùa nghe giảng.

Các nhà sư cũng trang bị laptop, điện thoại smartphone để gửi mail, điện thoại truyền và thu nhận thông tin nhanh hơn, lên mạng đọc tin tức, cập nhật đời sống xã hội để hướng dẫn cho Phật tử là điều phù hợp. Về giao thông cũng vậy, Tăng Ni có thể sử dụng các phương tiện đi lại như máy bay, xe ô-tô để đi xa, đi nhanh, kịp làm những công việc Phật sự hay hoằng pháp.

Vấn đề ở đây là, đạo Phật không chủ trương theo đuổi nhu cầu vật chất, mà hướng đến việc tu tập để đạt đến sự thanh tịnh trong tâm của mình. Với Tăng Ni, tài sản duy nhất chỉ là mấy tấm y, mấy tấm cà-sa thôi, còn mọi thứ đồ vật khác không được coi là tài sản của người tu hành, mà chỉ là phương tiện. iPhone 6, hay kể cả sau này là có iPhone 10 thì những thứ đó cũng chỉ là phương tiện mà thôi.

iphone-ae815.jpg
Sau khi nhà sư Thích Thanh Cường đưa hình ảnh này
lên Facebook, dư luận đã nổi sóng, nói đây là hình ảnh phản cảm

Những nội dung của ĐĐ.Thanh Cường đưa lên Facebook cùng với hình ảnh chiếc điện thoại iPhone 6 đã dẫn tới sự phản cảm trong nếp nghĩ của quần chúng vốn quen với việc thanh bần, giản dị của người tu theo Phật. Song, tôi cũng tìm hiểu và được biết ĐĐ.Thanh Cường không sở hữu chiếc iPhone 6 đó, cũng không có chiếc điện thoại Vertu giá 600 triệu đồng như dư luận nêu. Theo Đại đức ấy, những chiếc điện thoại đắt tiền này là của một chủ cửa hàng bán điện thoại ở TP.Hải Dương. Chủ cửa hàng đó mời thầy Thanh Cường đến, nhờ cầm máy điện thoại giả vờ thầy nghe để rồi chụp ảnh. Vì chủ cửa hàng đó là đệ tử của sư Thanh Cường và biết rằng Facebook của Đại đức có hàng nghìn người theo dõi, cho nên nhờ đưa ảnh lên để quảng cáo cho nhiều người biết rằng điện thoại iPhone 6 đã có mặt ở cửa hàng đó. Nhưng những “chia sẻ” của ĐĐ.Thanh Cường về chiếc iPhone 6 cũng như điện thoại Vertu và cả hình ảnh trước đó như mặc áo rằn ri đã khiến dư luận xâu chuỗi lại, tỏ thái độ không hài lòng...

Thượng tọa nhận xét thế nào về nhân thân ĐĐ.Thích Thanh Cường?

- Tôi tìm hiểu, thấy người dân và chính quyền sở tại nơi chùa mà ĐĐ. Thanh Cường trụ trì, thì họ đều nhận xét rất tốt về Đại đức. Đại đức cũng là người làm rất tốt công tác từ thiện xã hội, tham gia vào Hội Chữ thập đỏ, cưu mang những người cơ nhỡ...

Đại đức được Nhà nước và các tổ chức xã hội tặng thưởng nhiều huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen. Nhưng nếu chỉ nhìn vào hiện tượng đưa lên Facebook thì không thể chấp nhận được.

Ngày càng có nhiều Tăng Ni lập Facebook, Thượng tọa nhìn nhận thế nào về tác động lợi hại của Facebook đối với Phật giáo?

- Mọi sự vật hiện tượng đều có tính hai mặt: tích cực và tiêu cực. Facebook có tác dụng tích cực ở chỗ, nếu Tăng Ni, Phật tử dùng mạng xã hội này để truyền bá Chính pháp, trao đổi kinh nghiệm tu tập thì sẽ là điều rất tốt. Nhưng sẽ là sai trái nếu chúng ta dùng Facebook vào nhu cầu cá nhân của mình như trường hợp của ĐĐ.Thích Thanh Cường.

Những “tai nạn” từ Facebook xuất hiện ngày càng nhiều, mà nguyên nhân gần như vô tình. Không phải ai cũng nhận rõ hình ảnh nào tốt, hình ảnh nào xấu, hình ảnh nào lợi, hình ảnh nào hại trước khi đưa lên Facebook. Giáo hội không cấm Tăng Ni sử dụng Facebook, nhưng khuyến cáo các Tăng Ni trẻ phải sử dụng Facebook cho lợi ích hoằng dương Chính pháp chứ không phải dùng Facebook để đưa hình ảnh của mình lên một cách “vô tư” - làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Tăng Ni nói chung.

Qua sự việc này, Giáo hội có bài học gì về công tác quản lý Tăng Ni, thưa Thượng tọa?

- Về sự việc vừa qua, ĐĐ.Thích Thanh Cường chỉ là một cá thể trong giới tu hành ở Việt Nam, suy nghĩ và hành động của Đại đức không đại diện cho đường lối tu hành của Tăng Ni, Phật tử ở Việt Nam. Sự việc chỉ là một hạt bụi rất nhỏ đối với hình ảnh của Giáo hội. Vì vậy, không nên lấy sự việc này để nói rằng công tác Tăng sự của Giáo hội có vấn đề.

thich_thanh_cuong.jpg
Những hình ảnh của ĐĐ.Thanh Cường được đưa lên Facebook là "không thể chấp nhận được", TT.Thích Đức Thiện nhận xét. Nhiều ý kiến trong dư luận đã lên án gay gắt, cho đó là những hành vi phản cảm, không phù hợp với người xuất gia, huống nữa là người đang là Trưởng BTS Phật giáo một huyệt ở tỉnh Hải Dương (hình ảnh trên Facebook của ĐĐ.Thanh Cường được các trang mạng, báo chí khai thác và chỉ trích)

Các anh chị phóng viên nếu có tâm huyết, đi xa hơn một chút - về các ngôi chùa nông thôn, miền núi, hay ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấy hình ảnh của các nhà sư sớm tối với tiếng chuông và tiếng mõ cầu nguyện cho quốc thái dân an, mở trường học dạy trẻ, chia sẻ những khó khăn với cuộc sống của người dân nơi mà họ trụ trì. Nếu các phóng viên có cơ hội được ra các ngôi chùa ở các đảo trong huyện đảo Trường Sa - Khánh Hòa của Việt Nam, sẽ thấy hình ảnh các nhà sư nơi đầu sóng ngọn gió chia sẻ những khó khăn với người dân, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biển đảo của Tổ quốc.

Đại đa số các Tăng Ni hiện nay gắn liền với hình ảnh thanh tịnh, đạm bạc với  màu áo vàng áo nâu rất đẹp, ăn sâu vào trong quần chúng Phật tử và bà con nhân dân.

Chu Minh Khôi thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.