Nghĩ về vai trò trụ trì và cơ cấu tổ chức một ngôi tự viện tiêu chuẩn

Nghĩ về vai trò trụ trì  và cơ cấu tổ chức một ngôi tự viện tiêu chuẩn
Khởi nguyên, chỗ ở của chư Tăng có thể là dưới gốc cây, tán rừng hay bất cứ những nơi tự nhiên hoang dã nào có khả năng che mưa, nắng… đều có thể lấy đó làm chỗ sinh hoạt và tu tập. Cùng với sự phát triển của Phật giáo, giáo đoàn Tỳ kheo ngày càng được mở rộng về phạm vi và tăng lên về số lượng, do đó nhu cầu về cho ở là một nhu cầu quan thiết trong quá trình tu tập của giáo đoàn. Ngay từ thời Đức Phật, để đáp ứng nhu cầu này, đã có một số đại thí chủ xây dựng và hỷ cúng những ngôi tinh xá mà dấu tích còn lưu lại cho đến ngày nay như Trúc Lâm tinh xá, Kỳ Viên tinh xá… Như vậy, về phương diện lịch sử, nơi sinh hoạt, tu tập mang tính cố định của chư Tăng như tinh xá, già lam, tự viện… đã được định hình và tổ chức từ rất lâu đời.
Khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa, tiếp biến nền văn hóa bản địa cộng với những giá trị riêng có của Phật giáo, những ngôi già lam tại Trung Hoa được xây dựng và tổ chức theo một chuẩn thức khác nhau. Trải qua quá trình phát triển, để tạo nên một sự thống nhất trong quản lý, điều hành và tổ chức, các ngôi tự viện tại Trung Hoa và các nước trong khu vực mang dấu ấn văn hóa Trung Hoa phần lớn đều y cứ vao “Bách Trượng Thanh Quy” làm cơ sở để điều hành hoạt động Phật sự. Như vậy, trong việc quản lý và tổ chức một ngôi tự viện nói chung, ảnh hưởng của Bách Trượng Thanh Quy là một thực tế nghiêm túc cần phải ghi nhận.

Vài nét về tác phẩm Sắc tu Bách Trượng thanh quy

Như lời nói đầu của tác phẩm, "Sách Bách Trượng thanh quy" do Tổ Bách Trượng - Hoài Hải (720 - 784) biên soạn vào trung diệp đời Đường để làm cương lĩnh sinh hoạt cho Tăng, Ni tại các tùng lâm, có giá trị như một kim chỉ nam hướng dẫn mọi hoạt động trong đời sống của người xuất gia. Nhưng trải qua thời gian vật đổi sao dời, sách đã bị thất lạc. Tuy vậy, một phần nội dung của nó đã được các bộ sách khác thu dụng. Thế rồi vào năm đầu niên hiệu Chí Nguyên (1335), vua Thuận Đế nhà Nguyên với tấm lòng hộ pháp nhiệt thành, muốn các tự viện thiền lâm sinh hoạt có nề nếp kỷ cương, bèn truyền lệnh cho Thiền sư Đông Dương - Đức Huy - cháu nối dòng pháp đời thứ 18 tổ Bách Trượng - căn cứ vào các bộ thanh quy đang hiện hành tu chỉnh, biên soạn lại một bộ thanh quy khác; đồng thời truyền lệnh cho thiền sư Đại Hân huynh đệ đồng sư với Đức Huy lo việc hiệu chính rồi đặt tên sách là Sắc tu Bách Trượng thanh quy. Về sau, Đại chính tân tu Đại Tạng kinh đã thu nhập vào tập 48, ký hiệu 2025, từ trang 1109c - 1159b. Sách gồm hai phần, tám quyển, chín chương, khoảng hai trăm tiêu đề, một đoạn duyên khởi ở đầu sách và phần phụ lục gồm bảy mục.

Bộ sách này cung cấp cho chúng ta hầu như gần hết các thuật ngữ chuyên dụng trong thiền môn về mọi phương diện như chức vụ, danh xưng, cơ sở, lễ nghi, pháp khí, công cụ hành đạo v.v… Có thể nói, từ hơn 600 năm qua, bộ Sắc tu có ảnh hưởng khá sâu rộng đối với Thiền tông Việt Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung”(Sắc tu, trang 8- 9).

Trong đời sống của người xuất gia, về cơ bản, giới luật chính là trang nghiêm tự thân, hướng về mục tiêu hoàn thiện chính mình, còn những quy định, thanh quy thiền môn là pháp thức hành xử trong các mối quan hệ đối nhân, tiếp vật. Sống là sống với, do đó những pháp quy mang bản chất thanh tịnh và giải thoát sẽ là hệ quy chiếu cần thiết để ổn định một đời sống tập thể.

Thiết lập thanh quy, tổ Bách Trượng nhắm vào bốn mục đích:

a) Không làm ô uế chúng trong sạch, nảy sinh chuyện cung kính, tin tưởng.

b) Không hủy hoại tăng hình, tuân theo Phật chế định.

c) Không phiền quan lại, công môn, tránh chuyện kiện tụng.

d) Không tiết lộ ra ngoài, bảo hộ kỷ cương của tông phái (Sắc tu, tập 2, tr.423).

Và hơn nữa: khi thực hành những quy củ này, kẻ không biết thì cho đó là chướng ngại sự lý, còn người thông hiểu thì bảo rằng tất cả pháp môn an lạc đều hội tụ nơi đây (Sắc tu, tập 2, tr.428).

Với những giá trị được dẫn khởi sơ lược ở trên, lẽ dĩ nhiên, đối với những ai mang trọng trách liên quan đến việc điều hành, tổ chức hoạt động Phật sự của một tu viện hay thiền viện, thì việc trang bị kiến thức về "Bách Trượng Thanh Quy” là một nhu cầu không thể thiếu.

Tổ chức quản lý tự viện theo Sắc tu

Trong thời nhà Đường, Phật giáo đã đạt đến cực thịnh. Nhiều tu viện, thiền viện có số lượng Tăng chúng lên đến vài trăm người. Do đó, có thể nói, đối tượng áp dụng của "Bách Trượng thanh quy” nhắm đến là những tu viện, thiền viện to lớn và quy mô. Tuy nhiên, xét về cách thức tổ chức, những tu viện và những ngôi chùa nhỏ cũng có thể y cứ theo bản thanh quy này để xây dựng một bản thanh quy phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo Sắc tu, cơ cấu tổ chức của một tự viện tiêu chuẩn được ấn định như sau:

1- Trụ trì

Trước ngài Bách Trượng, chưa có chức vụ trụ trì. Đến thời nhà Đường, Phật giáo cực kỳ hưng thịnh, trên từ vương công đại thần, dưới từ quan phủ thứ dân đều cần cầu tham học. Mặt khác, người xuất gia cùng tu học tại một trú xứ khá đông nên cần phải có người thống nhất, lãnh đạo. “Nếu không tôn sùng cương vị của người lãnh đạo thì sư pháp không nghiêm, do đó mới tôn phụng thầy mình làm trụ trì mà gọi tôn trọng là Trưởng lão” (Sắc tu, tập 1, 162). Vị trí trụ trì được thiết lập là do sự suy cử của đại chúng và sau đó được sự xác nhận và bổ nhiệm của quan phủ. Theo ngài Bách Trượng, trụ trì phải cùng đại chúng sẻ chia lao khổ, phải thực hiện tinh thần: “một ngày không làm, một ngày không ăn”. Có thể nói, tính công bằng và dân chủ luôn hiện hữu trong mọi hành xử của trụ trì.

“Đại sư Minh Giáo nói: Giáo pháp là trụ trì. Tại sao thế? Bởi vì trụ trì là nương người mà giữ pháp, khiến cho Phật pháp mãi trụ vững chứ không bị sụp đổ, tan hoại. Này giới, định, tuệ là công cụ trì pháp (giữ pháp); còn Tăng chúng, ruộng vườn, các vật dụng là tư tài để trì pháp. Pháp ấy là đạo của bậc đại Thánh (Phật). Tư tài và khí cụ đợi người xứng đáng để sử dụng tốt công cụ ấy, không sử dụng tốt tư tài là không được đâu. Chỉ sử dụng tốt tư tài mà không sử dụng tốt công cụ thì cũng không thể được, nếu sử dụng tốt cả hai thì có thể trì (giữ) để trụ lâu dài vậy. Khi xưa, chức trụ trì ở Linh Sơn do Đại Ca Diếp nắm giữ trọn, trụ trì Trúc Lâm lấy ngay thân mình để chủ động mọi thứ, cho nên giáo pháp của thánh nhân (Phật) mới thịnh hành. Giáo pháp của thánh nhân (Phật) còn mãi. Thánh nhân vắng bóng trong đời đã lâu, chúng ta kiêu hãnh nên dùng từ trụ trì mà đặt tên cho vậy”(Sắc tu, tập 1, trang 403).

Trong sinh hoạt thường nhật, trụ trì cần phải đảm trách những công việc như sau: 1. Thuyết giảng, dạy dỗ đồ chúng. (Tùy theo quy mô, tính chất của buổi thuyết giảng, cách thức khai thị… mà có sự phân định tên gọi như Thượng đường, Vãn tham, Tiểu tham, Cáo hương, Phổ thuyết). 2. Là chỗ dựa cho đại chúng về phương diện tâm linh (Nhập thất; vị hành giả phổ thuyết). 3. Dẫn đại chúng tụng kinh (Niệm tụng). 4. Kiểm tra, đôn đốc sinh hoạt của tăng chúng (Tuần liêu). 5. Xử phạt chúng Tăng vi phạm thanh quy (Túc chúng). 6. Dạy chú tiểu (Huấn đồng hành). 7. Nghênh tiếp chư tôn túc và quan khách, thí chủ (Nghinh thị tôn túc, thí chủ thỉnh thăng tòa trai tăng. Thực tế, có nhiều công việc tuy không trực tiếp giải quyết, điều hành, nhưng ảnh hưởng của trụ trì vẫn in dấu sâu đậm trong mọi sinh hoạt của thiền môn. Ngoài ra, để ổn định hoạt động Phật sự, dưới trụ trì còn có một cơ cấu nhân sự được gọi là Lưỡng Tự.

2- Lưỡng Tự

Có thể hiểu tạm hiểu Lưỡng Tự với ý nghĩa nôm na là Ban Điều hành hoặc Ban chấp sự được thể hiện ở hai dãy nhà Đông và Tây trong một tự viện thời xưa. Theo cổ thanh quy, thì mỗi dãy nhà Đông và Tây bố trí ra 6 vị gọi là Lục đầu thủ Tây tự và Lục tri sự Đông tự. Về số lượng, các ban của hai dãy nhà Đông và Tây tuy có sự biến hóa, nhưng chủ yếu là căn cứ vào tình hình thực tế của từng tự viện để thiết lập các chức vụ cho phù hợp và ổn định là được. Dựa theo chức năng mà xét thì các ban ở phía Tây chuyên lo về các sinh hoạt tâm linh, tôn giáo; còn các ban phía Đông thì chuyên lo các công việc sinh hoạt thường nhật.

Các ban phía Tây bao gồm:

a) Thủ tọa tiền đường: Thay trụ trì thuyết pháp, đôn đốc kiểm soát đồ chúng tuân thủ nghiêm ngặt quy chương. Nói tóm lại, bất cứ sự tình lớn bé gì của tăng chúng trong chùa, thủ tọa tiền đường đều phải quản lý, dạy đỗ.

b) Thủ tọa hậu đường: Chức năng và nhiệm vụ y như thủ tọa tiền đường, hiệp trợ với thủ tọa tiền đường. Bởi do chùa to, Tăng chúng quá đông nên mới phân ra chức thủ tọa tiền đường và hậu đường.

c) Thư ký: cổ thanh quy gọi là thư trạng, lo xử lý tất cả các loại văn thư. Từ sớ chương, văn tự trong các nghi lễ tôn giáo cho đến các văn bản giao dịch với bên ngoài, thư ký đều cần phải phải am tường và thực hiện thành thạo.

d) Tri tạng: là người trông coi toàn bộ kinh sách hiện có trong tự viện. Chức năng tương tự như quản thủ thư viện thời nay.

e) Tri khách: Tiếp đãi tân khách, cả người thế tục và xuất gia. Tùy theo vị thế của tân khách mà có sự nhuần nhuyễn, phù hợp trong tiếp đãi.

f) Tri dục: Người phụ trách công việc tắm rửa. Tùy theo thời tiết mà cung cấp nước nóng lạnh và các vật dụng cho phù hợp.

g) Tri điện: Trông coi nhang đèn nơi các điện đường. Tương tự như hương đăng trong các chùa hiện nay.

h) Thị giả: Có vai trò bẩm báo, nhắc nhở trụ trì những công việc quan trọng sắp sửa diễn ra, những tân khách đã lên lịch hẹn, ghi chép pháp ngữ do trụ trì tuyên thuyết, xử lý những văn bản đơn giản của thầy trụ trì và hỗ trợ trú trì những công việc xử lý thường nhật. Trong Sắc tu còn phân ra các loại thị giả như: thị giả đốt hương, thị giả thư trạng, thị giả mời khách, thị giả y bát, thị giả trà, nước, thuốc men…

Các ban phía Đông bao gồm:

a) Tri sự của Đông tự - Đô giám tự: Đốc thúc việc đốt nhang đèn, ứng tiếp quan viên thí chủ, quản lý tính toán số sách và văn thư, xuất nhập tiền nong, trông coi lúa thóc. Tăng sử viết: “Tri sự là ba giềng. Nếu dây giềng to của mảnh lưới căng thì các mắt lưới sẽ bung ngay ngắn. Tiếng phạn Ma-ma đế, có nghĩa là tự chủ (chủ cả chùa) tức chỉ giám tự ngày nay vậy” (Sắc tu, tập 1, tr.446).

b) Duy na: Giám sát chúng Tăng tuân hành luật Phật và nội quy của chùa, điều giải và xử lý các chuyện tranh chấp trong chúng Tăng. Nói tóm là giải quyết những sự lớn nhỏ liên quan đến hoạt động của Tăng chúng. Nam hải ký quy nội pháp truyện viết: Duy na là gồm cả tiếng Hoa và tiếng Phạn. Duy là cương duy, tức dây giếng lưới là tiếng Hoa. Na là tiếng Phạn, là từ yết ma đà na được cắt bớt ba chữ đầu để gọi giản lược, có nghĩa là Duyệt chúng.

c) Phó tự: Cổ thanh quy gọi là khố đầu, ấy là chức phó của Đô giám tự. Công việc chính yếu là cùng với tri sự Đô giám tự quản lý tiền tài gạo thóc rồi trình cho trú trì. Là người phải có tâm lực, tinh thông việc kế toán sổ sách, trong sạch cẩn trọng.

d) Điển tọa: Quản lý việc cơm cháo hằng ngày của Tăng chúng, phải luôn giữ các vật phẩm cúng dường chúng Tăng luôn tinh tươm, mỹ mãn.

e) Trực tuế: quản lý và trông coi việc xây cất, sửa chữa trong tự viện. Nếu như nhận nhiệm vụ đại tu tạo thì phải tăng thêm người chấp sự để ổn định công việc.

f) Các chức vụ tạp sư

- Liêu nguyên: quản lý phòng ốc và đồ đạc trong các phòng ốc của chúng Tăng. Đôn đốc chư Tăng sống trong các phòng tuân thủ thanh quy và thời khóa tu niệm. Kiểm tra vật dụng mùng mền, than củi dùng trong các liêu…

- Diên thọ đường chủ: phụ trách săn sóc các Tăng nhân bệnh nặng, quản lý thuốc thang, vật dụng nhu yếu phẩm dành cho người bệnh.

- Tịnh đầu: Người trông coi và dọn dẹp khu nhà vệ sinh.

- Hóa chủ: Người lo việc hóa duyên thí chủ bố thí. Nơi nào có Tăng chúng an cư tập thể, nếu tài vật tại tự viện đó hạn chế thì phải thành lập hóa chủ khuyên mời thí chủ tùy sức cúng dường. Nếu như chùa đã ổn định về kinh tế thì không nhất thiết thành lập chức vụ này.

- Viên chủ: Người coi việc làm vườn. Trồng tỉa chăm bón các loại rau củ, góp phần phục vụ nhu cầu rau xanh cho chúng Tăng.

- Thủy đầu: người phụ trách nước sinh hoạt trong chùa.

Ngoài ra, Sắc tu còn thành lập người trông coi việc xay lúa, trông coi việc cung cấp than củi, trông coi việc ranh giới ruộng vườn của chùa,… đều là các chấp sự hạ tầng cơ bản nhằm góp phần ổn định đời sống cộng trụ của Tăng chúng trong thiền lâm.

Như một tổ chức xã hội thu nhỏ, việc thành lập các phân ban theo Sắc tu có thể xem là một bước tiến vượt bậc trong việc ổn định sinh hoạt tu học tại các chốn tòng lâm thời bấy giờ. Theo Sắc tu, “mục đích thiết lập chấp sự Tăng hai tự là để lo công việc cho Tăng chúng, nhân đó giữ gìn uốn nắn kỷ cương, hoằng dương Phật pháp… Đến như quản lý tiền tài lương thực vải vóc là các chuyện thứ yếu hằng ngày, cả chuyện nắm bắt các quy định về đạo cũng như đời, không chuyện nào là không xử lý can thiệp.(Sắc tu, tập 1, tr.410).

Các giá trị thực tiễn

Trước hết, cần phải thấy rõ rằng, trụ trì là một hạnh tu. Hạnh tu đó không dễ dàng thực hiện trọn vẹn đối với người sức vóc và tâm lực bình thường. Đó là điều dễ dàng nhận ra qua những quy chuẩn được trình bày từ Sắc tu, trong phần trụ trì. Nếu như hoàn thiện đầy đủ các phẩm chất cần thiết của người trụ trì theo tiêu chuẩn Sắc tu thì nghĩa là chúng ta đang thực nghiệm một hướng tu nghiêng về xu thế lợi tha của Bồ tát. Với thực tiễn sống vì hạnh phúc, vì an lạc cho số đông (cho chúng Tăng và cho tín chủ, đàn việt…), lẽ tất nhiên, người giữ cương vị trụ trì là người phát tâm lập hạnh Bồ tát.

Trên một phương diện khác, một khi chúng ta đảm nhiệm vai trò trụ trì, một vị trí mà dù muốn hay không cũng phải đối diện với nhiều áp lực, thử thách trăm bề, cám dỗ muôn lối và hơn thế, mức độ an lạc hay bất an của số đông Tăng chúng, những người tu tập, hàng cư sĩ, Phật tử bổn đạo đều có quan hệ thâm thiết với từng tâm tư và suy nghĩ của trụ trì. Trong tâm thế đó, chỉ cần một hành xử bất như ý, một phát ngôn thiếu vắng trí tuệ thì bất an, khổ não sẽ mở ra cho bản thân và tha nhân ngay trước mắt. “Quân vô hý ngôn”, người có vị trí cao càng phải cân nhắc và cẩn trọng mọi lời nói của mình. Do quán sát thường xuyên lời nói, hành động và suy nghĩ (tam nghiệp thân, khẩu, ý) của mình, người giữ vai trò trụ trì ngày càng vững vàng tiến lên trong lộ trình tu tập. Trên đây là hai phương diện trái ngược của một con đường tu tập phong quang mà hành giả cần phải tư lượng, cân nhắc kỹ càng trước khi cất bước.

Kế đến, để hoàn thành sứ mạng trụ trì thì kiến thức tổ chức và quản lý đặc thù của tự viện cần phải được kiện toàn. Nếu như trụ trì một tòng lâm có số lượng chúng Tăng đông thì việc xây dựng các phân ban hỗ trợ điều hành công việc theo quy chuẩn như Sắc tu là điều cần làm. Tuy nhiên, nếu chỉ là vị trụ trì một ngôi chùa nhỏ, đơn sơ thì việc am tường tất cả những công việc, những sự việc thường có trong thiền môn cũng là điều cần thiết.

Từ thực tế đào tạo của các trường Phật học hiện nay, kể cả các cấp học sơ, trung và đại học Phật giáo, khách quan mà nhìn nhận thì hầu như chưa trang bị đúng mức cho người học những kiến thức bổ trợ trong việc quản lý tự viện. Đó cũng là lý do tạo ra những gập ghềnh, những vướng mắc, những lúng túng không đáng có đối với những vị tân trụ trì khi đối diện thực tế. Mặt khác, do phát xuất từ chủ kiến cá nhân của vị trụ trì chưa được đào tạo, sẽ có những khập khiễng, tư biện trong việc điều hành Phật sự, những bất cập trong việc hoạch định kiến trúc, xây dựng chùa chiền. Do đó, việc kiện toàn kiến thức tổ chức, áp dụng đường hướng sinh hoạt thiền môn theo Thanh quy, là một trong những dấu hiệu chấn hưng Tam bảo.

Thứ ba, nghi lễ là giềng mối của đạo đức. Dù đạo đức thế gian hay đạo được xuất thế cũng phải nhờ nghi lễ mà thành tựu. Lẽ dĩ nhiên, có những lễ nghi cần phải giản lược vì không phù hợp với tình hình thời nay; thế nhưng, có những lễ nghi liên quan đến việc trưởng dưỡng tâm linh, vun bồi đời sống tự nội thì bắt buộc phải được kiện toàn và giữ vững. Trong sinh hoạt thiền môn, có hai loại lễ nghi cần phải nghiêm túc tuân thủ. Thứ nhất là lễ nghi ứng xử đối với người sống, giữa Tăng nhân với nhau hoặc giữa Tăng nhân và người thế tục. Thứ hai là lễ nghi đối với tam hữu, tứ ân và cụ thể hơn là đối với những người đã khuất, không ngoại trừ là bá tánh, thập phương. Trong các trình thức lễ nghi đó, trú trì phải nắm rõ hoặc phải xây dựng người phụ trách, đáp ứng nhu cầu nghi lễ. Đơn cử một ví dụ, các Đại lễ hằng năm của chùa như Đại lễ Phật đản, Vu lan, Thành đạo, các ngày giỗ Tổ, các nghi lễ kỳ an kỳ siêu… tùy theo quy mô và mức độ, tính chất… cũng đòi hỏi phải tuân theo một trật tự lễ nghi nhất định.

Cuối cùng, với phương châm hành động: “một ngày không làm, một ngày không ăn”, ở tầng nghĩa thực tiễn đời sống, ta thấy rằng một đời sống tu tập là cả một sự cống hiến trong tính thanh cao nhất của chúng. Một tu sĩ Phật giáo là một nguồn nhân lực lao động thực thụ cho tổ chức Phật giáo mà mình đang sống. Ngoài ra, sự ra đời luận điểm này của ngài Bách Trượng là sự khẳng định tính khế thời, viên dung đặc thù của Phật giáo trong những giai đoạn lịch sử nhất định, trong những không gian văn hóa nhất định. Khi đặt ảnh hưởng đến Trung Hoa, sự tùy biến linh hoạt trong phương thức hoằng pháp và hành pháp là một trong những cơ sở khẳng định sự bền vững trong sự phát triển Phật giáo. Qua thực tiễn của luận điểm ấy, các tư duy, ý nghĩ tiêu cực cho rằng Phật giáo là một tôn giáo yếm thế, thụ động hoàn toàn chấm dứt trong cái nhìn khách quan của xã hội.

Ở một tầng nghĩa sâu hơn, mang tính tâm linh thì phương châm thời danh của ngài Bách Trượng là một khuyến tấn tu tập. Giản đơn hơn có thể hiểu, một ngày không tu tích cực tu tập, chuyển hóa tâm linh thì ngày ấy không xứng đáng với sự thọ nhận các vật phẩm cúng dường. Do vậy, trong cả hai tầng nghĩa, châm ngôn thời danh “một ngày không làm, một ngày không ăn” của ngài Bách Trượng là một sự chứng tỏ tính thiết thực, năng động trong mọi giai đoạn phát triển của Phật giáo.

 Kết luận

Trong bối cảnh hiện tại của Phật giáo Việt Nam nói chung, với số lượng 44.498 Tăng Ni trải đều trên 14.775 ngôi tự viện khắp toàn quốc, Giáo hội đã mở nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trú trì cho 6.073 lượt Tăng Ni và bổ nhiệm 1.190 Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện trong cả nước; (số liệu từ Báo cáo tổng kết hoạt động phật sự nhiệm kỳ V (2002-2007) của GHPGVN) đây là một thực tế đáng mừng cho tương lai của Phật giáo Việt Nam. Vì lẽ, giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ vững mạnh nếu như cơ sở của Giáo hội là chùa, tự viện tịnh xá tịnh thất được ổn định và phát triển vững vàng. Tuy nhiên, từ thực tế các khóa bồi dưỡng và đào tạo trú trì đó, thiết nghĩ, ngoài kiến thức pháp luật, chủ trương của Nhà nước và phương hướng hoạt động của Giáo hội, thì quy củ của thiền môn được truyền thừa từ xưa đến nay như Sắc Tu bách trượng thanh quy là một nội dung cấp bách cần phải trang bị, đào tạo. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.