"Một vòng tròn
Tạo cho tôi khoảng trống
Chợt ngân lên bao lời hát câu cười
Đây là anh - là chị vui cười
Đàn em nhỏ đôi mắt tròn thương cảm"
Giọng thơ anh êm đềm, thấm nhẹ bởi khắc khoải của thời gian, nhẹ ngâm lên từng giọt thơ len lỏi vào từng tâm hồn mỗi trại sinh Lộc Uyển IX - A Dục VI chúng tôi, những con người mười tám, đôi mươi, ngồi giữa sân chùa Chánh Giác. Đôi mắt đỏ hằn và trũng sâu sau những đêm mỏi mệt, thi thoảng nghe đâu đó những tiếng nấc nghẹ ngào buổi chia tay. Anh ngồi giữa chúng tôi, mái tóc đã bạc, khuôn mặt được soi sáng bởi ánh lửa le lói, anh ngồi đấy nhìn đất trời, nhìn những khuôn mặt trẻ trung bằng đôi mắt hiền từ già cỗi, sau cùng anh cất lên bài hát chúng tôi cũng cất giọng ngân theo:
"Hy vọng đã vươn lên giữa màn đêm bao ưu phiền
Hy vọng đã vang lên trong lo sợ mùa chinh chiến..."
Những hoạt động của Huynh trưởng anh đều nhiệt tình tham gia |
Khi bài hát kết thúc, cả không gian và thời gian như ngưng đọng lại trong một sát-na, đâu đó những tiếng thổn thức nghẹn ngào đã chuyển thành tiếng khóc nấc.
Năm ấy anh Tâm Hạnh - Nguyễn Trương là trại trưởng của chúng tôi, là người lái đò đưa chúng tôi vào con đường của người huynh trưởng tập sự, một người lái đò già cả đang an nhàn tuổi hưu nhưng vẫn đủ sức đưa chúng tôi trên chuyến đò đầu đời huynh trưởng. Kỳ trại năm ấy, tôi biết anh là một người yêu thơ, những vần thơ của anh thấm đẫm những khắc khoải của một tâm hồn vì "Yêu thơ nên mang hồn tả tơi" như chính lời anh nói. Nhưng bởi cái tâm hồn tả tơi ấy của anh đã giúp anh sống trọn vẹn hai cuộc đời, một cuộc đời yêu thơ, và một cuộc đời yêu màu áo Lam.
Với cuộc đời người yêu thơ, anh dành tặng cho thơ tất cả những vốn liếng anh tích lũy trong hơn 70 năm cuộc đời. Đó là những say mê khắc khoải, đó là những ưu tư lo sợ, đó là những xúc cảm đơn sơ được nuôi lớn và trau chuốt bằng những từ ngữ mộc mạc chân phương.
"Dù đơn sơ đã chảy vào sâu thẳm
Thơ rùng mình khắc họa nét nguyên sơ", (trích Hoa dại - Trầm Ngâm thế kỷ 2).
Nét thơ của anh thoang thoảng vết buồn của một con người tha phương mang nợ bút nghiên, nhưng lại mang nét ung dung tự tại của một người cư sĩ đã thấy qua những nỗi niềm vô ngã, thơ anh ngả nghiêng mang nét bút vô thường.
"Tìm nhau giữa cuộc bể dâu
Tìm ai - ai tóc trắng đầu hôm qua
Tìm nhau giữa bãi tha ma
Bao nhiêu xương thịt đều là anh em" , (trích thơ Tìm nhau).
Hồn thơ anh phiêu lãng giữa cõi ta-bà ô trọc, anh đồng cảm với những số phận long đong, hồn thơ anh vang vọng giữa phố biển Bà Rịa - Vũng Tàu rồi lại lặng lẽ quay về chốn cố hương Quảng Trị. Hồn thơ anh có khi vang nơi sân chùa an tịnh theo từng tiếng mõ câu kinh, có lúc vọng về trần gian ô trọc khổ đau.
"Bóng xế một mình nâng cốc rượu
Qua rồi va đập những buồn vui
Cây mai rũ lá đầy trong chậu
Nghe mặn bờ môi những ngậm ngùi", (trích thơ Về chốn cũ).
Anh mang tâm hồn nhẹ nhàng bao dung của mình mà dìu dắt đàn em đi trên con đường Lam |
Với cuộc đời người huynh trưởng, anh sống như chính pháp danh Tâm Hạnh của anh. Anh mang tâm hồn nhẹ nhàng bao dung của mình mà dìu dắt đàn em đi trên con đường Lam, con đường đạo pháp, anh nhẹ nhàng sâu lắng tưới ướt những mầm Lam bằng chất thơ lãng mạn, đầy hy sinh.
"Xin uống đắng
Nhã cho đời mật ngọt
Và dọn đường cho bước chân em qua
Trải lên đời hồng thắm nụ hoa
Màu thanh khiết ngát hương rạo rực", (trích thơ Khu vườn mơ ước).
Anh đem hết những gì tinh túy nhất trong hồn thơ của mình để chăm bón cho mối tình Lam, như thể màu áo Lam ấy chính là nàng thơ mà anh mòn mỏi nhung nhớ. Và, nàng thơ ấy của anh đã gieo vào thơ anh những hạt mầm Bi - Trí - Dũng giúp anh thoát khỏi biển đời khổ đau chồng lấn.
"Màu Lam nguyên vẹn giữ tình nhân
Thực tại này muôn vàng cạm bẫy
Những vậy chất xa hoa đầy rẫy
Cuốn phăng ta vào cõi mù sương", (trích thơ Hương thơm tinh khiết).
Anh thân mến, khi tuổi anh đã cao, tần suất anh tham gia những sự kiện của tổ chức càng ít. Đã đến lúc chúng em, những người đàn em của anh vẫn còn đây, vẫn cố hết sức mình gánh gồng sứ mệnh áo Lam mà anh truyền trao cho chúng em từ những ngày Chánh Giác hoang vu, ăn cơm với gió, đắp tấm mền sương.
"Nếu từ bi không có nhiệm mầu
Thì chân lý sao tròn đầy bất diệt
Khoảnh khắc này là sát na ly biệt
Để lại sân chùa...
Khoảng trống miên man...", (trích thơ Khoảng trống).
Anh Tâm Hạnh - Trương Nguyễn, người thầy đầu đời huynh trưởng của em.