GN - Những người trẻ bắt đầu đến chùa do sự kết nối bởi bạn bè, gia đình... Từ đó, họ biết đến những lời pháp, như dòng suối an lạc tuôn chảy một cách hồn nhiên, giản dị - họ tìm thấy mình...
Từ những duyên lành
PV làm một khảo sát nhỏ với các bạn trẻ đang là sinh viên, mới đi làm, các bạn đều cho biết bản thân biết tới đạo Phật từ “kênh” bạn bè rủ, gia đình bắt buộc đi rồi thích.
Hiện làm điều dưỡng tại EmCas Hospital, bạn Nguyễn Nhi kể, do bạn bè nói đi chùa sẽ được chơi rất vui, được đi cắm trại, được ngủ trong lều, nghe pháp, thấy hay quá nên gắn bó thân thiết. Đó là cách đây 6 năm. Còn bây giờ, Nhi cho biết rất thích đi chùa, thích nghe thầy giảng pháp, bởi có những bài giảng nội dung rất thực tế những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống của người trẻ.
Nơi bình an để người trẻ tìm về - Ảnh: BS
Nhi bộc bạch: “Bài giảng của quý thầy đưa ra vấn đề, có gợi ý phương cách giải quyết và quan trọng nhất là thời lượng thầy giảng ngắn nên tôi có thể nghe được vì bản thân không có nhiều thời gian”.
Theo Nguyễn Nhi, sau khi nghe thầy giảng, bản thân bạn biết điều chỉnh trong công việc: “Trước đây khi giao tiếp tôi nói rất ngắn gọn, không có cảm xúc, nhưng giờ, khi tiếp xúc với bệnh nhân tôi đã nhẹ nhàng hơn, dùng ái ngữ nhiều hơn, thể hiện sự ân cần trong lời nói - tất cả đều có tiếng dạ, thưa và kèm theo hành động rất lễ phép”.
Khi thực tập những điều thầy gợi ý Nhi khoe, thấy cuộc sống mình thú vị, mình trở nên chu đáo hơn trong công việc.
Cũng được bạn bè giới thiệu đến chùa cách đây 6 năm, bạn Cao Hoàng Ngân đang học sau đại học Trường Đại học Y Dược TP.HCM thật thà “khai” với phóng viên rằng, lúc đầu thích đến chùa vì có cảnh đẹp, mang lại cảm giác bình an. Sau đó bạn mới tìm hiểu Phật giáo qua kinh sách, internet, tham gia công quả dưới sự hướng dẫn của bạn mình.
Khi học Phật, Ngân thấy sao? “Tôi luôn cố gắng tập trung vào việc mình làm vì biết rằng quả ngày mai mình nhận là do nhân mình gieo hôm nay. Học Phật giúp tôi để tâm vào việc đang làm, bớt xao nhãng. Tôi không ngạc nhiên với sự thay đổi của sự vật xung quanh và trân quý những gì mình đang có, xóa bỏ bớt định kiến, áp đặt, hiểu được yêu thương chính là làm người mình thương hạnh phúc, có hiểu mới có thương. Khi gặp khó khăn tôi cũng bình tĩnh đối diện, bớt oán trách bởi biết đó là quả xấu do mình gây ra, và việc mình phải làm là thay đổi mình hiện tại, bình tĩnh rồi cũng vượt qua”.
Ngân cũng thường nghe thuyết giảng từ nhiều vị thầy, nhưng thích nghe về đề tài kinh Pháp hoa.
Bạn Phạm Minh Tuấn hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Cần Thơ thì chia sẻ, biết đến chùa từ nhỏ - do gia đình “bắt đi”, rồi được hướng dẫn sinh hoạt Gia đình Phật tử nên ít nhiều cũng có vốn liếng giáo lý Phật dạy. “Tuy chưa sâu sắc nhưng mọi khó khăn khi gặp phải tôi luôn dùng những gì mình được học từ giáo lý nhà Phật để gỡ từng nút thắt của mình”.
Minh Tuấn chia sẻ thêm, ngoài việc được học những lời Phật dạy, cũng như những kỹ năng sống từ sinh hoạt Gia đình Phật tử, bạn thường nghe thuyết pháp từ kênh YouTube.
Trong khi đó, bạn Trần Đỗ Phương Uyên, đang làm nghiên cứu sinh ngành Điện - Điện tử ở Đại học Bách khoa Grenoble (INPG) tại Grenoble (Pháp) cho biết, ban đầu chỉ là thụ động (do được mẹ dẫn đi chùa), đến khi được sinh hoạt Gia đình Phật tử và lên đại học mới chủ động tìm hiểu về đạo Phật.
Uyên cho hay, nhờ học Phật đã tập được tính kiên trì, nhẫn nại, khi đối diện khó khăn không dễ nản lòng - “điều này giúp việc học tập cũng như công việc của tôi được suôn sẻ. Ngoài ra, học Phật giúp tâm tôi tĩnh lại, cư xử với mọi người hòa nhã hơn, giúp mối quan hệ với mọi người xung quanh tốt hơn”, Uyên mở lòng.
Đạo Phật nên tươi mới hơn…
Khi hỏi các bạn có thích đến chùa tụng kinh không, các bạn đều trả lời là thích, vì qua đó trang bị cho mỗi bạn thêm hiểu biết, được nhận nguồn năng lượng bình an và ý thức hơn mình là Phật tử. Tuy nhiên, các bạn cũng thật tình nói với chúng tôi, nếu chỉ có tụng kinh không thì chưa đủ.
Bạn Hoàng Ngân từng tham gia khóa tu một ngày - chủ đề “Có mặt cho nhau”, nhận định, khóa tu giúp bạn trở về với chính mình, lắng nghe bản thân, xóa bỏ những lo lắng, giận hờn không đáng có, tâm bình an hơn nên yêu thương, biết ơn nhiều hơn và hạnh phúc với từng khoảnh khắc mình đang sống.
Theo Ngân, cần tổ chức nhiều chương trình Phật học cho sinh viên, người trẻ vì đây là đối tượng dễ tiếp thu và thực hành giáo pháp Đức Phật nhất.
Bạn trẻ dự Hội trại Tuổi trẻ Phật giáo chủ đề "Tuổi thanh xuân" - Ảnh: BTC
Người trẻ thường ham học hỏi, có niềm tin - chánh tín, ít sự ràng buộc nhưng thường cảm thấy áp lực, thấy chênh vênh và cô đơn nên dễ có những lối đi sai lầm dẫn đến sai cả đoạn đường sau này. Phật pháp cho người trẻ chính là giúp cho xã hội tốt đẹp hơn, Ngân nói và góp ý thêm: khi giảng cho người trẻ, đầu tiên là kiến thức Phật pháp được hướng dẫn theo cách khoa học và nhân văn; thứ hai là nắm bắt nhu cầu giao tiếp, lắng nghe và được chia sẻ, thực tập yêu thương từ người trẻ. Tiếp nữa là nhu cầu phụng sự xã hội như hoạt động từ thiện, phát triển đạo Phật. Cuối cùng là sự bình yên, an toàn.
“Tôi nghĩ việc đưa thông tin, lịch trình các khóa tu lên mạng xã hội sẽ giúp bạn trẻ biết đến, dễ dàng tìm đến các khóa tu hơn”, Ngân chia sẻ.
Nguyễn Nhi thì nhận xét: “Gần đây tôi được tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử, hệ thống tổ chức rất hay, mọi người rất yêu thương nhau. Tôi mong sẽ nghe được quý thầy thuyết giảng nhiều hơn về kỹ năng sống, kỹ năng lắng nghe, giải quyết vấn đề khi gặp phải theo phương cách đạo Phật”.
Giống Nhi, Phương Uyên chọn hình thức sinh hoạt Gia đình Phật tử vì nơi đây vừa dạy cho bạn những bài học Phật, tụng kinh, còn có nhiều kỹ năng mềm, kỹ năng giải quyết vấn đề, thích nghi với môi trường sống. Thêm nữa, được tu học vừa được sinh hoạt trong môi trường các bạn đồng trang lứa, cùng phấn đấu giúp Uyên dễ tiếp thu hơn và có thêm nhiều động lực. Nhờ đó, Uyên học được cách sống sao cho hòa hợp cùng cộng đồng hơn.
“Trong các buổi ngồi cùng nhau, các anh chị lớn với những kinh nghiệm của riêng mình giúp chúng tôi có thêm nhiều góc nhìn khác về cuộc sống. Tôi rất thích các buổi học như thế và thấy điều này cũng khá cần thiết, nhất là cho các bạn trẻ mới bước vào đời như tôi”, Phương Uyên bộc bạch.
Đạo Phật đến với người trẻ cần những phương pháp tươi mới, Uyên góp ý và khẳng định rất thích lối giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, vì đem đạo vào đời. “Ngoài ra, gần đây cũng có nhiều bài giảng của các thầy trẻ được lan truyền rộng trong giới trẻ, quý thầy thông qua các vấn đề mà giới trẻ quan tâm để lồng ghép giảng các nội dung Phật học, điều này không những thu hút người trẻ mà còn giúp họ dễ hiểu, nhớ lâu”, Uyên cho biết. Đồng thời, công nghệ phát triển thì các bài giảng này sẽ càng dễ dàng đến được với nhiều người hơn, đó cũng là điều Uyên thấy rõ lợi thế của việc hoằng pháp trong không gian mạng ngày nay.
Vị thầy dẫn lối rất quan trọng! “Tu sĩ có vai trò rất quan trọng bởi chính các vị là hình mẫu sống động của Phật và Pháp, là những người trực tiếp hoặc gián tiếp giúp tôi tiếp xúc tâm linh với Đức Phật, hướng dẫn tôi trên con đường tu tập, đưa tình ‘thương mà chẳng vấn vương’ của đạo Phật hiện diện ngay trong cuộc sống”. Cao Hoàng Ngân “Vai trò của tu sĩ trong việc học Phật của Phật tử là quan trọng. Trong đạo Phật có nhắc đến 3 ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng. Tu sĩ là người đại diện cho Tăng đoàn, người đại diện cho Phật, thay mặt Phật để giáo hóa chúng sanh, hướng dẫn chúng sanh đi vào con đường chính đạo, tiến tới Giác ngộ. Các tu sĩ đã qua quá trình học tập và thực hành pháp nhuần nhuyễn, do đó nếu được nghe các thầy giảng pháp thì ta có thể hiểu sâu, rộng và nhanh hơn mình tự tìm hiểu”. Phương Uyên |
Như Danh
_________
Bài sau: Những người trẻ làm giỏi và tu hay sẽ kể câu chuyện thú vị của chính mình như lời sách tấn người biết Phật cần nỗ lực hơn, cũng là lời mời gọi “bạn hãy thử tìm hiểu Phật pháp đi, sẽ thấy giá trị vô cùng”…