Nghiên cứu Phật giáo, tìm thấy 8 bản điêu khắc cổ

GNO - Hàng thế kỷ trước khi đế chế Tây Tạng được mệnh danh là 4 ngôi trường của Kim Cương thừa, tiếng địa phương gọi nơi này là “Bod”, thường được biết đến với tên “Tubo” và trong tiếng Trung Hoa gọi là “Thổ Phồn”, theo Cựu Đường thư (945).

Đế chế này có ảnh hưởng lớn đối với chính trị và văn hóa trung cổ Á-Âu và đóng vai trò hình thành lịch sử của khu vực. Trong nửa cuối năm 2016, một nhóm 20 nhà nghiên cứu gồm 4 chuyên gia đến từ Khoa Tây Tạng học - Đại học Tứ Xuyên và các đại diện đến từ Cục Di sản Văn hóa Markham tìm thấy 8 di tích điêu khắc đá ở Markham, quận Chamdo, Trung Quốc, có niên đại từ thời kỳ hoàng kim của đế chế Thổ Phồn.

c7bf7351e7ec9dbddbec1ff4d4f996cf_715__2.jpg


Một trong những hiện vật được phát hiện - là phiến đá cổ có điêu khắc nội dung về Phật giáo

Theo Zhang Yanqing (Palchen Dorjee theo tiếng Tây Tạng), giáo sư khoa Tây Tạng học - Đại học Tứ Xuyên, các bản khắc đá này có niên đại từ thời hoàng đế Trisong Detsen (755-97) hoặc người kế vị ông, Tridé Songtsen (798-815) hay Sadnalegs.

Những công trình này nằm rải rác trên 8 địa điểm thuộc 3 thị trấn của quận, bao gồm điêu khắc vách đá, điêu khắc tượng, tranh đá khắc văn tự Tây Tạng cổ và đá mani (đá khắc Lục tự đại minh chú “Om Mani Padme Hum” của Quán Thế Âm Bồ-tát – vị Bồ tát bảo hộ cho vương quốc Bod cổ xưa và người Tây Tạng hiện đại). “Trang phục và chữ khắc trên đá cho thấy những bản khắc đá này được tạo từ nửa cuối thế kỷ thứ 8 hoặc đầu thế kỷ thứ 9” - Zhang cho biết.

He Fanhua, đại diện cục Di sản Văn hóa địa phương cho biết: “Chúng tôi sẽ đề nghị các đơn vị bảo tồn di sản văn hóa cấp cao có biện pháp bảo vệ những công trình điêu khắc trên đá này”. Việc bảo tồn là cần thiết bởi vì các di sản này tọa lạc gần khu dân cư, chỉ cách ngôi làng gần đó 600 mét.

Đế chế Thổ Phồn là một quốc gia bao gồm một phần của Bangladesh, Afghanistan, Nepal, Bhutan, Ấn Độ, Bắc Trung Quốc, Myanmar, Pakistan, và Đông Á. Trong sử sách, Trisong Detsen là một trong ba vị vua hộ trì Phật pháp (chos-gyal) và củng cố vị thế của Phật giáo trong văn hóa Tây Tạng. Hai vị vua khác là Songtsen Gampo (629-49) và Tritsuk Detsen (815-36), hay Ralpacan.

Trisong Detsen nổi danh trong sử sách qua việc thỉnh Đại sư Tịch Hộ (Shantarakshita) và Đại sư về Mật chú Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) của Mật tông đến Tây Tạng. Ông cũng cho xây dựng tu viện Samye, tu viện Phật giáo đầu tiên của Tây Tạng được hoàn thành vào khoảng năm 779 và là nơi tranh luận của các thiền sư, như Đại sư Moheyan và Kamalashila.

Đại sư Kamalashila thắng trong cuộc tranh luận và bài kệ của ngài thường được truyền tụng khắp nơi cho thấy hoàng gia Tây Tạng hướng đến triết lý Thiền tông Ấn Độ hơn là Thiền tông Trung Hoa. Tuy nhiên vấn đề này không được ghi chép rõ ràng trong lịch sử. Về lý do và bản chất của các cuộc tranh luận đang là chủ đề tranh cãi bất tận trong giới Tây Tạng học.

Trisong Detsen tiếp tục chính sách hộ trì Phật giáo của cha mình, và tham vọng mở rộng đất đai. Ông tham gia cuộc chiến với nhà Đường (618-907) trong khoảng thời gian 799-803.

Đế chế Thổ Phồn kết thúc trong chiến tranh và bạo loạn vào năm 907, đất nước bị chia rẽ bởi tranh đoạt vương quyền và nội chiến, nhưng nghệ thuật và di tích mà đế chế cổ xưa để lại và những cổ vật vẫn còn tồn tại ở địa phận Trung Quốc vẫn không bị lãng quên.

Trung Hoa Nhật báo (ChinaDaily.com) cho biết, rất nhiều bản khắc đá được tìm thấy ở quận Markham trong vài năm qua, kể cả bức tượng Phật Tỳ Lô Giá Na được tìm thấy năm 2011 - là một trong ba bức tượng lớn nhất thuộc địa phận Tây Tạng.

Đỗ Chu Vĩnh Hưng
(theo Buddhist Door)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.