GNO - Ở ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có một tịnh thất nhỏ ở sâu bìa rừng mà người dân nơi đây quen gọi là chùa Liên Sơn. Ở đây, một vị thầy có dáng người nhỏ, pháp danh Chơn Nguyên đang ngày ngày hướng đạo cho bà con đồng bào dân tộc và gõ cửa khắp nơi để tiếp sức, tìm đường cho các em đến trường. Mái chùa nhỏ của thầy là nơi nương tựa cho khoảng 70 em học sinh nghèo, hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn suốt sáu năm nay…
“Mở đường” cho em tới trường
Từ ngoài quốc lộ, phải vượt qua những đoạn đường đầy bùn lầy, đất đỏ trơn trợt, băng qua chiếc cầu treo gập nghềnh, chông chênh mới đến được nơi thầy Chơn Nguyên đang tu học và hoằng pháp cho bà con. Khoảnh khắc đầu tiên chúng tôi bắt gặp khi đặt chân đến nơi đây là hình ảnh 8 em học sinh nữ tá túc trong căn nhà xây tạm với mái lá, lợp tôl đang chăm chú học bài. Nói là căn nhà nhưng thật chất chỉ là căn phòng tạm bợ, diện tích chỉ đủ để kê hai cái giường nhưng là nơi tá túc mà các em rất trân quý.
“Ở đây mặc dù chật hơn ở nhà nhưng con đi học đỡ cực hơn. Ở nhà là khuya 3 giờ, con phải thức dậy, 3 giờ rọi đèn pin đi học mà đến gần 7 giờ mới đến trường. Đi học, con sợ nhất trời mưa, đường trơn, té một cái là không có áo quần để thay, là ngày đó phải nghỉ. Còn ở đây, đường đến trường gần hơn, có bị té cũng về thay đồ kịp. Từ ngày ở đây, con không còn thấp thỏm, lo sợ bị nghỉ học nữa”, em Yến, học sinh lớp 8 Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ, nhà sâu trong Suối Đục bộc bạch.
Thầy Chơn Nguyên và 8 em học sinh nữ tá túc ở tịnh thất để đi học - Ảnh: Hạnh Ý
Mẹ của em Ngọc An đang gửi con tại tịnh thất Liên Sơn cho biết thêm: “Học cấp một thì có trường trong làng, tụi nhỏ không phải đi xa. Còn lên cấp hai, phải đi mười mấy cây số mới đến được trường, mà mười mấy cây số đó đi mất hai, ba tiếng đồng hồ. Tụi nhỏ muốn đến trường, 4 giờ sáng phải lọ mọ rủ nhau đi học, tối bảy, tám giờ mới về đến nhà. Để đến được trường phải băng qua con suối, nước có khi chảy rất xiết, đá rất trơn; rồi phải đi qua những đoạn đường bùn lúng sâu. Con đường đến trường tìm chữ của tụi nhỏ gian nan khôn cùng. Ngày nào con đi học là ngày đó cha mẹ ở nhà thấp thỏm lo âu, 7 giờ tối mà chưa thấy con về là đứng ngồi không yên, phải rọi đèn đi kiếm, chưa kể là nhà không có tiền, chỉ muốn cho con nghỉ học. Từ ngày có thầy cho ở nhờ, thầy nuôi cơm, đóng tiền trường, con đường đến với con chữ của các em đã được rút ngắn hơn, cha mẹ đỡ âu lo hơn”.
Thương các em nhà nghèo, hiếu học, gia đình nào xin thầy nuôi giúp, thầy đều gật đầu dù biết rằng, càng đông em thì chi phí sinh hoạt hằng tháng sẽ đôn lên nhiều hơn. Nhưng vì ở vùng đất này khắc khổ, người dân không có công ăn việc làm ổn định, mỗi năm chỉ trong chờ vào mùa xoài thu hoạch, đi làm công mới có tiền. Nếu đường xá xa xôi, cách trở, học hết cấp một, nghỉ học theo cha mẹ đi làm rẫy, xuống suối mò cua, bắt cá để sinh sống thì số phận bọn trẻ rồi cũng khắc khổ như đời cha, mẹ chúng.
Và đó cũng chính là lý do vì sao, với các em nghèo, hiếu học, thầy luôn cố gắng, nỗ lực hết sức, tạo mọi điều kiện để giúp các em đến trường. Đầu năm học này, không đủ tiền lo sách vở, áo quần cho các em, còn mỗi chiếc xe gắn máy, thầy cũng đem đi cầm. Giá chiếc xe nếu bán chỉ khoảng bốn triệu, nhưng biết thầy lấy tiền để lo cho các em, cần số tiền 5,2 triệu, người ta cũng “bấm bụng”, thương tình mà giúp.
Chật vật là vậy, khó khăn là vậy nhưng nhắc đến bọn trẻ là trên gương mặt thầy tràn đầy sự lạc quan về một tương lai tươi sáng. Dẫn chúng tôi đến căn nhà cập con suối ở cuối đường mòn đang xây dựng dở dang, thầy khoe: “Đây là nơi dành cho khoảng 40 em học sinh ở vùng sâu, gần bìa rừng ra tá túc để tiện cho việc đến trường.
Căn nhà lá dành cho các em nữ quá nhỏ, còn nhà kho dành cho nam thì đã xuống cấp trầm trọng. Hiện tại chỉ có 8 em nữ nhà quá xa thì được tá túc ở tịnh thất, còn các em nam và những em có đường đến trường tương đối dễ hơn thì thầy chỉ hỗ trợ tiền ăn, học, sách vở. Hy vọng là ngôi nhà chung này sẽ sớm hoàn tất để các em có nơi học tập ổn định, vì mình làm theo kiểu cuốn chiếu, có tiền đến đâu mình làm đến đó”.
Người thầy khả kính
Mặc dù tuổi đời chưa đầy 40 nhưng được bà con dân tộc nghèo khó, những người già lớn tuổi nơi đây xem thầy là bậc đáng kính, thầy không chỉ là người người thầy dạy dỗ, trao cho các em kiến thức quý báu, kỹ năng sống, tiếp sức các em đến trường để có nền tảng tri thức, làm hành trang vào đời mà còn là người thầy hướng đạo, cứu khổ cho nhiều gia đình trong cảnh màn trời, chiếu đất.
Ông Nguyễn Văn Cu, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi xã Thanh Sơn cho biết: “Mặc dù ngôi chùa Liên Sơn chưa đầy đủ pháp nhân, thủ tục đang trong giai đoạn hoàn tất nhưng 6 năm nay, với bà con nơi đây thì đây là ngôi chùa thực thụ, là nơi che chở, chỗ dựa của vật chất lẫn tinh thần cho bà con, học sinh nghèo khó. Bất kỳ làm việc gì, thầy cũng hỏi ý kiến của Ban Điều hành tịnh thất và mọi người cùng nhau để mắt, chăm sóc cho tụi nhỏ.
Thầy Chơn Nguyên bên căn nhà đang xây dựng dở dang, đây là nơi dành cho khoảng 40 em học sinh ở vùng sâu, gần bìa rừng ra tá túc để tiện cho việc đến trường - Ảnh: Hạnh Ý
Ở ấp 5 này có 818 hộ gia đình, khoảng 3,2 nghìn người nhưng chỉ có duy nhất một ngôi chùa của thầy Chơn Nguyên. Từ ngày thầy về đây, bà con đỡ lắm. Có thầy, bà con mới biết tụng kinh, niệm Phật. Ngày mùng một, ngày rằm, vía, gia đình thường dẫn con em về chùa sám hối. Từ đó, xóm làng đỡ tệ nạn xã hội. Tôi mãi không quên hình ảnh thầy điện thoại, xách xe lên Sài Gòn xin từng phần quà, từng bao gạo, từng bao quần áo cũ về cho từng đứa trẻ nghèo, từng gia đình khắc khổ, bệnh tật bủa vây. Chính vì sự dấn thân, không quản ngại khó khăn mà thầy được bà con, cũng như chính quyền địa phương rất tôn trọng, quý mến”.
Nhắc đến thầy, bà ngoại bé Nghé rưng rưng: “Thầy đúng là Bồ-tát cứu khổ cho gia đình tôi. Ông nhà tôi không thể lao động, tôi không có việc làm, còn mẹ của bé Nghé bị bệnh tâm thần, không thể lo cho nó được. Tôi tính cho con bé nghỉ học, may mà còn có thầy. Người ta nhờ chùa cho con ở lâu lâu còn có rau cải gửi lên phụ thầy, còn tôi chỉ lên chùa xin về nhà. Nhà hết gạo, tôi chỉ biết chạy lên nhờ thầy, hai vợ chồng tuổi già ngoài thầy chẳng biết nhờ ai”.
Những hoàn cảnh nghèo khó, khắc khổ như bà ngoại bé Nghé ở ấp 5 này nhiều lắm, nhiều đến mức có những ngày chùa vừa được mạnh thường quân cúng dường vài bao gạo là bà con đến xin, cầm lòng không đặng, thầy xúc chia cho mỗi người một ít. Thầy bảo: “Chỉ cần chùa còn đủ gạo cầm cự được ba ngày là bà con đói, khổ đến xin bao nhiêu cũng cho. Có những ngày, chùa không còn hột gạo, mì gói cũng không, tôi đành đi mua thiếu cho tụi nhỏ ăn đi học. Sau đó, nếu có người cúng dường thì tôi đem đi trả”.
Có ai ngờ, trong một lần thầy Chơn Nguyên về đây phát quà từ thiện đến nhiều hộ gia đình khó khăn. Họ rất mừng nhưng không biết “ông thầy” là ai? Thầy biết về nhiều đứa trẻ học chưa hết cấp một phải nghỉ học, theo ba mẹ làm rẫy vì nhà quá nghèo… chính nhân duyên đó đã đưa thầy đến với quyết định “bỏ” Sài Gòn lên đây lập thất, cất chùa để hướng đạo cho bà con. Để rồi, hành đạo ở đây một thời gian, càng hiểu hoàn cảnh mỗi gia đình, thầy càng thương và nguyện tiếp tục cùng bà con gắn bó với nơi này.