"Truyền thống" đó có thực sự mang lại lợi lạc hay chỉ gieo thêm nghiệp sát sanh vào mình, và việc mua vàng lợi lộc hay làm giàu cho các cơ sở kinh doanh vàng?
Từ góc nhìn của đạo Phật, tôi cho rằng những việc làm như vậy chẳng mảy may có một chút phước báu nào cả.
Tượng Tôn giả Sivali trước chùa Ubosot (Chedi Liam, Thái Lan) |
Là một người Phật tử, chúng ta luôn được Đức Phật dạy trong kinh điển rằng Nhân quả báo ứng là có thật và luôn hiện hữu.
Để có phước, tài lộc dồi dào, chúng ta phải gieo trồng, và chăm bón nhân tương ứng! Đó là những việc làm có ích cho đạo pháp, cho cuộc đời, xã hội, mọi người, mọi loài, luôn có tâm cúng dường, tôn kính các đấng Giác ngộ, thực hành bố thí rộng lớn, không chấp công dù chỉ là một việc nhỏ. Làm được như vậy, mọi người sẽ được may mắn về đường tài lộc, gia đình sung túc, bình an, thịnh vượng - đây là một thực hành, quán chiếu theo Nhân quả nghiệp báo.
Lộc tài bất tận bao la
Bởi tâm bố thí sâu xa dạt dào
Mênh mông biển rộng sóng trào
Đức ân ban rải khắp vào thế gian
Cuộc đời nắng sớm sương tan
Nhưng còn lại đó muôn vàn tình thương.
Nói về thần tài trong đạo Phật, không thể không nói đến một vị thánh tăng, đó là Tài Lộc đệ nhất - Tân Đầu Lô Phả La Đoạ Xà Tôn giả.
"Mùa an cư thứ mười bốn năm ấy, Đức Phật cùng năm trăm vị Tỳ-kheo về thăm nơi Tôn giả Ly-bà-đa đang độc cư thiền định, tại một khu rừng keo nằm sâu trong núi rừng u tịch. Con đường đến nơi đó rất chông gai, đầy rẫy nguy hiểm, cả quãng đường xa xôi mà không có lấy một ngôi làng, thật khó khăn để có thể khất thực. Có vị Tỳ-kheo lo lắng cho Thế Tôn và chư Tăng sẽ vất vả. Thế Tôn điềm tĩnh đáp lời:
- Trong đoàn có Tỳ-kheo Thi-bà-la đi với chúng ta, vậy các con đừng lo.
Trong suốt quãng đường, những điều kỳ diệu liên tiếp xảy ra trước sự ngỡ ngàng của Tăng chúng. Bất cứ chỗ nào chư Tăng dừng chân thì ngay lập tức, khu rừng rậm đầy gai nhọn trước mặt biến thành những tinh xá khang trang, đầy đủ thức ăn, thuốc men và nước uống. Suốt chặng đường xa xôi ấy, dân chúng khắp nơi, chư Thiên tử các tầng trời và quỷ thần cùng đổ về, thay nhau cúng dường, đảnh lễ Đức Phật cùng Tăng chúng.
Trước những điều kỳ diệu như vậy, chư vị Tỳ-kheo vô cùng cảm kích và biết ơn. Sau đó, Thế Tôn tán dương rằng: “Trong số những Tỳ-kheo đệ tử của Như Lai, nhận được sự cúng dường tối thắng là Tỳ-kheo Thi-bà-la”.
Trong một kiếp, Tôn giả Thi-bà-la là một vị vua tài năng, đức độ. Ngài hết lòng chăm lo đời sống và dạy đạo đức cho muôn dân. Dân chúng khi nghe những lời dạy cao quý ấy, khi mạng chung đều sinh lên cõi trời Đao Lợi, hưởng phước báu nghìn năm. Vì thế, lúc nào cũng có vô số Thiên tử ước mong được theo chân cúng dường lên Ngài để đền đáp ân nghĩa kiếp xưa.
Một kiếp khác, Tôn giả Thi-bà-la là một vị Sa môn tu hành, Ngài đã để lại câu chuyện vô cùng cảm động về hạnh bố thí tột cùng. Vì chúng sinh, Ngài sẵn sàng cho đi những gì tốt nhất có thể, kể cả khi phải xả thân mình cứu giúp. Phước lực của Ngài vô cùng dồi dào bởi tâm hạnh bố thí bao la trong vô lượng kiếp. Ngài đã dốc lòng ban tặng mọi điều, xả thân vì chúng sinh chẳng bao giờ chấp công. Vì thế, ân đức của Tôn giả ngập tràn khắp nhân thiên.
Tại đất nước như Thái Lan hay Myanmar, người dân tôn thờ Tôn giả như một vị Thánh Tài Lộc. Họ xây dựng nhiều đền đài tưởng nhớ và để được che chở trong phúc lành vô lượng của Ngài.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại đầy rẫy ganh đua dễ khiến cõi lòng con người trở nên nhỏ hẹp. Hình ảnh của Ngài trở thành biểu tượng thiêng liêng của tình thương yêu bao la, đồng hành cùng nhân loại dựng xây một thế giới tương lai không còn đói nghèo, hận thù, bất công...