Người lưu truyền hạt tương truyền thống

GN - Trong cuộc sống còn lắm nỗi truân chuyên, trước khó khăn, có người dễ dàng buông xuôi, có người than thân trách phận nhưng cũng có những người dám đứng lên đối diện, đấu tranh với thử thách. Thể hiện bản lĩnh và tìm cho mình hướng đi mới, Lê Cao Trực, ông chủ cơ sở tương Việt Hoa Sen thuộc xã Suối Tre, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai là người như vậy…

Vươn lên từ nội lực

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó, năm lên 14 tuổi, ba bệnh nặng, mẹ dồn tất cả thời gian để chăm sóc ba, chàng trai trẻ Lê Cao Trực phải nghỉ học giữa chừng để gánh nặng mưu sinh lo cho gia đình. Anh kế nghiệp ba mình với nghề tương truyền thống, mười năm sau đó, Lê Cao Trực không chỉ giúp gia đình thoát nghèo bền vững mà còn làm nên thương hiệu Tương Việt Hoa Sen có mặt rộng rãi trên thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước bạn.

anhzh (1).JPG
Anh Trực chăm chút các công đoạn làm tương truyền thống - Ảnh: Hạnh Ý

Trên địa bàn thị xã Long Khánh, Tương Việt Hoa Sen của anh Trực là cơ sở sản xuất tương hột thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhưng để có được thành quả như hôm nay, với anh, đó không phải là điều dễ dàng. Tại xưởng làm tương, nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, ba anh Trực đã kể cho tôi nghe: “Ngày xưa, sau giải phóng, đất nước mình còn nghèo, bà con mình mấy ai có thịt mà ăn. Bởi vậy, vợ chồng tôi làm tương hột bán. Vì tương là món ăn truyền thống, dễ ăn mà có nhiều chất đạm. Khởi nghiệp năm 1994, làm được vài năm thì tôi đổ bệnh.Tôi bệnh nằm trên giường không làm gì được, bà xã phải coi chừng vì không biết tôi chết lúc nào. Tất cả đều trông cậy vào một mình Trực”.

Những năm khó nhọc ấy, ngày nào bán được tương là ngày đó gia đình anh có cơm ăn, còn không bán được đồng nghĩa với việc ba của anh không có tiền mua thuốc uống, các em của anh phải nhịn đói. Vì thế, anh làm ngày, làm đêm. Anh bảo: “Để có tương bán, nguyên ngày mình ngủ chỉ được hai tiếng đồng hồ, mười hai giờ đêm mới nấu xong đậu làm tương, hai giờ khuya là phải dậy đạp xe đạp chở 200 ký tương đi bỏ mối. Có nhiều lúc trên đường đi, ngủ gục, khi tỉnh dậy, mình không biết được vì sao có thể đến được nơi an toàn”.

Mẹ anh cho biết thêm: “Nấu tương, bán sỉ cho các thương lái ở chợ đầu mối, rồi chào hàng ở các cửa hàng lớn, tất cả chỉ một tay Trực quán xuyến. Để sản phẩm được trưng bày “ké” trong các cửa hàng bán cho khách, có thời gian, Trực chấp nhận cả việc đi làm nguyên ngày không công cho người ta”.

Khó khăn này qua thì thử thách khác lại đến, khi sản phẩm của anh bắt đầu có sức tiêu thụ trên thị trường thì xuất hiện tương giả mạo. Áp lực đến dồn dập như vậy, hỏi anh, lúc đó anh có nản lòng không? Nhoẻn miệng cười, anh bảo: “Trước nghịch cảnh, chưa bao giờ tôi nản lòng vì tôi không có thời gian để nghĩ đến chuyện đó; tôi cũng chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc mà càng khó, càng thử thách, tôi càng đối diện để vượt qua”.

Để sản phẩm của mình “sống” trên thị trường, anh đầu tư làm nhãn mác, đăng ký bản quyền thương hiệu cho sản phẩm. Làm như thế thì phải tăng giá thành. Có nhiều tiểu thương không chịu, anh kiên nhẫn thuyết phục từ tiểu thương đến người tiêu dùng. “Để vượt qua những khó khăn, tôi phải làm việc cật lực, bền bỉ không ngưng nghỉ như vậy suốt mười năm, tôi mới giúp gia đình thoát nghèo. Có tiền, tôi chữa bệnh cho ba, tương của gia đình ngày càng có sức tiêu thụ rộng trên thị trường. Vươn lên từ khó nhọc cũng giống như sen ngoi lên từ bùn để trổ hoa, thương hiệu Tương Việt Hoa Sen ra đời cũng bắt nguồn từ ý nghĩa đó”, anh Trực cho biết.

Cái tâm của người làm tương

Vì, tương là tâm huyết của cả gia đình, là khởi nghiệp và cũng là khát khao mong muốn lưu truyền món ăn truyền thống, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho người ăn chay nên anh muốn phát triển tương hột Hoa Sen thành thương hiệu nổi tiếng, nhưng giá thành bình dân để ai cũng có thể sử dụng.

Nếu như ngày xưa, anh làm tương cả ngày lẫn đêm, không dám ngủ để bán tương có tiền lo cho gia đình thì giờ đây, anh làm tương với ý niệm khác hơn, trên cả lợi nhuận đó là niềm đam mê, nhiệt huyết. Anh kết hợp phương pháp làm tương truyền thống và công nghệ hiện đại để đem đến sản phẩm bổ dưỡng nhất cho người tiêu dùng. Khâu lựa đậu, tuyển chọn đậu được thực hiện kỹ lưỡng bằng phương pháp thủ công. Khâu nấu đậu, tiệt trùng, lên men đều sử dụng công nghệ, với quy trình khép kín.

anhzh (2).JPG

Sản xuất tương truyền thống có sự hỗ trợ của dây chuyền sản xuất

Tại phân xưởng của anh, đậu nành sau khi được công nhân chở về, anh kiểm tra kỹ lại thêm một lần nữa để chắc chắn rằng, đậu xuất xứ từ Việt Nam. Anh cho biết: “Phải làm kỹ nguồn nguyên liệu vì đậu nành có nguồn gốc từ nước ngoài, tuyệt đối không dùng vì đậu bị biến đổi gen, không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”. Sau đó, đậu được công nhân cho từng tô lên máy lựa đậu.

Trong quá trình lựa đậu, những hạt có màu đen, lép, tinh bột không đều được nhân công loại ra. Chỉ những hạt đậu có kích thước to tròn đều, màu vàng ươm mới được giữ lại. Thắc mắc những hạt đậu kém chất lượng sẽ làm gì? Anh đáp: “Hạt đậu không đạt tiêu chuẩn sẽ bán cho các cơ sở chăn nuôi để làm thức ăn cho gia súc chứ không bỏ bừa bãi, vì rất dễ làm ô nhiễm môi trường”.

Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, anh đầu tư hẳn phòng chuyên dụng, vô trùng, dành cho cấy và nhân những con giống nhập từ Nhật Bản về để lên men cho đậu nành. Và lý do chính là: “Làm tương theo dân gian, ngoài con men làm cho đậu nành thành tương thì còn rất nhiều loại men khác, mà những loại men đó thường rất độc, không tốt cho cơ thể. Về lâu dài có thể làm cho người sử dụng bị bệnh”.

Thường thì các cơ sở làm tương sẽ mua bao bì bên ngoài về chứa tương, riêng anh, anh đầu tư một phân xưởng, chế tạo bao bì từ nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường. Anh quan niệm: “Sản phẩm mình làm ra dù có đảm bảo vệ sinh, đảm bảo chất dinh dưỡng nhưng nếu bao bì chứa tương mà không đảm bảo an toàn, chất nhựa độc hại thì sản phẩm của mình cũng gây nguy hiểm cho người sử dụng. Vì vậy, làm được tới đâu là mình đầu tư tới đó”.

Thông thường sau 2 đến 3 tháng, người làm tương sẽ rút hết nước cốt để làm nước tương, xác đậu tương và nước sót lại sẽ được pha nước muối vào rồi thanh trùng, đóng gói thành sản phẩm tương hột. Còn anh Trực, anh giữ lại toàn bộ nước cốt, phần nguyên chất nhất, giàu đạm nhất của đậu tương. Điều này làm lợi nhuận doanh nghiệp thấp hơn nhưng bù lại người tiêu dùng được sử dụng món tương đúng truyền thống, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.

Hỏi anh, vì sao trong lúc nhiều doanh nghiệp bất chấp tất cả để thu về lợi nhuận cao nhất, anh lại làm ngược lại. Nhoẻn miệng cười, anh bảo: “Làm gì mình cũng phải lấy Phật pháp làm nền tảng, phải có cái tâm, tánh thiện ngay từ đầu thì mới bền lâu được. Đó là nguyên tắc và phương châm kinh doanh của gia đình được truyền từ đời ba đến đời tôi”.

Với quy trình làm tương khép kín, sản phẩm thơm ngon, tinh khiết, thuần văn hóa Việt, đó chính là lý do để sản phẩm của anh có mặt từ thị trường trong nước đến xuất khẩu sang các nước bạn và chưa bao giờ cơ quan chức năng từ chối. Từ ngày thương hiệu Tương Việt Hoa Sen có mặt trên thị trường, Phòng Kinh tế UBND thị xã Long Khánh luôn chứng nhận cơ sở của anh đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất.

“Dù ít khi đến chùa lễ Phật nhưng trên địa bàn thị xã Long Khánh, hỏi về anh Trực, chủ cơ sở Tương Việt Hoa Sen hầu như chùa nào cũng biết. Tương của anh Trực ngon, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh mà giá rẻ hơn sản phẩm của thương hiệu khác, người có thu nhập thấp cũng có thể mua sử dụng nên bà con, chùa chiền rất thích. Đặc biệt, chưa bao giờ anh Trực từ chối khi các chùa ngỏ lời xin tương tặng cho người nghèo khó. Chùa nào phát quà từ thiện cần tương là anh hỗ trợ, số lượng bao nhiêu cũng có” - ĐĐ.Thích Huyền Tâm, chùa Phổ Minh, Long Khánh, Đồng Nai chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.