Ngôi nhà tình thương chốn cửa Phật

Hơn 20 năm qua, chùa Đức Sơn (thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, TT - Huế) đã trở thành nơi cứu vớt cho hàng trăm sinh linh là những em nhỏ mồ côi, khuyết tật, không nơi nương tựa.

Với tấm lòng bao la của mình, các ni cô trong chùa đã giúp cho các em vơi bớt đi sự thiệt thòi, mặc cảm của bản thân, để từ đó các em trở thành những công dân sống có ích cho xã hội.

Từ bi lời phật dạy

Với gần 200 trẻ đã được cưu mang nay đã có công ăn việc làm ổn định, hiện chùa còn đang nuôi dạy hơn 150 em. Chùa Đức Sơn hiện là ngôi chùa có cô nhi viện duy nhất tại Huế.

Năm 1964, để lánh nạn chiến tranh, đồng bào tăng ni phật tử nhiều nơi đã đến tá túc tại lăng Thiệu Trị, tại đây mọi người đã cùng nhau quyên góp tiền bạc để xây dựng một ngôi chùa làm nơi ở tạm thời để cầu nguyện cho đất nước sớm thoát khỏi cảnh lầm than.

Sau ngày giải phóng, nhiều phật tử năm xưa trở về thăm Huế, đã bàn nhau cùng chung sức, được sự giúp đỡ của Giáo hội phật giáo tỉnh xây nên Niệm phật đường chùa Đức Sơn.

Theo lời kể của sư cô Thích Nữ Minh Tú (Phó trụ trì chùa Đức Sơn) về cơ duyên cưu mang trẻ sơ sinh bất hạnh: "Cuối 1986, có người trong làng mang đến chùa một đứa bé sơ sinh ốm yếu bị bỏ rơi, không người thân thích.

Thấy bé là con gái, các sư trong chùa cũng là nữ, nghĩ cũng tiện nên nhận nuôi và đặt tên là Kiều Thị Thủy Chung. Lúc đó, cuộc sống khó khăn, các sư phải thay nhau đi khất thực để có tiền mua sữa, thức ăn mặn vì tuổi bé không thể ăn chay mãi được. Hiện cô bé ngày nào giờ đây đã làm việc tại một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh.

Bữa ăn thường ngày của các em nhỏ tại chùa Đức Sơn

Từ đó, mọi người cứ truyền nhau, tiếng đồn về chùa Đức Sơn có nhận nuôi trẻ em cơ nhỡ vang xa, ở đâu có trẻ em bỏ rơi, không nơi nương tựa lại mang đến chùa. Dần dần, với tình thương của các ni cô trong chùa thế là cô nhi viện chùa Đức Sơn ra đời. Đa số các em đến đây đều là trẻ sơ sinh không rõ tên tuổi, quê quán, người thân nên mọi người đã thống nhất với nhau con trai lấy là họ Cù, con gái thì họ Kiều.

Với nhiều em nhỏ ở đây, các sư cô vừa là người mẹ, người cha chăm sóc ân cần chu đáo, em nào cũng được học hành đầy đủ đến nơi đến chốn. Năm nào chùa cũng có em đậu Đại học, Cao Đẳng. Còn đối với những em bị khuyết tật thiệt thòi không thể học văn hóa, chùa còn tạo điều kiện giúp các em học nghề để vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Sư cô Minh Tú còn kể, để khích lệ các em có tinh thần học tập, vươn lên trong cuộc sống năm nào chùa cũng tổ chức các buổi dã ngoại công viên giành cho những em có thành tích học tập tốt, tặng thưởng một bộ áo quần mới hoặc xe đạp mới.

Nhiệt tình là vậy, song các sư cô trong chùa cũng không giấu về nổi khó khăn vật chất của mình, đó là việc chăm sóc hơn 150 em để các em đầy đủ về mọi mặt, với chế độ dinh dưỡng hàng ngày là 30.000/em, đặc biệt là trong mùa nhập học, thi cử thì việc chăm sóc cũng gặp phải khó khăn tốn kém chi phí.

Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm cộng với lòng yêu trẻ và nhiệt huyết của mình các sư cô luôn chăm sóc các em hết sức đầy đủ, không để bất cứ em nào chịu thiệt thòi.

Mãi mãi một tình thương

Để chăm sóc hàng trăm đứa trẻ, hơn 20 sư cô trong chùa đã phải bận rộn rất nhiều, chăm sóc các em từ miếng ăn, giấc ngủ đến tương lai cuộc sống. Mặc dù chưa từng làm mẹ, nhưng chính tình thương đã hình thành ở các sư cô một đức tính hy sinh cao cả.

Trong tất cả các em ở đây, thì chăm sóc vất vả nhất đó là những em bị bại não, động kinh nên phải nhốt một chỗ và phải cắt cử 2 sư cô mới chăm được một em, chùa có 10 em bị khuyết tật như vậy.

Các em nhỏ vui đùa cùng đoàn khách quốc tế đến thăm

Chùa hiện có hơn 20 em đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng. Nhiều em cũng đã có khả năng lập nghiệp và tự chăm lo cuộc sống cho riêng mình, đặc biệt có những em còn tình nguyện quay lại chùa giúp các sư chăm sóc cô nhi viên này.

Trong đó, Đào Duy Long (24 tuổi) là một trường hợp như vậy: Sinh ra trong một gia đình khó khăn ở huyện A Lưới (TT - Huế), bố mất sớm, một mình mẹ bệnh tật nuôi 3 anh em Long ăn học, quá cực khổ nên Long mới được mẹ gửi gắm vào chùa nhờ giúp đỡ.

Từ đó, Long quyết chí học hành, thành quả xứng đáng đến với cậu là năm 2006, Long đậu trường Đại học Huế với số điểm khá cao, vừa ra trường, ngoài công việc hiện tại Long còn thường xuyên đến phụ giúp các sư cô trong chùa.

Vất vả như thế, nhưng đặc biệt chùa chỉ tiếp nhận các tấm lòng hảo tâm chứ không cho ai xin trẻ ở đây về nuôi. Bởi lẽ, theo nhiều người kể lại, có trường hợp nhận các trẻ khuyết tật về nuôi nhưng được một thời gian lại đem trả lại vì chăm sóc quá khổ, rồi có trường hợp cũng được nhận về nuôi nhưng lại bê tha, sa vào con đường tệ nạn khiến các sư cô rất buồn.

Không những lo công việc trong chùa, hiện sư cô Minh Tú còn bảo trợ cho hơn 80 cơ sở mầm non ở 2 huyện Hương Trà và Hương Thủy (TT - Huế). Mỗi lần nghe ở đâu gặp thiên tai, mất mát, ngoài việc đi làm từ thiện thì các sư cô trong chùa lúc nào cũng đem về một vài em bị mất người thân để chăm sóc giúp đỡ.

Với số lượng các cháu nhỏ đang ngày càng đông mà diện tích cô nhi viện cũng khiêm tốn, thế nên để thuận lợi hơn các sư cô trong chùa cũng đang cố gắng xây dựng thêm một cơ sở chăm sóc thứ 2 cách chùa khoảng 100 mét.Với những việc làm thiết thực và ý nghĩa ấy, năm 2004 ni sư chùa Đức Sơn đã vinh dự nhận được bằng khen của chủ tịch nước Trần Đức Lương, năm 2006 các sư cô được bình chọn là Những phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam do Hội LHPNVN, Đài THVN và Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.