Nhà chùa - trại mồ côi cho người già

GNO - Trung Quốc có dân số lão hóa nhanh nhất trong lịch sử nhân loại nhưng nhà nước lại cung cấp rất ít sự hỗ trợ cho người cao tuổi. Theo truyền thống, cha mẹ già được chăm sóc bởi con cái nhưng ở Trung Quốc ngày nay không phải luôn luôn như vậy.

Trung Quốc có rất nhiều trại trẻ mồ côi cho trẻ em. Nhưng chùa Ji Xiang lại có một mục đích hoàn toàn khác - đó là một trại mồ côi cho người già.

a vch 1.jpg


Chùa Ji Xiang - nơi nương tựa của người già

Nằm trên ngọn núi cao ở tỉnh Phúc Kiến, ngôi chùa có tất cả những điều mà bạn có thể mong đợi để nhìn thấy trong một khu bảo tồn Phật giáo.

Nhưng nhìn kỹ sẽ thấy những thứ khác đặc trưng của ngôi chùa này: tay vịn dọc theo các nấc thang và các hàng chai thuốc trong các tủ trong sảnh đường.

Hàng chục người cao tuổi đang sống những năm cuối đời ở đây. Nhiều người quá nghèo để đi nơi khác. Những người khác không có con cái chăm sóc. Nhưng hầu hết chỉ đơn giản là bị gia đình bỏ rơi. Trong các cộng đồng nghèo khổ, khi họ không còn có thể làm việc được, họ được coi là một gánh nặng.

"Trong khu vực này, hiếu nghĩa không phải là vấn đề quan trọng", Ni sư Neng Qing, trụ trì ngôi chùa giải thích. "Người già đang thực sự đau khổ. Trong một ngôi làng lân cận, có một cụ già có 8 người con. Mỗi buổi sáng, ông đi đến từng gia đình của các con nhưng thậm chí không ai mời ông vào trong dùng bữa sáng. Dân làng đã liên hệ với chúng tôi, nhưng nó đã quá muộn. Anh ấy đã tự tử".

Ở tuổi 81, Ni sư Neng Qing vẫn điều hành toàn bộ hoạt động của nhà chùa, vào các làng để giúp đỡ những người cao tuổi đang chết dần vì thiếu sự chăm sóc.

"Thật đau lòng khi chúng tôi đến đón những cụ già này từ chính ngôi nhà của họ bởi vì một trong số họ đã bị bệnh trong một thời gian dài. Có trường hợp con dâu buộc chồng phải bỏ mẹ của mình, vì họ đã mất khả năng làm việc. Họ trong tình trạng sức khỏe xấu đến nỗi chúng tôi phải mang họ ra trên một cái cáng, nhưng sau đó chúng tôi đã chăm sóc họ khỏe mạnh trở lại".

Ngôi chùa tuân thủ một lịch trình nghiêm ngặt, bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng mỗi ngày. Tất cả mọi người đều phải thức dậy để học kinh điển. Một buổi lễ tụng kinh kéo dài một giờ sau bữa ăn sáng. Các hoạt động tương tự khác vẫn tiếp tục trong suốt cả ngày: đọc, tụng kinh, ăn uống, nghỉ ngơi, cho đến khi đi ngủ lúc trời tối.

"Tất cả chúng tôi chăm sóc lẫn nhau", Ni sư Neng Qing nói. "Tôi từng thức giấc 2 lần mỗi đêm để thay đổi các miếng đệm sưởi ấm dưới giường cho các cụ, nhưng hiện tại họ giúp đỡ lẫn nhau. Người 80 tuổi giúp người 100 tuổi".

Toàn bộ nơi đây thật sạch sẽ và trật tự đến nỗi dễ dàng quên rằng nhiều cụ đã trốn khỏi một cơn ác mộng.

Hai chị em chia sẻ một căn phòng trên tầng trệt là một ví dụ hoàn hảo, cụ Shi Yuping 92 tuổi và cụ Shi Guazi 86 tuổi.

"Không ai chăm sóc tôi ở nhà. Bốn đứa con trai của tôi đã không chăm sóc tôi", cụ Shi Guazi nói. "Nhà của tôi không tốt như nơi này. Nếu tốt, tôi sẽ ở lại đó".

Khi đến chùa, cụ Shi Guazi rất gầy vì các con của cụ không cho cụ ăn hơn 1 bát cơm mỗi ngày.

Một năm sau đó, người chị cũng theo cụ đến ở trong chùa, và trong thập kỷ qua, họ đã sống với nhau trong ngôi chùa này.

Nhiều người lo lắng ai sẽ chăm sóc cho phần đời còn lại của những người cao tuổi, hiện đang ở con số 220 triệu người. Trung Quốc có dân số lão hóa nhanh nhất trong lịch sử nhân loại, theo Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2050, hơn 40% dân số sẽ trên 60 tuổi.

Văn Công Hưng (Theo BBC News)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.