Người kể chuyện thiêng

GNO - Hiện tại con là một học Tăng ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, cùng bao huynh đệ đồng tu học nội trú, mỗi mùa hạ đều được kiết giới an cư tại nội viện. Năm nay, đặc biệt hơn so với mọi năm là có sự tham gia của chư tôn đức trong Hội đồng điều hành Học viện. Hơn hết, Thiền chủ chính là Hòa thượng Viện trưởng cùng tu học với Tăng Ni sinh mười ngày đầu mùa hạ.

Đây quả thật là thời gian quý giá cho tất cả Tăng Ni sinh học viện chúng con, vì hiếm khi được thân cận cùng lúc với tất cả quý ngài.

_DSF3714.jpg


Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng - Viện trưởng Học viện
ban đạo từ tại lễ kỷ niệm 35 năm Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Vào ba tháng mùa hạ, thời khóa tu tập của đại chúng không thay đổi gì nhiều so với thời gian còn lại trong năm. Trong những thay đổi, có chương thuyết giảng của các vị trong Hội đồng điều hành, mỗi vị đều có những chia sẻ, kinh nghiệm trong việc tu Phật và học Phật. Cùng thời gian này là kỷ niệm 56 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân (1963-2019).

Trong buổi thuyết giảng đặc biệt của Hòa thượng Viện trưởng, ngài dạy về kinh nghiệm hoằng pháp với thời gian tròn 60 mùa hạ qua. Hòa thượng nhắc đại chúng nhớ lại thời kỳ Pháp nạn năm 1963 và hình ảnh Bồ-tát Thích Quảng Đức là quan trọng nhất.

Đức Hòa thượng còn kể về Hòa thượng Trí Quang với tư cách lãnh đạo quần chúng đầy uy dũng, đều đặn trong mọi tình huống, khi ấy chỉ mới hơn 40 tuổi đời. Qua bài giảng, chúng con còn được biết Hòa thượng Trí Thủ với hình ảnh nhập thế, khước từ mọi khó khăn, nơi nào cần Đạo pháp thì Hòa thượng sẽ tới, mặc Tây Nguyên rừng vắng người thưa, hoặc chốn Sài thành lửa đạn trực sẵn trước cổng chùa.

Còn nữa, Hòa thượng Thiện Minh với trí tuệ uyên thâm cả Đạo lẫn đời, cộng với khả năng làm chủ suy nghĩ, bình tĩnh khó tin trước mọi khó khăn để tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Hòa thượng Lâm Em khi cùng bị bắt giam ở Sài Gòn, ngài thà mất mạng nhưng quyết không cởi bỏ ba y, vì mất y là mất giới thể, mất y thì còn gì là Tỳ-kheo.

Tiếp đến, Hòa thượng Viện trưởng gợi nhớ cho chúng con về hạnh nguyện của các bậc tiền bối, ân đức cao cả - nhưng người đã làm thay đổi mọi cách nhìn, đồng thời để ngài học tập nhiều nhất là Bồ-tát Thích Quảng Đức.

“Từ lúc Pháp nạn năm 1963 chưa xảy ra thì Bồ-tát Quảng Đức sinh hoạt Giáo hội bình thường như mọi vị Tăng sĩ khác. Đến khi Pháp nạn xảy ra và đến mức khó khăn mà Hội Liên hiệp Phật giáo bấy giờ không còn cách giải quyết thì Bồ-tát Quảng Đức đã bước ra một cách tự tại, đồng thời đưa ra cách giải quyết. Bồ-tát khẳng định chắc chắn thành công, vượt qua được Pháp nạn, đó chính là cho phép ngài tự thiêu để cảnh tỉnh chế độ nhà nước Ngô Đình Diệm đương thời. Cuối cùng, nguyện vọng của Bồ-tát quả thật không vô nghĩa: Phật giáo đã vượt qua Pháp nạn thời gian ngắn sau đó, như ngày sáng lại trở về, sau những ngày tối đen và đầy giông bão”, lời Hòa thượng tha thiết, xúc động.

Con đã biết Pháp nạn năm 1963, những bậc cao tăng đương thời qua môn học Lịch sử Phật giáo Việt Nam, hoặc những lời nghe từ trước của Sư phụ, từ quý sư huynh. Ngay cả ngôi chùa con xuất gia cũng rất gần với quê hương của Bồ-tát và bên cạnh ngôi chùa trên núi đất mà ngài đã ẩn tu ba năm trì kinh Pháp hoa (chùa Thiên Tứ, Mỹ Trạch, Ninh Hòa, Khánh Hòa) - con đều đến tận nơi tiếp xúc với nhiều người còn ở đó… Mặc dù vậy, nhưng những cảm xúc trong con về Pháp nạn, về Bồ-tát Thích Quảng Đức vẫn không sao bằng khi nghe qua lời kể mộc mạc, giản dị của Hòa thượng Viện trưởng.

Có lẽ, vì con được nghe trực tiếp từ Đức Hòa thượng - là người trực tiếp có mặt trong thời gian ấy, là chứng nhân lịch sử hiện tại vẫn còn, cho nên những lời ngài kể đều rất chân thật, mang cảm xúc vô cùng linh thiêng, tưởng chừng như chuyện vừa mới diễn ra ngày hôm qua, làm chính bản thân con hình dung đang hiện diện trong khung cảnh ấy.

“Ôn cố tri tân” - ngài nhắc nhở đàn hậu học chúng con nhận thức được sự cống hiến cho Đạo pháp của các bậc tiền bối, cùng nhìn lại quá khứ cũng như rút ra được những bài học kinh nghiệm làm nền tảng cho tương lai.

Lời ngài kể, có lúc trầm dũng oai thiêng, thể hiện tinh thần bất khuất, đấu tranh cho những gì bình đẳng mà mọi con người, mọi tập thể đáng phải có được, lại có lúc nhẹ nhàng, thể hiện sự uyển chuyển tài tình mà các bậc tiền bối đã sử dụng để cứu Đạo, xen vào đó là những đạo tình, xúc động nghĩ về người đi trước. Rồi những giọt nước mắt trên má ngài đã lăn xuống như biểu thị thông điệp về điều đáng nên tôn thờ là gì. Ngài hồi tưởng lại lời của Bồ-tát Thích Quảng Đức: “… Tôi nằm xuống nhưng mọi người phải đứng lên và tiếp tục tiến về phía trước…”. Rồi ngài nói: “Giữa tòa lửa cháy rực nhưng Bồ-tát Quảng Đức vẫn ngồi thế kiết-già, tay vẫn kiết ấn Tam muội tự tại, lửa dần tàn lụi thì Ngài cúi gục đầu xuống như lời tạm biệt tất cả mà về với chư Phật”.

Trong bài thơ “Lửa Từ Bi”, thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng đã viết lại cảnh tượng lịch sử này:

“Không khí vặn mình theo,
Khóc òa lên nổi gió.
Người siêu thăng… giông bão lắng từ đây,
Bóng người vượt chín tầng mây

Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ-đề”

Không giống với bao người kể chuyện khác, chất liệu mà Hòa thượng sử dụng để kể chuyện cho chúng nghe đến từ sự chứng kiến có thật, từ suy xét qua từng bối cảnh, sự nhớ thương những bậc tiền bối đã nằm xuống vì Đạo pháp, từ giọt nước mắt kính niệm trên đôi má của người già đã hơn 80 tuổi đời. Dĩ nhiên, chất liệu kết tạo khác nhau sẽ cho ra những kết quả có giá trị khác nhau. Chính vậy chuyện ngài kể không một Tăng Ni trẻ nào như con lại không lấy làm ấn tượng sâu sắc và rung động khó tả.

*

Con sư tử dẫu bị nuôi trong môi trường không tự nhiên từ nhỏ, mặc chúng đã được con người thuần hóa đi nhiều, nhưng bản tính hoang dã oai hùng trong ánh mắt xanh của nó vẫn không bao giờ tắt mất. Nếu để nó trở lại tự nhiên thì vẫn đủ sức mạnh khiến bao loài khác phải khiếp sợ và chính con người nuôi nó cũng phải dè chừng. Ngày nay, chúng con được sống trong thời đất nước yên bình, Đạo pháp một ngày hưng khởi, chúng con được che chở dưới bóng mát cổ thụ của Hòa thượng và nhiều chư tôn đức khác. Không vì vậy mà chúng con quên mất đi những ngày khó khăn nhất mà Phật giáo đã đối diện, hay không nhớ trách nhiệm trên vai người tu sĩ là gì.

Chúng con tin rằng, hình ảnh các bậc tiền bối sẽ luôn đọng lại trong tâm thức và luôn nhắc nhở chúng con tự biết lấy hoài nguyện cho chính mình. Chúng con tự hứa sẽ học theo hạnh nguyện của quý ngài đi trước, dẫu biết khả năng chúng con tự không bằng, nhưng là một “Sứ giả của Như Lai”, nhớ trọng trách mà người Thầy đã đặt lên vai của con, để mai sau con vẫn thấy Thầy đứng đó và con vui sướng vì đời con hạnh phúc còn có Thầy chờ con trong nắng sớm ban mai…

Tăng sinh Thích Nhuận Giác

(Khoa Trung Văn khóa 12)

* Tin, bài liên quan: Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Học viện PGVN tại TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.