Người trẻ làm báo Giác Ngộ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1134 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1134 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Hàng năm, nhiều bạn trẻ là sinh viên năm cuối khoa báo chí của các trường đại học được gửi đến thực tập tại báo Giác Ngộ. Trong đó, một vài bạn đã trở thành phóng viên chuyên nghiệp.

Chuyên mục Bạn trẻ số báo 1134, phát hành ngày 31-12 dành giới thiệu 4 gương mặt cộng tác viên cùng năm sinh 2001, cùng những chia sẻ của chính họ với tờ báo Phật giáo nhân kỷ niệm 46 năm ngày ra số đầu tiên.

Lương Hoàng Yến Anh: “Báo Giác Ngộ là nơi khơi nguồn đam mê, sống tử tế”

Tôi trở thành cộng tác viên của báo Giác Ngộ khi còn là sinh viên năm 2. Ở đây, tôi được học hỏi thêm cách làm thế nào để viết một bài báo cho đúng, cũng như cách khai thác thông tin nhân vật, truyền tải nội dung và cảm xúc qua từng con chữ. Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu bài viết của tôi được đăng trên báo; cái cảm giác ngồi nhìn mẹ đọc bài viết của mình, tôi không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả.

Cộng tác với Giác Ngộ, tôi được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các anh chị biên tập viên. Có những bài cặm cụi đến trời sáng, có những bài phải sửa đi sửa lại ba, bốn lần, nhưng thành quả mà tôi nhận lại còn nhiều hơn thế nữa. Tôi thấy mình trưởng thành hơn sau từng bài viết, trưởng thành trong cách viết, trong cả suy nghĩ và nghiêm túc hơn với công việc này.

Lương Hoàng Yến Anh - Ảnh: NVCC

Lương Hoàng Yến Anh - Ảnh: NVCC

Sau một khoảng thời gian viết về mảng giới trẻ cho Giác Ngộ, tôi nhận ra mình không chỉ học hỏi được những kỹ năng làm nghề mà hơn nữa tôi được tiếp cận với nhiều bạn trẻ sống tích cực, góp phần nhỏ giúp sức cho đời.

Thấm thoắt cũng gần 1 năm, tôi làm cộng tác viên của Giác Ngộ. Đối với một sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm như tôi, đây là một may mắn, niềm vinh hạnh. Báo Giác Ngộ như một nơi khơi nguồn đam mê, tạo cảm hứng và động lực để tôi tìm ra nhiều khía cạnh trong cuộc sống và dùng con chữ của mình truyền tải chúng. Để gắn bó được với nghề, chỉ đam mê thôi có lẽ là chưa đủ, mà phải luôn cố gắng hơn nữa để đồng hành với “cái mới”, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn.

Lê Hà Duyên: “Báo Giác Ngộ - nơi nuôi dưỡng cái thiện trong tôi”

Nghề báo vốn là một nghề luôn gắn liền với những trải nghiệm và đòi hỏi người làm nghề có sự va chạm, dấn thân nhiều vào thực tế. Đó không phải là một điều dễ dàng với một sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm như tôi. Tại Giác Ngộ, tôi được viết những bài báo đầu tiên, được thấy tên mình ở mục tác giả - một điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại là niềm vui, động lực và sức mạnh lớn lao cho những bước chân đầu tiên của tôi trên hành trình này.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ mình đã lo lắng đến mức nào trong lần đầu tiên liên hệ nhân vật, bối rối ra sao khi chính thức tác nghiệp tại hiện trường. Nhưng thông qua đó, tôi dần gỡ bỏ đi những bỡ ngỡ, ái ngại ban đầu và cảm thấy quen thuộc, tự tin hơn. Tôi cũng cảm nhận sự trưởng thành của bản thân qua từng con chữ mình viết, từng tấm ảnh mình chụp. Vụng về có, thiếu sót có nhưng tôi cảm thấy biết ơn khi những vụng về, thiếu sót đó được cảm thông, sửa chữa để cho ra những bài viết ngày càng tốt hơn.

Không chỉ dừng ở khía cạnh làm nghề, việc đồng hành cùng Giác Ngộ trong thời gian qua cũng giúp tôi “ngộ” ra rất nhiều trên chặng hành trình tìm kiếm bản ngã của chính mình. Tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều con người, cuộc đời mà ở đó tôi được chiêm nghiệm, được học hỏi nhiều điều từ câu chuyện của họ. Cách tôi nhìn nhận bản thân và cuộc sống cũng có sự thay đổi nhất định theo hướng tích cực hơn.

Lê Hà Duyên - Ảnh: NVCC
Lê Hà Duyên - Ảnh: NVCC

Trong bài viết đầu tiên của mình tại Giác Ngộ, tôi có dịp được phỏng vấn một cô giáo Ngữ văn với mong muốn được hiến tạng của mình khi cô mất đi và có một câu nói của cô khiến tôi vẫn nhớ mãi: “Mình chỉ nghĩ, cho đi là còn mãi. Khi đã kiên định với tinh thần ấy, không một rào cản nào có thể ngăn mình làm việc thiện”.

Hay như lần khác, tôi được tiếp xúc với những bạn sinh viên đã vượt hơn 400km để đem đến những món quà ý nghĩa cho bà con nghèo ở Ninh Thuận. Tinh thần thiện nguyện, sự năng động và nguồn năng lượng tích cực ấy đã trở thành nguồn cảm hứng cho tôi, thúc đẩy tôi tham gia nhiều dự án thiện nguyện để giúp đỡ mọi người.

Xin được cảm ơn Báo Giác Ngộ đã cho tôi những trải nghiệm vô cùng quý báu trong thời gian vừa qua.

Trần Hải Hà: “Báo Giác Ngộ là nơi tôi được trải nghiệm và trưởng thành hơn”

Báo Giác Ngộ là môi trường để tôi trưởng thành hơn trên hành trình phát triển và hoàn thiện bản thân mình. Đây không chỉ là nơi những bài viết đầu tiên - đứa con tinh thần của tôi được ra đời, mà còn là nơi rèn luyện để tính trách nhiệm, lòng nhiệt thành trong công việc của tôi được vững chắc hơn.

Nhờ có sự bao dung, chỉ dẫn tận tình của anh chị tại Báo Giác Ngộ, sự động viên, chia sẻ của các bạn đồng nghiệp mà tôi được tiếp thêm sức mạnh tinh thần để cố gắng làm mọi thứ tốt hơn. Giác Ngộ giống như mái nhà bình yên, dịu dàng dẫn dắt cho những bạn trẻ như tôi trưởng thành.

Trần Hải Hà - Ảnh: NVCC

Trần Hải Hà - Ảnh: NVCC

Dù thời gian được gắn bó, cộng tác với Báo Giác Ngộ không dài nhưng đây là môi trường để tôi được đóng góp một phần công sức nhỏ của mình, được nhìn nhận những ưu, khuyết điểm của bản thân, và đặc biệt là được trao cơ hội để tiến bộ hơn qua từng ngày. Qua mỗi bài viết được đăng trên báo, tôi không chỉ cảm nhận được niềm vui to lớn mà còn nhận ra rằng bản thân phải có nhiều trách nhiệm với tác phẩm và độc giả của mình.

Càng làm việc và tiếp xúc nhiều, tôi càng thêm hiểu những giá trị mà báo Giác Ngộ mang đến cho cộng đồng. Qua mỗi trang báo, có thể dễ dàng cảm nhận được bản sắc riêng mà báo luôn gìn giữ qua từng năm tháng. Đó là những giáo lý, những giá trị tích cực được gửi gắm để có thể trở thành những bài học, kinh nghiệm bổ ích cho tôi và bạn đọc trong cuộc sống. Ngoài ra, với tư cách là một độc giả của báo Giác Ngộ, tôi cũng đã được tìm hiểu và học hỏi nhiều hơn về đạo Phật.

Đây cũng là lý do mà khi cộng tác với Báo Giác Ngộ, tôi cảm nhận rất rõ niềm vui được lan tỏa những câu chuyện, những giá trị đẹp đến độc giả, để họ cảm nhận được cuộc sống một cách khách quan, chân thực và tích cực nhất, đồng thời trân trọng, yêu thương những gì hiện hữu xung quanh hơn, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19. Có thể nói, dù là cộng tác viên nhưng những điều mà báo Giác Ngộ mang đến cho tôi lớn hơn rất nhiều so với những điều tôi đã đóng góp. Đó là những giá trị tinh thần rất đáng quý cho tôi trong con đường trưởng thành lúc này.

Huỳnh Ngọc Lan Anh: “Báo Giác Ngộ đem đến cho tôi cái nhìn sâu sắc, tích cực hơn về cuộc sống”

Từ lần đầu tiên cộng tác với Giác Ngộ, tôi luôn muốn dùng ngòi bút của mình giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hay truyền cảm hứng “sống đẹp” đến những người trẻ. Hơn 2 năm cộng tác, tôi dần trưởng qua từng bài biết và nhận được nhiều trải nghiệm quý báu cho con đường theo đuổi hoài bão của mình.

Lúc vừa chập chững bước vào nghề báo, tôi bối rối khi lần đầu tiên được phỏng vấn nhân vật, lo lắng mỗi khi gửi bài về cho tòa soạn. Lắm lúc viết sai rồi lại sửa, vật vã với con chữ nhiều đêm liền, tôi cảm thấy thật may mắn khi những thiếu sót của mình được thông cảm, góp ý từ các anh chị biên tập viên. Thông qua những lần như thế, tôi trưởng thành hơn, tự tin hơn trên hành trình theo đuổi nghề của mình.

Viết bài cho báo Giác Ngộ, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, lắng nghe những câu chuyện của họ và học hỏi nhiều điều từ những câu chuyện đó. Điều đó làm tôi muốn dấn thân vào con đường làm báo này để được nghe, được học nhiều hơn nữa. Cũng chính vì vậy, tôi cảm thấy yêu công việc này và luôn mong muốn gắn bó với nó lâu dài hơn.

Huỳnh Ngọc Lan Anh - Ảnh: NVCC

Huỳnh Ngọc Lan Anh - Ảnh: NVCC

Báo Giác Ngộ đem lại cho tôi cái nhìn sâu sắc hơn về Phật pháp, truyền tải cho tôi những suy nghĩ, quan niệm tích cực hơn về cuộc sống. Cũng nhờ báo, tôi có cơ hội tiếp cận được những bạn trẻ nhiệt huyết, dùng sự tử tế của mình để lan tỏa năng lượng tích cực cho cuộc sống.

Tôi còn nhớ như in lần đầu gặp Thanh Hằng và Thanh Hà – nhân vật trong bài viết Hai ca sĩ “Ốc tiêu” lạc quan giữa đời thường. Tôi khâm phục cách hai chị luôn lạc quan trước mọi hoàn cảnh khó khăn cũng như không khuất phục số phận mà dùng lời ca, tiếng hát của mình phục vụ cho khán giả. Hay những con người “xuôi Bắc, ngược Nam” để giải cứu nông sản giúp đồng bào vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19. Những điều tử tế đó đã truyền cảm hứng cho tôi, thúc đẩy tôi tạo ra nhiều giá trị “tích cực” hơn cho cuộc sống thông qua những con chữ mình viết ra.

Xin cảm ơn báo Giác Ngộ đã truyền “lửa” cho tôi trên con đường thực hiện hoài bão của mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.