Người Tây “phải lòng” Tết Việt

GN Xuân - Những năm gần đây, không ít người Việt, trong đó có cả Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân đáng kính Võ Tòng Xuân, đã đưa ra đề xuất: Việt Nam nên bỏ ăn Tết Nguyên đán mà ăn theo Tết dương lịch. Thế nhưng với nhiều người nước ngoài sống tại Việt Nam, Tết Nguyên đán thật khác biệt và thú vị.

Họ cũng lễ chùa đêm giao thừa, thưởng thức các món ăn truyền thống và đi nhiều nơi để cảm nhận không khí Tết.

Một doanh nhân Úc mười năm ăn Tết Việt

Vào những ngày cuối năm 2014, do nhân duyên trong công việc, chúng tôi gặp gỡ ông David John Whitehead - một doanh nhân người Úc, hiện là Chủ tịch Tập đoàn Austfeed, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện chúng tôi được biết, xuân Ất Mùi này sẽ đánh dấu lần thứ 10 mà David ăn Tết âm lịch cổ truyền của Việt Nam.

New Pictu1re.bmp


Ngày Tết dễ dàng bắt gặp những vị khách phương Tây đi lễ chùa Việt

Tết Việt đem lại cho David nhiều điều thú vị, nhưng cũng không ít tình huống bi hài. Kể về lần đầu tiên “nếm” Tết Nguyên đán, ông cho hay: “Sáng mùng một, đồng loạt các nhà hàng đóng cửa im lìm, đường phố Hà Nội vắng tanh, thỉnh thoảng mới thấy có người đi trên đường. Tôi hoảng hốt không hiểu chuyện gì xảy ra và lo bị đói, bởi vì không tích trữ thức ăn như mọi người xung quanh. Sau nhờ một người bạn giải thích, tôi mới hiểu phong tục Việt Nam khác với các nước phương Tây. Ở Úc, mọi cửa hàng vẫn thuê người bán hàng vào ngày đầu tiên của năm mới và đạt doanh thu rất cao trong dịp này”.

Theo lời kể của David, ban đầu, ông tới Việt Nam là để mang những chương trình học bổng cho sinh viên sang Úc học kỹ thuật công nghệ. Năm 2004, ông quen và cưới một cô vợ người Hà Nội, từ đó dừng công việc ở Úc và chuyển hẳn sang đầu tư tại Việt Nam, với nhà máy sản xuất thức ăn gia súc. Lần đầu tiên đến ra mắt gia đình nhà vợ, David thấy ấm ức, vì rõ ràng mình nhiều tuổi hơn các anh, chị của vợ, thế mà cứ bị yêu cầu phải xưng là em, gọi họ là anh, chị.

Đang tập nói tiếng Việt, nên hôm đó David thay vì gọi chị của vợ bằng chị, thì cứ gọi bằng em làm cho nhiều người cười rũ ra, nói rằng “khó dạy”. Khi làm lễ cưới, David không biết nghi thức cúng gia tiên, nên cứ giật mình vái theo cô dâu lia lịa, khiến ai cũng cười. Cưới được chừng một tháng thì Tết. Đêm giao thừa đầu tiên ở rể nhà bố vợ, David trải qua nhiều ấn tượng nhớ mãi. Tối hôm đó, ông đến nhà người bạn chơi, vợ dặn là phải về sớm trước 10 giờ (tức 22 giờ), nhưng do mải vui nên quá giao thừa mới về nhà, thấy bố vợ đứng ở cửa chờ con rể, vẻ mặt rất nghiêm trọng kèm theo những lời trách móc. Vào nhà, vợ bảo: “Anh thấy đêm 30 quan trọng thế nào rồi đó. Về sau 12 giờ thì gia đình sẽ lo lắng sẽ có nhiều rủi ro trong năm mới”.

Trong ngày Tết, mọi người ăn bánh kẹo, nhấm nháp hạt dưa và xả rác ra nhà. Khi David lấy chổi quét thì người chị của vợ kêu: David làm gì thế? Không được quét nhà, mất may mắn đấy! Hóa ra là tục tránh quét nhà ngày Tết. Qua đó, David mới thấy hai chuyện nhỏ nhưng khá quan trọng trong nét văn hóa truyền thống của quê vợ cần phải cố gắng hiểu và tôn trọng.

Sau giao thừa, David được vợ rủ đi lễ ở chùa Một Cột. Đến chùa, ngạc nhiên khi thấy người Việt vào chùa đông nghịt trong thời điểm này và ai cũng rất hào phóng, họ đem tiền ra chia khắp các bàn thờ Phật. Ông cũng rất ngạc nhiên trước phong tục mừng tuổi ở Việt Nam, điều này ở Úc không hề có. Ngày Tết, người Việt Nam nào cũng chuẩn bị sẵn những tập tiền, cứ thấy đứa trẻ con nào là phát tiền. Gặp người lớn tuổi cũng đem tiền ra cho.

Nhiều năm qua đã thành lệ, vợ chồng David luôn đón Noel và Tết dương lịch tại Úc, sau đó quay về Việt Nam ăn Tết âm lịch. Đêm giao thừa nào, David cũng cùng vợ đi lễ chùa cầu may mắn. Ông có khấn Phật không, khấn bằng Việt hay tiếng Anh? - tôi hỏi. David trả lời: Khi cắm nhang và bát hương ở Tam bảo, tôi không nói lời khẩn cầu ra miệng, nhưng nghĩ những điều mong muốn ở trong đầu cầu nguyện may mắn cho gia đình.

Tết ở Úc không có phong tục nào đặc biệt, chỉ diễn ra đơn giản vào đêm 30-12 và 1-1 dương lịch, nhưng cũng tương tự ở châu Âu, họ đánh giá rất cao khoảnh khắc giao thừa. Mọi người thường đi lễ nhà thờ, để cảm ơn các đấng bề trên đã tạo ra cuộc sống cho họ được may mắn. Họ cám ơn cuộc sống, chứ không cầu khẩn, khác với người Việt đi lễ giao thừa đem theo mục đích cầu tài lộc. “Bố của tôi là người theo Anh giáo, mẹ là người Thiên Chúa giáo, bởi vậy khi chào đời được đưa đến nhà thờ làm lễ rửa tội và ban phước. Nhưng giờ đây tôi tin theo cả Chúa và Phật, rất thích được vợ rủ đi lễ chùa hái lộc đầu năm, tôi cũng đã biết bao giấy đỏ là bao lì xì để mừng tuổi trẻ nhỏ, biết chúc bố mẹ vợ thêm câu “sức khỏe dồi dào”, không còn “chúc mừng năm mới” cụt ngủn nữa.

Theo David, điều vô cùng thú vị là Tết Nguyên đán ở Việt Nam phong phú những câu chúc. Nếu người phương Tây chỉ đơn giản nói “Happy new year”, thì người Việt Nam sẽ là: An khang thịnh vượng; Ăn nên làm ra; Vạn sự như ý; Cầu được ước thấy; Phát tài phát lộc… Còn rất nhiều câu chúc sáng tạo như “Chúc năm mới, tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà-phê phin”.

Những ngày từ mồng một đến mồng ba Tết, David cùng vợ đi thăm gia đình người thân đằng nhà vợ, rồi tự thiết kế tour du ngoạn cảnh chùa cho những bạn bè người Úc đang làm ăn kinh doanh tại Việt Nam. Đó là những chuyến hành hương bằng thuyền trên hồ Tây để ghé thăm 5-6 ngôi chùa cổ ven hồ. Đi đường bộ có thể tiện hơn, nhưng nếu đi bằng thuyền sẽ mang đến cảm giác lãng mạn, thơ mộng. Tuy nhiên, để đặt những tour này phải đăng ký trước hàng tháng - David cho biết.

Từ ngày mồng bốn Tết trở đi, David thường tụ tập bạn bè cùng “phượt” bằng xe máy phân khối lớn đến các vùng núi cao ở Tây Bắc, ngao du trên những cung đường uốn lượn để ngắm cảnh Tết độc đáo của đồng bào các dân tộc. Ông đã từng đi chơi Tết ở Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, rồi tận Điện Biên Phủ.

David chân thành bày tỏ: “Tết Nguyên đán ở Việt Nam vô vàn điều thú vị. Tôi rất thích thú với hình ảnh mọi người tất bật chuẩn bị đón Tết, cảnh quây quần ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh chưng khiến cho tôi có cảm giác thật ấm cúng. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với thói quen đến nhà nhau ăn tất niên và đầu năm đi chúc Tết của người Việt. Thích nhấm nháp mứt gừng, uống trà gừng nóng ấm giữa cái se lạnh của miền Bắc. Thời tiết ở Việt Nam vào mùa xuân cũng rất tuyệt vời, dễ chịu. Đây là dịp quan trọng để tôi tìm hiểu thêm phong tục, tập quán và nét đẹp văn hóa của quê vợ mình. Tôi luôn tìm cách truyền tình yêu Việt Nam cho bạn bè, đồng hương của mình. Không ít người Úc đến Việt Nam du lịch tìm tới và được tôi giảng giải những kiến thức thú vị về Tết Việt. Tết cổ truyền Việt Nam có những phong tục rất đẹp, chúng ta đừng để mai một”.

Tết Việt làm “xiêu lòng” người phương Tây

Đón Tết cổ truyền của người Việt hiện có rất nhiều bạn bè nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam. Mỗi vị khách từ phương xa tới mang trong mình cảm giác háo hức, mong chờ, hòa vào không khí đón xuân trên khắp các ngõ phố như chính họ cũng là con dân của đất Việt.

Hugh Sykes, Tổng Giám đốc Công ty Mubadala Petroleum đến Việt Nam từ năm 1995. Ông cưới vợ là người gốc Nam Định, nhờ đó không chỉ hiểu mà còn “ngấm” văn hóa Việt. Với Hugh, không thể bỏ qua món bánh chưng. Hugh tự rán bánh chưng để ăn sáng trong những ngày đầu năm mới. Thích ăn, nhưng để làm bánh thì Hugh chịu, chỉ dám tham gia “buộc lạt để làm chặt” bánh chưng mỗi lần gia đình vợ gói bánh đón Tết.

Nhưng điều Hugh thích nhất là khi Tết đến, Hà Nội bỗng vắng hẳn vì người dân đi chơi hoặc về quê hết. Đường sá rộng và sạch sẽ hơn, không còn kẹt xe. Hugh cũng nghĩ ra sáng kiến thuê xe buýt đi chơi Tết. Xe sẽ đến đón từng nhà sau đó cùng nhau đi vòng quanh thành phố thăm nhau, có thể đến 2-3h sáng mới về cũng không sao.

Là một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, giáo sư James Rhodes, Chủ tịch Công ty Vietnam Combat Veterans LTD cũng thường xuyên đón Tết Nguyên đán trong những năm gần đây. Ông cho hay, đặc biệt ấn tượng khi trong những ngày Tết, người Việt Nam thường mở toang cửa sổ và cửa chính để đón khách, bất kể thời tiết như thế nào. Ở Mỹ thì không như vậy, nếu thời tiết quá khắc nghiệt, người ta thường đóng cửa để bật máy sưởi.

“Người Việt luôn mở cửa để đón khách còn người Mỹ thì chỉ mở cửa nếu nhìn thấy khách đến hoặc nghe thấy tiếng gõ cửa. Chứng tỏ người Việt rất thân thiện và hiếu khách”, James Rhodes nhận xét.

New Picture.bmp


Doanh nhân David John Whitehead say sưa kể chuyện ăn Tết Việt

Shafinskaya Natalia, 28 tuổi, quốc tịch Nga, đang công tác tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội cảm nhận: “Tôi đã đón 6 Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Tôi rất thích đêm giao thừa, đặc biệt sau khi đón giao thừa với gia đình ở nhà, mọi người lại đi lễ chùa cầu may mắn đầu năm. Một trong những điều thú vị nhất của Tết cổ truyền Việt là việc lựa chọn vị khách xông nhà mình để lấy may trong ngày đầu tiên của năm mới”.

Quảng bá để Tây ăn Tết ta, tại sao không?

Tết Nguyên đán những năm gần đây, nhiều bạn trẻ bỏ Hà Nội để đi phượt hoặc nếu là gia đình thuộc tầng lớp trung lưu thì theo bố mẹ đi chơi ở nước ngoài. Thế nhưng, ngày mồng một Tết âm lịch, đến các ngôi chùa ở Hà Nội dễ dàng bắt gặp những người đến từ phương Tây lúi húi sắm tiền vàng, hoa quả vào lễ chùa. Những ngôi đền, chùa gần khu người nước ngoài sinh sống ở Hà Nội như Quán Sứ, Trấn Quốc, Quán Thánh, phủ Tây Hồ... thường xuyên có người nước ngoài đến vãn cảnh và làm lễ cầu may.

Đa phần trong số họ từng sống và tìm hiểu tập tục văn hóa Việt được một thời gian dài, nên họ có thể nói tiếng Việt thành thạo và đi chùa như người Việt. Ngoài việc thắp hương và vái, họ cũng học “khấn nôm” những điều mình mong muốn để mong được phù hộ.

Ấy thế mà, không ít người Việt đưa ra đề xuất: nên bỏ ăn Tết Nguyên đán mà ăn theo Tết dương lịch. Có bao giờ ta tự hỏi sao âm lịch cứ đến ngày rằm là trăng tròn còn tới giao thừa là trời tối đen như mực? Cái độc đáo của người Việt là sống hài hòa giữa hai nhịp thời gian, Âm và Dương, không mâu thuẫn, không câu nệ, giao thoa như đất với trời, như chính triết lý sống ngàn đời của ông cha.

Rõ ràng Tết là một thời gian khác biệt, là cơ hội để nối lại sự xa cách với bạn bè và những người ta yêu mến, củng cố lại sợi dây gia đình đang rất lỏng lẻo, bởi vì Tết là đoàn tụ. Đấy cũng là cơ hội để ta trở về “miền sâu thẳm” cõi lòng, hun đắp ký ức về ngày tháng cũ, nơi chốn cũ, con người cũ khi ta tần ngần thắp một nén nhang trước bàn thờ ông bà phút giao thừa, tần ngần trước cổng nhà, nơi mà vì công việc ta đã phải rời xa…

Tết âm lịch nuôi dưỡng văn hóa truyền thống đặc sắc và riêng biệt trong mỗi tâm hồn người Việt, vì vậy đã trở thành tài sản về sự đa dạng văn hóa của nhân loại mà không ai có quyền hủy hoại. Dân ta có câu “Nhập gia thì tùy tục!”. Tại sao không tính chuyện quảng bá để những người phương Tây khi đến đây đều hòa nhập, cùng ăn Tết Nguyên đán với con dân đất Việt. Như vậy, Tết sẽ trở thành sản phẩm du lịch đem lại nguồn lợi cho đất nước, đồng thời làm nên thương hiệu văn hóa của Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.