Nghĩa vợ chồng, cần nâng niu…

NSGN - Ông bà mình dạy, vợ chồng để có thể sống với nhau lâu bền, có hạnh phúc, trân trọng nhau thì phải “Tương kính như tân”. 

Nếu ai làm được việc “kính” người thương, vợ hoặc chồng mình thì vợ chồng sẽ sống với nhau bằng thứ tình bằng hữu chứ không phải là “địa ngục” như nhiều cặp vợ chồng đã từng bộc bạch trên báo hoặc trước tòa án.

ly2.jpg

Lúc trẻ, cùng nhìn về hướng tình yêu - Ảnh minh họa

Nếu như kính nhau

Nếu như kính nhau thì vợ chồng sẽ không xúc xiểm nhau, sẽ biết sống vì nhau, tôn trọng bản thân mình. Ai đó đã bảo, nếu mình thương một người thì mình phải học cách sống tốt, trân trọng bản thân.

Sẽ thế nào nếu mình có vợ hoặc chồng rồi mà mình không hề giữ thế diện cho chồng hoặc vợ bằng cách sống xấu đi. Thế gian có câu “hổ chàng thì xấu thiếp” chính là ở chỗ này. Thực tế, có những gia đình bị tan vỡ chỉ vì một trong hai người không biết trân trọng bản thân, làm cho chính mình bị xấu đi bằng những “vết nhơ” mang tên ngoại tình, tham nhũng, luồng lách… Rất nhiều những gia đình bị ly tán bởi vì người vợ hoặc chồng phạm tội, đặc biệt trong thời buổi thượng tôn pháp luật, và cũng là thời buổi có quá nhiều lao chen như hiện nay. 

Vì nhãn mác “làm giàu”, “khẳng định bản thân”, “tạo dựng hạnh phúc”… mà các cặp đôi đã lao đi, chồng “cày” theo kiểu chồng, vợ “cày” theo kiểu vợ để rồi ngày một không xa, người ta quên mất cái tổ ấm “thuận vợ thuận chồng”, đến lúc giật mình thì hỡi ơi “ngày xưa đã xa mất rồi”…

Nếu như kính nhau thì mình sẽ biết học cách lắng nghe người thân, chồng hoặc vợ mình. Xã hội đề cao sự bình đẳng nhưng lại thiếu đưa ra nguyên tắc lắng nghe trong ứng xử nên đôi khi vì mục đích của sự bình đẳng mà cá nhân vợ hoặc chồng đã trở thành những “chiến binh” trong “cuộc chiến” gia đình. Họ quên mất ngày mới quen nhau hai người lúc nào cũng nhường nhịn. Em nói thì anh im lặng, thậm chí lắng nghe rất sâu, nhớ rất rõ những điều thuộc về người kia. Vì nghe sâu nên hiểu sâu và thương lớn, do vậy thời mới tìm hiểu của những cặp đôi luôn là thời kỳ vàng son của những cặp vợ chồng. 

Khi đã cưới nhau, là vợ chồng với nhau thì yếu tố lắng nghe không còn được đặt lên hàng đầu nên đã bỏ qua nhiều cơ hội hiểu và thương đúng. Do vậy mới có chuyện cãi cọ, xúc xiểm nhau, thiếu tôn trọng… Và thường thì quy trình này ngày một leo thang, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trượt dài trong quan hệ vợ chồng!

Nếu như tương kính nhau thì vợ và chồng có thể sử dụng biện pháp “xin lỗi chân thành” để có thể gìn giữ “lửa” của gia đình. Bởi, là người thì ai cũng có lúc sai, có lúc phạm lỗi, nhưng quan trọng là nhận lỗi và thật tâm xin lỗi, sửa lỗi thì chắc chắn mối quan hệ gia đình sẽ trở nên tươi mát, có sinh khí. Sai mà không biết mình sai, hoặc biết mình sai mà không nhận lỗi vì sĩ diện, vì gia trưởng… thì nó chính là cái thòng lọng giết chết gia đình ấy. 

Ở đây, chúng ta thấy người Việt mình thường thiếu động thái xin lỗi này, nhất là giữa những người “đồng cấp” như vợ chồng, và càng khó hơn đối với “cấp trên-cấp dưới” như cha mẹ với con. Tại sao chúng ta không xin lỗi, nếu biết đó là động thái thể hiện sự tương kính?

Nếu tương kính nhau thì mình sẽ có cách thể hiện tình thương một cách thật tâm nhất. Đó không chỉ là cung dưỡng, là làm ra thật nhiều tiền mà còn là những câu nói yêu thương, những lời cảm ơn sâu sắc. Quy tắc biết ơn và nói lời yêu thương cũng là cách gìn giữ giềng mối tình thương, tình thâm trong gia đình. 

Phương pháp ấy được thầy Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai dạy thực tập dưới dạng một bài tập “làm mới”. Trong một buổi họp gia đình, ngồi lại với nhau giữa hai vợ chồng hoặc có con cái, cha mẹ thì vợ chồng, con cái cùng thực tập nói lời biết ơn, “tưới hoa” cho vợ, chồng của mình bằng những lời yêu thương, trân trọng… 

caotuoi.jpg

Về già nhìn lại cái nghĩa - Ảnh minh họa

Từ cái tình, cộng với sự biết ơn, kính nhau sâu sắc thì sẽ tạo ra cái nghĩa. Nói như thầy Nhất Hạnh, tình cảm trai gái giống như ngọn lửa rơm, còn cái nghĩa vợ chồng thì giống như lửa của “con cối” (cũng làm từ chất liệu rơm rạ, nhưng được quấn chặt thành bó), sẽ giữ lửa bền lâu hơn! Vì vậy, hãy thử thực tập, tôn trọng, nói lời yêu thương, nói lời xin lỗi để biết ơn người vợ, hoặc chồng đã đến với mình, có mặt cho mình như một món quà quý báu trong cuộc đời. Ví dụ như: anh cảm ơn em, đã là người nâng đỡ để anh vượt qua nhiều chông gai/ em cảm ơn anh vì đã có bờ vai vững chãi cho em và các con/ anh xin lỗi em/ em xin lỗi anh…

Phật hóa gia đình

Nếu quý vị là một Phật tử đương nhiên quý vị hiểu được những giá trị cao đẹp của lời Phật dạy. Đó là những nguyên tắc sống đạo đức giúp mình sống tốt hơn, cao thượng hơn và cũng là con đường để giải thoát về sau. Trong đó, năm giới bản của người Phật tử (không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu say hoặc sử dụng các chất gây nghiện…) là những nguyên tắc giúp đời sống tinh thần, vật chất được thăng hoa. Hiểu và ứng dụng và có bằng an, hạnh phúc thì quý bạn hãy tiếp tục một bước nữa trong việc ứng dụng lời Phật dạy chính là Phật hóa gia đình.

Bốn chữ Phật hóa gia đình có nghĩa là mình sẽ làm cho gia đình mình cũng hiểu về con đường và những nguyên tắc sống hạnh phúc, cao thượng và đi tới giải thoát như mình đã, đang và sẽ thực tập. Thực tế có không ít những gia đình, những cặp vợ chồng đã làm được điều đó và gia đình họ thực sự có hạnh phúc trong ánh hào quang của Phật. Họ đã “cảm hóa” được người thương, người thân của mình bằng chính cung cách sống thuần tịnh, an lạc của người Phật tử. Đó là một bài pháp lành được gọi là “thân giáo” mà mình có thể thuyết cho vợ, hoặc chồng mình nếu mình là người may mắn biết đạo trước. 

Đừng vội lên án khi chồng hoặc vợ mình còn “đời” quá (vì ngày xưa, khi mình chưa ngộ đạo thì mình cũng từng “đời” như vậy, thậm chí hơn). Kiên nhẫn và chân thành là nguyên tắc để mở cửa trái tim và làm mềm đi những suy nghĩ sắt đá vốn đã được tích tụ sâu dày từ nhiều đời, nhiều kiếp của người bạn đời của mình.

Đã thực sự xem là bạn đời của nhau thì phải có sự kiên nhẫn và chân thành đó để biến bạn đời thành bạn đạo. Nghĩa là cùng giúp người thương, người thân của mình biết đạo, biết con đường giải thoát. Trong kinh điển đức Phật thuyết Ngài cũng thường kể về câu chuyện của những người thân, người thương cứu độ cho nhau, nhất là giữa một bên biết đạo và bên kia còn trầm luân, chưa hiểu. Trong đó cũng có những câu chuyện vợ hoặc chồng cứu người kia bằng cách đưa người đó vào đạo, để đạt được sự giải thoát, ra khỏi những “nhà tù” do chính tâm họ tạo ra.

Trong truyện cổ Phật giáo có câu chuyện đời nhà Lương, vua Võ Đế đã cứu Hoàng hậu Hy Thị (bị đọa làm kiếp rắn) bằng cách thỉnh Hòa thượng Chí Công lập đàn câu siêu, sám hối… 

Câu chuyện của người xưa và bao tấm gương lành về vợ chồng là bạn đạo mà chúng ta vẫn được nghe đâu đó hoặc là bạn bè, hoặc là người thân, hoặc là qua báo chí mãi là câu chuyện nhân văn thể hiện tối thượng của cái tình, cái nghĩa vợ chồng. Trong đó việc thủy chung (không tà dâm) cùng những nguyên tắc sống đạo đức, cao thượng khác trong năm nguyên tắc đạo đức (năm giới của người Phật tử tại gia) nếu được phát huy trong đời sống thì sợ gì gia đình không êm ấm, vợ chồng, con cái không thuận thảo?

Lưu Đình Long

Cùng quý độc giả:

Nguyệt san Giác Ngộ số 187 đã có mặt trên sạp báo và các điểm phát hành Báo Giác Ngộ, bạn đọc có thể tìm đọc, giá 8.500 đồng/cuốn

bia1NS-187.jpg

Bìa Nguyệt san Giác Ngộ số 187

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.