Nghĩ về vụ xả súng ở Newtown

GNO - Losang Tendrol là một nữ tu trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Cô đang dạy thiền tại Trung tâm Phật giáo Guhyasamaja tại Fairfax, bang Virginia. Cô viết:

Trong một thông cáo báo chí phát hành vào 19-12 sau vụ xả súng ở Newton, bang Connecticut, Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg nói rằng có 34 người Mỹ là nạn nhân của bạo lực súng mỗi ngày. Họ là cha mẹ, con em, bạn bè, hàng xóm, các sĩ quan cảnh sát, các nhà quản lý, thầy cô giáo của chúng ta. Mỗi một người chết làm xé tan một lỗ hổng trong các mối quan hệ phức tạp của chúng ta.

Đức Phật dạy rằng từ khi sinh ra, mỗi chúng ta có một bản năng hiền hòa đối với người khác - luôn mong muốn bảo vệ những người xung quanh chúng ta khỏi bị tổn hại và sẵn sàng hi sinh để giúp đỡ thậm chí cả đối với người xa lạ. Tu tập và nuôi dưỡng tình yêu thương này mang lại ý nghĩa cho cuộc sống ngắn ngủi của chúng ta. 

>> Các nhà sư tưởng niệm nạn nhân tại Trường Sandy Hook

newtown-vigil.jpg

Tưởng niệm các nạn nhân của vụ xả súng

Ngược lại, nhiều người tin rằng bản chất con người là ác độc, vì vậy chúng ta cần phải bảo vệ mình khỏi những người khác. Chúng ta đầu tư vào nhiều hệ thống phòng thủ khác nhau, từ hệ thống an ninh, ổ khóa cửa, tường lửa, phần mềm chống virus, mật khẩu và tất cả những gì mà một số người xem là việc bảo vệ tối hậu - đó là việc sở hữu súng.

Một số người sở hữu súng dựa trên niềm tin rằng thế giới sẽ kết thúc và chúng ta cần súng để tồn tại. Số người khác cảm thấy rằng súng là cần thiết để đứng lên chống lại một chính phủ độc tài, hoặc để thoát khỏi xã hội với những người mà mình không thích. Lý do cơ bản là sự cần thiết để chống lại một mối đe dọa từ bên ngoài, một kẻ thù bên ngoài, những người có ý định làm tổn thương chúng ta.

Trong phản ứng với vụ xả súng ở Trường tiểu học Sandy Hook, Wayne LaPierre, người đứng đầu của Hiệp hội súng trường quốc gia ủng hộ cho việc đưa các sĩ quan cảnh sát có vũ trang đến trú trong tất cả các trường học ở Mỹ. Súng nhiều hơn, tuy nhiên, không phải là giải pháp. Thay vào đó với cấp độ xã hội, chúng ta cần phải giải quyết các nguyên nhân sâu xa của bạo lực trong nước.

Như nhiều người đã đề xuất, chúng ta cần phải tăng cường chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho công chúng để cho người bị bệnh tâm thần được điều trị, giám sát và chăm sóc thích hợp. Thật đáng sợ cho một người nào đó có ảo tưởng muốn được tồn tại một mình trên tất cả các đường phố. Các biện pháp nghiêm ngặt cần được thực hiện để đảm bảo rằng người bị bệnh tinh thần không thể tiếp cận được súng.

Tương tự như vậy, chúng ta cần phải làm dịu yếu tố bạo lực trong ngành công nghiệp giải trí để con em chúng ta không phát triển ý nghĩ rằng gây hấn là một phương tiện được chấp nhận để giải quyết vấn đề. Bạo lực nuôi dưỡng nhiều bạo lực hơn, kẻ giết người ngày nay có thể là nạn nhân của ngày mai.

Theo lời dạy của Đức Phật về nghiệp, hành động luôn luôn có hậu quả liên quan. Giết người là một hành động tạo nghiệp xấu bởi vì nó gây hại cho người khác và kết quả là những kẻ giết người sẽ trải qua khổ đau to lớn trong tương lai và thậm chí có thể chết một cách tương tự. Như vậy, súng là bất hợp pháp khi chúng chỉ phục vụ cho mỗi một mục đích - để kết thúc mạng sống của kẻ khác.

Tuy nhiên, vụ nổ súng ở Mỹ không phải do người bị bệnh tâm thần làm nên, mà là người đang tức giận và bứt rứt, và là người không có khả năng điều chỉnh cảm xúc của mình. Vì vậy, giải pháp lâu dài là gì?

Đức Phật dạy rằng loại thuốc thực sự duy nhất để chữa trị các bệnh làm hại người khác là bằng cách chuyển đổi tâm trí của chúng ta. Thông qua thiền định, chúng ta khám phá ra nguồn gốc thực sự của các vấn đề của chúng ta không phải là kẻ thù bên ngoài, thay vào đó, nó là cảm xúc tiêu cực và sự thiếu hiểu biết của chúng ta. Mỗi người chúng ta cần phải giải quyết cơ bản tình trạng bất ổn và sự bất mãn làm phát sinh hận thù, những tham ái, sự sợ hãi và cái tôi của chúng ta.

Bằng cách nuôi dưỡng bồ đề tâm, cái tâm tìm kiếm lợi lạc cho người khác, chúng ta tìm thấy được ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống. Lạt ma Zopa Rinpoche, một bậc thầy tu theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, giải thích làm thế nào để chúng ta tạo nên động cơ cho chính mình: "Ở phương Tây, hàng triệu người bị trầm cảm, nhưng vào buổi sáng nếu bạn dành cuộc sống của mình cho vô số chúng sinh, bạn sẽ có được niềm vui và hạnh phúc không thể tin được trong cả ngày. Tôi mở rộng cánh cửa yêu thương cho tất cả những người khổ đau, vì tình yêu thương người khác sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến hạnh phúc cho tất cả. Khi bạn sống mỗi ngày vì người khác, cánh cửa dẫn đến sự trầm cảm, các vấn đề về mối quan hệ và tất cả mọi thứ tương tự như vậy sẽ đóng lại và thay vào đó là niềm vui và sự phấn khích lạ thường".

Những lợi ích của từ bi tâm, bồ đề tâm, được mô tả trong bài kệ sau:

Bồ đề tâm làm bạn bỏ đi tất cả tác hại cho người khác,

Bồ đề tâm giải phóng bạn khỏi tất cả khổ đau,

Bồ đề tâm giải phóng bạn khỏi các đều sợ hãi,

Bồ đề tâm dừng lại tất cả các hành vi tiêu cực,

(Khunu Lama Rinpoche)

Trong cuốn sách "Beyond Religion: Ethics for a whole world", Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh sự cần thiết của đạo đức thế gian căn cứ vào lòng từ bi vượt qua những giới hạn của truyền thống tôn giáo. Những nguyên tắc đạo đức này tôn vinh tính phụ thuộc lẫn nhau và nhân tính trong con người chúng ta.

Bằng cách chăm sóc cho người khác bằng lòng từ bi, chúng ta tạo ra nhiều nghiệp tích cực và điều này đưa đến một cảm giác an toàn và thoải mái. Chúng ta không cần súng vì chúng ta hiểu được rằng một cộng đồng mạnh mẽ là sự phản ánh của mối quan hệ chặt chẽ với láng giềng được tôi luyện thông qua sự tôn trọng và lòng tốt lẫn nhau. Chúng ta không còn hoang tưởng rằng tất cả mọi người đang tấn công chúng ta từ bên ngoài bởi vì chúng ta đã nhìn sâu vào bên trong chúng ta và trục xuất kẻ thù từ bên trong của chính mình.

Dần dà, khi nhiều người đã chọn làm theo con đường hòa bình, những chém giết như vụ việc ở Newton, bang Connecticut sẽ không còn xảy ra nữa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.