Rằm tháng Giêng là một trong những lễ lớn trong năm của hầu hết người dân. Sau Tết Nguyên đán, đây là dịp để mọi người đi chùa, trẩy hội, gieo duyên lành nhằm cầu nguyện một năm mới nhiều bình an, công việc hanh thông, ít bệnh, nhiều sức khỏe…
Vào dịp này, hầu hết các chùa đều tổ chức lễ cầu an, có chùa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử tùy thuận tổ chức thêm lễ dâng sao giải hạn - vốn bắt nguồn từ Lão giáo và đã trở thành tín ngưỡng phổ biến trong đời sống xã hội lâu nay.
Cầu sự bình an, hanh thông trong công việc, ít bệnh, nhiều sức khỏe... là một nhu cầu rất chính đáng của mọi người, nhất là trong hoàn cảnh môi trường sống xã hội và tự nhiên có quá nhiều biến động ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và chất lượng sống của con người.
Nhu cầu chính đáng đó cũng như các nghi lễ cầu an không phải mới phát sinh mà đã có từ xa xưa trong lịch sử. Từ nhiều trăm năm trước, chúng ta cũng đã từng có nhiều nghi lễ cầu quốc thái dân an được tổ chức ở tầm quốc lễ với sự chủ trì của người đứng đầu đất nước và được đông đảo nhân dân tham dự. Gần đây, tinh thần của nghi lễ đó cũng đã dần dần được phục dựng, như đã thấy ở đền Huyền Trân (Huế), Thánh tích Yên Tử (Quảng Ninh)…
Một năm mới bình an, hanh thông, tật bệnh tiêu trừ là một ước mơ, một khao khát chính đáng của con người. Người Phật tử đến chùa, đến các cơ sở tín ngưỡng để làm lễ cầu an đầu năm chỉ để khởi lên tâm niệm tốt đẹp không chỉ đối với bản thân mình mà còn đối với những người thân, gia đình, xứ sở, rộng ra nữa là đất nước, và cả hành tinh của chúng ta đang sống. Khởi niệm tốt đẹp để có được những lời nói không gây hại và hành động hữu ích trong chiều hướng góp thêm một bàn tay chung lo cho xã hội, trong đó có mỗi ngườichúng ta. Vì mỗi khi xã hội có quá nhiều ô nhiễm thì chất lượng sống của mỗi cá nhân, của người thân, gia đình chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu đi.
Chúng ta cầu nguyện để mong sự gia hộ của chư vị thánh hiền, nhưng nếu mỗi người chúng ta đến chùa làm lễ cầu an đầu năm rồi phó thác sự an nguy của mình, của người thân mình cho… thánh hiền, hoặc xem sự bình an thuộc quyền ban phát của chư Phật, chư vị Bồ tát, chư vị thánh hiền mà không tự thân phát khởi những tâm niệm thiện lành, suy nghĩ để có lời nói có ích và xây dựng, siêng năng làm việc thiện, chỉ đánh đổi bằng vật phẩm và thực tế vẫn cứ suy nghĩ ích kỷ, nói lời xấu ác, hành động hãm hại thì e rằng sẽ khó có được kết quả như chúng ta mong cầu. Điều đó cũng sẽ không phù hợp với tinh thần của lễ cầu an theo truyền thống đạo Phật VN, như thế tất nhiên là không đúng với tinh thần Phật pháp.