Người nghèo làm việc thiện

GN - Trong cái se lạnh những ngày cuối năm, mọi người đều tất bật với công việc, với mưu sinh. Những con người tôi gặp, họ cũng phải chật vật với cái ăn cái mặc hàng ngày, nhưng có lẽ họ may mắn hơn nhiều người, vì được “tạo duyên” bằng cách mang Tết sớm cho người kém may mắn hơn…

Người nghèo biết làm việc thiện

Tôi đã có dịp đồng hành cùng đoàn từ thiện Huệ Đăng (hẻm 417, An Dương Vương, Q.5, TP.HCM) đến thăm, tặng quà, khám chữa bệnh cho các em nhỏ, bà con ở tỉnh Bình Thuận vào hai ngày 17, 18-1 vừa qua.

Đoàn từ thiện Huệ Đăng được thành lập từ năm 2010 từ ý tưởng “người nghèo biết làm việc thiện”. Với suy nghĩ những người giàu, các doanh nghiệp lớn họ làm từ thiện và càng ngày họ càng nhiều phước. Còn những người nghèo, họ nói mình nghèo nên không thể làm từ thiện và ngày càng nghèo hơn, sao mình không thay đổi suy nghĩ, nghèo cũng có thể làm từ thiện, càng nghèo thì mình phải càng làm để bớt cái khổ đi. Đó là những chia sẻ của anh Nguyễn Thanh Phong, pháp danh Tuệ Hảo, trưởng đoàn từ thiện Huệ Đăng.

2HD.jpg

Anh Tuệ Hảo (giữa) - Trưởng nhóm từ thiện Huệ Đăng

Từ ý tưởng ban đầu, anh Tuệ Hảo tâm sự với bác sĩ Lê Thanh Hùng, hiện là phó đoàn từ thiện và cũng hay hoạt động xã hội. Sau khi nghe xong, bác sĩ Hùng rất thích ý tưởng, đã hỗ trợ và cùng đồng hành với đoàn.

Những ngày đầu đoàn hoạt động rất ít thành viên, đến những cơ sở từ thiện nhỏ, những trung tâm nuôi người già khuyết tật, cô nhi viện… sau đó được bạn bè thân hữu trong xóm ủng hộ mới lan tỏa rộng ra. Đặc biệt, thành viên trong đoàn đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi, tôn giáo, mọi ngành nghề, từ bình dân đến trí thức.

Hiện tại, trung bình ba tháng đoàn đi từ thiện một lần, số lượng tham gia lúc nào cũng trên 80 người. Mỗi khi có chương trình, anh Tuệ Hảo đều đích thân đi tiền trạm, lập kế hoạch cụ thể sau đó liên hệ địa phương, và tùy khả năng của đoàn mà ủng hộ. Sau khi lên kế hoạch, Ban tổ chức họp với nhau và bắt đầu vận động những thân hữu của mình, có những người chưa đi lần nào thì mời tham gia cùng đoàn, tùy khả năng mà đóng góp. Hình thức quyên góp tùy tâm mỗi người, có gì ủng hộ nấy.

Nhiều cô chú bác khi được hỏi đều chia sẻ: “Đi thấy vui nên thích đi”, cô Hoa bán hàng trong chợ Bàu Sen cho biết. Cô Ba là công nhân về hưu thì nói: “Đến nhiều nơi thấy nhiều hoàn cảnh đáng thương lắm”. Còn chú Đức chuyên chụp hình, quay phim miễn phí cho đoàn thì bảo: “Đi với đoàn được đến nhiều nơi, bắt gặp nhiều hoàn cảnh rất đáng thương. Lâu lâu cũng được học đạo lý, những lời dặn dò chia sẻ từ quý thầy cô, thấy mình an lạc”.

Đặc biệt, trong chuyến đi có chị Hannah là người Đức, chị đi cùng đoàn thông qua một người bạn trong nhóm Hiểu và Thương. Chị chia sẻ: “Mọi người rất dễ thương, vui tính, cuộc sống của mọi người ở đây khó khăn hơn những nơi khác nhưng họ rất lạc quan”.

Anh Tuệ Hảo cho biết thêm, có rất nhiều người muốn làm từ thiện nhưng không có điều kiện, anh kể có chị đi bán vé số trong hẻm, thấy chị khó khăn muốn giúp đỡ chị một phần kinh phí xe nhưng chị không chịu, chị nói: “Mình biết đi chùa, mình có công việc, không thể nào mà nghèo tới mức độ không có tiền mua được vé xe để đi chùa, đi từ thiện, sao phải cứ trông chờ người khác. Nếu biết để dành thì sẽ đủ”. Hay có bạn sinh viên nhưng không có tiền, đi theo đoàn phụ khuân vác đồ cũng là đóng góp rồi..., anh Tuệ Hảo kể.

 “Tạo duyên”

Với mong muốn phải duy trì đoàn từ thiện được lâu và có cái gì đó lưu lại nơi mọi người, tất cả mọi người tâm cùng sáng, cùng làm việc thiện, như ngọn đèn Trí tuệ, vì thế anh đặt tên nhóm là Huệ Đăng.

Anh Tuệ Hảo chia sẻ: “Về Phật pháp, thật sự đoàn chưa đi sâu lắm, rất muốn cho các thành viên trong đoàn tham gia chuyến đi được đông hơn để trợ duyên với quý thầy nhằm gieo cái nhân với Phật pháp. Bởi mọi người trong đoàn rất nhiều thành phần, nên chỉ tạo điều kiện cho họ làm và thấy thực tế, muốn có buổi sinh hoạt tâm linh rất là khó. Đôi khi chỉ nhìn thấy từ hành động nhỏ xíu thì họ lại hiểu, lại thấm.

Hoặc như hôm nay trong đoàn này có hai bạn Thiên Chúa giáo anh mời đi cùng, sợ quý sư cô nói nhiều về đạo thì họ có khó chịu, nhưng thấy 2 bạn gần gũi quý thầy cô nhiều hơn nên cũng mừng”. Có rất nhiều người anh tạo duyên mời họ tham gia cùng đoàn, nhờ chuyến đi đó họ lại gieo được cái nhân tốt với Phật pháp.

1HD.jpg

Đoàn từ thiện Huệ Đăng trong một chuyến tặng quà tại Bình Thuận

Làm những việc này cũng chính là gieo duyên cho chính bản thân mình, anh bảo mình có may mắn được biết đến Phật pháp từ những ngày tại Linh Quang tịnh xá (Q.4) để phụ giúp các bác sĩ khoa Tây y tại phòng khám từ thiện. Từ cơ duyên này, anh Tuệ Hảo học, hiểu Phật pháp và đem áp dụng vào cuộc sống.

Anh chia sẻ, bản thân vốn nghỉ học từ năm lớp 8, sau bươn chải nhiều nghề như đổ xăng, làm quán bar, buôn bán thức ăn… lúc đó thấy bản thân tham sân si nhiều lắm. Nhưng sau cơn bệnh “thập tử nhất sinh”, anh thấy mình sống như ngày mai không còn được sống, chỉ biết giúp mọi người một cách nhiệt thành vậy thôi.

Có duyên được làm từ thiện, được hiểu Phật pháp nên anh cũng rất mong muốn Phật giáo ngày càng chấn hưng hơn, vì thế anh hay theo dõi các tin tức về hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử. Anh chia sẻ “Đến với Phật để hiểu chứ không chỉ để tin”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.