Khi tâm hồn ta yếu đuối thì dù bên ngoài như thế nào cũng làm cho ta trở nên mệt mỏi, muộn phiền, xuống dốc tinh thần lẫn đạo đức, lối sống. Ở một góc nào đó, thi hào Nguyễn Du đã nói đến điều này: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”.
Cái nghèo có làm ta khổ?
Có bao giờ bạn tự hỏi điều đó và cho ra một đáp án thật nhất trong suy nghĩ của mình lúc đó? Nếu có, thì chắc chắn thọ cảm lo lắng bởi dự báo nghèo túng, thiếu thốn đến với mình sẽ làm mình không yên vì ngay lúc đó mình đã “hóa thân” thành người nghèo đói, và thọ cảm cái khổ của nghèo đói trong tâm. Những tâm hồn yếu đuối, không nhận diện được sự thật về quy luật Nhân quả, Vô thường… hiển bày liên tục theo nhân-duyên mình đã tạo và đang tiếp tục tưới tẩm thì sẽ thấy khổ ngay.
Mở lòng yêu thương - Ảnh minh họa từ internet
Thông thường, ta thích những điều kiện tốt đẹp, không lúc nào phải thiếu thốn, đồng thời ai cũng nhẹ nhàng, dễ thương với mình, chăm sóc cho mình tất thảy mọi thứ… Ước muốn ấy là ước muốn hưởng thụ cố hữu trong ta, bởi vì ta còn tham-sân-si. Chính vì ước muốn này thôi thúc ta làm việc, và cũng thôi thúc ta biết nhẫn tâm, vô tình hơn với cuộc sống hàng ngày, với con người xung quanh. Cụ thể, với ước muốn thụ hưởng ấy ta sẽ “bằng mọi giá” để đạt được nó, ngay cả khi mình không đủ sức, không đủ tài năng để đạt được. Chính vì không đủ tài năng (hay nói cách khác là không đủ điều kiện đạt được) nên ta buộc lòng phải đi bằng hai đầu gối hoặc đi bằng thủ đoạn, mưu mô, ma mãnh…
Ở góc nhìn của Phật giáo, thì đối với những người nghèo khó, bệnh tật là vì nghiệp-duyên (nhân-quả đã biểu hiện) nên phải cố gắng sám hối, hành thiện, gieo tạo phước lành… để cải thiện nghiệp xấu đang biểu hiện. Muốn vậy, trước tiên và trên hết người ấy phải được trang bị lời Phật dạy, với những giáo lý căn bản - cũng là chiếc chìa khóa để mở tung những cánh cửa sổ bít bùng, đã lâu nay nhốt cái nhìn của mình trong đó, một cách cạn cợt, thiển cận.
Khi những cánh cửa được mở, chân trời rộng và những lý lẽ chân thành được khai mở, ta sẽ thấy cuộc sống rộng và đẹp hơn, không phải chỉ là những bực bội, nực nội trong căn phòng đóng kín cửa. Ta sẽ thấy nỗi khổ của ta chỉ là be bé thôi, còn nhiều nỗi khổ khác đáng thương, đáng tội nghiệp hơn nhiều. Và qua cái nhìn về thực thể nỗi khổ xung quanh cũng như cảm nhận nỗi khổ nơi mình, tương tác thêm với những niềm hạnh phúc từ những thực thể khác, ta sẽ thấy, tại sao có những người nghèo-đói hơn ta họ vẫn hạnh phúc, và tại sao có những người mới sinh ra đã có quá nhiều “đặc ân”, còn ta thì không…?
Tất nhiên, ta sẽ không trả lời bằng cách đổ thừa cho ông Trời bất công, hay Thượng đế thiếu công bằng khi ban phát danh, sắc, tài… cho con người (trả lời như vậy là thái độ của người thiển cận, của một người yếu đuối). Khi đó, ta sẽ quán chiếu chính mình và những người xung quanh qua cái nền của đạo đức Phật giáo và những luân lý cơ bản của cuộc sống như “ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão”, chẳng hạn.
Tính tương đồng từ những góc nhìn giản dị đến khái quát một cách cụ thể, thâm thúy của các bậc thầy khả kính chính là xác quyết đáng tin cậy cho một lý lẽ, một luận điểm lý giải cuộc sống này. Rằng, người ta nghèo khổ là bởi người ta đã không biết sống thiên lương, làm ăn chụp giựt, móc hầu móc họng, chèn ép, cướp bóc, trộm cắp… của người. Thêm vào đó là tham lam, bỏn sẻn, chưa bao giờ biết sẻ chia, cúng dường dù chỉ là một xu, một đồng… Tất cả những biểu hiện ấy cho thấy một cái tâm chật hẹp, nghèo nàn nên đương nhiên phải sống, thọ cảm trong một hoàn cảnh chật hẹp, nghèo nàn, thiếu thốn.
Đức Phật dạy, nhất thiết duy tâm tạo (tất cả từ tâm sinh), nên, với tâm tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn như vậy thì dẫu có tiền muôn bạc vạn ta cũng vẫn khổ như thường, khổ vì lúc nào cũng không có cảm giác đủ, cũng thấy mình thiếu thốn, nghèo nàn. Vì thế, có những người giàu (về số lượng tài sản) nhưng vẫn thọ cảm cái nghèo (vì không thấy đủ). Ngược lại, có những người nghèo khó thật sự (về số lượng tài sản ít ỏi, hoặc tay trắng…) nhưng họ vẫn thấy bình an vì biết “khéo co thì ấm”, vì có thể sống đủ trong hoàn cảnh thực tế thiếu thốn ấy của mình.
Tôi đoan rằng, những người như thế không phải là những người thụ động, yếm thế mà là người đã, đang và sẽ chạm vào những nấc thang hạnh phúc, vì họ đã chạm vào những cửa ngõ để đi tới thấy biết như thật (như là Nhân quả: hiểu vì sao mình nghèo khó) và con đường thoát khỏi sự khổ đau của nghèo khó (nhận diện, chấp nhận, tạo tác những nhân lành cho những tiến trình an vui, tốt đẹp trong tương lai).
Sự giàu có có làm ta vui?
Bạn hỏi tiếp câu này để xem mình sẽ vui và vui như thế nào với sự giàu có của mình (nếu có)? Bạn sẽ thụ hưởng tất cả những dịch vụ tốt nhứt hay sẽ hoan lạc trong việc thỏa mãn nhu cầu chăm chuốt bản thân… Nếu thế, thì ta có thật vui và có vui được không với sự choáng ngợp hoặc bưng bê, xu nịnh của người khác là vì ta có tiền nhiều, có nhà, có xe? Nếu ta hạnh phúc, an vui vì sự tung hê ấy thì có khi ta đã thật nhầm vì thực chất ta không có giá trị gì cả ngoài mớ trang sức óng ánh của mình. Người ta tung hê trang sức mà ta đang đeo, nhưng ta cứ ngỡ mình có giá trị lớn lao, được người nể, trọng…
Sự giàu có làm ta vui được không khi trong ta có những nỗi lo sợ mất mát khối tài sản khổng lồ đã được ta mặc định là của mình, ta là chủ sở hữu. Sự mặc định đó đã làm ta dính chặt vào khối tài sản và mặc định tiếp theo: nó phải và ở mãi bên ta. Trong khi đó, có thể xung quanh ta vẫn có những người đang lăm le dòm ngó sự giàu có của mình với tâm tham lam hay tị hiềm. Tất cả đều làm ta lo lắng và mệt mỏi vì phải đề phòng, có phải không?
Và, sự giàu có này của ta liệu có đảm bảo cho ta không bệnh, không chết, có làm ta không phải đảo điên trong những nỗi sợ hãi ngút ngàn về những điều hiển nhiên thuộc tám cái khổ mà phàm là người ai cũng có (sanh, lão, bệnh, tử, xa người mình thương, gần người mình không thích, cầu không được, thân này với năm ấm). Chắc chắn là không, bởi nó đã là quy luật bất di bất dịch nên ta không thể kháng cự, loại bỏ; nhưng, do ta mặc định là mình có quá nhiều tài sản nên ta không muốn trải qua cái chết, sự bệnh tật…, vì vậy nỗi sợ ấy lại càng làm ta khổ. Nỗi khổ của sự thật các cái khổ nơi thân-tâm cộng với nỗi sợ hãi, hoang tưởng và lo lắng cháy lòng của ta càng làm cho ta thấy nóng bức, khó chịu… Vậy thực chất, sự giàu có, vinh hiển có làm ta hạnh phúc?
Nghèo, giàu không có tội!
Thực ra, nghèo hay giàu có đôi chút tác động đến thân và tâm ta, bởi nó cũng là nghiệp chi phối ta, tác động đến mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm của ta trong cuộc sống. Nên, nếu nói rằng ta đã miễn nhiễm, không còn bị sự chi phối của giàu, nghèo thì cũng đồng nghĩa với việc ta đã vượt thoát sự dính mắc của vật chất thế gian, chứng đắc một tầng bậc khác trong việc thực tập pháp giải thoát. Tiếc là, ta còn phàm phu và đang thực tập đi đến chỗ đó nên trước tiên ta nhận diện về sự chi phối ấy là có thật, để từ đó có những góc nhìn từ gần tới xa, giải quyết từ từ những vướng mắc trong ta.
Niềm an vui không phải chỉ được quy định bởi giàu hay nghèo - Tranh minh họa từ internet
Thấy được giàu, nghèo đều do mình tạo đã là cái thấy làm cho mình bớt khổ và hứa hẹn một con đường sáng sủa để đi, thông qua nhận thức đúng đắn về chánh báo (bản thân), y báo (hoàn cảnh) của mình. Hoàn cảnh, cha mẹ… là những cái mà ta không thể lựa chọn, chỉ có thể thay đổi bằng nỗ lực bản thân. Nỗ lực ấy vừa là nhân cũng vừa là duyên để thúc đẩy tiến trình cải tạo cuộc sống hiện tại của mình, thông qua cái nhìn trong chiều sâu tương quan: quá khứ, hiện tại, tương lai. Từ việc tạo ra những nhân lành đến việc đối mặt, tiếp nhận những quả lành (sẽ tới và chắc chắn biểu hiện) của ta như thế nào thì sẽ tạo cho ta cảm thọ hạnh phúc hay khổ đau.
Nếu ta bắt đầu chấp nhận sự thật và nỗ lực cải tạo bản thân, hoàn cảnh và sẽ đạt kết quả tốt; khi ấy nếu ta đón nhận bằng niềm kiêu mạn, tự hào, thì ta sẽ lại dính ở đó. Sẽ lại hưởng thụ cái mà mình đã dày công tạo dựng bằng một thái độ hả hê, thái quá. Như người đi lao động cực nhọc, sau một ngày có lương và xài hoang phí thì chỉ sướng trong chốc lát, sau đó là khổ sở vì sự thiếu thốn vốn dĩ của mình.
Cũng vậy, nếu ta chỉ sống tốt một chặp và khi những quả vị tốt có mặt (có lời khen, và hoàn cảnh cải thiện, uy tín nâng cao…), ta chấp vào chỗ đó thì ta sẽ lại trồi sụt trong nỗi khổ ấy. Thay vì dính lại, ta lấy kết quả tốt ấy làm điều kiện để tiếp tục gieo tạo những nhân lành trên nền tảng của thương yêu, hiểu biết mà mình đã nhận diện trước đó thông qua lời Phật dạy thì mình sẽ dần vượt thoát dần những nỗi khổ niềm đau, trong cái tâm chật chội của mình.
Quy tắc để đạt được điều đó là phải có niềm tin vào Nhân quả, có hạnh thực tập tinh tấn và có nguyện sâu dày. Tín-hạnh-nguyện lành tốt như kim chỉ nam và cũng là điều kiện để mình không quên nẻo chánh, không quên con đường sáng khi một mai nào đó mình có phước báo lớn hay phải rơi vào nghịch cảnh nghèo cùng…
Và tới đây, ta sẽ thấy, nghèo hay giàu có cũng đều là cơ hội để ta thực tập lời Phật dạy. Người đã có tín (hiểu mà tin)-hạnh (tin, hiểu và làm thường xuyên)-nguyện (phát tâm tha thiết thực tập, đi trên đường giải thoát, giác ngộ) thì không lo bị hoàn cảnh chi phối, bởi lúc nào thì hành giả ấy cũng sáng mắt, sáng lòng để đi, để vượt thoát khó khăn cũng như cám dỗ của cuộc sống khi phải đối mặt với hoàn cảnh nghèo-giàu trong đời này, đời nọ, kiếp này hoặc kiếp khác!