Nghĩ về những nỗi bất an

GN - Bệnh nhân và bác sĩ ca trực tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)  tối 22, rạng sáng 23-9-2013 vừa qua đã phải một phen… hú vía vì giang hồ truy sát, đại náo bệnh viện.

Một lần nữa, mọi người lại lo lắng vì tính chất hung hăng, biểu hiện xem thường luật pháp trong một xã hội “thượng tôn pháp luật” lại tiếp diễn giữa nơi công cộng, càng bức xúc hơn vì đó là nơi chốn lẽ ra phải chứa đựng sự bình yên cần thiết để trị liệu, tĩnh dưỡng…

Anh Cau chuyen trong tuan 713.jpg

Đánh nhau tập thể trên đường phố Sài Gòn
chỉ vì một sự va chạm nhỏ - có phải người Việt hung hãn? - Ảnh: Huỳnh Duy

Theo các báo (nhật báo, online) miêu tả, thì nguồn tin ban đầu từ cơ quan công an, khoảng 22 giờ 30 ngày 22-9, Nguyễn Văn Sang (22 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cùng Trần Thị Ngọc Sương (21 tuổi, bạn gái của Sang) đang nói chuyện ở hẻm 133 Võ Duy Ninh, P.22, Q.Bình Thạnh thì Lê Hoàng Anh Tuấn (tức Hai “đen”, 22 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đứng nhìn khiến Sang khó chịu nên gọi điện kêu Nguyễn Thanh Sơn (18 tuổi), Nguyễn Nhật Hào (17 tuổi, cả hai cùng ngụ Q.Bình Thạnh) mang hung khí đến “xử” Tuấn. Tuấn cũng lập tức tập hợp lực lượng chống trả nên nhóm Sang phải bỏ chạy. Sang chạy về nhà ở hẻm 602 Điện Biên Phủ kể lại vụ việc cho cha là Nguyễn Văn Đức (53 tuổi) nghe, ông Đức lấy mã tấu và roi điện cùng nhóm của con trai ra tìm nhóm của Tuấn “tính sổ”. Vừa giáp mặt, hai bên lao vào nhau đâm chém. Ông Đức bị chém chết, Sang, Tuấn và một số người khác đều bị thương khá nặng.

Khoảng 23 giờ 3 phút, Tuấn được đưa vào Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cấp cứu với nhiều vết thương do bị chém ở phần mềm tay, chân. Lúc này ông Đức cũng được đưa đến cấp cứu nhưng đã chết. Nhiều người nhà của ông Đức, trong đó có bà P.T.T.Thúy (vợ ông Đức), N.T.T.Thảo (con gái ông Đức) cho rằng Tuấn là hung thủ chém ông Đức nên lao vào đánh Tuấn. Khi bảo vệ bệnh viện can ngăn thì nhóm người này đánh luôn bảo vệ. Trước tình huống này, y bác sĩ bệnh viện đưa Tuấn vào phòng tiểu phẫu vừa băng bó vết thương vừa bảo vệ tính mạng bệnh nhân; sau đó đưa qua phòng rửa dạ dày truyền dịch.

Cho rằng y bác sĩ phòng cấp cứu đã mang Tuấn đi “giấu”, nhóm người nhà ông Đức lúc này tập trung rất đông đã cầm hung khí xông vào phòng cấp cứu dọa “thấy ai mặc áo trắng là chém” khiến cả ê-kíp gần 20 bác sĩ, điều dưỡng phải bỏ chạy vào phòng nghỉ đóng cửa ẩn núp. Bên ngoài, nhóm côn đồ đến từng phòng truy lùng, một số điều dưỡng đã nhảy từ cửa sổ lầu 1 xuống đất chạy thoát thân. Thấy nhóm người này quá hung dữ, hơn chục bệnh nhân đang cấp cứu ở đây không liên quan gì cũng được người nhà dìu ra ngoài đưa đến bệnh viện khác.

... Đọc xong bản tin ấy, nhiều người đã không ngớt lời bình luận, trên báo và trên các trang mạng xã hội, như, “Kinh khủng quá, giống y như phim… xã hội đen”, hay “Ngày càng có nhiều người thiếu tôn trọng luật pháp”... Rồi có người chia sẻ rằng “Cha như vậy, trách sao con không giang hồ, nhân nào quả nấy”. 

Rõ ràng, từ chuyện cỏn con, chỉ là nhìn, và bên kia “thấy ghét”, và thế là đánh nhau, rồi kéo cả nhóm đi tính sổ, thanh toán đẫm máu từ ngoài đường cho đến khi vào bệnh viện. Chính vì những sự vụ như thế này mà nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên trên báo Tuổi Trẻ ngày 13-9-2013 đã phải thốt lên rằng “người Việt hung hãn”, dẫu biết nói như thế có thể sẽ oan cho những người hiền lành, chân chất, sống lương thiện…

Điều gì đã dắt dẫn con người ta hành động dã man và gieo rắc những nỗi sợ hãi, bất an cho người khác, đồng thời chuốc lấy nỗi khổ niềm đau (mất mạng, bị truy tố) trong vụ điển hình và gần nhất này, nếu không phải sự sân si, ám muội của con người quá lớn, làm lu lấp hết mọi ý niệm thiện lành, không thể thấy được nhân-quả trong hành động của mình?

Giáo dục vốn là cái gốc để đào tạo con người lẽ ra nên được chú trọng về nhân cách theo tiêu chí “Tiên học lễ, hậu học văn” thì nay, những cải cách liên tục đã biến trẻ con thành cái máy thâu nạp kiến thức, khoa học, cạnh tranh hơn thua từng chút trong tiêu chí “thành tích cao”. Chính vì thế, ngành giáo dục đã biến cô giáo, thầy giáo thành người đam mê thành tích (ảo) hơn là đào tạo con người thành những hạt nhân và giá trị lương thiện, làm người tử tế phải được xếp ở vị trí số một. Làm sao con người có thể cảm được bài học đạo đức từ người thầy khi mà trong tâm thầy cô không đặt điều đó ở vị trí trước tiên, trên hết; khi đồng tiền, mưu sinh, thành tích… đã dắt tâm hồn người thầy cũng báo cáo không thật thà, biến học trò thành “công cụ” để thể hiện sự hơn thua trong thành tích của mình?

Cũng vậy, một đứa con lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ là… giang hồ chính hiệu, thủ sẵn roi điện, mã tấu, lúc nào cũng hằm hè, hơn thua và không bao giờ dạy con bài học về “Một điều nhịn, chín điều lành”, hay chữ nhẫn vốn được diễn dịch theo hướng “Lùi một bước sóng yên biển lặng…” thì người trẻ ấy sao có thể biết sống khiêm nhường, ôn hòa, sẻ chia?

Có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, là ở chỗ chúng ta - những người lớn nói chung và những người đứng đầu các ngành, đến đứng đầu các tổ chức, đất nước phải suy nghĩ về hình ảnh xấu xí, loang lổ những vệt ố vàng trong nhân cách, xử sự của con người đương thời. Đừng quên, người trẻ sinh ra giống như tờ giấy trắng, và phương pháp, nội dung giáo dục cùng biểu hiện sống của người lớn chính là những đường nét hình thành nên nhân cách của người trẻ, tạo nên những mảng màu sáng-tối hay xám xịt trong bức tranh xã hội.

Chính vì thế, khi người lớn bất minh, khi đạo đức bị liệt vào thứ… yếu từ trong nhà trường, gia đình, tới bên ngoài xã hội, trong phạm vi đất nước, toàn cầu thì kết quả tất yếu của con người chính là bạo lực, là tương tàn, là vô pháp vô thiên, là sống không cần biết ngày mai - không tin nhân quả… Do vậy, có thể thấy, câu chuyện về bạo lực trên đường, trong nhà trường đến bệnh viện với đủ kiểu sát hại, chết chóc… nhan nhản hàng ngày như một tiếng chuông cảnh báo, một bài học trước mắt về giáo dục con người chứ không phải là ở pháp luật thiếu nghiêm minh hay hành vi trừng trị không đủ sức răn đe.

Thiết nghĩ, con người khi đã thấm nhuần bài học về đạo đức với những nguyên tắc làm người chân chánh (giới luật) cũng như được trang bị một cách có hệ thống từ lời nói đến hành động về bài học nhân-quả (Gieo nhân gì gặt quả nấy) ngay từ ấu thơ cho đến lúc trưởng thành thì có lẽ những nỗi bất an cũng đã giảm thiểu và không còn là vấn đề nổi cộm, làm cho người người phải đau đầu, nhức óc, lo lo lắng lắng khi ra đường, thậm chí bất an từ chính trong nhà mình.

Chúc Thiệu

Những “kẻ cướp” bên trong bệnh viện

Một số “kẻ cướp” này giấu mặt trong hình tướng “mẹ hiền” với áo blouse trắng, lẽ nên phải thực hiện thiên chức cứu người thì lại trở thành người gợi ý, sẵn sàng chích thật đau bệnh nhân nếu không có ‘phong bì’. Vì hoa hồng sẽ nhận được từ những công ty dược mà có bác sĩ sẵn sàng kê đơn với những loại thuốc không cần thiết và đối xử với bệnh nhân nghèo một cách thiếu tử tế… Bao nhiêu câu chuyện đau lòng từ trong lòng bệnh viện được phanh phui cũng như trở thành luật bất thành văn...

Chính vì vậy mà gần đây, hễ có một số sự vụ  người nhà bệnh nhân ùn ùn kéo tới bệnh viện đòi… mạng bác sĩ, do nghĩ rằng, chính sự tắc trách, đạo đức xuống cấp là nguyên nhân chính gây ra cái chết cho người thân của họ. Đó là điều đáng quan ngại trong một xã hội của chúng ta.

Hiện tượng kê đơn thuốc hưởng hoa hồng, phong bì trong bệnh viện đã ít nhiều làm mất niềm tin của cộng đồng với giá trị y đức vốn được đề cao trong truyền thống dân tộc…

Có bệnh đã khổ, nỗi khổ ấy càng nặng thêm khi niềm tin vào giá trị y đức không còn được nguyên vẹn. Ước mong những hiện tượng, vụ việc tiêu cực trên không phải là tất cả, mà chỉ là thiểu số “con sâu làm rầu nồi canh”...

L.Đ.L

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.