Nghiệp xuân

GN - Mồng một Tết đi chùa lễ Phật thì hên cả năm. Mẹ tôi nói như thế! Mồng một Tết xuất hành hướng chùa là hướng tốt nhất, bất luận nhà ở vị trí nào, Đông, Tây, Nam hay Bắc. Đi chùa lễ Phật, mừng tuổi Thầy xong, đi viếng mộ ông bà tổ tiên; sau đó ưng đi chơi đâu thì đi. Và thói quen ấy đã trở thành thông lệ cho chị em chúng tôi sau này.

sai-gon-tet-xua3.jpg

Năm nay, tôi cùng gia đình đến một ngôi chùa làng ở ngoại ô thành phố. Chùa này đã bị tàn phá trong chiến tranh, nay được bà con Phật tử chung tay góp sức khôi phục lại; chùa có một vị tân trụ trì trẻ, thầy vừa tốt nghiệp Học viện Phật giáo được bổ nhiệm về. Tôi lễ Phật xong, vào chúc Tết mừng tuổi thầy và được thầy cho rút bốn câu Kiều đã có sẵn lời bình của thầy trên tờ giấy nhỏ:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa/ Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. - Lời bình: Hãy tạo nghiệp thiện/ Đừng gieo nghiệp ác / Mọi sự an lành”.

Chúng tôi hiểu thầy đã tạo ra kiểu bói Kiều miễn phí như thế này để thu hút một số bà con còn tin vào những ông thầy bói toán chuyên lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin. Đây là cơ hội để thầy trụ trì chuyển hóa họ.

Tôi đảnh lễ thầy và đưa ra câu hỏi về chữ nghiệp ở trong câu Kiều, thầy đã có một bài pháp thoại ngắn về “Nghiệp” để tặng cho Phật tử chúng tôi, dù hầu hết mọi người cũng đã hiểu phần nào chữ nghiệp ấy, nhưng ý nghĩa chữ nghiệp thì thâm sâu khó có thể lĩnh hội được hết. Thầy bắt đầu bài giảng với chất giọng trầm ấm áp:

“Nghiệp có nghĩa là hành động có tác ý. Nói cách khác, nghiệp luôn bắt nguồn từ những tạo tác của tâm, thông qua những hoạt động của thân, miệng và ý, gọi là tam nghiệp. Do đó, một hành động không phát sinh từ tâm thì không thể gọi là nghiệp, mà hành động đó chỉ được gọi là hành động hay hành động duy tác. Và như vậy, định nghĩa của nghiệp là: hành động có tác ý, hay hành động được phát sinh từ tâm.

Nói đến nghiệp là nói đến vấn đề thiện ác trong vòng sinh diệt của đời sống con người. Con người tự tạo dựng cho mình một định nghiệp, đời sống khổ đau hay hạnh phúc tùy thuộc vào cái định nghiệp thiện hay ác…”.

Tôi hỏi thầy thêm về hai chữ “cộng nghiệp” và “biệt nghiệp”. Thầy giảng quả là dễ hiểu, giống như trong một trận động đất hoặc sóng thần, có đến hàng nghìn người thương vong. Hàng nghìn người thương vong đó là cộng nghiệp. Trong vùng thiên tai đó có người may mắn thoát chết, thì những người may mắn sống sót ấy là biệt nghiệp.

Thầy có thể giảng chữ nghiệp đến cả ngày chưa hết, nào là thiện nghiệp, ác nghiệp, cận tử nghiệp… với vốn liếng kiến thức uyên thâm của thầy, nhưng thầy chỉ nói cái cốt lõi để gieo nghiệp thiện vào mảnh đất tâm Bồ đề của Phật tử.

1326042207_1325816758_081119HoaMai.jpg

Chữ nghiệp thực ra không lạ lùng gì với dân gian, bất luận người học nhiều hay ít học. Như chữ nghiệp trong chữ nghề nghiệp. Mỗi người phải có ít nhất một nghề nghiệp chính để mưu sinh, để khai trong bản khai hồ sơ lý lịch cá nhân. Nghề nghiệp theo đuổi ta suốt một đời cơm áo mưu sinh (Sinh nghề tử nghiệp).

Nếu ai cũng biết chọn cho mình một nghề nghiệp lương thiện, nghề nghiệp đó chí ít cũng giúp ta đủ sống để an vui với cái nghiệp lành.

Đi trên con đường quê sáng mồng một Tết, có vài chú trâu đang gặm cỏ bên đường, bỗng nhớ đến câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, con trâu tuy to lớn nhưng hiền lành chăm chỉ kéo cày, làm ra lúa ngô khoai sắn cho con người ấm no. Con người chỉ trả công cho trâu bằng cỏ và nước lã, không đáng là bao, nhưng trâu vẫn vui vẻ không phàn nàn điều chi, mặc dù công của trâu rất lớn. Nhưng khi trâu già nua, sức yếu, người ta lại đem trâu ra làm thịt, như thế con người có “mang lấy nghiệp vào thân” không, hỡi cụ Nguyễn Du?

Không ai làm cho ta ô nhiễm hay trong sạch, chỉ có ta làm cho ta trong sạch hay nhiễm ô. Để có được một đời sống an cư lạc nghiệp trong cuộc đời này (hai chữ an cư lạc nghiệp nên hiểu theo nghĩa tri túc đệ nhất phú, biết đủ tức là giàu nhất), ngay bây giờ ta phải biết tránh xa điều ác, làm nhiều điều thiện. Mọi điều tốt lành nhất định sẽ đến với chúng ta.

Nếu không có thu đông kéo dài héo khô băng giá thì làm sao có được mùa xuân ấm áp lạc quan yêu đời.

Vậy thì xuân cũng có thể gọi là “nghiệp xuân”, nhưng là nghiệp xuân thiện lành, vui tươi và an lạc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.