Ngồi ngắm hoàng lan

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Có một dạo em nói với tôi rằng, những đứa trẻ rồi cũng sẽ lớn lên, bọn mình thì già đi. Rồi chúng sẽ có gia đình nhỏ, có cuộc sống riêng, chỉ còn chúng mình ngồi tựa vào nhau trong khu vườn nghe Ngô Thụy Miên, uống trà, nghĩ về ngày sau cuối...
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1254 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1254 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Tôi khẽ ấn tay vào nút bật radio. Chiếc radio này đã cũ, quay băng cassette. Mà băng thì không dễ tìm, nhất là khi cuộc sống hiện đại mỗi ngày như thay áo. Tôi phải chạy ròng rã tìm mấy tiệm băng cassette cũ trong thành phố, toàn những tiệm “nấp hẻm”, may mua được mấy bộ băng nhạc Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn... - những giai điệu bất hủ đã song hành cùng tôi và em trên mỗi chặng đường đời, cho đến ngày Tiểu Miêu ra đời, và Sơn thì đã biết viết thư tình cho bạn gái.

Nhà chúng tôi trong con phố nhỏ, kiểu nhà cũ, có vuông sân nhỏ, có vườn cây phía sau. Có sắc xanh của cây cối lá hoa trong khuôn viên nhà giữa lòng đô thành chật chội đã là quý báu! Mấy lần Sơn thỏ thẻ: “Xây lại nhà đi, ba! Nhà của lũ bạn con hiện đại, sáng sủa, có ban-công ngắm thành phố, có cả hồ bơi nữa. Nhà mình cũ quá, khéo thành... nhà cổ mất!”. Tôi cười, nhìn Linh. Em thả mắt ra sân nhà nhìn những giọt mưa nương náu trên tán hoàng lan đang từ từ nhỏ giọt xuống mặt thềm rêu phủ.

Xây nhà không phải là chuyện quá khó đối với chúng tôi. Bao năm tích cóp, ngoài lo cho Sơn và Tiểu Miêu, chúng tôi còn một khoản để dưỡng già, hoặc nếu cần thì dùng để xây nhà mới, mua xe mới, miễn sao đảm bảo được cuộc sống ổn định cho các con. Chúng nó là trẻ con sống trong không khí hiện đại và đổi mới của đất nước nên chúng cần được tiếp cận với cái mới, được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng chúng tôi không nỡ phá bỏ căn nhà cũ - căn nhà mà chúng tôi đã sống, gắn bó từ cái ngày còn nắm tay nhau chiu chắt bước vào đời, cho đến khi em sinh Sơn, rồi Tiểu Miêu cũng được sinh ra trong căn nhà ấy. Căn nhà cũ, rêu phủ tường, mái ngói phai màu, nhưng cất giữ vô vàn kỷ niệm đẹp đẽ.

“Sơn ạ, khi nào lớn khôn, con sẽ hiểu. Căn nhà này, với ba mẹ, không chỉ mấy bức tường, mái ngói, cái cửa, vuông sân... mà là những kỷ niệm thiêng liêng mà ba mẹ giữ gìn, trân trọng” - Linh nói với con, tay vít nhành hoàng lan đang lòa xòa vào khung cửa.

Hoàng lan đẹp! Tôi và em đều thích hoàng lan. Loại hoa không sặc sỡ, kiêu kỳ, chỉ một màu xanh nhạt mà làm xiêu lòng bao người, trong đó có em và tôi. Chúng tôi đưa gốc hoàng lan này về vuông sân để trồng sau một đợt thành phố có bão to, gió giông làm cây cối ngã rạp. Cây xoài cát cũ bật gốc, chúng tôi thay vào đó hoàng lan. Em nói: “Hoàng lan vừa đẹp, vừa thơm. Chiều chiều ngồi dưới bóng cây uống trà, ngắm hoàng lan đong đưa, hương thơm thoang thoảng... thì còn gì bằng”. Đó là hình ảnh của chúng tôi trong thời điểm hiện tại. Và là viễn cảnh mà chúng tôi vẽ ra khi về già. Khi đó, những đứa trẻ sẽ lớn.

Sơn, tuy chưa thấy thuyết phục lắm với cái lý do mà Linh đưa ra, ngầm trả lời cho con biết rằng: ba mẹ vẫn sẽ giữ căn nhà này, cần thì mình sơn sửa, nhà vẫn tốt, kỷ niệm mới là thứ quý giá. Nhưng con không đòi hỏi việc xây nhà mới, có ban-công, có hồ bơi... Khi các con trưởng thành, tự gồng gánh nhiều thứ trên đôi vai bé nhỏ, các con sẽ hiểu: cuộc sống còn nhiều thứ để lắng lo.

Tôi nắm tay Linh đi qua bao mùa hoàng lan. Sáng tôi đưa Tiểu Miêu đến trường rồi về nhà đón Linh, Sơn đã lớn nên tự di chuyển đến trường bằng xe đạp. Trường gần. Chúng tôi cũng muốn để con tự lập, thay vì được ba mẹ yêu chiều, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, cả việc đi lại. Như thế dễ khiến các con thấy ngột ngạt, khó chịu. Chiều chúng tôi tranh thủ về nhà thật sớm để chơi với con, nghe Tiểu Miêu hát mấy bài hát mới cô vừa dạy ở trường, nghe Sơn kể chuyện đội bóng của con vừa giành được huy chương vàng trong trận đối đầu với trường bạn.

Các con nô đùa ngoài vườn, xem cây táo nở hoa, chẳng mấy chốc thì trái lại lúc lỉu trên cành, rồi trái sẽ ngọt sau mấy đợt mưa rào. Linh pha trà, mang ra chiếc bàn cũ dưới bóng cây hoàng lan. Mùa hoàng lan thơm nức mũi. Hương hoàng lan bay bay trong làn gió mát lành của một chiều mùa hạ vắng mưa. Chúng tôi nhâm nhi trà thơm, ngắm hoa, nói cho nhau nghe chuyện quá khứ, chuyện hiện tại, chuyện tương lai. Nhìn Sơn và Tiểu Miêu, em khẽ cười, trong mắt lấp lánh những tia hạnh phúc:

- Những đứa trẻ rồi sẽ lớn khôn...

Rồi chúng sẽ lớn. Lớn nhanh lắm. Như cây cối. Như chim trời. Như Sơn vừa là đứa trẻ, thoáng chốc đã thành thanh niên trai tráng, sắp sửa bước vào những ngưỡng cửa cuộc đời. Như Tiểu Miêu, mới hôm nào tôi còn ngắm con nằm trong nôi, chiếc nôi đong đưa, giấc thiên thần mơ mộng; vậy mà hôm nay con đã là một cô bé dễ thương, kháu khỉnh. Con giống Linh như đúc, từ ánh mắt đến nét mặt, từ nụ cười đến bàn tay búp măng. Tôi hỏi con: “Tiểu Miêu nè, sau này con thích làm gì?”. Con cười híp mắt: “Con thích làm diễn viên múa như mẹ vậy!” - Rồi con hươ hươ đôi tay búp măng của mình một điệu múa nào đó chưa được đặt tên.

Tôi nhìn Linh. Người thiếu nữ hôm nào tôi gặp trên sân khấu múa cho khán giả trong thành phố xem, rồi đem lòng cảm mến em, rồi thành vợ thành chồng, cùng em đi qua bao gian khó của cuộc sống. Đời diễn viên múa gian nan, nhưng vì tình yêu nghệ thuật, em đã vượt qua tất cả để bây giờ lui về cánh gà xem học trò mình trình diễn những vũ điệu ngày nào em thăng hoa trong ánh đèn, trong thanh âm dìu dặt của buổi diễn trình.

- Linh, nghĩ gì thế, hả em?

Tôi hỏi Linh, khi thấy mắt em đang đăm đăm nhìn lên vòm hoàng lan xanh bất tận.

- Em đang tưởng tượng một ngày nào đó sẽ thấy Tiểu Miêu trình diễn trên sân khấu, chắc em tự hào, hạnh phúc lắm! Em thấy trong con là tuổi trẻ của mình.

Những đứa trẻ rồi sẽ lớn. Những đứa trẻ sẽ thay ba, mẹ để viết tiếp giấc mơ đã ngủ vùi tự bao giờ. Không như những bậc phụ huynh khác, chúng tôi tôn trọng quyết định của các con, nâng niu giấc mơ của các con. Ai cũng có một giấc mơ đẹp cho riêng mình, chúng tôi cũng thế, Sơn và Tiểu Miêu cũng thế! Chúng ta không có quyền bắt ai phải mơ giấc mơ của mình và thay đổi giấc mơ của ai, kể cả con cái - những đứa trẻ mà ta dứt ruột sinh thành, yêu thương, bảo bọc.

Tôi nhớ ngày Linh đưa Tiểu Miêu đến lớp múa. Linh cũng là diễn viên múa có tiếng nên các cô trong lớp múa rất quý Linh, để mắt hơn đến Tiểu Miêu. Em nói các cô cứ nghiêm khắc với Tiểu Miêu, đừng sợ em buồn. Nghiêm khắc là cách tốt nhất để con nên người. Chẳng phải ngày xưa em đã tự nghiêm khắc với chính mình mới có thể đứng được thật lâu trên mũi chân mà không bị sưng tấy, đau buốt hay sao? Chẳng phải em đã tự nghiêm khắc với chính mình mới có một cô diễn viên múa được nhiều người yêu thương, trân trọng hay sao?

- Anh, mai này các con lớn khôn, nên người, Sơn và Tiểu Miêu đều có gia đình nhỏ của riêng mình. Các con sẽ rời xa vòng tay của anh và em để tự do trong khung trời của chính mình. Mình sẽ sống như thế nào?

Tôi cười, bảo em lo xa quá, nhưng điều em trăn trở cũng là điều mà tôi từng trăn trở. Và rồi tôi nghĩ thoáng đi. Tôi cầm tay em, đôi tay mềm mại, búp măng, thủ thỉ.

- Ai rồi cũng sẽ có khung trời của riêng mình. Chúng ta cũng vậy mà, phải không em. Về già, chỉ cần chúng ta được bên nhau là hạnh phúc đến ngày sau cuối rồi! Chúng ta vẫn sẽ ngắm hoa hoàng lan mỗi chiều, nghe Ngô Thuỵ Miên những đêm thơm nồng hương hoa... Còn các con, dù có bay đi đâu, hạnh phúc như thế nào trong khung trời của riêng mình... thì các con cũng sẽ quay trở về với chúng mình. Anh biết, trong mắt các con, chúng mình vẫn mãi là những người yêu quý nhất!

Linh nhìn tôi, cười hiền. Bao năm qua, nụ cười trên khuôn mặt em vẫn thế.

Một chùm hoàng lan đứt cuống rơi xuống mặt bàn. Em nhặt lấy, khẽ đưa lên mũi ngửi ngửi. Hương hoàng lan thơm dịu. Đôi khi, cuộc sống chỉ cần những khoảnh khắc ngồi ngắm hoàng lan, nghe hương hoàng lan, uống trà trong giai điệu tình dưới bóng hoàng lan... cũng đã là hạnh phúc lắm rồi!

Chúng tôi nhìn về phía Sơn và Tiểu Miêu. Hai thiên thần của chúng tôi. Chúng đang lớn dần lên từng ngày, đang sống một cuộc đời mà chúng tôi từng ước ao: đầy đủ, văn minh, hiện đại, có điều kiện để học tập, tiếp cận với những điều mới mẻ... Chúng đang được chúng tôi vun bồi cả về thể xác lẫn tâm hồn, được chúng tôi giáo dục từ những điều nhỏ nhặt nhất để mai sau trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.

Mưa đổ trên mái ngói. Thành phố bắt đầu một mùa mưa dài. Hoàng lan đắm mình trong mưa. Lá rơi đầy sân vườn, trước thềm nhà rêu phủ. Trong đêm mưa tháng sáu, chúng tôi ngồi bên nhau nơi căn nhà đã chứng kiến những khoảnh khắc hạnh phúc lẫn gian khó trong cuộc đời chúng tôi, chứng kiến những ngày chúng tôi yêu nhau thiết tha, chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng nhất đời: tôi được làm ba, Linh được làm mẹ, hai đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời. Căn nhà ấy, dẫu bao tháng năm vẫn nồng ấm và chứa chan tình. Một ngày hai đứa trẻ trưởng thành, chúng sẽ nhận ra rằng: đây là mái nhà bình yên nhất cuộc đời của chúng. Nơi chúng được sinh ra. Nơi chắp cánh cho chúng bay vào khung trời mênh mông, rực rỡ...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.