GNO - “Đến sát ngày 25 tháng Chạp rồi mà thấy những ngôi mộ chưa có người về thăm, cúng kiếng là bác lụi cụi đến từng ngôi mộ bị “bỏ quên” vệ sinh, đắp cục đất mới, đốt nén nhang thơm để người khuất cũng có “nhà mới” đón xuân về”, chú Hai Nhứt - người dân ở ấp 3, xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã giới thiệu với tôi như thế về một con người đã lặng lẽ chăm sóc mộ người dưng suốt 36 năm liền.
36 năm chăm sóc mộ người dưng
Hỏi bác Lê Văn Đây hay còn gọi là Tư Đây giữ nghĩa địa, dường như người dân ở ấp 3, xã Long Hòa không ai là không biết. Những người dân ở nơi xa cũng biết bác, có người còn tìm đến tận nhà để gửi gắm trông giúp phần mộ người thân quá cố ngoài nghĩa trang.
Thấy cây sứ ra nhiều hoa, bác mừng vì Tết ở đây cũng có bông hoa như ở nhà
Ngày tảo mộ bác làm rất bài bản. Đối với những ngôi mộ mới, bác chỉ quét, lau cho sạch bụi rong rêu bám trên lớp xi măng, rút chân nhang, châm thêm cát vào ly hương, thay nước mới cho bình bông, cắm một cây phát tài nhỏ vào, mộ nào có trồng hoa tươi rồi thì bác không chưng thêm bông nữa. Còn với mộ đất, bác nhổ sạch cỏ mới mọc rồi lấy chổi tàu dừa quét cho đất trơn tru, sau đó cuốc ba cục đất to đắp lên nấm mồ. Làm xong một lượt rồi bác mới đốt nhang cho tất cả, khấn vái để mồ được ấm. |
“Tui biết bác Tư Đây cách đây mười mấy năm, từ năm 1998 đến bây giờ, lúc đó con tui mất, tui đem về đây chôn cất. Thương con, tui về đây thăm con hoài. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, tui không thể tuần nào cũng chạy về, bỏ con lạnh lẽo nơi đây, tui không nỡ. May mà lúc đó có bác, thấy bác làm lúa ở đất này nên tui nhờ đại. Bác nói là, chú không nhờ thì tui cũng làm, ở đây mấy chục cái mồ đất đó đó, không có chủ tui cũng dọn dẹp giúp. Chứ đi ruộng mà thấy mồ xanh cỏ, tui không chịu nổi. Tui nhớ hoài câu nói đó của bác. Giờ mỗi lần về đây bất ngờ, mồ con tui vẫn sạch sẽ, không thấy cỏ mọc như những ngôi mồ ở nơi khác, trên mộ còn có đốt nhang, tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng”, chú A Sỉn bộc bạch.
Gắn bó với nghĩa trang nhân dân ấp 3 này từ năm 1977, từ cái lúc nghèo khó không có đất trồng trọt, bác liều mình đến nghĩa trang trồng lúa để kiếm thêm chút đỉnh nuôi con. Cho đến hôm nay, bác đã 77 tuổi nên hỏi ngôi mộ tên A, B, C ở chỗ nào, bác đều chỉ đúng chỗ.
Có người cả chục năm không về thăm mộ ông bà, lúc về tìm không ra nơi người thân chôn cất, đều đến nhà bác, nhờ bác chỉ giúp. Chỉ cần nhắc vài chi tiết là bác nhớ ra ngay. Sở dĩ bác biết rõ như vậy vì ngày nào bác cũng lên đây thăm ruộng lúa, dọn dẹp cỏ. Có người nào mới “đưa về” là bác biết liền.
Nghĩa trang có khoảng 250 ngôi mộ lớn nhỏ, mới cũ, đủ thành phần khác nhau nhưng tất cả đều sạch cỏ. Bác nói: “Dọn sạch để cho chuột không phá lúa mình” nhưng chú làm ruộng kế bên thì bảo: “Ui ổng nói vậy thôi chứ ổng làm sạch cỏ để đất được ấm, chứ mấy đám rộng bên kia, cỏ quá trời mà có ai nhổ vì sợ chuột cắn lúa đâu”.
Trò chuyện với bác trong lúc bác nhổ cỏ, hỏi bác vì sao lại làm những công việc không công này, bác cười tươi, kể: “Ngày xưa mộ ở đây ít lắm, một công đất vậy chứ có tầm hai chục cái mộ hà, mà toàn là mộ không tên, không biết nguồn gốc. Tui đi giáp vòng dọn dẹp sạch sẽ rồi đốt nhang khấn xin ông bà, vong linh ở đây cho tui trồng ít lúa để ăn; tui hứa là vừa trồng lúa, vừa chăm nom mộ quý vị để ấm êm mồ mã. Ngày xưa tui làm vì tui thiếu ăn, còn giờ làm vì cái tình người. Mình sẵn dọn dẹp cỏ nĩa cho mộ ông bà mình, con cháu mình rồi dọn cỏ dùm mấy mộ lân cận luôn. Để họ có… còn đâu đó, thấy mồ mã được chăm sóc, có người ngó ngàn tới cũng đỡ tủi”.
Xuất phát từ tấm lòng tri ân đó, bác chăm sóc các ngôi mộ rất kỹ lưỡng. Từ mộ lớn đến mộ nhỏ, từ mới đến cũ, từ con số vài chục ngôi bây giờ đến gần 300 ngôi, bác đều chăm chút, không bỏ sót ngôi mộ nào dẫu người ta có nhờ hay không.
Thương như người thân
“Từ ngày 20 tháng Chạp, người ta bắt đầu đi tảo mộ lần lần, đến ngày 25 tháng Chạp mà mộ chưa được làm mới thì có nghĩa là người ta không về, mà người ta không về thăm, tảo mộ cho ông bà, con cháu thì mình làm. Chứ để mồ mả lạnh lẽo, thấy tội lắm”, bác chia sẻ.
Bác Tư Đây kỹ lưỡng nhổ từng bụi cỏ hoang mọc trên ngôi mộ đất, vô chủ
Thấy thương bác, làm việc không đòi hỏi hay xin tiền bạc bất cứ ai, có năm UBND xã Long Hòa có biếu bác một ít tiền ăn Tết. Rồi người ta đi tảo mộ, viếng mộ thấy bác chăm sóc mộ người thân họ sạch bóng cỏ, họ cũng cho bác năm, ba chục ngàn hút thuốc. Nhưng số tiền đó thấm vào đâu, có khi không đủ để bác mua bánh tét, nhang đèn cúng kiếng cho hương linh vào các ngày rằm, ngày Tết.
Một mùa lúa tại mảnh đất bác trồng, thu hoạch vỏn vẹn chỉ được 11 giạ, có khi trúng mùa thì được 15 giạ - số lúa ấy có mùa không đủ tiền phân, thuốc nhưng bác vẫn bám víu mảnh đất này.
Con đường từ nhà bác lên đất ruộng không xa, chỉ 10 phút đi bộ nhưng cây cối um tùm, rất khó đi. Sợ bác tuổi già, đi đứng khó khăn, con bác kêu nghỉ trồng lúa nhưng bác một mực không chịu. Mùa lúa đã gặt rồi, bác vẫn lên thường xuyên, không ngày nào vắng mặt, đơn giản vì bác nghĩ: “Lên đi vòng vòng đốt cây nhang cũng được. Lên có hơi người cho ấm chứ không lạnh lẽo lắm”.
Những ngày giáp Tết, lúa bác trồng cũng vào giai đoạn chín nhưng bác vẫn tranh thủ thời gian dọn dẹp cỏ hoang mọc trên những ngôi mộ đất. Buổi sáng bác vừa cắt lúa vừa đập. Buổi chiều, xế xế là bác dọn dẹp lần những ngôi mộ không có thân nhân. “Vừa làm lúa, vừa dọn cỏ. Đến ngày 25 ở đây sạch sẽ hết, tảo mộ hết để mọi người ăn Tết vui vẻ”, bác hoan hỷ nói.
Bài, ảnh: Hạnh Ý
Bài vở, hình ảnh cộng tác với Giác Ngộ online Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 xin gửi về địa chỉ Email giacngoxuan@gmail.com. |