Người nữ trong xã hội hiện đại

GNO - Thế giới có này mùng 8 tháng 3 ngày Quốc tế phụ nữ, nước ta có ngày 20 tháng 10 – ngày phụ nữ Việt Nam. Đây là dịp để các mẹ, các chị, các bà, các cô … được tôn vinh những giá trị đóng góp xứng đáng của mình trong mọi lãnh vực đạo đức, trí tuệ, lao động, học tập, văn hóa …

Nếu như xưa, vai trò của chị em phụ nữ chỉ gói gọn trong vòng nguyên lý ứng xử theo “tam tòng, tứ đức”, thì ngày nay không có một giới hạn nào cho sức sáng tạo vô biên, năng lực tư duy vô hạn, tinh thần lao động không mệt mỏi, ý thức học tập không ngừng của các chị em. Giải Nobel  năm nay 2011 đã được trao cho 3 người phụ nữ. Đó là Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, Leymah Gbowee - cũng là người Liberria và Tawakkul Karman của Yemen . Họ được trao giải vì “cuộc đấu tranh phi bạo lực cho sự an toàn của phụ nữ và vì quyền của phụ nữ để được tham gia đầy đủ vào công cuộc kiến tạo hòa bình”.

chunivn_09.JPG
Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới được tổ chức tại Việt Nam
Ảnh: Giang Phong

Khi công bố giải thưởng ở Oslo  - Thụy Điển Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jaglandđã phát biểu: “Chúng ta không thể đạt được nền dân chủ và hòa bình trên thế giới nếu phụ nữ không có được cùng cơ hội như đàn ông nhằm thúc đẩy sự phát triển ở tất cả mọi lĩnh vực của xã hội”. Nhận định này hoàn toàn đúng với những nhận định của Đức Phật cách đây trên hai ngàn năm; khi một sự kiện lớn trong lịch sử tôn giáo thế giới đã xảy ra là việc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho phép phụ nữ xuất gia và trở thành một trong những chúng đệ tử chính thức của Tăng đoàn.

Để chuyển từ nền văn minh cơ bắp - sức lao động chân tay sang nền văn minh kỹ thuật – công nghiệp máy móc thay thế sức lao động và hiện tại nền văn minh trí tuệ - gốc con người thì đứng trên góc độ giới tính phụ nữ luôn  bị đẩy, gạt sang bên lề cuộc sống, là những cá nhân chịu nhiều áp lực, hạn chế, thiệt thòi, bị lạm dụng và mất đi nhiều cơ hội tốt đẹp cho chính bản thân mình.

Chúng ta có thể đặt chân lên mặt trăng chinh phục ngành không gian nhưng chúng ta lại khó có thể hoặc không thể xóa nhòa đi ranh giới, định kiến về giới tính, thân phận con người.

Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên đã có cái nhìn toàn diện, tiến bộ về vai trò, vị trí của người phụ nữ; khi mà xã hội Ấn Độ cổ xưa và kể cả ngày nay còn hằn sâu ranh giới giữa nhiều tầng cấp. Người đàn ông chịu trách nhiệm quyết định hầu hết những công việc quan trọng còn người phụ nữ chỉ là một cái bóng mờ nhạt, lạnh lẽo đi bên cạnh người đàn ông. Nói một cách thực tế thì người phụ nữ chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là tái sản xuất ra con người mới tức duy trì nòi giống. Ngay cả việc cho Ni giới gia nhập Tăng đoàn cũng đã khiến Ngài vấp phải sự phản kháng, mâu thuẫn ngay từ trong nội bộ, cùng sự chỉ trích của dư luận. Thế nhưng, vượt lên những bộ óc hẹp hòi thiển cận, phá tan đi những lằn ranh giới của sự phân biệt đối xử; Đức Phật đã làm nên một cuộc cách mạng lớn là thay đổi nhận thức tư duy, quan niệm của phàm nhân khi Ngài thực thi tinh thần dân chủ nam, nữ bình quyền. Ngài đã cho thấy tầm quan trọng của phụ nữ trong xã hội nói chung và đối với Tăng đoàn nói riêng. Ngài cũng thẳng thắn thừa nhận những điểm hạn chế, khiếm khuyết của nữ giới về mặt tinh thần, tính cách, tâm lý; xong Ngài vẫn xác quyết rằng họ sẽ có khả năng tương tự như nam giới trong việc thực hành lời Phật dạy và chứng nghiệm được quả vị giác ngộ, giải thoát cao quý nhất khi tuân thủ theo đúng tinh thần của giới luật là thực hành bát chánh đạo - tám quy tắc tự nhiên của đời sống tôn giáo giúp duy trì, ổn định sự tồn tại của Tăng đoàn.

Theo tư tưởng của Đại thừa Phật giáo, lý tưởng Bồ Tát đạo là con đường dành cho bất cứ ai không phân biệt, Tăng tục, nữ, nam miễn người đó dành trọn cuộc đời mình cho tự do, hạnh phúc của tất cả chúng sinh. Bồ Tát sẽ xuất hiện dưới nhiều hình thức và không hạn cuộc trong bất kỳ một hình dạng nào; đó cũng là lý do vì sao chúng ta có một Long nữ thành Phật trong Pháp Hoa Kinh, và chúng ta có một Phật bà Quan Âm mang vẻ đẹp nhu nhuyến, dịu hiền của người phụ nữ phương Đông. Hình tượng Phật bà Quan Âm đã đi vào thi, ca, nhạc họa, khơi nguồn sáng tạo và sống trọn vẹn trong cảm thức của biết bao người. Với tính nghe viên thông – quan sát lắng nghe tiếng kêu khổ của chúng sinh để tùy duyên hóa độ; Bồ Tát Quán Âm đã thể hiện nổi bật phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ là lòng vị tha cùng hoài bão độ sinh không mệt mỏi của mình qua hình tượng ngàn mắt, ngàn tay.

Rõ ràng chúng ta thấy nhờ quan điểm tiến bộ, tính tư duy đi trước thời đại, Đức Phật đã không ngại những thách thức nhằm cải thiện tình hình nữ giới trong Tăng đoàn cũng như ngoài xã hội; và hình tượng Bồ Tát thể hiện dười hình thức nữ giới đã chứng tỏ quan điểm của Ngài hoàn toàn chính xác và thấm đẫm tính nhân bản, nhân văn. Đồng thời nó cũng cho chúng ta nhận ra một chân lý hiển nhiên từ xưa cho đến nay chưa bao giờ cũ; giá trị của một người không phụ thuộc vào giới tính, hoàn cảnh xuất thân mà phụ thuộc vào đức hạnh, trí tuệ của người đó, cùng những giá trị sống mà người đó đã cống hiến cho nhân quần xã hội.

Giải Nobel Hòa bình năm nay được trao cho ba người phụ nữ, đó là một thực tế cho thấy vai trò, vị trí của người phụ nữ hôm nay không chỉ gói gọn trong môi trường gia đình. Mà nó đòi hỏi chúng ta phải biết quên đi bản ngã của mình, khát khao sống cho tha nhân, cộng đồng. Đồng thời nó cũng nhở cho toàn thể chị em chúng ta nói chung và Ni giới chúng ta nói riêng rằng để được xã hội trân trọng, tôn vinh; ngoài việc thực hành lời Phật dạy, thì chúng ta cần phải biết suy nghĩ dài hạn, đương đầu với thách thức khó khăn hiện tại và trang bị những phẩm chất như trung thực, sáng tạo, tinh thần cầu tiến, tính chủ động cùng ý thức về vai trò và trách nhiệm với màu cờ, sắc áo của chính mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.