(Tưởng nhớ một năm thầy đi vào cõi Tịnh)
GN - Truyền thống xưa nay của hầu hết các chùa ở Việt Nam là dạy môn chữ Hán cho người mới tu. Trong thực tế, phần lớn kinh điển của Phật giáo được lưu hành tại Việt Nam đều viết bằng chữ Hán. Vì vậy, có niềm tin rằng không biết chữ Hán là không thể giảng dạy kinh điển, đặc biệt là Kinh Luật Luận Bắc truyền (Đại thừa).
HT.Thích Chơn Thiện (1942-2016)
Trong khi đó, Kinh tạng Nikaya (Pali) thường được cho là giáo lý Tiểu thừa, dành cho hàng Thanh văn, những người chỉ lo việc tự lợi, thiếu tinh thần lợi tha, nên ít được phổ biến trong quần chúng Phật tử Bắc tông. Đây có lẽ là một sự ngộ nhận đáng tiếc và cũng là sự thiệt thòi lớn lao đối với người Phật tử Việt Nam, đặc biệt là tín đồ Bắc tông. Vì lý do này mà hơn 16 năm ở chùa, tôi chưa từng được tiếp cận với tạng kinh truyền thống này, cho đến khi có duyên được gặp Hòa thượng Chơn Thiện vào năm 1984.
Trong khoảng thời gian 4 năm tạm trú ở chùa Linh Sơn, Đà Lạt, thầy (lúc bấy giờ còn là Đại đức) đã liên tục giảng dạy Phật pháp tại đây, đặc biệt là những lời dạy từ Kinh tạng Nikaya. Với những kiến thức về triết học và tâm lý giáo dục được tu nghiệp tại Hoa Kỳ, với sở học uyên thâm về cả hai hệ tư tưởng Bắc truyền lẫn Nam truyền, cùng kinh nghiệm tu tập của tự thân, thầy đã từng bước truyền đạt những tinh thần căn bản của giáo lý Phật giáo qua Kinh tạng Pali, A-hàm, và Đại thừa… đến với mọi người.
Cần phải xác định rằng Kinh tạng Pali này đã được Đức cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu dày công phiên dịch và giảng dạy từ những năm của thập niên 60-70 tại Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Tuy nhiên, theo thiển ý, trong khoảng thời gian này ở Việt Nam, hệ kinh tạng này vẫn còn gói gọn trong lãnh vực nghiên cứu, học thuật dành cho sinh viên, học giả, và chưa thật sự được phổ biến trong cộng đồng Phật tử Bắc tông.
Bên cạnh ấy, một thực tế mà bất cứ ai lần đầu tiên tiếp xúc Kinh tạng Pali có lẽ sẽ suy nghĩ giống nhau: Kinh tạng Nikaya rất đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc hành trì lời Phật dạy ngay trong đời sống hàng ngày để đoạn trừ tham, sân, si…; vì “giáo lý của Đức Phật là thiết thực hiện tại, đến để mà thấy,… được người trí tự mình giác hiểu…”; (một yêu cầu rất ít người ứng dụng) thay vì lễ bái, cúng kiến, cầu nguyện (sở thích của số đông).
Tinh thần của Nikaya cũng ít khi xiển dương vai trò tha lực, thần thông, sức mạnh của thánh thần trong khổ đau và hạnh phúc của tín đồ (vốn là sự mong ước của quần chúng khi tiếp xúc với tôn giáo). Vì vậy, muốn truyền bá các kinh này một cách rộng rãi cho quần chúng không phải là một công việc dễ dàng; nó đòi hỏi nhiều thời gian, sự kiên trì, nỗ lực của các hành giả tâm huyết. Bởi lẽ, ngôn ngữ của kinh mang tính chuyên môn, kinh viện; nội dung khá khô khan, ngôn từ thường được lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều bài kinh…khiến người nghe không cảm thấy hấp dẫn và lôi cuốn.
Tuy nhiên, nhờ quá trình tự nghiên cứu, kinh nghiệm tu tập và vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy, thầy đã khéo léo dẫn dắt nhiều thính giả và hành giả từng bước thấm nhuần những lời dạy giản đơn, cụ thể, gần gũi với đời thường nhưng đầy tính chất trí tuệ và giải thoát của Nikaya.
Dường như rằng những pháp âm đầy nội lực và sức mạnh tâm linh của thầy vẫn đã và đang ảnh hưởng đến lối duy tư và tu tập của rất nhiều người từ đó đến nay, trong đó có tôi. May mắn hơn nữa, nhờ có thiện duyên được thân cận, gần gũi và hầu hạ thầy trong một khoảng thời gian khá dài ở chùa Linh Sơn Đà Lạt nên tôi đã có những thay đổi lớn trong cuộc đời tu hành của mình.
Thật ra, trong thời gian đầu tôi chưa thật sự ý thức được những gì mà thầy giảng dạy, gởi gắm và có thể nói là trông đợi. Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm, tôi mường tượng được, thậm chí cảm nhận được hương vị an lạc và thảnh thơi mỗi khi trầm tư các lời dạy này. Đây là những hành trang quý giá đã và đang nâng bước tôi trên con đường nghiên cứu, học Phật. Có lẽ đây cũng chính là những hạt giống Nikaya mà thầy bắt đầu ươm mầm cho Phật tử Đà Lạt trong những ngày ẩn cư tại xứ này.
Suốt cuộc đời tu học và hành đạo, thầy miệt mài nghiên cứu, hành trì và giới thiệu Kinh tạng Nikaya đến với mọi người trong mọi hoàn cảnh có thể. Những tác phẩm tiêu biểu như Lý thuyết Nhân tính qua Kinh tạng Nikaya, Tìm hiểu Kinh Trung bộ, Tìm vào thực tại,… là tặng phẩm thầy để lại cho đời. Những hạt giống Nikaya này lại có cơ hội đâm chồi nẩy lộc khi Tăng Ni sinh các trường cao cấp Phật học (tiền thân học viện Phật giáo ba miền) nhận được sự giáo dưỡng trực tiếp từ những bậc thiền tăng, trí giả như Đức cố Trưởng lão Thích Minh Châu, Đức cố Trưởng lão Thích Thiện Siêu, cố Hòa thượng Thiện Châu, Hòa thượng Phước Sơn...
Với đức độ, uy tín, kinh nghiệm cũng như thẩm quyền trong cả lãnh vực thế học lẫn Phật học, sự khẳng định của các ngài về những giá trị khoa học lịch sử, tư tưởng của Nikaya, đặc biệt là những giá trị thực tiễn do việc ứng dụng những lời dạy này vào trong cách hành xử hàng ngày của tự thân mỗi hành giả đã đem lại niềm tin, sự khích lệ và một luồng gió mới trong sự nghiệp tu học Phật pháp của mọi người.
Ý nghĩa hơn nữa, với cái nhìn độc đáo về Pháp tạng Phật giáo, thầy đã trình bày mối liên kết nhất quán trong tư tưởng từ Phật giáo Nguyên thủy cho đến Phật giáo Đại thừa. Tư tưởng Kinh Pháp hoa, Tư tưởng Kinh Kim cang, Tư tưởng Kinh Địa Tạng, Tư tưởng Kinh Di Đà, Chuỗi hạt huyền trong Kinh tạng Nikaya… chính là những thành quả giá trị cho nỗ lực khó khăn và không mệt mỏi này. Bởi theo nhận định của phần lớn các học giả và trí giả trên thế giới, Kinh tạng Nikaya mặc dù không phải là nguyên chất hoàn toàn của đạo Phật, nhưng có thể xem là gần Phật ý nhất. Chuyên chở đầy đủ những giáo lý quan trọng và tinh hoa nhất của Phật giáo, đồng thời được xây dựng trên tuyên ngôn của Đức Phật “Ta chỉ nói Khổ và Con đường diệt khổ”, Kinh tạng Nikaya có thể được xem là bộ kinh nguyên thủy nhất của đạo Phật nguyên thủy.
Trên nền tảng của “nguồn suối trí tuệ, giải thoát nguyên thủy” này, những tuyệt phẩm triết học, văn học được soạn tác, biên tác, trước tác theo thời gian của các giai đoạn Phật giáo (Phật giáo Bộ phái, Phật giáo Đại thừa) nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử đã từng bước được hình thành.
Sẽ có nhiều ý kiến, quan niệm khác nhau về vấn đề nêu trên! Bài viết này có lẽ cũng phản ánh một cái nhìn mang tính chủ quan! Tuy nhiên, an lạc, hạnh phúc chắc chắn sẽ là mục đích của tất cả mọi người khi tìm đến đạo Phật! Nikaya có thể đáp ứng được yêu cầu như thế nếu như chúng ta thử áp dụng bất cứ lời dạy nào trong tạng kinh Pali ngay bây giờ và tại đây!
Đây là lý do mà mỗi lần lật giở những trang kinh Nikaya này tôi lại nhớ đến thầy, nhớ những bậc ân sư đã chỉ bày tôi bước vào đạo lộ trí tuệ này!
Thiền thất Từ Mãn, mùa thu 2017
Viên Trí