Nhưng, trước hết ngôi chùa là nơi thờ tự của Phật giáo. Thể tính của tôn giáo là "niềm tin", "đức tin", hay nói cho gọn là "tin". Người ta tin vì người ta thấy mình không đủ mạnh để sống, mà cần được một chỗ dựa vô hình, cần được nâng đỡ; thiếu lòng tin là điều khó có thể có đối với con người nói chung! Thế nhưng, "niềm tin" của Phật giáo lại đặt căn bản trên lý tính. Thấy đúng với mình thì tin, còn không thì thôi, không quyến rũ, không hứa hẹn, không dọa nạt, không áp đặt, không có một ai có quyền ban phát hay thưởng phạt... Bởi đó mà ngôi chùa thờ Phật biểu hiện cho niềm tin chân chính ấy, đã mang một sắc thái không có gì giống với các nơi thờ tự của nhiều niềm tin khác. Ngôi đình thờ Thành hoàng làng; am miếu thờ quỷ thần, điện thờ Mẫu; từ đường "họ", "phái" thờ tổ tiên; cho đến Văn miếu thờ Khổng Tử biểu trưng cho nền học vấn Á Đông v.v... Những nơi này mỗi năm chỉ có đôi ba lần mới có không khí rộn ràng cúng tế, rước xách; còn thường ngày chỉ có sự vắng vẻ ngự trị đầy không khí thiêng liêng huyền bí, gây nỗi sợ cho con người đến đó hơn là gây tình cảm thân thiện! Ngôi chùa, khác hẳn. Ngôi chùa chẳng phải chỉ độc một ngôi nhà; mà chùa bao giờ cũng có nhiều ngôi nhà ở giữa lòng thiên nhiên. Nếu là chùa làng thì ngoài ngôi nhà làm điện thờ Phật, thờ Thánh, lại có một ngôi nhà gọi là "nhà Tăng" để ông "thầy chùa" và gia đình ông cư trú mà lo việc hương đăng, và thỉnh hồi chuông sớm chuông tối; để ông tiếp khách đến chùa, khách đây là dân làng đến dâng hương hoa quả cúng Phật, và nghe "thầy" kể chuyện cổ tích Phật giáo. Nếu là chùa Huế thì lại đặc biệt hơn. Phong cách kiến trúc chùa Huế thường có hình chữ "Khẩu" rất đặc trưng. Trừ điện Đại hùng thờ Phật là có cửa đóng, còn hai bên tả hữu có Tăng xá và nhà khách, phía sau có hậu đường là ba dãy nhà không có cửa, bởi vì tất cả đều nhìn ra khoảng sân vuông đầy hoa cảnh ở giữa, thân mật và gần gũi; thỉnh thoảng lại có bóng các nhà sư yên lặng đi từ nơi này sang nơi khác, thấp thoáng sau bóng cây lá, nhà cửa, tạo cảnh quan tĩnh mạc thanh bình. Toàn thể nhà cửa ấy lại được đặt vào lòng thiên nhiên; sân chùa, vườn chùa đầy màu xanh, bóng mát của cây lá, và hương thơm dịu dàng của các loài hoa. Xanh, sạch, tĩnh lặng mà không bao giờ là "vắng vẻ". Hệ quả của những thành tố đẫm màu triết lý "thiên nhân tương dữ" là ngôi chùa, tuy là nơi thờ tự của một tôn giáo; nhưng lại có một sức sống trong toàn cảnh, sinh động và rất cận nhân tình; cho nên phong cảnh chùa lúc nào cũng "tĩnh lặng". Phong cảnh và chính tự thân ngôi chùa đều mang trong chính nó cái thể tính thái hòa, thanh thản, và bình ổn mà không bao giờ gây sợ để con người phải cúi lạy, van xin và cầu mong. Nói cách khác, một cảnh chùa Phật là một công trình nghệ thuật, một thứ nghệ thuật điều hòa cuộc sống thường ngày mang phong cách di dưỡng tính linh, và dưỡng sinh thể xác; bởi vì nhà cửa điện đài được xây dựng theo mỹ thuật truyền thống, được phối trí rất hài hòa giữa kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Nghệ thuật này có thể gọi "nghệ thuật mở". Tâm thức tính linh của con người thường hướng về cái "Thiện", cái "Thiện" ấy chính là cái "Thiện tự tại" vốn là bản thể của tự nhiên, cái tự nhiên của thiên nhiên và cái tự nhiên của con người, nên nó đã bao hàm cả cái "Chân" lẫn cái "Mỹ". Cả ba yếu tố "Chân, Thiện, Mỹ" thì đều sẵn có trong đạo Phật. Thế cho nên tâm cảm phía bên trong của con người, cây lá cảnh quan ngoài thiên nhiên, cái cao cả trong giáo pháp đạo Phật đã có thông lộ giao hòa, qua lại đi về, bù trừ và bổ sung cho nhau, đem lại nhận thức chân chính cho con người, để thể hiện sự buông xả, tự thoát ra mọi ràng buộc của dòng tư duy vẩn vơ, để đạt tới cái tự nhiên như nhiên. Ngôi chùa không có thiên nhiên sẽ trở thành trơ trụi vô nghĩa; thiên nhiên không có kiến trúc nhà cửa, điện đài của chùa thờ Phật, thì chỉ là thiên nhiên man dại nguyên sơ không có thông lộ giao hòa với con người; cho nên danh lam và thắng cảnh không thể phân ly mà tồn tại có ý nghĩa được. Hai thành tố ấy lại cần có con người với tâm thức và tâm thức tính linh của nó thì tất cả mới hiển thị trọn vẹn trong không thời gian. Nếu nhìn theo một viễn tượng khác thì cảnh chùa Huế là một sự phối trí rất điều hòa giữa cái đẹp nhân vi với cái đẹp tự tại của thiên nhiên. Hệ quả của sự phối trí này đã đáp ứng được nhu cầu tâm thức tính linh và nhu cầu thưởng giám nghệ thuật rất vi tế, diệu dụng của con người Thuận Hóa nói riêng và mọi người nói chung. Nhà cửa, mái chùa đều có cái đặc trưng về nghệ thuật riêng của Huế. Nhiều mô-tip trang trí truyền thống rất thân quen: hình hai con rồng uốn lượn rồi quay mặt lại nhìn vào quả cầu lửa hay hình chữ "Vạn" ở giữa, trên đường tàu nóc; hình lân, quy, phụng ở các đường tàu mái. Rồi nào là bầu cam lồ, lá bồ đề, hình hoa sen nở, búp, cánh phượng... Nào là nghệ thuật khảm sành sứ; mái nhà "trùng thiềm điệp ốc", là những nét kiến trúc không đâu có. Bên trong thì kết cấu theo kiểu nhà rường của Huế xưa có chạm trổ tinh xảo. Tất cả đều mang tỷ lệ cân xứng, bao hàm tính tương tác quân bình hai ngành nề và mộc. Toàn bộ nhà cửa kiến trúc của chùa lại được đặt vào giữa màu sắc, hình thù của cây lá thiên nhiên. Sân chùa đầy cây cao bóng mát, hoa cỏ xanh tươi; bậc đá, bồn hoa, cây ngọc lan to lớn tỏa tán lá rộng, đầy những chùm hoa trắng muốt dịu dàng tỏa hương thơm từ trên cao; những cây thông uốn éo, cây tùng bốn mùa có lá xanh ngắt; cây bồ đề to lớn, tỏa bóng mát cả một vùng; đó đây nhiều thứ hoa có cả hương lẫn sắc đang rung rinh trong làn gió mát nhẹ nhàng phe phất. Tất cả nhà cửa, cây cối, sân vườn chùa ấy lại tọa lạc giữa cảnh quan to lớn, thoáng rộng hơn của thiên nhiên tự tại là chốn núi rừng: sườn non thoai thoải hay đỉnh đồi bằng phẳng. Với viễn cảnh thống quan rộng lớn thì rõ ràng toàn cảnh một ngôi chùa Huế với núi đồi ấy, thảo thụ hoa viên ấy; bên trong có cách thờ tự trưng bày với Phật tượng, chuông đồng, khánh đá, câu đối vàng son lộng lẫy đặc trưng riêng kiểu chùa Huế ấy, thì quả là nơi đây đã hòa hợp cái tự nhiên hoang dại ban sơ của thiên nhiên với cái tự nhiên có bàn tay con người điểm xuyết, để tạo nên một tổng thể mà trong đó kiến trúc, mỹ thuật, hội họa, thơ văn và triết lý đã tan hòa lẫn lộn vào nhau, tạo cho cảnh chùa Huế có đường nét, sắc màu hiển thị rõ cái thể tính "tịnh không", tĩnh lặng, thanh thản, thái hòa, bình ổn... trong môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, thoáng đáp ứng được nhu cầu tâm thức tính linh của con người. Đạo Phật vốn dĩ là một "nghệ thuật sống" vô cùng linh động, sống chan hòa với vạn vật, với thiên nhiên; không hai lần ngủ cùng dưới một gốc cây, không hai lần ngồi trên cùng một tảng đá; không ta không người, vật ngã đồng nhất. Nghệ thuật sống này là buông xả, phi hữu phi vô, phi dị phi đồng, phi ngã phi phi-ngã, vô niệm vô ngôn. Nghệ thuật sống này là đi lên tới nơi không còn cái "ngã" thường mang tính "cống cao ngã mạn", "chấp hữu chấp vô" với lý luận "tham, sân, si", bao giờ cũng mang tâm trạng chực chiếm hữu! Có ai tới vãn cảnh chùa mà không thấy thư giãn, ung dung tự tại. Những giây phút như thế cũng đã nhất thời làm cho cái "ngã" tan biến đi. Những sát-na không còn thấy cái tự ngã ấy, chính là những sát-na vô ngã; mà "vô ngã là Niết bàn", cổ đức đã dạy thế. "Lên chùa" là một từ rất gợi cảm trong kho ngôn ngữ Việt Nam. Lên chùa bởi vì chùa thường xây dựng bên sườn non hay trên đỉnh đồi; đã đành là thế. Nhưng "lên chùa" còn có ý nghĩa là thăng hoa cuộc đời, cởi bỏ những trói buộc của ý dục "muốn có" để cho sự sống nhẹ nhàng hơn. Cảnh chùa là cơ duyên để thể hiện sự cởi trói ấy, dù trong từng sát-na ngắn ngủi. Nhưng trong suốt cả cuộc đời, cứ "lên chùa" đều đặn như thế, thì người ta cũng phần nào thoát ra được sự trói buộc của phiền não, vọng tưởng, của dòng tư duy vớ vẩn không ích lợi gì mấy, để cho con người thăng hoa, siêu việt hẳn cái tầm thường do dục vọng cuốn trôi! "Triết lý ngôi chùa" là triết lý sống buông xả, tiềm mặc khắp nơi trong kiến trúc nhà cửa, cây lá thiên nhiên, và nơi hình ảnh các bậc chân tu, rất vi tế và diệu dụng đang lung linh vận hành tương tác giữa con người với vạn vật, giữa Phật đạo với "tâm" thế gian. Triết lý ngôi chùa còn là triết lý bao dung, hệ luận của đạo "từ bi lân mẫn". Cửa chùa còn gọi là "cửa không", rộng mở với muôn loài chúng sinh. Cho nên, ngôi chùa thờ Phật cũng là nơi mở lối thông lộ giao hòa với Khổng-Lão để thành ra "Tam giáo đồng quy". Hệ quả của nó là nền Đạo học Đông phương, trong đó có con người Việt Nam ta nói chung và con người Thuận Hóa nói riêng đã góp phần không nhỏ vào việc bồi bổ nền đạo học này. Cũng bởi đó mà nhiều làng quê tại vùng đất Thuận Hóa đã đem sắc phong thần của lịch đại đế vương phong cho các thần linh bản địa, vào thờ ở chùa làng; cũng bởi đó mà ở các am miệu thờ quỷ thần, người ta vẫn niệm câu A-Di-Đà-Phật; các từ đường họ, phái làm đám chay đều mời Tăng sĩ của Phật giáo đến chủ lễ. Tự bản căn, "triết lý ngôi chùa" vốn đã bao hàm bản chất nghệ thuật: kiến trúc, hội họa, thơ văn; cho nên tự thân nó lại trở thành triết lý sống bao dung theo chiều hướng phát huy "nghệ thuật vị nhân sinh". Hệ luận của triết lý này là trong giám thức chơi non bộ của nhiều thế hệ nhà Nho xưa đã có toàn cảnh chùa thu nhỏ: cây cầu bắc ngang dòng suối đi lên chùa, những ngôi nhà mái đỏ rải rác ở sườn non, đặc biệt là ngôi tháp nhiều tầng. Tuy là cảnh thu nhỏ bên sườn non trong bể cạn; nhưng cách trình bày vẫn hiển thị được chiều sâu tâm thức tính linh và giám thức nghệ thuật điều hòa giữa nhân vi và thiên nhiên, biểu trưng cho triết lý "thiên nhân tương dữ" trong Đạo học Đông phương. Trong con người của mỗi chúng ta, ai cũng có hai thiên hướng rất mạnh: một thiên hướng nhìn về quá khứ, bao giờ cũng thấy quá khứ là đẹp. Hệ quả của thiên hướng này là lòng hoài vọng, ước mơ có được cái đẹp đã qua đi ấy. Nhưng thực tại trước mắt lại làm cho thiên hướng thứ hai xuất đầu, đó là hướng về tương lai, và muốn làm cái gì đó cho tương lai khác với hiện tại. Cái "khác" ấy là cái mà người ta nghĩ là nó phải hay hơn, đẹp hơn và đáp ứng trọn vẹn cái tính "muốn có" vốn đã nằm sẵn trong con người, như cái trứng của một loài sâu vốn sẵn có nhưng đang ở thế tiềm mặc trong lòng cái hoa. Ngôi chùa, nói tổng quát hơn là cảnh chùa, là sự nối kết diệu dụng giữa hai thiên hướng ấy; cho nên triết lý ngôi chùa còn là thứ triết lý "kế vãng khai lai", là hiển thị cái đẹp trong thời quá khứ đang liên tục lưu chuyển đến hiện tại để phát triển trong tương lai mà ta thường gọi là "truyền thống". Ngôi chùa còn là hình ảnh biểu hiện cái "tùy duyên bất biến" của đạo Phật, là hình ảnh giữ gìn tâm thức tính linh của dân tộc qua tiến trình thời gian có quá khứ, hiện tại, tương lai theo nhận thức của nhân thế nói chung. Nhưng lại là một dòng chảy liên lỉ không hề có quá khứ, hiện tại, tương lai theo học lý cao siêu vi diệu của đạo Phật, và hợp cả với tinh thần khoa học đang tiến triển vô cùng ngoạn mục hôm nay. Nhà cửa của một cảnh chùa được kiến trúc hài hòa, đầy tính nghệ thuật; không bao giờ ly khai với môi trường sinh thái đầy màu xanh, trong lành, tĩnh lặng. "Thiên nhân tương dữ" vốn là cội nguồn làm phát sinh "tâm đạo". Triết lý ngôi chùa đã nói nhiều với ta. Nói cái gì, và giảng cái gì? Tự thân mỗi người mới nhận biết điều đó. Nhưng nói chung là triết lý ngôi chùa đã nói bằng thứ tiếng "vô thanh", giảng bằng thứ ngôn ngữ "vô ngôn". Vô thanh, vô ngôn thì biết nghe như thế nào cho được? Hẳn là phải nghe bằng "thể tính nghe", không mang tơ hào "tiên kiến", "tiền niệm". Có thể mọi người đến vãn cảnh, hay đến hành hương tại một ngôi chùa đã từng sát-na thể hiện cái nghe này, mà không hề biết đó thôi! Và đó cũng là điều nhận thức mà một nữ phóng viên Đài Truyền hình đã nói với tôi: "Khi đến bất cứ một ngôi chùa nào ở Huế, sao người ta thấy thoải mái, thư giãn cả tâm hồn lẫn thể xác" mà cô băn khoăn không biết là vì sao!