Người mẹ của trẻ em nghèo khó

GN - Từ những đứa trẻ tinh nghịch, không lễ phép, qua thời gian ngắn đến Trường Mầm non Tịnh Nghiêm được Sư cô Định Tâm Hương dạy dỗ, các em đã trở nên ngoan hiền, biết nói lời yêu thương và biết quan tâm, giúp đỡ các bạn.

Hương từ lan xa...

Điều gì đã làm cho các em thay đổi như vậy, sư cô chia sẻ: “Tất cả là nhờ tình thương. Mình lấy tình thương để giáo dục, đến gần với các bé và khi đã cảm hóa được các bé rồi thì chắc chắn các bé sẽ ngoan, hiền hơn”. Đối với phụ huynh ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, sư cô không khác gì bà mẹ hiền.

IMG_6954.JPG

Sư cô Định Tâm Hương cùng các cháu Mầm non Tịnh Nghiêm - Ảnh: Hạnh Ý

Là hiệu phó trường mầm non nhưng Sư cô Tâm Hương chỉ vừa tròn 24 tuổi và mới tốt nghiệp sư phạm năm rồi. Tuổi đời ít là vậy nhưng sư cô nhận được rất nhiều uy tín, sự tin cậy của nhiều phụ huynh và được nhiều bé quý mến! Bé Anh, 5 tuổi kể: “Con thương nhất Sư cô Hương. Lúc con lì, cô Hương bắt con khoanh tay nhận lỗi với các bạn, cô không đánh con giống như mẹ. Lúc con ngoan, ăn hết cơm, không rớt ra ngoài, cô Hương khen con giỏi. Lúc con ăn chậm, Sư cô Hương còn đút cơm cho con nữa”.

Sư cô bảo: “Tụi nhỏ dễ thương lắm. Cứ mỗi lần có bé nào nghịch ngợm, nói không nghe lời, mình bảo sẽ không đến lớp dạy các con nữa là nguyên lớp học òa lên khóc, rồi kêu bạn làm sai xin lỗi”. Mẹ của bé Tâm bày tỏ: “Trước đây con em nghịch lắm, nói chuyện không lễ phép nhưng qua thời gian sư cô dạy dỗ thì con em thay đổi tích cực. Con không còn chửi thề mà biết nói lời yêu thương. Khi ăn cơm, bé còn mời hai vợ chồng em ăn. Thấy con như vậy hai vợ chồng mừng lắm luôn”.

Nguyện trọn đời dạy trẻ mầm non

Tuần sáu bữa, ngày nào cũng vậy, sư cô đều có mặt tại trường lúc 6g45phút để đón các bé và về chùa lúc 4g30 phút. Sau thời công phu, cô lại phải soạn giáo án báo cáo lên Sở Giáo dục rồi lên kế hoạch để giảng dạy các học trò nhỏ của mình. Khi hỏi cô, dành nhiều thời gian cho các em như vậy, thời gian đâu cô tu học thì cô chia sẻ: “Mình vừa tu vừa hành đó thôi. Tuổi còn trẻ nên mình muốn vừa tu vừa cống hiến gì đó thiết thực cho cuộc đời. Sư phụ dạy rằng, tu là phải biết thực hành hạnh tự lợi lợi tha, đem lợi cho mình và đem lợi cho người khác. Và, mình thấy việc dạy trẻ nhỏ rất nhiều ý nghĩa, sự dạy dỗ của mình ngày hôm nay sẽ hình thành tính cách của bé sau này nên mình rất tâm huyết. Nếu không có gì trở ngại thì mình nguyện trọn đời dạy trẻ mầm non để dìu dắt các em nhỏ đến với con đường chân, thiện, mỹ”.

Trẻ em như tờ giấy trắng, nếu ngày đầu được người lớn quan tâm, dạy dỗ thì về sau các bé sẽ có nền tảng để trở thành người tốt. Bản thân các bé đến đây học đều cá biệt, đều được sinh ra trong gia đình khó khăn, cha mẹ ly dị, sống mồ côi nên sẽ không có điều kiện đến trường lớp như những trẻ con nhà có điều kiện. May mắn nhất với các bé, có lẽ là được trường nuôi dưỡng, được sư cô quan tâm, dạy dỗ, được hưởng tất cả những quyền lợi như các bạn cùng trang lứa.

Tôi đã trải qua một buổi học và thấy rõ niềm vui hiện rõ trên những gương mặt hồn nhiên của các em nhỏ. Có chứng kiến tận mắt, đến tận nơi tham gia buổi học với các em độ tuổi mầm non, tôi mới hiểu được việc chăm sóc, hoằng pháp cho trẻ nhỏ, có hoàn cảnh cá biệt không hề đơn giản mà sư cô đã thực hiện được điều đó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.