Ngõ vào bản thể

LTS: Sau những loạt bài Phật học ứng dụng đăng tải trên Giác Ngộ, được tác giả kết tập thành sách Hiểu về trái tim, một ấn phẩm được đông đảo bạn đọc quan tâm và đón nhận gần đây, thầy Minh Niệm tiếp tục dành cho Giác Ngộ loạt bài Phật học ứng dụng mới, với chủ đề "Con đường thảnh thơi".

Con đường thảnh thơi vốn có thật và thênh thang, tuy nhiên không phải ai cũng có thể đặt chân thoải mái và an lạc trên con đường này, nhất là khi chưa thực sự hiểu về trái tim của mình và người. Xin giới thiệu những cung bậc của "Con đường thảnh thơi"đến với độc giả xa gần. G.N

Thực tại bí ẩn

Hiện nay các nhà khoa học đều cho rằng những gì mà chúng ta nhìn thấy trong thực tại đều không đúng như chính nó đang là. Immanuel Kant là một khoa học gia người Đức (1724-1804) đã từng phát biểu rằng: "Cái mà chúng ta nhìn thấy chỉ là thứ thực tại được hiện lên đúng với trình độ mà chúng ta biết về nó mà thôi. Thực tại là chính nó, chúng ta không bao giờ biết được với tính chất của một hiểu biết khoa học". Lời phát biểu này không được bao nhiêu người để ý. Rồi người ta vẫn tiếp tục không ngừng khảo sát, và lại cho rằng thực tại là một cái gì đó nhiều hơn không gian ba chiều của chúng ta. Chúng ta tạm gọi thực tại là một cái X nào đó thì vũ trụ có thể chỉ là một mảnh chiếu của thực tại trong không gian ba chiều này. Vậy phải chăng thực tại nhiều chiều hơn nên con người không thể tiếp cận, vì tri thức con người vốn đã bị không gian ba chiều giới hạn mất rồi?

banthe-2.gif

David Bohm (1917-1992) là một nhà lượng tử xuất sắc người Mỹ lại phát hiện rằng: "Các hạt mà chúng ta đang thấy, khi ẩn khi hiện, sự vận động biến đổi ấy là do chúng nhận được sự điều khiển bằng thông tin từ một trường lượng tử (quantum potential)". Theo David Bohm thì trường lượng tử đó có tính chất non-local (phi cục bộ) - không biết tới không gian và tác động nhau tức thì. Theo cách này thì trường lượng tử phải có chứa tâm thức, tức vạn vật trong vũ trụ tương tác với nhau bằng chính tâm thức của chúng. Khám phá này đã tạo ra nhiều cuộc tranh cãi quyết liệt. Và rồi các nhà khoa học cũng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, họ lại nghi vấn rằng phải chăng đằng sau thực tại này có một cái gì khác mà con người không thể biết? Sự khủng hoảng về bản thể học (ontology) của thế giới chúng ta chính là sự khủng hoảng của vật lý hiện nay. Nhưng mới đây, các nhà khoa học đã chứng minh lời nói của David Bohm là hoàn toàn đúng đắn, đó là thí nghiệm khe đôi (double slit experiment). Tức là khi tách hai hạt electron rời ra, người ta thấy hạt bên này dao động theo hướng nào thì hạt bên kia cũng dao động theo hướng ấy.

Thí nghiệm này đã thật sự gõ vào cánh cửa bản thể của thế giới chúng ta rồi đấy. Tuy nhiên cánh cửa vẫn chưa mở ra. Vì các nhà khoa học vẫn còn nhiều bối rối, họ không thể tin rằng mọi sự mọi vật trên thế gian này đều không ngừng giao thoa với nhau, chịu tác động với nhau và tồn tại được là nhờ vào nhau. Bởi nếu theo sự thật này thì anh cũng chính là tôi và tôi cũng chính là anh, vì vậy nỗi khổ của anh cũng chính là nỗi khổ của tôi và hạnh phúc của tôi cũng chính là hạnh phúc của anh sao? Sự thật này vượt quá xa nền "văn minh nhân loại" tại thời điểm này, khi mà ai cũng đang cố gắng tích góp quyền lợi cho bản thân, hoặc vì quyền lợi của mình mà sẵn sàng chèn ép hay triệt tiêu kẻ khác. Cho nên, dù đã gõ được cánh cửa bản thể, nhưng khoa học sẽ không thể nào vào được thế giới bản thể khi mà khoa học vẫn còn đứng trên cái tôi đầy tự hào và tham vọng của khoa học.

Hiện tượng cũng là bản thể

Cách đây hơn 26 thế kỷ, Siddhārtha Gautama đã đi vào thế giới của bản thể, đã đạt tới tự do và hạnh phúc tuyệt đối, nên người ta đã gọi Ngài là Bậc Giác ngộ hay Đức Phật. Như vậy chữ đạo Phật có nghĩa là con đường đi vào thế giới bản thể, và điều này cũng có nghĩa ai theo đạo Phật tức là người ấy đã quyết tâm tham dự vào thế giới bản thể. Tuy nhiên, Đức Phật cũng đã không ít lần ngại ngần giới thiệu thế giới bản thể đến đại chúng, và rồi cuối cùng Ngài cũng đã nói rất ít về thế giới kỳ bí ấy. Bởi lẽ, khi nói ra có thể sẽ làm kinh động tâm thức mọi người, sẽ khiến cho nhiều người nghi ngờ và xa lánh, nhất là sự giới hạn của ngôn từ sẽ dễ khiến cho nhiều người hiểu lầm rồi vướng kẹt vào đó.

Có lần, Đức Phật hái một nắm lá trong rừng và hỏi các học trò: "Nắm lá trong tay ta nhiều hơn hay lá trong rừng nhiều hơn?". Thầy Ananda thưa: "Dạ, dĩ nhiên lá trong rừng phải nhiều hơn chứ ạ". Đức Phật ân cần nói: "Cũng vậy, những gì ta có thể nói ra cũng chỉ như lá trong nắm tay này thôi, còn những gì ta đã đạt được nhiều như lá ở trong rừng vậy". Đây là lời nhắn nhủ rất quan trọng. Nếu ai muốn đạt tới những chân lý sâu xa hơn thì phải nỗ lực tu tập từ chính bản thân mà không nên tìm kiếm hay chờ đợi gì thêm nơi kinh nghiệm của kẻ khác. Bởi chân lý là thứ mà mỗi người phải tự đến và cảm nhận lấy, không thể nào dùng trí thông minh mà đạt được. Như vậy những bản kinh nào đã giới thiệu một cách chi li và hấp dẫn về thế giới bản thể (còn gọi là Niết-bàn, Chân như, Bản lai diện mục hay Phật tánh) là do sự cố gắng diễn giải của các vị học trò tiếp nối Đức Phật. Sự cố gắng ấy tưởng chừng sẽ giúp mọi người tiến gần với bản thể hơn, nhưng đó lại là cái bẫy khiến bao người tu tập đánh mất thực tại vì chìm đắm trong mộng tưởng Niết-bàn.

Đức Phật thì khác. Ngài luôn dạy những điều rất gần gũi, chủ yếu thức tỉnh mọi người hiểu rõ sự thật về cuộc sống hiện tại. Như bản chất của tiền bạc, danh vọng, quyền lực hay sắc dục tuy đem lại những cảm xúc hấp dẫn nhưng nó sẽ mau chóng hoại diệt và sẽ để lại sự nghiện ngập. Đức Phật chỉ ra có một thứ hạnh phúc khác ít phải trả giá hơn nhưng tồn tại lâu bền hơn, có thể tìm thấy ngay trong giờ phút hiện tại mà không cần phải chờ đợi hay tranh đấu với ai, đó là quay về nương tựa chính mình. Tức là mỗi người phải xây dựng cho mình thói quen chú ý và quan sát tất cả những gì mình cảm nhận được ngay trong thực tại, nhưng đối tượng quan trọng nhất chính là thái độ sống của mình. Để từ đó ta có thể thấu hiểu cơ chế tâm thức của mình hoạt động như thế nào, tại sao nó lại phát sinh những phản ứng như thế. Khi ấy, ta mới chuyển hóa được những năng lượng xấu như sợ hãi, nghi ngờ, tức giận, kỳ thị, hận thù; và phát huy những năng lượng tốt như lắng nghe, chấp nhận, tha thứ, buông xả, tùy thuận. Khi thói quen mong cầu và chống đối bị bào mòn, tự nhiên ta sẽ chấp nhận và sống sâu sắc với thực tại. Hạnh phúc từ đó nảy nở.

Khi ta đã nhận ra hạnh phúc hay khổ đau là tùy thuộc vào chính tâm mình chứ không phải tại nơi hoàn cảnh bên ngoài, thì ta sẽ không còn đổ thừa hay trách móc hoàn cảnh hoặc hy vọng về một thế giới hạnh phúc xa xăm nào nữa. Tuy nhiên, dù đã quay về nương tựa nơi bản thân để tìm thấy những giá trị hạnh phúc thật hơn, nhưng nếu ta vẫn còn thấy mình với người kia là hai cá thể hoàn toàn khác biệt nhau thì chắc chắn ta vẫn còn thái độ phân biệt đối xử. Tức là nếu ta vẫn còn mong mỏi những hoàn cảnh thuận lợi và sẵn sàng kháng cự lại những hoàn cảnh trái nghịch, thì ta vẫn còn bị chi phối bởi vô thường, còn phải chịu thăng trầm và khổ đau. Vì vậy, Đức Phật lại tiếp tục hướng dẫn những bài thực tập sâu sắc hơn. Thí dụ nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy hơi thở vào ra chỉ là sự vay mượn từ không khí chứ không phải là của ta, hay mỗi khi ăn uống ta cũng thấy rằng mình tồn tại được là nhờ sự góp sức của vô số điều kiện trong vũ trụ. Rõ ràng ta chỉ là một hợp thể vay mượn không hơn không kém. Ta vốn tương tác với vạn sự vạn vật.

Sự thực tập này nếu muốn đi xa hơn thì cần phải có một không gian thích hợp để nuôi dưỡng, vì thói quen của hầu hết mọi người là chạy theo hoàn cảnh và vướng kẹt vào chúng. Thế nên, để thực hiện mục tiêu tháo gỡ tận cùng những lớp nhận thức sai lầm về cái tôi, cũng như tháo gỡ những cố tật phiền não đã bao bọc thành những bức tường kiên cố để bảo vệ quyền lợi cho cái tôi, thì ta phải can đảm tạm thời rời xa những môi trường nặng mùi danh lợi. Tình cảm và danh dự là hai yếu tố rất dễ tạo ra những vai vế giả tạo rồi khiến ta tự đồng hóa toàn bộ con người của mình với chúng, quên mất mình vốn là ai. Nhưng nếu những nơi tu tập vẫn không tránh khỏi sự xâm lấn của danh lợi thì ta phải can đảm từ bỏ nơi ấy để đi vào miền hoang dã, nương tựa và học hỏi với thiên nhiên. Ta phải tách mình ra khỏi cái gọi là "văn minh nhân loại" một thời gian đủ lâu để cho cái tôi với quá nhiều vai vế bị cô lập và tháo tung. Bấy giờ ta mới có hy vọng vào được bản thể.

Trong thế giới của bản thể thì không có trước sau, trên dưới, đẹp xấu, cao thấp, nam bắc, đến đi, tan hợp, sống chết... Bởi những cặp tương đãi ấy chỉ có khi ta thấy mình là một cái tôi riêng biệt. Trong khi ta cũng như những con sóng, tuy khác nhau về mặt hình tướng cao thấp nhưng tất cả cũng đều có chung tính chất là nước, nên thay vì so sánh để có thái độ kỳ thị nhau thì ta hãy chấp nhận và yêu thương nhau. Ta cũng chẳng khác gì bãi cát, nên khi những hạt cát nơi này bị thổi đi nơi khác hay những hạt cát nơi khác bay đến nơi này ta cũng không hề thấy có sự tan biến hay hoại diệt gì cả, vì nơi này hay nơi khác cũng đều là bãi cát kia mà. Cho nên vào thế giới bản thể có nghĩa là cũng con người này, cũng thế giới này, nhưng tâm ta vượt lên cung bậc cao hơn. Ta nhìn thực tại bằng con mắt không so sánh phân biệt. Ta tôn trọng và yêu thương mọi cá thể khác như chính thân mạng mình. Bởi lẽ, ta không chỉ tương tác mà còn tương tức với vạn sự vạn vật. Tương tức nghĩa là cái này cũng đồng thời là cái kia, anh là tôi mà tôi cũng chính là anh.

banthe-1.gif

Như vậy, Đức Phật tuy đã trình bày về hai sự thật (Nhị đế) đang tồn tại trong cuộc sống của chúng ta là thế giới hiện tượng (Tục đế) và thế giới bản thể (Chân đế), nhưng Đức Phật vẫn khẳng định rằng cửa ngõ vào thế giới bản thể chính là khả năng thấu triệt và vượt thoát được sự khống chế của thế giới hiện tượng. Tức là không có cái thế giới bản thể nào nằm ngoài thế giới hiện tượng, cũng như không có cái đại dương nào nằm ngoài những con sóng hay không có cái bãi cát nào nằm ngoài những hạt cát cả. Vậy nó nằm ở đâu? Nó cũng chính là thế giới hiện tượng mà chúng ta đang tiếp xúc và cảm nhận qua giác quan bình thường đấy thôi. Chỉ có điều ta cần phải vượt thoát bức tường vĩ đại tham-sân-si, tháo tung được các vỏ bọc giả tạo của cái tôi thì ta sẽ vào được bản thể. Nói cách khác, khi đạt tới cái thấy siêu tuyệt rằng ta với vạn vật cũng là một thì tâm ta sẽ phát sinh ra năng lượng có tần số thích ứng với tần số năng lượng của mọi cá thể trong thực tại, nên ta sẽ nhìn thấy rất rõ sự thật về chúng. Vô ngã chính là nơi gặp-gỡ-chân-thật của thực tại.

Đến đây, ta có thể phát biểu rằng hiện tượng cũng chính là bản thể, vì nó tùy thuộc vào sự phản ánh của trình độ tâm thức con người. Nghĩa là tâm ta như thế nào ta sẽ nhìn thấy thực tại như thế ấy, đúng với câu nói nổi tiếng của Đức Phật: "Vạn pháp duy tâm tạo". Nhưng nếu ta không có khả năng vào được thế giới bản thể, hoặc ta không muốn vào thì ta cũng có thể tìm thấy hạnh phúc tương đối từ thế giới tương đối, với điều kiện phải thiết lập đời sống tỉnh thức để ta luôn hiểu rõ chính mình và hoàn cảnh. Sống cho thật sâu sắc và đối xử tử tế với mọi người là ta đã sống xứng đáng một kiếp người rồi. Còn nếu ta thực sự muốn nếm trải cảm giác Niết bàn - thứ hạnh phúc tuyệt đối ngay giữa cuộc đời này thì bắt buộc ta phải lột xác. Lột xác là tháo gỡ từng mảnh "vai diễn" tạo nên cái tôi hư ảo, chứ không hẳn là chối bỏ tất cả để khoác lên mình chiếc áo tu hành đâu. Bởi tu hành không khéo thì cũng chỉ tạo thêm vai diễn mà thôi. Gạt bỏ hết sự hưởng thụ của cái tôi để vào được bản thể thì cũng đáng để ta đánh đổi lắm chứ. Chỉ e ngại rằng lối vào bản thể quá mênh mông và có khá nhiều cạm bẫy mà ta không đủ sáng suốt để nhận ra.

Con sóng về đại dương
Trôi lăn hoài vất vả
Biết đâu là cố hương
Thuyền còn neo bến lạ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.