Người phụ nữ đưa cụ bà mù lòa về làm mẹ

Cụ hàng xóm già yếu, không còn người thân, bà Lê Thị Mộng Thu nhận làm mẹ đưa về nuôi dưỡng, chăm sóc 5 năm nay.

Gần trưa, bà Lê Thị Mộng Thu, 52 tuổi, về đến căn nhà cấp bốn bé nhỏ nằm trong thôn Tân Quý, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh. Đặt phịch đống đồ sau buổi làm đồng ở góc nhà, bà đi vội đến chiếc giường cũ, nơi cụ Nguyễn Thị Mịch, 80 tuổi, bị mù lòa đang nằm, vừa đỡ cụ dậy, vừa nói "Mẹ đi vệ sinh thôi, để lát ăn cơm nhé". Cụ bà lặng lẽ gật gật. 

Bà Lê Thị Mộng Thu đút canh cho cụ Mịch ăn. Ảnh: Đắc Thành.

Bà Lê Thị Mộng Thu đút canh cho cụ Mịch ăn. Ảnh: Đắc Thành.

Xong việc, bà Thu xuống bếp chuẩn bị cơm trưa cho gia đình. Trong lúc đợi chồng và ba con về ăn, bà bới một bát cơm lên giường đút cho cụ Mịch. 

"Mẹ ăn xong con dẫn đi chơi! Mẹ ăn đi mai con mua áo quần mới cho!...", người phụ nữ gầy gò năn nỉ. Cụ Mịch chậm rãi nhai nuốt, thi thoảng lại ề à trong cổ họng. Bữa trưa đó mất 20 phút mới xong. 

"Người mẹ" này thực ra chỉ là hàng xóm, được bà Thu thương tình đem về nuôi mấy năm nay. Cụ Mịch bị mù lòa từ nhỏ, sống với người anh độc thân. Năm 2014, anh trai qua đời ở tuổi 85, không còn ai chăm sóc, cụ Mịch ở nhà cô quạnh, lúc tỉnh táo lúc không, thỉnh thoảng được hàng xóm thay nhau giúp nấu cơm, tắm giặt, vệ sinh.

Sau một thời gian, bà Thu thấy bất tiện. Ngày mưa gió, giá rét việc đưa đồ ăn cho cụ gặp khó khăn. Phần nữa cụ Mịch lớn tuổi, mù lòa sống một mình lỡ có việc gì xảy ra không ai hay biết. Cuối năm 2014, bà Thu nói với chồng con đưa cụ về nhà ở cùng để tiện chăm sóc và được mọi người ủng hộ.

anh-2-3195-1573873359_jpg.jpg

Cụ Nguyễn Thị Mịch bị mù lòa lúc 3 tuổi. Ảnh: Đắc Thành.

Từ đó, căn phòng phía cuối ngôi nhà chật chội là chỗ ở của cụ Mịch. Mỗi ngày cụ được những người dưng chăm sóc, bớt phần cô quạnh. 

Gia cảnh bà Thu không mấy khấm khá, vợ làm ruộng, chồng làm thuê ở trang trại kiếm tiền nuôi 3 con ăn học, nên khi biết tin bà đưa cụ Mịch về nuôi, nhiều người thân ra sức ngăn cản. Họ bảo đón cụ về là rước cái khổ cả đời. 

"Có người còn nói tôi nuôi cụ là chắc vì tiền, vì đất đai của cụ Mịch, làm vậy để hưởng gia tài. Họ nói thế nào tôi cũng mặc kệ, đều bỏ ngoài tai. Tôi nghĩ mình kiếp trước nợ cụ, xem như kiếp này phải trả", bà Thu nói. Bà cũng cho biết mình mồ côi mẹ từ nhỏ nên thiếu tình mẹ con, cụ Mịch như là người lấp đầy khoảng trống đó. 

"Nuôi người già đã khổ, cụ Mịch bị mù lòa, sau này già yếu nằm liệt giường còn khổ hơn. Nhưng được chăm sóc mẹ, với tôi là hạnh phúc", bà Thu bày tỏ.

anh-3-7596-1573873359_jpg.jpg

Bà Thu dẫn cụ Mịch đi chơi. Ảnh: Đắc Thành.

Mỗi ngày, bà Thu thức dậy từ sớm nấu cháo cho cụ Mịch, cố gắng chỉ làm việc quanh quẩn gần nhà để có việc còn trông nom. Riêng việc cho ăn uống, tắm giặt cho cụ đã mất gần một buổi.

Khoảng một năm nay, cụ Mịch không còn minh mẫn, tính khí bắt đầu thay đổi, ăn rồi nói chưa ăn. Nhiều lúc cụ quậy phá, chửi mắng vì bệnh tuổi già. "Đôi lúc tôi phải năn nỉ, nhiều khi dọa trả cụ về nhà, thế là cụ mới ngoan, nghe lời", bà Thu kể. 

Điều bà Thu thấy may mắn là chồng - ông Nguyễn Công Dũng, 52 tuổi - ủng hộ hết lòng. "Khổ đã khổ rồi, cụ Mịch về sống chung với gia đình, ăn gì thì cụ ăn nấy. Đưa cụ về nuôi coi như làm phước cho con mình sau này", ông Dũng nói.

Bà Lê Thị Loan, hàng xóm nhà bà Thu, cho biết bà phục vợ chồng họ vì dám đưa người dưng về nuôi như vậy. "Gia cảnh cụ Mịch không có gì để mà thừa kế, không biết người khác nghĩ gì, còn tôi thấy bà Thu là người tốt, có tấm lòng nhân hậu nên mới làm được việc này", bà Loan nói.

Đắc Thành
Nguồn: VnExpress

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.