Chúng tôi đến thăm chùa Quan Âm, ngôi chùa nhỏ nằm nép mình giữa vùng quê thanh bình, bốn bề cây xanh tỏa bóng mát. Điều đặc biệt nhất là nơi đây lúc nào cũng rộn rã tiếng cười đùa của trẻ. Các vị sư thầy tại chùa Quan Âm ngoài việc chuyên tâm với việc tu hành, từ nhiều năm qua bỗng trở thành những “người giữ trẻ” bất đắc dĩ và phải học cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Ngày ngày, các sư thầy âm thầm chăm sóc những đứa trẻ tội nghiệp trong từng miếng ăn, giấc ngủ.
Hướng mắt về các bé đang nô giỡn vui đùa, Đại đức Thích Tánh Bình lần lượt kể về cơ duyên khiến ông và những đứa trẻ mồ côi gặp nhau. Trong đó, bé đầu tiên được nhận nuôi tên Khánh Ân. “Một đêm khuya năm 2016, khi đang tụng kinh, tôi chợt nghe tiếng khóc trước cổng chùa. Giữa đêm lạnh, đứa bé nằm co ro chỉ với một mảnh vải bó qua người, môi bị hở hàm ếch, trông rất tội. Tôi nhanh chóng bế vào chùa rồi chuyển bé đến bệnh viện chăm sóc, sau đó đem về chùa nuôi nấng và đặt tên là Khánh Ân”, Đại đức Thích Tánh Bình kể.
Cũng từ đó, Đại đức và các sư trong chùa có duyên với những đứa trẻ mồ côi . Nhiều cha mẹ đem bé đến bỏ trước cổng chùa, có bé lúc được phát hiện vẫn còn nguyên dây rốn. Đến nay, nhà chùa đã cưu mang 29 bé trai và bé gái, tuổi các bé hiện từ 2 - 6. Sau khi nhận nuôi, nhà chùa mang trẻ đến trình báo chính quyền địa phương rồi làm thủ tục cấp giấy khai sinh cho các bé.
Việc chăm sóc các bé cũng lắm khó khăn. Ngoài chuyện chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ, từ lúc ban đầu việc ẵm các bé trên tay cũng khiến các sư thầy bỡ ngỡ. Các sư phải thay phiên túc trực để dỗ dành các bé khi bất chợt giật mình rồi khóc ré lên giữa đêm, hoặc những ngày đêm có khi kéo dài ở lại bệnh viện để chăm sóc bé bệnh nặng.
Các sư chăm sóc các bé - Ảnh: Duy Tân |
“Tôi nhớ năm 2018, có đến 10 bé được nuôi tại chùa đồng loạt bệnh nặng. Đưa đến bệnh viện cấp cứu khi các bé da nổi rất nhiều ban đỏ và sốt cao, bác sĩ chẩn đoán bệnh sởi. Trong số các trường hợp đưa đến đây có một bé nặng phải chuyển nằm cấp cứu. May mắn là sau đó các bé không sao”, Đại đức Thích Tánh Bình kể.
Kỷ niệm Đại đức Thích Tánh Bình nhớ nhất là khi nhận nuôi bé Khánh Ân. Vì bé có tật hở hàm ếch nên ông phải liên hệ nhiều bệnh viện để hỏi thăm về các chương trình phẫu thuật. Sau những ngày miệt mài, bé được phẫu thuật miễn phí và phục hồi trong niềm vui khôn xiết của cả nhà chùa.
Ngoài bé Ân, còn có hai bé Ngọc An, Ngọc Băng bị khuyết tật chân, đi lại khó khăn và bé Khánh Lâm bị bệnh tim. Do đó, Đại đức Thích Tánh Bình phải dành nhiều thời gian và công sức chữa trị cho cả 3 cháu. “Tôi sẽ chăm lo cho các bé thật chu đáo, tạo mọi điều kiện trong khả năng để các bé được ăn học đến nơi đến chốn. Đến khi các bé học xong lớp 12, tùy theo tâm nguyện, tôi sẽ tạo điều kiện cho đi học tiếp tục. Riêng những bé nào có duyên với Phật pháp và mong muốn ở lại chùa tu thì chùa sẽ giữ lại học đạo”, Đại đức Thích Tánh Bình nói.