GN - Như Giác Ngộ online đã đưa tin, thời gian gần đây trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip quay lại hình ảnh một nữ giảng viên trong giờ dạy về các tôn giáo được cho là ở một đại học tại Hà Nội. Trong phần giảng về quá trình hình thành tông phái và du nhập Phật giáo vào VN, vị giảng viên này đã có những lời lẽ bị cộng đồng mạng phản ứng mạnh mẽ.
Theo đó, lời giảng viên diễn giải về quá trình du nhập của Phật giáo vào VN như sau:
“… Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Quốc trụ trì ở chùa Thiếu Lâm và đã cảm biến Phật giáo của Ấn Độ thành Phật giáo mang màu sắc Trung Hoa và thành lập nên rất nhiều tông phái - bao gồm Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông, Nghiêm Hoa tông, Duy Thức tông…, rất nhiều tông phái. Và sau đó các tông phái này du nhập vào VN bắt đầu từ thời kỳ Bắc thuộc cho đến thời kỳ nhà Lý-Trần…
Nếu chúng ta vào chùa nào chúng ta thấy có những cái bồ-đoàn, tức là cái gối, ngày xưa gọi cái ấy là biền tức là tự mình giác ngộ cho mình - thì đây là Phật giáo nhưng của tầng lớp trí thức bởi vì rất khó.
Đa số là chúng ta theo Tịnh độ tức là phái này thờ cái ông gọi là ông cai quản cõi Tịnh độ tên là A Di Đà hay ông này còn được gọi là Quán Thế Âm Bồ-tát; tức là vị Bồ-tát nghe thấy mọi âm thanh, mọi lời kêu khổ của chúng sinh. Thì ở đây phái này rất đơn giản tức là những người theo phái này thường xuyên đi chùa niệm cái ông này và hy vọng rằng với sự giúp đỡ của ông ấy thì mình sẽ lên được cõi Niết-bàn; cho nên đây là Phật giáo của bình dân, những người lao động.
Còn Mật tông là Phật giáo đi kèm theo những bùa chú, tức là nhà chúng ta mà có người chết vào giờ xấu - nếu chúng ta lên chùa thường là chùa chỉ có cầu siêu và cầu an thôi nhưng mà nhà chùa này biết cả giải hạn tức là chùa đấy là chùa Mật tông. Cho dù là chùa Thiền hay Tịnh thì cũng đều có yếu tố Mật tông bởi vì dân VN vốn ưa chuộng những cái mang tính mê tín dị đoan. Vì vậy có yếu tố này sẽ thu hút được đông đảo thí chủ. Và bây giờ đi chùa cũng là một nghề kinh doanh...”.
Khó chấp nhận những lời giảng theo kiểu “tự biên tự diễn” như trên, không chịu tham khảo các nghiên cứu về lịch sử đã trở nên phổ biến hiện nay. Càng khó chấp nhận hơn nữa là đó lại là nội dung về lịch sử tôn giáo đã được giảng dạy được cho là tại giảng đường đại học.
Nhiều ý kiến phản hồi cho rằng những gì mà vị giảng viên ấy nói là ẩu tả, “sai không thể sai hơn”…, cùng với các phát ngôn thiếu cẩn trọng, sai tri thức liên tiếp xảy ra gần đây của những vị có học hàm, học vị cao đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo chất lượng đào tạo, kỹ năng và tri thức chuyên ngành, sự khủng hoảng của nền giáo dục ở nước ta hiện nay.
Lý do dẫn tới những trường hợp trên, một số ý kiến cũng đã bày tỏ, ở đây chúng tôi xin chưa đề cập. Chỉ mới nghĩ rằng, với những gì được truyền dạy như thế, với chất lượng giảng viên như vậy thì tại sao người học lại có thể yêu thích các môn học thuộc ngành khoa học xã hội.
Đó là chưa kể phát biểu hồ đồ quy chụp: “bây giờ đi chùa cũng là một nghề kinh doanh”, xúc phạm tới niềm tin tôn giáo của nhiều người.
Việc giảng dạy các kiến thức không chuẩn xác sẽ khiến cho hàng chục thậm chí hàng trăm, hàng ngàn sinh viên - những trí thức trẻ có cái nhìn lệch lạc về Phật giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung. Thêm nữa cái sai ấy sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác gây ra cái sai của nhiều thế hệ, thành ra sai theo một hệ thống với hậu quả chưa thể lường trước được.
Có câu nói đã thành chân ngôn, có thể dùng để kết cho vụ việc nêu trên và những trường hợp tương tự: Một người thầy thuốc mà sai lầm thì có thể giết chết một bệnh nhân, một nhà chính trị mà sai lầm thì có thể giết hại một dân tộc, một nhà làm văn hóa tư tưởng mà sai lầm thì có thể giết hại cả một thế hệ.