Đi khắp 3 gian phòng ở chùa Lâm Quang (quận 8, TP. HCM), có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh như thế.
Không biết Tết đang về
Hiện, chùa Lâm Quang đang chăm sóc 111 cụ bà từ 65- 86 tuổi, không nơi nương tựa. Chùa được phân thành 2 khu: khu dành cho những bệnh nhân nặng (1 phòng) và khu dành cho những cụ còn khỏe (2 phòng).
Cụ Minh, 74 tuổi, quê Trà Vinh vào chùa đã 6 năm. Cụ được bố trí ở phòng dành cho bệnh nhân còn khỏe bởi cụ còn có thể tự vệ sinh thân thể và xúc cơm ăn. Tuy vậy, trí óc cụ đã đễnh đãng khá nặng.
“Đây là áo len, dành để mặc khi lạnh. Còn đây là giọng ca của bà, bà hát cho con nghe…”, thấy tôi đến gần, cụ Minh nói - chất giọng chậm rãi, nhịp điệu lên xuống nghe như hát.
Hỏi về gia cảnh, cụ Minh lắc đầu, nước mắt chảy dài trên gò má nhăn nheo: “Chết hết rồi! Khổ lắm, cực lắm!”. Như bị chạm vào nỗi đau, cụ chợt nói như giọng của người tỉnh táo.
Những giường bên cạnh, cụ nghêu ngao hát, cụ ôm đầu bần thần, cụ nằm co ro, mệt mỏi…
Theo sư cô Diệu Hằng (chùa Lâm Quang), 111 cụ bà ở đây được 16 sư cô chăm sóc hàng ngày với những công việc như cho ăn uống, thuốc thang, tắm giặt…Tuy vậy, cũng có đôi ba cặp tự chăm sóc nhau bởi họ là những người thân trong gia đình.
Hai chị em cụ Nguyễn Thị Quyến (73 tuổi), cụ Nguyễn Kim Liên (71 tuổi), quê Rạch Giá - Kiên Giang vào chùa đã 5 năm nay. Chồng cụ Quyến chết sớm để lại cho cụ một mụn con trai duy nhất. Cách đây 10 năm, con trai cụ cũng bỏ mẹ ra đi vì sốc ma túy. Thương con, cụ khóc ròng mấy năm trời đến mù cả hai mắt.
Cũng giống chị gái, chồng và con gái duy nhất của cụ Liên cũng lần lượt ra đi. Không người thân, không của cải, hai chị em cụ Quyến nương tựa vào nhau. Cách đây 5 năm, khi không thể tự nuôi sống bản thân, hai cụ vào chùa ở. Ở đây, cụ Liên chăm sóc chị gái từ ăn uống, thuốc thang đến việc trở thành chỗ dựa tinh thần. “Chị Hai tui suốt ngày than khóc khiến tôi nhiều khi cũng chán nản, buồn lòng lắm”, cụ Liên kể.
Mẹ con cô Quách Thị Hui (62 tuổi), Huỳnh Mộng Liên (42 tuổi), quê Bạc Liêu vào chùa đã 5 năm. Hai mẹ con cùng bị tâm thần phân liệt nhưng cô Hui bị nhẹ hơn nên có thể chăm sóc con gái. Tuy vậy, theo sư cô Diệu Hằng, những lúc cả hai mẹ con đều “lên cơn” thì đành nhờ các sư cô và các bệnh nhân khác giúp đỡ.
Khi được hỏi: Có thích Tết không? Có biết Tết đang về không? Cô Hui cười buồn: “Tui biết chi Tết đâu. Tết thì cũng vậy thôi mà”.
“Chưa thấy ai có người thân đến thăm dịp Tết”
Năm 1995, khi sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến - trụ trì chùa Lâm Quang, mới về tiếp quản chùa đã thấy có 4 cụ bà hành khất ban ngày đi kiếm sống, ban đêm về đây xin tá túc. Xúc động trước những cảnh đời bất hạnh, sư cô đã đem các cụ vào chùa chăm sóc.
Từ đó ngày càng có thêm nhiều cụ xin đến với cửa chùa. Cho rằng duyên đã gặp duyên, sư cô Huệ Tuyến đã thu nhận tất cả những cụ bà có cảnh đời bất hạnh.
Sư cô Diệu Hằng - người xuất gia tại chùa Lâm Quang 14 năm nay cho hay, hàng năm, có nhiều cụ mất đi, cũng có nhiều cụ xin vô nhưng con số các cụ luôn tăng lên. Đầu năm 2010 có 95 cụ. Trong năm có 30 cụ mất. Thời điểm này, chùa có tất cả 111 cụ.
Trong chừng ấy năm chăm sóc các cụ, sư cô Diệu Hằng chưa thấy cụ nào được con cháu hay họ hàng xin về. Tết nhất cũng chưa thấy cụ nào có người thân đến thăm hỏi.
Dịp Tết, các cụ được nhà chùa và các tổ chức đoàn thể tổ chức tất niên và lì xì. Nhưng chỉ có những cụ còn khỏe mới cảm nhận được ít nhiều niềm vui năm mới. Còn với 26 cụ đã yếu, 15 cụ bị tâm thần thì không hề biết Tết.
14 năm trực tiếp chăm sóc các cụ, sư cô Diệu Hằng kể, mỗi năm chùa tiếp nhận khoảng 5-6 trường hợp các cụ già bệnh nặng trong thời gian chờ chết được con cháu… gửi nhà chùa chăm sóc. “Với những trường hợp này, Tết nhất cũng không thấy con cháu vào thăm hỏi. Họ chỉ thăm hỏi qua điện thoại và dặn lúc nào người thân họ qua đời thì báo để họ mang về”, sư cô Diệu Hằng ngậm ngùi.
Khi tiếp nhận những trường hợp bất đắc dĩ này, nhà chùa bố trí các cụ ở chung phòng với những bệnh nhân già yếu. Tại đây, hầu hết các cụ đều được cắt tóc ngắn để dễ dàng tắm rửa. Ngày cũng như đêm, bao trùm căn phòng là những tiếng thở dài, tiếng kêu rên…
Ngoài kia, Tết đã về…