GNO - Vùng biển Cần Giờ, đa số người dân mưu sinh bằng nghề đánh cá, ra khơi với tâm niệm thu hoạch thật nhiều hải sản; lúc về thì nhậu nhẹt, có khi thâu đêm, la lói om xòm khắp xóm. Vậy mà tại đây, Phật pháp dần dần đã được thắp sáng lên khi các ngôi chùa mở rộng chương trình tu học, bà con hiểu được sát sanh là tội và từ đó, đến chùa lễ Phật, tụng kinh nhiều hơn. Vào ngày rằm, ngày vía, các ngôi chùa đông như lễ hội. Điều đặc biệt là, giờ đây bà con đến chùa không phải để cầu đánh bắt được nhiều cá mà sám hối tội, nghiệp sát sanh đã gây ra trong những năm tháng mưu sinh và tu học một cách đúng nghĩa.
Cùng nhau gieo trồng phước đức
Mặc dù ở vùng biển Cần Giờ, các chùa bắt đầu cử hành lễ sám hối vào lúc 18 giờ nhưng từ lúc rạng sáng là rất đông Phật tử có mặt để công quả, chuẩn bị tươm tất cho buổi lễ mà người dân nơi đây xem là thiêng liêng nhất, lớn nhất của năm.
Thiêng liêng lễ cầu sám hối đầu năm - ảnh chụp tại chùa Phước Hải
Tại chùa Hải Đức, một bác Phật tử giới thiệu: “Sáng giờ đông vui lắm, người cúng trái bí nấu kiểm; người trái bầu kho tương, mỗi người một ít để cúng dường. Ở đây, bà con trông nhất là ngày này”. Ngồi xem các cô gói bánh, những mẫu chuyện đan xen mọi người nói với nhau mà tôi nghe được là chuyện “nhà cô bữa nay có ai đến chùa”; “mọi người đi đủ không” hay “rằm này ông nhà cô có ăn chay không hay đi nhậu”. Các cô quan tâm đến chuyện tu tập, hướng thiện và làm thế nào để gia đình được bình an chứ không hỏi thăm “bữa nay nhà bà đánh được nhiều cá không” như những năm về trước.
Còn tại chùa Phước Hải, rất đông bà con đến tu tập và làm công quả. Thầy An Đạo, trụ trì chùa cho biết: “Từ lúc chùa khai đàn Dược Sư, ngày bảy thời kinh, thời kinh nào cũng có khoảng 50 Phật tử hành trì. Có người tụng kinh, trì chú được buổi sáng; có người rãnh buổi chiều, hễ có thời gian là bà con đến chùa lễ Phật để giải nghiệp, tăng trưởng công đức”.
Cùng nhau gieo hạt thiện lành
Không chỉ phụ nữ đến chùa mà giờ đây tại vùng biển này, đàn ông, thanh niên đều đến chùa mỗi khi sắp xếp được công việc gia đình. Đến chùa lễ Phật, ai cũng bày tỏ niềm vui, hoan hỷ và chung tay bê cái ghế, bày quyển kinh ra kệ, chuẩn bị tươm tất cho buổi tụng kinh. Bây giờ, rất nhiều thanh niên, các chú, các bác ở đây xem việc đi chùa là rất có ích; rượu bia vào chỉ làm hư người, chuốt thêm tội.
Tin sâu Tam Bảo
Nếu như những năm trước, ngày rằm, vía… bà con vùng biển Cần Giờ tập trung đến miếu, đình để lễ bái, cầu nguyện đánh bắt cá suôn sẻ, được mùa thì những năm gần đây, cứ vào những ngày này là bà con về chùa đông đúc.
Anh Quang Điền, ấp Long Thạnh (Long Hòa, Cần Giờ) là điển hình cụ thể. Trước đây, không biết chùa, anh thường đến nhiều nơi cúng kiến để cầu tài, sức khỏe; cầu cho công việc làm ăn suông sẻ. Tình cờ đến chùa lễ Phật, vô tình đọc được quyển kinh nói về nhân quả, anh đã hiểu phước báu là do mình tạo ra; phước báu đến từ nhân, quả; mình sát sanh thì không thánh, thần nào có thể giúp mình sống thọ, không đau bệnh.
Thế là anh đã qui y, gần gũi Tam Bảo và giữ gìn giới luật đã phát nguyện. Mặc dù còn nghịch duyên, phải nuôi hào để có đồng ra, đồng vô, lo cho gia đình nhưng ngày nào thăm hào, anh cũng niệm Phật. “Số tiền thu được sau khi thu hoạch, anh chia thành nhiều phần, trong đó có khoản cúng dường, bố thí, hồi hướng công đức để vơi bớt nghiệp”, anh cho biết.
Tam Bảo đã trở thành nơi nương tựa của ngư dân
Vùng biển này, những người đàn ông một khi đã giác ngộ, bỏ nghề đánh bắt cá rồi đều bảo: “Không dám lập lại bổn cũ” như lời nói ngày xưa của các cụ: “Nam nhi nói bỏ là bỏ”. Trong lúc lui chùi chậu hoa kiểng tại chùa Phước Hải, anh Tiến đùa, hỏi: “Sao giờ ở đây, không đi gài độ nhậu hả bác Thiện” thì bác liền cười tươi rói bảo: “Sợ lắm rồi mày ơi, đừng chọc bác mày nữa”.
Hỏi vì sao “sợ”, bác liền giải thích: “Tui nhớ là rằm tháng Giêng năm ngoái, anh, em đi biển ai cũng rủ nhau đi chùa. Riêng tui thì rủ đi nhậu, nhưng không ai chịu đi hết, nói là bữa nay ăn chay. Tò mò, tui đến chùa để coi chùa có cái gì mà ai đến rồi cũng “chê” rượu. Đến đây, vô tình tui nghe được bài kinh sám hối, có nhiều đoạn nói đến tội do sát sanh gây ra. Đêm đó về tui không dám ngủ vì vừa nhắm mắt là thấy điềm dữ; cá, tôm cầm lưới giăng lại mình như lúc mình đi giăng bắt chúng. Tui hoảng hồn, nghiệm lại thấy đúng là gieo nhân nào sẽ gặt quả đó. Biết mình đã sai, từ đó tui bỏ nghề, không đi đánh bắt cá nữa, cũng từ đó bỏ rượu luôn. Giờ đêm nào tui cũng đi tụng kinh, kêu tui trở lại nghề xưa, tui không dám đi đâu, sợ quá rồi”.
Đồng tình với bác Thiện, chú Chí Tín, 49 tuổi cho biết: “Đàn ông ở vùng biển này riết tu gần hết rồi, giờ anh em của tui hỏi tới, ai cũng nói sợ đi biển. Như tui chẳng hạn, ngày xưa thì mình không biết, cứ nghĩ cha truyền nghề thì con nối, cứ nối nghiệp năm này qua tháng nọ. Nhưng từ cái ngày đến chùa, tui hiểu sát sanh là tội, tui đã nghỉ đánh, bắt cá luôn. So với mười năm về trước thì giờ tui đã biết sợ, chứ lúc trước ai kêu tui mần cá, tôm để nhậu là tui mần liền hà”.
|