GN - Trong những ngày mưa tháng Tám, tôi cùng nhóm bạn quyết định xách ba-lô lên vai, rời Sài Thành phồn hoa, để hòa điệu với cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng đi qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận - chuyến đi 2 ngày 1 đêm ở trong rừng với khoảng 55 cây số.
Tác giả (thứ 3 từ phải qua) và những người bạn trong trải nghiệm
ở Tà Năng - Phan Dũng tháng Tám qua - Ảnh: M.M
Buổi tối sau khi vừa hoàn tất hành trình “chinh phục bản thân”, tôi nhận được tin nhắn trên Facebook của một cậu học trò. Em viết: “Em có theo dõi các chương trình của cô và thích nhất là chuỗi phim ‘Chinh phục đỉnh Fansipan’. Em rất thích chinh phục giống như cô vậy. Em thấy cô rất mạnh mẽ”. Thật “hữu duyên”, khi em ấy tình cờ xem được phim tôi đã làm cách nay gần bảy năm, vào những ngày cuối tháng Chín, khi tôi vừa tốt nghiệp cử nhân báo chí. Chữ “mạnh mẽ” em dành cho tôi cũng thật đúng lúc, quá trình trải nghiệm cuộc sống đã giúp tôi-bây-giờ hiểu sâu sắc hơn tôi-ngày-xưa, về khái niệm “mạnh mẽ” này.
Khái niệm mạnh mẽ mà tôi đang hướng đến chính là sức mạnh từ nội lực bên trong - sức mạnh tinh thần, chứ không chỉ ở thể xác. Sau khi chiêm nghiệm được điều này, tôi đã “rủ rê, lôi kéo” thêm hai cô bạn, tham gia chuyến “du hành kỳ thú” này. Tôi gọi đây là chuyến “du hành kỳ thú” với bọn tôi, bởi hai cô bạn kia, lần này là lần đầu nếm mùi đi bộ với ba-lô khá nặng trên vai trong suốt hành trình, trừ những lúc ăn, ngủ hay vệ sinh trong rừng. Còn tôi thì nhân chuyến đi này, muốn kiểm tra thể lực bên ngoài và nội lực bên trong của mình.
Theo một cách khác, mục đích chuyến đi này của tôi là để “kết nối sâu sắc hơn với thực tại”, chứ không phải để trốn tránh thực tại như nhiều người trẻ hiện nay đang “lao đầu vào” một cách cuồng nhiệt, thông qua những chuyến đi xa.
Tại sao hình thức trekking tưởng chừng như “hành xác”, mà không phải là kiểu nghỉ dưỡng đầy đủ tiện nghi thoải mái cho cơ thể, lại có thể giúp chúng ta “kết nối sâu sắc hơn với thực tại”? Đó là bởi trong gian khổ, bản ngã xấu xí của chúng ta sẽ dễ lộ diện: cáu bẩn, bực tức, khó chịu... Với người có sự tập luyện, chúng ta cần nhận diện nó, và để dễ dàng phát hiện nó, chúng ta nên đặt nó vào những hoàn cảnh khiến nó dễ phát khởi. Còn trong sung sướng đủ đầy, bản ngã xấu xí vẫn được che đậy trong lớp áo hào nhoáng, lừa dối làm chúng ta tưởng nó đang hạnh phúc.
Do vậy, mạnh mẽ chính là khi chúng ta đủ can đảm kết nối sâu sắc với thực tại bên trong mình - là khi chúng ta dám nhận thiếu sót của mình để sửa chữa và khen ngợi điểm mạnh của người để noi theo. Theo định nghĩa này, cho dù bạn chinh phục Everest - nóc nhà của thế giới, hay leo Fansipan cả chục lần, mà khi đối diện với sai lầm của bản thân, bạn lẩn tránh hoặc có xu hướng thích đổ lỗi cho người khác và trốn tránh trách nhiệm cá nhân, thì bạn ơi, bạn vẫn thuộc tuýp người yếu đuối.
Thật ra, tôi chưa phải là người mạnh mẽ lắm đâu. Tôi chỉ đang trên hành trình tự huấn luyện mình thành người mạnh mẽ hơn thôi.
Chúng ta không nên đồng nhất giữa mạnh khỏe và mạnh mẽ. Sau những trải nghiệm này, tôi càng tin chắc rằng: “Chúng ta không chỉ cần mạnh khỏe mà còn cần mạnh mẽ. Mạnh khỏe thiên về nghĩa thân, còn mạnh mẽ chỉ bên trong nhiều hơn”. Mạnh mẽ hay yếu đuối, là sự chọn lựa và có thể luyện tập... Bạn có thể học sự mạnh mẽ từ một nhánh hoa nở toe toét trong rừng, từ nhành cỏ vô danh mọc um tùm ven đường, từ mặt đất khi phẳng lặng khi gồ ghề, lởm chởm luôn thầm lặng nâng đỡ những bước chân ta, vì chẳng cần ai ngợi khen, tâng bốc, chúng vẫn mạnh mẽ sống đúng với vị trí của mình...
Mà ta thử nghĩ xem, có đỉnh núi nào trên thế gian này, cao hơn đỉnh “bản ngã” của chúng ta đâu. Người trẻ có đỉnh núi mang tên “bản ngã trẻ” và người không còn trẻ nữa có đỉnh núi mang tên “bản ngã già nua cứng đầu” nhưng dù ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng cần học cách mạnh mẽ, đúng không?