Nghĩ về những người thầy trong đời mình

GNO - Ở ngoài đời hay trong đạo, để hiểu biết thêm, để tâm hồn rộng mở hơn, chúng ta cần có những người thầy.

thaytro.jpg


Có những người thầy dạy ta từ bé thơ cho đến khi trưởng thành,
nhỏ nhiệm từng oai nghi, lời nói - Ảnh minh họa

Có những vị thầy theo ta vài năm, dạy ta vài môn, hay chỉ chủ nhiệm mình có một năm, thậm chí nửa năm. Tất nhiên không phải dài hay ngắn, mà qua quãng thời gian dạy dỗ của thầy ta đã học được gì từ tri thức tới đạo đức?

Là học trò, ta thường nhớ về thầy bằng ba khía cạnh chính: thầy đó giỏi; thầy ấy hiền, tội lắm và ông thầy đó khó như gì!

À, thầy giỏi, thầy dễ, thầy hiền thì khỏi phải nói rồi, nhưng thầy khó là cả một vấn đề mang tên nghệ thuật giáo dưỡng. Trong một trường nhứt thiết phải có một thầy khó như vậy, như thể ở trong nhà, dù đều thương con nhưng ba mẹ nhất thiết phải có người đóng vai... phản diện!

Vậy đó, để trưởng thành, đôi khi con người ta cần chất liệu của một “ông ác” bên cạnh “ông thiện”! Giống như hôm qua, thầy tôi vui vẻ hỏi mọi người: thấy tui có... sân si không? Ai cũng bảo có, nhưng thầy đi xa tuần thì nhớ ơi là nhớ, nhờ cái “sân si” của thầy mà trong ổn, ngoài êm. Thầm biết ơn thầy 8 năm qua đã mềm mỏng với mình vì hiểu mình là người mềm mỏng.

Với mình, có một vị thầy như thế, dù không trực tiếp học nơi giảng đường nhưng trong lòng đã thực xem là người có ơn giáo dưỡng!

Trên bước đường tu của mình, tôi may mắn gặp và biết được những vị thầy tâm linh tuyệt vời. Nghiền ngẫm về đạo hạnh của quý ngài đã neo lòng mình lại, để trên bước đường làm nghề dù gặp hình ảnh "là lạ" nào của người được xưng là “thầy” - mình cũng thấy... đó là điều bình thường, vì dù sao cũng là con người và còn vì “ai ăn nấy no” nên quan trọng là lo giữ mình.

Nhiều người suốt ngày đi lo... giữ thầy, cả thân và tâm, đôi khi tìm cách "phong tỏa" thầy rồi cuối cùng không giữ được mình: đánh mất sơ tâm dễ thương ban đầu khi tới với đạo. Đó là điều đáng buồn nhưng vẫn thường thấy trong cuộc đời.

Mong rằng, ai trong đường tu cũng may mắn gặp được người thầy là minh sư - vị thầy thực tu, thực học để nương tựa Đức của người mà tiến bước trên lộ trình dài. Nhưng nếu chưa gặp thì cũng hông sao vì mình còn có một vị thầy lớn vẫn âm thầm soi đường: Đức Thích Ca. Ngài dạy “lấy giới làm thầy” - tức bám vào nguyên tắc đạo đức để trở thành hiền nhân, thánh nhân mà trau dồi. Làm vậy mới thực tu và rồi sớm chày sẽ... thực chứng, còn lo tìm thầy bên ngoài theo kiểu hướng vọng để được chụp hình rồi khoe hình với thầy thì rồi mình sẽ chìm vào tham cầu.

Tu học là sửa mình! Thương kính thầy phải học hạnh thầy, nối gót chân thầy đi - từng bước an nhiên...

Lưu Đình Long

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.