GNO - Ngồi lâu (ngồi thời gian dài) mỗi ngày có liên quan đến các bệnh béo phì, tiểu đường và tim mạch. Nay đã có thêm bằng chứng từ nghiên cứu cho thấy ngồi lâu cũng làm tăng nguy cơ đối với bệnh gan.
Ngồi lâu gây hại cho gan - Ảnh minh họa
Nghiên cứu thực hiện tại Hàn Quốc với kết quả báo cáo như sau: Người ngồi từ 10 tiếng đồng hồ trở lên mỗi ngày có thêm 9% nguy cơ phát triển bất ổn sức khỏe gọi là gan nhiễm mỡ không liên quan đến bia rượu (NAFLD), so với người ngồi ít hơn 5 tiếng mỗi ngày.
Nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động thể chất đóng vai trò quan trọng đối với nguy cơ NAFLD. Theo đó, người có hoạt động thể chất tích cực giảm được 20% nguy cơ bệnh này so với người thụ động hơn.
Kết quả nghiên cứu này đăng trên Tạp chí về gan Hepatology ngày 15-9 qua.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia quan sát 139.000 nam giới và phụ nữ Hàn Quốc về mức độ vận động thể chất và thời gian ngồi trong ngày của họ. Bệnh NAFLD cũng được xác định qua siêu âm.
Các chuyên gia khẳng định, dù có vận động thể chất với cường độ cao mà vẫn ngồi nhiều thì cũng không có tác dụng bảo vệ khỏi bệnh NAFLD. Do đó, quan trọng là phải vừa vận động vừa giảm thời gian ngồi lại thì mới đảm bảo giảm thiểu nguy cơ với bệnh này.
Giải thích nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng thiếu vận động làm tăng nguy cơ kháng insulin và làm giảm chức năng tim mạch. Với người kháng insulin, các tế bào trong cơ thể sẽ mất khả năng phản hồi lại insulin và lấy đường từ máu, dẫn đến đường huyết cao và có thể gây ra tiểu đường tuýp 2.
Hiện nay, thuốc chỉ định điều trị NAFLD vẫn còn thiếu nên thay đổi lối sống được xem là phương tiện đầu tiên nhất để điều trị bệnh này, theo bác sĩ Michael Trenell, Đại học Newcastle (Anh quốc). Mỗi tuần nên có 150 phút tập thể dục với cường độ vừa phải hoặc đi 10.000 bước để bảo vệ sức khỏe.
Trần Trọng Hiếu (Theo Live Science)