Người “thắp sáng” tương lai cho trẻ em khuyết tật

GN - Suốt 5 năm qua, cứ vào sáng thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần, họa sĩ Nguyễn Hoàng đều vượt hàng chục cây số để đến Trung tâm Dạy nghề cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi huyện Hóc Môn, TP.HCM (trung tâm) để dạy vẽ cho các em mà không cần bất cứ thù lao nào...

Từ đồng cảm đến sẻ chia

Ít ai ngờ, khi người bạn của họa sĩ ngỏ lời, trung tâm đang thiếu người dạy vẽ và có thể lớp học sẽ gián đoạn, vậy là chỉ sau một lần đến nơi đây, họa sĩ Hoàng đã quyết định gắn bó, để chắp cánh ước mơ cho các em kém may mắn.

Bà Đinh Thị Hỏi, Giám đốc Trung tâm kể với chúng tôi: “Dạy cho các em khiếm thị rất khó, mà thầy Hoàng luôn cố gắng hết mình và đóng góp trí tuệ, sức lực rất nhiều cho trung tâm. Tại trung tâm, lớp học của thầy Hoàng dạy cho các em dao động khoảng 15 đến 17 em. Chỉ cần thầy đến lớp là các em hào hứng, rất vui. Với các em, thầy Hoàng không chỉ là người dạy vẽ mà còn là người cha. Bởi lẽ, ngoài dạy vẽ, thầy Hoàng còn dạy cho các em bài học đạo đức làm người”.

Hinh XH 919 (2).JPG

Họa sĩ Nguyễn Hoàng tận tụy giúp đỡ học trò

Để đảm bảo mọi kiến thức được các em tiếp thu, ngoài lời nói, họa sĩ linh hoạt sử dụng các thao tác bằng thủ ngữ, ký hiệu, cử chỉ. Họa sĩ Hoàng lý giải rằng: “Do các em bị khuyết một phần cơ thể, dạy cho các em khuyết tật mình cần phải nghiên cứu nhiều, sử dụng đủ các cách. Có em khiếm thính, bị thiểu năng trí tuệ, mình nói các em rất khó tiếp thu, buộc mình phải học thêm thủ ngữ. Có em bị khuyết tật ở tay, rất khó cầm cọ, mình phải ‘nghiên cứu’ uốn éo thân thể đủ các kiểu để các em có thể giữ được cây cọ trên tay một cách thoải mái nhất. Tôi cảm nhận được dạy cho các em rất vui, vì có vui, có kiên nhẫn, mình mới dạy được”.

Hầu như tất cả các em khuyết tật nơi đây họa sĩ Hoàng đều phải cầm tay, chỉ đi những nét vẽ từ căn bản đến nâng cao, để các em vẽ nên bức tranh hoàn chỉnh. Nhưng khi hỏi, khó như vậy, anh đã từng có ý định bỏ cuộc chưa? Họa sĩ nói: “Tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc, nhìn các em thấy thương lắm, nhiều khi thấy các em bệnh đau vẫn cố gắng đến lớp. Có em, mình nói hôm trước, hôm sau đã quên nhưng ngày nào cũng chăm chỉ vẽ khiến mình thấy rất cảm động”.

Họa sĩ trải lòng thêm: “Tôi suy nghĩ, mình lành lặn vầy, chỉ có việc dạy cho các em cái nghề thôi mà sợ khó thì làm sao các em có động lực mà vực dậy tinh thần, để đấu tranh với sự khiếm khuyết của bản thân. So với sự nỗ lực của các em thì sự cố gắng của tôi không đáng là gì cả. Các em khuyết tật mà biết phấn đấu, chiến thắng bản thân, học được nghề, sống được với nghề mới là giỏi hơn mình gấp trăm, nghìn lần”.

Nghe những lời họa sĩ bộc bạch, bất kỳ ai cũng đều có thể hình dung được, để hướng dẫn được một người khuyết tật có thể vẽ một bức tranh đẹp chỉn chu, đó là cả một cuộc hành trình. Mà trong chặng đường đó, anh phải thật kiên nhẫn, trái tim phải đầy ắp yêu thương. Lý do để họa sĩ Hoàng kết nối, gắn bó với các em chính là gia đình họa sĩ cũng có người bị khuyết tật.

Đó là em của họa sĩ Hoàng. “Tôi hiểu, người khuyết tật phải trải qua những khó khăn gì và họ luôn muốn có cái nghề để có thể nuôi sống bản thân. Vì em tôi không thể vẽ được nên tôi không thể dạy cho em. Thế nên, khi bắt gặp hình ảnh các em khuyết tật khao khát, đam mê muốn học vẽ mà không có ai dạy, tôi có sự đồng cảm mạnh mẽ và luôn muốn chia sẻ”, họa sĩ Hoàng tâm sự. Và với ý niệm thiện lành như thế, bằng sự tận tâm, tận lực họa sĩ Hoàng đã giúp rất nhiều học trò trưởng thành và tự mưu sinh bằng chính đôi tay tài hoa với nghề vẽ tranh.

Khi tình thương được chắp cánh

Tại Gallery Thảo Mộc (số 288, A4, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3, TP.HCM), nơi họa sĩ Hoàng mở cửa hàng kinh doanh các sản phẩm từ tranh vẽ và cũng là nơi anh sáng tác. Đa số các lần đến đây, chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh họa sĩ tận tình hướng dẫn các học trò thực hiện đơn hàng của khách. Hoặc, thầy trò cùng nhau ngồi vẽ.

Gắn bó với họa sĩ Hoàng từ lúc 16 tuổi, đến bây giờ là 23 tuổi, trong một lần trò chuyện, Nguyễn Quốc Vinh, khoe rằng: “Thầy Hoàng dạy em vẽ đó chị. Em rất thích vẽ và nó cũng kiếm được tiền nuôi em”.

Trong niềm xúc động, Vinh chia sẻ thêm: “Khi ba em dẫn em đến nhờ thầy Hoàng dạy nghề, thầy nhận lời, em vui mà không biết diễn tả sao. Rồi khi em học, do em chậm, dạy cho em thầy tốn khá nhiều thời gian và công sức. Ngày em vẽ hoàn tất bức tranh đầu tiên, em vui nhưng em cảm nhận thầy còn vui hơn em nữa. Điều em vui hơn hết là bây giờ, em đã vẽ được và được thầy nhận em làm việc, trả lương hàng tháng cho em. Thật sự, em thấy bản thân mình may mắn”. 

Không chỉ dạy nghề, bất kỳ em học trò nào có thể vẽ được tác phẩm thành thạo, họa sĩ Hoàng đều giới thiệu việc làm hoặc nhận về cửa hàng của mình làm. Có đến tám mươi phần trăm các tác phẩm trưng bày tại cửa hàng là do các học trò của họa sĩ vẽ, tác phẩm của họa sĩ chỉ chiếm phần ít.

Hinh XH 919 (1).JPG

Tác phẩm trưng bày tại cửa hàng chủ yếu là của các học trò

Họa sĩ Hoàng bảo: “Tác phẩm của tụi nhỏ ưu tiên, để khi có khách vào tham quan, cơ hội để mọi người ủng hộ sẽ nhiều hơn. Khi bán được tranh, mình có thêm tiền trả tiền lương cho các em, còn mình chủ yếu vẽ theo đơn đặt hàng. Quan trọng hơn là các em sẽ cảm thấy vui, hạnh phúc vì sản phẩm mình làm ra được khách hàng thưởng thức và mua chúng”.

Hỏi các học trò đang làm cho họa sĩ ở cửa hàng có vui không khi bức tranh có khách hàng mua? Tất cả đều cho biết: “Vui, hạnh phúc, mặc dù mỗi bức tranh chép lại, giá chỉ hai trăm nghìn đồng”. Thắc mắc, hỏi họa sĩ, giá một bức tranh sao “rẻ” như thế? Họa sĩ Hoàng dí dỏm cho biết: “Giấy các em vẽ tranh là do mình tận dụng từ giấy dư khi vẽ những bức tranh khổ lớn. Cọ và màu các em sử dụng hầu như cũng là xài ‘ké’ nên giá thành được đảm bảo rẻ nhất có thể. Khi khách vào cửa hàng, nhìn bức tranh, hỏi giá xong không ai nỡ lòng nào trả giá thêm được nữa”.

Ông Quang, một khách hàng thân thiết với nơi đây cho chúng tôi biết: “Cứ rảnh và chạy xe cùng đường là tôi ghé cửa hàng xem có tranh mới không để mua. Ở đây có một điều đặc biệt là mặc dù các em vẽ tranh chép lại, không phải là tranh tự sáng tác nhưng tất cả những sản phẩm do các em khuyết tật làm ra đều có hồn. Nhất là xem bức tranh về thiên nhiên, hoa lá, tôi dễ dàng cảm nhận về sự tươi vui của cuộc đời. Nó làm cho tâm hồn mình rất nhẹ nhàng”.

Tiếp xúc với anh một thời gian dài, chúng tôi được biết, họa sĩ Hoàng có rất nhiều nỗi lo về gánh nặng kinh tế. Nhưng trên tất cả, họa sĩ luôn cố gắng hết mình để nâng đỡ các em học trò khuyết tật của mình. Dù tháng đó bán được ít, hoặc không bán được bức tranh nào của các em, anh vẫn trả tiền lương, đảm bảo với số tiền đó các em sống được với nghề. Tháng nào bán được nhiều hàng, có thêm doanh thu, trừ đi các chi phí, anh “thưởng” đều cho tất cả để động viên học trò của mình.

Anh quan niệm: “Tôi giúp được gì cho các em thì giúp, làm gì được cho các em thì mình làm. Vì điều cần thiết trong cuộc sống là sống phải có ý nghĩa. Khi mình nâng đỡ được người kém may mắn hơn mình, đem đến hạnh phúc cho các em và cả gia đình các em thì mình cũng hạnh phúc cùng. Cho đi sẽ nhận lại nhiều hơn là vậy”. Những điều anh tâm niệm, cũng giống như chính cái tên “Thảo Mộc” họa sĩ đặt cho cửa hàng của mình.  Mỗi lời nói và việc làm của họa sĩ Hoàng đều xuất phát từ tấm lòng mộc mạc, chân chất yêu thương, như một loài thuốc quý xoa dịu nỗi đau và đem đến sự an vui cho biết bao các bạn khuyết tật, kém may mắn.

“Gắn bó với các em từ lúc cầm tay chỉ cho nét cọ đầu tiên, cho đến khi làm nên sản phẩm hoàn chỉnh, điều tôi vui nhất là khi nhìn thấy ánh mắt vui mừng của các em đối diện trước thành quả mà các em đã làm ra. Có nhiều em không nghĩ là mình có thể làm được, hoàn thành bức tranh. Các em cứ ngắm nghía bức tranh đầy thích thú. Khi bắt gặp hình ảnh đó, tôi rất xúc động, cảm giác hạnh phúc vô cùng. Thành quả đó như nguồn năng lượng mầu nhiệm, khiến bao nhiêu mệt nhọc trong tôi đều tiêu tan”.  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.