Ngôi chùa cũng là trường học

GN - Tư tưởng xuyên suốt của đạo Phật là hướng con người quay trở về với giá trị nguyên sinh, bản thể thanh tịnh tiềm tàng ở tự thân. Đó là hướng giáo dục đưa nhân sinh quay trở về với Phật tính vốn sẵn trong mỗi con người chúng ta.

Tuy nhiên, sống trong thế giới phẳng và đa văn hóa như ngày nay, không ít các bạn trẻ loay hoay để tìm cách lựa chọn, thích nghi với các thói quen. Các bạn dễ ngộ nhận và nhầm lẫn giữa tốt và chưa tốt, được và chưa nên, dẫn đến những suy nghĩ tích cực và chưa tích cực. 

2. Đại đức Thích Minh Quang và các em khóa sinh của Khóa tu Trúc hạ vươn mình - lần thứ 18 năm 2019 - Ảnh Đức Vinh.jpg
ĐĐ.Thích Minh Quang với các khóa sinh của khóa tu
"Trúc hạ vươn mình" lần thứ 18 (2019) - Ảnh: Đức Vinh

Nơi phát triển nhân cách

“Trúc hạ vươn mình” là khóa tu mùa hè thường niên tại chùa Địa Tạng Phi Lai - nơi tôi trụ trì trong nhiều năm qua, với tâm nguyện ích đạo lợi đời, giúp đời và đạo hòa hợp với nhau. Ngôi chùa thực sự là một trường học lớn giúp các em học sinh, sinh viên có điều kiện được học điều hay, lẽ phải. Đây cũng là môi trường để các em kết nối những thiện duyên, biết sống hòa nhập với nhau, thực tập lối sống tích cực, lành mạnh, có trách nhiệm.

Với các con khi đến chùa - đó là cả một thế giới mới, trải nghiệm mới, một cuộc sống tự lập hoàn toàn mới. Từ đó các con nhận thức được giá trị của vật chất và tinh thần hiện đang có mà các con chưa biết trân quý hiện hữu sẵn trong mỗi gia đình các con, cũng như cách kiềm chế cảm xúc, làm chủ bản thân và được truyền cảm hứng để trưởng dưỡng tâm từ, biết lắng nghe, sửa mình, hòa nhập và yêu thương nhiều hơn. Nhờ đó các bậc phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm dành trọn một mùa hè như một món quà ý nghĩa sau chuỗi ngày học tập căng thẳng, nhiều suy tư và áp lực của con. Món quà đó như một sự cảm thông đầy ý nghĩa trên hành trình trưởng thành, và cũng là nền móng mà các vị xây dựng nên sự phát triển trong tương lai của các con.

Thiền hành buổi sáng sớm tại khóa tu Trúc Hạ Vươn Mình - ảnh Đức Vinh.jpg


Thiền hành buổi sáng sớm tại khóa tu "Trúc hạ vươn mình" - Ảnh: Đức Vinh

Phương pháp giáo dục là giáo dục không có phương pháp

Theo tôi, mục tiêu của khóa tu không phải đào tạo các em thành những nhà sư, mà qua đó mong muốn tạo ra một sân chơi an toàn, vui và ý nghĩa cho các em sau những ngày học tập đầy áp lực, đồng thời lồng ghép vào việc sửa đổi những hành vi, lời nói, ý nghĩ, giúp các em không chỉ trưởng thành hơn mà còn biết yêu mến đạo Phật.

7 ngày diễn ra khóa tu, Ban Tổ chức không mong đợi thay đổi cả cuộc đời mỗi khóa sinh, mà 7 ngày đó là một ngọn gió, thổi đến những yêu thương và năng lượng tích cực, giúp các em tu sửa thói quen chưa tốt, sửa hành vi, lời nói, ý nghĩ, đánh thức những hạt giống thiện lành đang ngủ quên... 7 ngày - để các em được trở về với chính mình - với những gì đẹp nhất như tuổi hồn nhiên các em đang có.

Sự cao quý tỏa sáng cho mỗi người không nằm ở xuất thân. Nó nằm ở hành vi. Chỉ có hành vi cao quý, hành vi thiện lành mới tạo nên sự cao quý cho mỗi tâm hồn, mỗi cuộc đời. Và về với khóa tu, các phụ huynh hãy tin các con có thể làm được những điều mà bố mẹ chưa từng nghĩ tới: Thức chúng từ 4g30, chạy bộ, ngồi thiền, chấp tác, biết yêu thích lao động, học cách tự lập, biết quản lý thời gian, công việc để làm chủ cuộc sống của mình.

Sự rắn rỏi về vóc dáng, làn da khỏe khoắn, ý thức kỷ luật trong ăn uống, đi lại... và rất nhiều điều khác nữa sau khóa tu sẽ khẳng định các con đã trưởng thành hơn chính mình của ngày hôm qua. Bởi đạo Phật thực ra là cả một nền giáo dục - giáo dục không có phương pháp, mà chỉ có tình yêu thương.

Làm vườn 1 - Ảnh Đình Khoa.jpg
Làm vườn

Tách vỏ trấu sau khi mót lúa tại khóa tu Trúc Hạ Vươn Mình 2019- Ảnh Đình Khoa.jpg
Tách vỏ trấu sau khi mót lúa tại khóa tu "Trúc hạ vươn mình" 2019 - Ảnh: Đ.Khoa

Thi nấu cơm cúng Phật 2 - Ảnh Đình Khoa.jpg
Thi nấu cơm cúng Phật - Ảnh: Đ.Khoa

Làm mới trong cái cũ

Sau những ngày đầu tiên bỡ ngỡ, lạ lẫm, khá “căng” trong việc học cách thích nghi với các nội quy và nhịp sống ở chùa, thì Ngày ngoại khóa chính là cơ hội để các em được rời khỏi chùa để đến một nơi phong cảnh hữu tình nhằm có thêm những trải nghiệm mới, soi mình trong các kỹ năng, hoạt động gắn kết khi tham quan, dã ngoại. Đặc biệt Ngày lười thì… cả chùa sẽ cùng… lười. Các em không phải dậy sớm từ 4g30 như thường ngày, được ngủ nướng thoải mái. Và hôm đó hoàn toàn không có hoạt động nào: không vui chơi, không hát hò, không chấp tác, không phải tập hợp tham gia các hoạt động, thời khóa. Sự uể oải khiến các em cảm thấy mệt mỏi đến phát ngán, thậm chí còn tập hợp nhau lại đi quanh chùa biểu tình… cắt bỏ ngày lười. Nó như một nốt lặng rơi vào giữa những chuỗi ngày sôi nổi của toàn khóa tu, giúp các em khóa sinh dừng lại, chiêm nghiệm về những trải nghiệm mình và bạn bè đã cùng đi qua.

Biệt chúng 1 - Ảnh Đức Vinh.jpg


Biệt chúng - Ảnh: Đ.Vinh

Ngày lười - nhà bếp cũng... lười: Bữa ăn hoàn toàn chỉ là rau củ quả luộc, không chế biến cầu kỳ như thường ngày. Một dịp không chỉ để các cô bác công quả được nghỉ ngơi sau chuỗi ngày bận rộn, mà còn mang thông điệp ý nghĩa về bữa ăn có phần “nhạt miệng” này. Các em sẽ được chia sẻ rằng: Theo thống kê của WHO, cứ mỗi giây trên thế giới lại có 6 trẻ em qua đời vì chết đói. Nên bữa cơm hôm nay thầy trò chúng ta ngồi đây, ăn cùng nhau, để cùng cảm nhận rõ hơn, thật nhất vị ngon của cơm, của rau..., để biết trân quý từng hạt cơm nhỏ khi ăn, không bỏ thừa, không làm rơi vãi..., và tri ân những người đã làm ra hạt gạo, những bác đầu bếp đã nấu cơm cho chúng ta ăn. Sau lời chia sẻ này, các khóa sinh đều cho biết cảm thấy suất cơm của mình ngon hơn, ý nghĩa hơn, trân trọng hơn.

Ở ngày hội trò chơi, các em sẽ được chơi từ sáng đến tận chiều tối với gần 40 trò chơi dân gian khác nhau. Thông qua mỗi trò chơi, không chỉ mang lại niềm vui, tiếng cười sảng khoái cho các em, đưa các em trở về với tuổi thơ mà còn giúp các em rèn luyện trí tuệ, khả năng ứng biến nhanh, tính tập thể. Nhiều thông điệp về sự chọn lựa của nhân cách cũng được lồng ghép như trong trò chơi đi cầu khỉ. Trò chơi này nhằm giúp các em làm quen với môi trường sông nước, nhất là các em gái còn nhát và sợ nước. Sẽ có 4-5 tình nguyện viên trực bên dưới cầu khỉ, sẵn sàng đưa các em lên bờ khi rơi xuống nước. Khóa sinh leo đến điểm cuối cầu khỉ sẽ có cơ hội giành lấy những chiếc túi giải thưởng trị giá 500 nghìn đồng. Thông điệp nằm ở giải thưởng này hướng cho học sinh 3 lựa chọn về nhân cách: Sử dụng tiền thưởng cho bản thân với suy nghĩ ích kỷ; sử dụng cho cả tập thể với suy nghĩ chia sẻ cùng cộng đồng; sử dụng công đức vào chùa với việc ghi tên người công đức là một người thân mà ở nhà hay cáu gắt, quát mắng mình để hồi hướng công đức cho họ.

Mót lúa nấu cơm chay dâng cúng chư Phật cũng là một hoạt động trải nghiệm thú vị cho các em trong Ngày tri ân. Trên các thửa ruộng vừa gặt xong của thôn Ninh Trung (xã Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam), các em cùng tìm mót những bông lúa còn sót lại, những hạt thóc rơi để có gạo nấu cơm dâng cúng. Ban Tổ chức sẽ cung cấp cho mỗi nhà 50 nghìn đồng để đi chợ, 1 bật lửa, 1 chiếc niêu đất để các em thể hiện tài năng. Điều thú vị là có những đội nấu được tới 9 món mà chỉ tiêu hết 17 nghìn đồng mua thức ăn bởi có tài “ngoại giao”, biết chủ động ghé nhà người dân ven đường xin rau, xin mướp… để tiết kiệm chi phí. Như thế, chỉ 50 nghìn đồng nhưng các em đã học được các bài học về: Kỹ năng tổ chức, phân công làm việc nhóm; Khả năng giao tiếp, thuyết trình và quản lý tài chính; Bài học về ẩm thực với các phương pháp chế biến, kết hợp, trình bày các món chay; Bài học về tứ trọng ân…

LẶNG THINH - Ảnh Đình Khoa.jpg


Học cách im lặng - Ảnh: Đình Khoa

Bên cạnh đó, “Lặng thinh” cũng là một hoạt động thú vị và ý nghĩa. Theo thời khóa mỗi ngày, sau giờ ăn sáng sẽ có khoảng 60 phút để các em chấp tác, bốc thăm các công việc như: dọn rác, làm cỏ vườn rau, bao sái nhà Tổ và Tam bảo, hỗ trợ các bác nhà bếp...  Nhiều nhà bốc thăm được tờ phiếu ghi “Lặng thinh” đã vỡ òa, hò reo hạnh phúc vì chúng của mình không phải lao động.

Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là các em phải ngậm ống hút ngang miệng để giữ trật tự, ngồi riêng biệt, không nói chuyện, không rời khỏi vị trí. Cần uống nước, giơ tay ra hiệu, sẽ có người mang nước đến. Vọng lại quanh các em sẽ là tiếng cười tiếng nói của các chúng khác khi lao động, tiếng hát vui rộn ràng. Lúc này, chúng đang “Lặng thinh” mới nhận thức được: Việc ngồi im một chỗ, không lao động hóa ra không phải là một điều hạnh phúc trong cuộc sống. Chỉ khi chúng ta được cống hiến, góp sức mình cho một công việc, được thấy mình trở nên ý nghĩa và gắn kết với cộng đồng, ta mới thực sự thấy mình hạnh phúc.

Bài liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.