An cư với ý nghĩa ban đầu là thiết lập một hình thức sinh hoạt cho Tăng đoàn vào mùa mưa, nhưng theo thời gian, an cư càng ngày càng mở rộng ý nghĩa tâm linh và xã hội của nó. Và tinh thần an cư đã thâm nhập cộng đồng, dần dần vượt khỏi quy ước thời gian (hình thức ba tháng hạ), trở thành một khái niệm sống đạo, một nhu cầu tâm linh phổ biến không chỉ dành riêng cho hàng xuất gia, cho người Phật tử mà cho tất cả mọi người.
Chúng ta thấy, đời sống vật chất phát triển ngày nay không thực sự khuyến khích con người vươn tới một đời sống tâm linh tốt đẹp. Đây là một hiện thực mà ai cũng nhận ra. Điều đáng nói, thực trạng xã hội đang xuất hiện ngày một nhiều những con người cho rằng bản thân họ được hình thành từ sự tiến hóa của các điều kiện kinh tế-chính trị-xã hội…, và ngay cả ý thức của họ cũng là sản phẩm và bị điều kiện hóa bởi những thế lực ngoại tại. Thế thì, việc đặt ra thời gian an cư cho sự chuyển hóa thân tâm có ý nghĩa gì không?
Thế giới vật lý của chúng ta được biểu hiện rất rõ qua hai trạng thái chính, đó là ngày và đêm, động và tĩnh, và các trạng thái này tác động rất nhiều đến tâm lý, tình cảm, sức khoẻ của con người. Tuy nhiên, cứ nhìn cuộc sống bận rộn thường ngày của chúng ta thì thấy ngay một sự mất cân bằng rất lớn: người ta có thể làm việc, ăn chơi suốt ngày đêm, và sự yên tĩnh vốn có cũng theo đó mà mất dần đi…, nhưng điều đáng nói, sự mất cân bằng đó hầu như không có tác động gì nhiều đến đời sống để người ta có thể ý thức và hành động sao cho có ý nghĩa hơn.
Rõ ràng con người hiện đại không có nhiều thời gian nghỉ ngơi nhằm bù cho những năng lượng đã mất, huống gì là thời gian để suy nghiệm về bản thân. Vì vậy, những vấn đề như: sống mất niềm tin, sống lạc lõng, sống thừa; sống trong đổ vỡ, rách nát, mâu thuẫn ngày càng phổ biến và có khả năng đưa cuộc sống chúng ta rơi vào bế tắc. Có thể nói, những vấn đề của cuộc sống hiện đại càng trở nên nặng nề, ngột ngạt thì xu hướng thoát ly tiêu cực càng gia tăng, và những kinh nghiệm tâm linh càng vắng dần sự khám phá.
Trong thực trạng đó, an cư - một thông điệp tinh thần đầy từ bi và trí tuệ được Đức Phật và Tăng đoàn của Ngài gửi đến chúng ta từ hơn 25 thế kỷ trước - càng trở nên có ý nghĩa. Người ta thường nói: an thì mới vững, vì thế, an cư là sống an định trong một trú xứ, một không gian nào đó phù hợp với tâm thức và hoàn cảnh sống của mỗi cá nhân, tập thể hay cả cộng đồng. Có thể hiểu an cư là thời gian mà chúng ta dừng nghỉ để bổ sung cho mình những khoảng trống cần thiết nhằm đưa vào tâm thức những nguồn năng lượng mới của yêu thương và hiểu biết, giúp đời sống giảm dần những đau khổ và tăng thêm những an lạc.
An cư là dừng nghỉ để suy nghiệm nhiều hơn về bản thân, để chuyển hóa nội tâm và khám phá đời sống một cách mới mẻ, an lạc, từ đó thiết lập một môi trường an ổn, hoà hợp với ý nghĩa cùng chung sống.
Đối với người xuất gia, an cư không chỉ là trách nhiệm, bổn phận mà còn là con đường để thăng hoa tâm linh, vun bồi trí tuệ, thực hiện lý tưởng cao đẹp, nói như tinh thần thiền học Việt Nam: “Khi đi gió cuốn mây bay, khi đứng núi yên non vững”. An cư là chuyển từ trạng thái vọng, động sang trạng thái tịch tĩnh vì thế an cư không nên hiểu nó như là sợi dây cương kìm hãm tâm thức, cũng không phải thời gian áp chế thân thể, và càng không phải là kết thúc thời gian ấy, mọi người sẽ nhận được một “chứng chỉ” làm căn cứ cho việc tấn phong giáo phẩm. An cư là niềm vui, hạnh phúc, là nhu cầu như hơi thở tự nhiên của người học Phật, đặc biệt là người xuất gia, nên không thể biến nó thành một khái niệm phong trào nặng về hình thức.
Đối với người Phật tử, mùa an cư không chỉ thể hiện sự quan tâm đến đời sống, điều kiện sinh hoạt của chư Tăng mà còn thể hiện niềm tin, sự kính ngưỡng, mong mỏi những bậc thầy của mình thăng tiến trên con đường tâm linh để xác quyết, giữ vững niềm tin của họ với Tam bảo. Và hơn hết, vượt ra khỏi ý nghĩa đó, người Phật tử áp dụng tinh thần an cư vào chính cuộc sống hàng ngày của mình cho dù họ giữ bất kỳ cương vị nào trong xã hội. Ở nghĩa phổ cập, an cư là dừng mọi việc làm, suy nghĩ có khả năng kéo mình vào con đường vật chất bận rộn, để chữa lành những vết thương do sự ganh đua, mâu thuẫn, vị kỷ, khổ đau… Nói đơn giản, an cư là thời gian cho mỗi người chúng ta cơ hội làm lành mạnh tâm hồn và thể xác, để thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, giữa con người với môi trường sinh thái. An cư là thời gian nuôi dưỡng trái tim, để kinh nghiệm nhiều hơn về những gì đã mất, hay những đau khổ giằng dai còn hiện hữu…, để gọi thầy, gọi mẹ, gọi anh, gọi em… một cách thanh thản nhất, bình yên nhất.
An cư không phải là thời gian để tuân thủ những điều mà chúng ta cho rằng nó ràng buộc, giáo điều… Đó không phải là ý nghĩa đích thực của an cư. An cư là thời gian để chúng ta tạo ra năng lượng chuyển hóa thân tâm, nên chúng ta đừng miễn cưỡng kiểm soát thân tâm bằng những quy điều mà hãy để trái tim được thực sự tự do sáng tạo, thể hiện cảm xúc, với niềm vui nho nhỏ rằng, ngay bây giờ và ở đây, cơn giận của chúng ta với một người đã chấm dứt, mặc cảm tự ti đã không còn, tham lam ganh ghét đã lùi xa…, và để tất cả mọi an lành tràn vào trong tâm thức. Cuộc sống đáng yêu và mầu nhiệm biết bao khi mang đến rất nhiều ý nghĩa để chúng ta kinh nghiệm, và hiểu được rằng không có gì biệt lập với chúng ta.
An cư cho chúng ta suy nghiệm nhiều hơn những vấn đề nổi lên trong tâm thức, từ đó, chúng ta khám phá cuộc sống chung quanh bằng con mắt trẻ thơ, hồn nhiên, bình yên và mới mẻ. Chúng ta hãy khám phá người thân chung quanh mình không phải bằng con mắt nghi kỵ, thành kiến, để rồi con dâu hãy nhìn mẹ chồng, chị nhìn em, vợ nhìn chồng, người sống chung trong một khu phố nhìn những người hàng xóm của mình bằng niềm tin yêu và sự chia sẻ, chính lúc ấy môi trường sống của chúng ta mới thực sự trở thành môi trường sống an vui. An cư cũng là lúc người giàu nghĩ nhiều hơn về cuộc sống của người nghèo, người được học hành nghĩ nhiều hơn về những người kém may mắn hơn mình…, và đó là cơ hội để chia sẻ những đau buồn và hạnh phúc, để cuộc sống nhiều thêm những lời cảm ơn và sự tương kính…
Trong thời buổi kinh tế phát triển mà vật chất trở thành thước đo cho nhiều giá trị, tinh thần an cư bị lấn lướt và khuyến khích bởi nhiều động cơ có tính chất thế tục tầm thường, người Phật tử phải nỗ lực tự mình đứng lên tiên phong cho con đường thực hiện lý tưởng tâm linh cao đẹp, trải nghiệm và kinh nghiệm đời sống tâm linh, vuợt qua mọi lý luận xã hội dung tục của bất kỳ sự “uyên bác” nào để thực sự sống đạo, chấm dứt những nghi ngờ, đố kỵ, chia rẽ của tư tưởng tông phái và nếp thực hành, mở rộng tâm hồn đón nhận tất cả những bao la bát ngát của cuộc sống. An cư là giây phút dừng tâm, nhận ra những gì đã vô tình đi qua, những gì đã bị bỏ quên, những gì được mất, những gì là bi kịch, tuyệt vọng để trở về với trạng thái tinh thần bình thản và an trú trong sự trong veo của tâm thức.
Có thể nói, an cư không bao giờ là nô lệ của hình thức mà chính nó phải là con đường thực nghiệm tâm linh, con đường khám phá hiện hữu một cách mới mẻ và sáng tạo. An cư là bỏ đi sự nhàm chán đơn điệu thường ngày để nhìn nhận những mối tương quan trong cuộc sống chúng ta một cách sâu sắc hơn, tế nhị hơn.
Vậy, tinh thần an cư là cơ hội để mỗi cá nhân tự sửa mình, và an cư không chỉ bó hẹp trong ba tháng mà cần phải thường trực trong suốt cuộc đời của mỗi con người, mỗi tổ chức, đoàn thể. Mỗi ngày, mỗi tháng hoặc mỗi định kỳ ba tháng mọi người cần dành thời gian để an cư với tinh thần như thế, để cuộc sống được cân bằng và hướng thượng. An cư là sống với chính mình, nhắc nhở sự hiện hữu của mình trong vô vàn mối liên hệ tự nhiên và xã hội. Với ý nghĩa đó, có thể nói: “Tôi an cư vậy tôi tồn tại”.