GN - Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, độ tuổi người ta thường hướng đến sự nghỉ ngơi, an nhàn, thế nhưng, ông nguyễn Văn Tâm, 73 tuổi (pháp danh Nguyên Hải) không chọn cho mình một cuộc sống nhàn hạ. Ông tiếp tục chọn hướng đi thiện nguyện giúp đời, giúp người và coi đó là lẽ sống. Là huynh trưởng Gia đình Phật tử chùa Pháp Lâm, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng, vì thế lúc nào ông cũng được mọi người thân thương gọi là anh dù tuổi đã xế chiều…
Hơn 10 năm đồng hành cùng sĩ tử
Dưới cái nắng chói chang của tiết trời mùa hè thành phố biển Đà Nẵng, hình ảnh một cụ ông đôi mắt không còn nhìn thấy rõ, tóc đã bạc, lưng đã còng, đôi tay gầy cứ liên tục vẫy gọi hết thí sinh đến phụ huynh để “thồ” miễn phí đến tận chỗ trọ làm chúng tôi chú ý. Người dân khu vực gần bến xe, sân ga Đà Nẵng quá quen thuộc với hình ảnh đầy thân thuộc, đậm chất nhân văn ấy. Họ gọi anh bằng cái tên trìu mến “lão đại thiện nguyện”.
Huynh trưởng Nguyên Hải dành thời gian làm thiện nguyện
Hơn nửa cuộc đời mình, huynh trưởng Nguyên Hải dành thời gian làm thiện nguyện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Anh có 6 người con đã yên bề gia thất. Khi được hỏi vì sao tuổi đã già mà vẫn “đam mê” làm thiện nguyện, anh Nguyên Hải trả lời:
“Chú thấy đấy, tuổi của tôi đáng lẽ phải nghỉ ngơi dưỡng già thật rồi. Nhưng tôi vẫn nặng nợ với cuộc đời này nhiều lắm. Cuộc sống tôi quá may mắn có gia đình đàng hoàng, con cái đề huề; đó là điều tự hào của bản thân, nhưng xã hội còn nhiều hoàn cảnh đáng thương cần giúp đỡ. Thấy bản thân còn làm được thì tôi cứ làm thôi”. Anh vừa tâm sự vừa chỉ vào người mình, cười khà khà: “Ngó già ri chứ khỏe lắm đó chú! Tôi làm việc thiện nguyện giúp đời được Trời Phật phù hộ nên tôi khỏe lắm”.
Nhẩm tính trên đầu ngón tay, anh chia sẻ thêm: “Tôi làm tiếp sức mùa thi cũng hơn 10 năm rồi”. Trong nhóm tình nguyện Gia đình Phật tử ở quận Hải Châu (Đà Nẵng), anh Nguyên Hải là người lớn tuổi nhất nhưng hăng hái, xông xáo nhất. Là huynh trưởng đồng thời là Phó Trưởng ban đại diện Gia đình Phật tử quận Hải Châu, anh luôn nêu cao vai trò người lãnh đạo “nói đi đôi với làm”, làm nhiều việc có ích cho xã hội chứ không phải nói suông.
Trong những lần cứu trợ đồng bào bị bão lũ, anh không ngần ngại đường sá hiểm trở, xa xôi để cùng đoàn cứu trợ của chùa đi tới nhiều vùng bão lũ thiên tai như vùng cao Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), đem đến cho bà con những phần quà cứu trợ, giúp đồng bào vượt qua một phần khó khăn.
Là người lớn tuổi nhất, có nhiều “vốn” sống, anh Nguyên Hải luôn có những ý kiến, những giải pháp hay để thúc đẩy sự phát triển của tổ chức trong công tác từ thiện xã hội. Bạn Nguyễn Thị Minh Tâm (19 tuổi) cũng là thành viên của nhóm tình nguyện Gia đình Phật tử nói về anh: “Anh Nguyên Hải năm nay 73 tuổi rồi nhưng rất hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Không bao giờ anh đến trễ. Anh luôn đi trước đón đầu không nề hà việc khó khăn, lớn nhỏ. Ở đây mọi người rất quý anh và coi anh như người thân trong gia đình vậy”.
Tận mắt chứng kiến anh tận tình hướng dẫn, chăm sóc chu đáo cho các thí sinh và người nhà sĩ tử, chúng tôi không khỏi xúc động và trân quý những việc làm cao đẹp ấy. Chiếc xe máy theo anh là bạn đồng hành trên hành trình tiếp sức ước mơ cho các sĩ tử. Trước một tuần khi kỳ thi đại học, cao đẳng diễn ra, anh lại túc trực tại bến xe, sân ga để làm “xe ôm” miễn phí cho sĩ tử và người nhà ở các tỉnh xa xôi “khăn đùm áo gói” đến Đà Nẵng để dự thi.
Thiện nguyện là lẽ sống
Trong cuộc đời làm thiện nguyện, anh Nguyên Hải không nhớ mình đã gặp bao nhiêu con người, bao nhiêu trường hợp đáng thương cần giúp đỡ. Trường hợp mà anh nhớ mãi khi tiếp sức mùa thi đó là phát hiện ra thí sinh Trần Phú bị khiếm thị bẩm sinh.
Anh nhớ lại: “Hôm đó trước 2 ngày kỳ thi tuyển sinh khối A diễn ra, như thường lệ, tôi đến ga Đà Nẵng để đón thí sinh về các địa chỉ cho ăn ở miễn phí thì tình cờ gặp em Phú. Qua tâm sự, biết rõ hoàn cảnh và nghị lực của chàng trai này, tôi trực tiếp dẫn em lên Hội đồng Tuyển sinh Đà Nẵng trình bày hoàn cảnh của Phú. Sau đó, Phú được Đại học Đà Nẵng đặc cách trúng tuyển vào đại học”.
Anh bộc bạch: “Con người ta chỉ một lần được sống ở đời. Mình làm được việc gì giúp đỡ người khác thì đó là niềm vui, là sự hạnh phúc chú ạ. Hơn thua, tranh giành nhau chỉ làm cho bản thân mệt mỏi và dằn vặt thêm. Người ta giàu người ta góp của, mình không có của thì mình góp công, miễn sao làm cho bản thân được vui và người khác hạnh phúc là được”. Những lời tâm tình của anh toát ra từ tâm hồn nhân hậu, sống vì mọi người, sống để cho đi.
Sự vất vả, nhọc nhằn dường như không bao giờ khiến những người lớn tuổi đầy nhiệt huyết như anh Nguyên Hải phải bận tâm. Bởi với anh, cho đi không có nghĩa là mất.