Nhà sư giúp đỡ các thanh niên, gia đình nghiện ngập

GNO - Mỗi buổi sáng ở cực bắc của Thái Lan, một đoàn các nhà sư cưỡi trên lưng ngựa rời khỏi ngôi chùa trên đỉnh núi thuộc vùng Tam giác vàng khét tiếng của vương quốc này để khất thực.

Các nhà sư này đang nỗ lực giúp đỡ những thanh niên trẻ ở khu vực bị ma túy tàn phá này thoát khỏi nghiện ngập thông qua việc cưỡi ngựa, boxing Thái và thiền định.

Các nhà sư đã trở thành nhân viên hoạt động xã hội trong các khu vực bị cô lập, nơi có rất ít các dịch vụ chính phủ tiếp cận (ảnh).

vch 1.jpg

Sau khi nổi tiếng về thuốc phiện và heroin, loại ma túy chủ yếu được sản xuất và buôn bán qua khu Tam giác vàng hiện tại là methamphetamine.

"Tôi hầu như không có thức ăn để ăn bởi vì cha tôi là một người nghiện ma túy và không làm việc", Ponsakorn Mayer, một trong những người sơ cơ cưỡi ngựa dọc theo sườn núi dốc đứng bao quanh tu viện mỗi ngày cho biết.

Giống như nhiều thanh niên trẻ trong vùng núi này, nơi tràn lan việc buôn bán ma túy hủy diệt thế hệ tương lai, chú đã tìm cách lánh nạn tại chùa Ngựa Vàng.

Hiện tại, một ngày của chú gồm có thiền, cưỡi ngựa và đấm bốc truyền thống Muay Thái.

Nằm trên một ngọn núi xanh và tươi tốt ở tỉnh Chiang Rai cực bắc của vương quốc, ngôi chùa nằm ở trung tâm của cái gọi là Tam giác vàng - một khu vực bao gồm một phần miền bắc Thái Lan và các nước láng giềng Myanmar và Lào.

Với việc chăm sóc ngựa và tập luyện, tu viện nhằm mục đích khuyến khích các chàng trai trẻ, những người đến từ các gia đình địa phương bị ảnh hưởng bởi việc nghiện ma túy, bên cạnh các lớp học chính thống hơn được cung cấp bởi nhà chùa.

Đa số tu sĩ sơ cơ thường bị suy dinh dưỡng khi đến ngôi chùa này, là trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi bởi các bậc cha mẹ nghiện ngập.

"Người dân nơi đây có cuộc sống khó khăn, đó là một phần lý do tại sao họ thường dùng ma túy và đánh nhau để chăm sóc cho con cái của họ", trụ trì chùa Pra Sutipong nói.

Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm ước tính rằng mỗi năm, trong khu vực này, hơn 1,5 tỷ viên yaba - tên tiếng Thái cho một loại thuốc có chứa methamphetamine và caffeine - được sản xuất.

Điều này diễn ra chủ yếu ở các phòng thí nghiệm di động nhỏ trong vùng rừng núi hẻo lánh ở bang Shan ở nước láng giềng Myanmar.

"Ma túy là vấn đề lớn ở khu vực phía bắc của Thái Lan... nơi không có đủ các trung tâm phục hồi chức năng", ông Apisak Wittayanookulluk, Phó giám đốc trung tâm cai nghiện Thanyarak ở Chiang Mai cho biết. "Việc phòng bệnh cần được phát triển, đặc biệt là trong các trường học, trong khi hiện nay cả người dùng lẫn người bán ngày càng trẻ hơn", ông nói.

Tại ngôi chùa này, những tu sĩ sơ cơ dành nhiều thời gian để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên hàng ngày: cho ăn và chăm sóc những con vật, đặc biệt là ngựa. Họ cũng nghiên cứu các vấn đề cơ bản về sản xuất nông nghiệp và canh tác.

Mục tiêu tối hậu của chương trình, các nhà sư tại chùa nói, là cung cấp một ý thức kỷ luật và giúp các em nhận thấy trách nhiệm của mình đối với cuộc sống của riêng mình.

Văn Công Hưng (Theo The Straitstimes)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.