Nghĩ về ngày mãn hạ

Giác Ngộ - Hồi xưa, sau mỗi mùa an cư, chư Tăng trở về đảnh lễ Đức Phật và tịnh pháp dâng lên cúng dường Đức Thế Tôn chính là Thánh quả A la hán. Một thành quả cao quý nhất mà các ngài đã nỗ lực công phu trong chín tuần cấm túc vừa qua.

Khi đó Đức Phật rất vui. Lễ Phật xong quý thầy lại lên đường, mỗi thầy đi giáo hóa một phương, đưa Phật pháp vào đời, đem chân lý đến cho muôn người.

ancu.jpg

Ảnh: Bảo Toàn

Truyền thống này cho tới ngày nay vẫn luôn được nhắc đến như một tấm gương sáng, một mục tiêu tối hậu cho hàng đệ tử xuất gia của Đức Phật. Tâm đan son sắc. Đạo cả viên thành. Chỉ có thế mới không lỗi đạo với di huấn của Như Lai. Đáng tiếc một điều là chúng ta chưa có tịnh pháp để dâng lên Đức Phật giống quý thầy thuở xưa. Trái Bồ-đề của mình vẫn còn xanh. Tệ hơn, có nhiều trái nổi gai. Giống này không biết ở đâu lại?

Đã đến lúc chúng ta phải lên đường. Lên đường không phải để ra đi mà là trở về. Ra đi là viễn mộng, trở về là quê nhà. Ra đi hay trở về cũng chỉ một con đường, chỉ có điều khác chiều vậy thôi. Điều này Đức Phật đã nói trong kinh Lăng Nghiêm. Một hôm tôn giả A Nan hỏi Phật "Nguyên nhân nào khiến cho chúng sanh bị lưu chuyển trong luân hồi sanh tử, và làm thế nào để chúng sanh ra khỏi luân hồi sanh tử?" Lúc ấy chẳng những Đức Phật Thích Ca mà mười phương Như Lai đồng thanh bảo A Nan: "Nguyên nhân khiến lưu chuyển trong trầm luân sanh tử là sáu căn của ông. Con đường ra khỏi luân hồi sanh tử, chứng quả Bồ-đề cũng chính từ sáu căn của ông, chớ chẳng phải chỗ nào khác". Rõ rồi.

Vâng lời Phật, hơn ngàn năm sau Thượng Sĩ Tuệ Trung - một thiền lão Việt Nam - tự lệnh cho mình và cho cả Thiền phái Trúc Lâm: "Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc", nghĩa là "Xoay lại chính mình là việc bổn phận chính, chẳng từ ngoài mà được". Xoay lại là trở về, là thoát khỏi bộc lưu. Phóng tới là ra đi, là chìm trong biển động. Sanh tử cùng đồ hay Niết-bàn đạo lộ cũng chỉ ở tại tâm. Biết thì biết vậy, nhưng lạ một điều là nhiều khi mình vừa ra đi vừa trở về, cho nên tu mãi cho tới bây giờ cũng chỉ lẩn quẩn ở điểm mới bắt đầu xuất phát.

Chư Tăng ngày xưa nhờ có Đức Phật gia trì hộ niệm nên việc tu tập rất mãnh tiến. Chúng ta ngày nay cách xa Phật diệu vợi mà lại còn giỡn ngươi với ngoại duyên, không tự chế phục cũng không cần cầu thiện hữu trợ giúp, đó là một thiệt thòi, một thất bại lớn lao. Ngày mãn hạ của Tăng sĩ trẻ bây giờ, cùng lắm chúng ta được thêm một tuổi hạ với nhiều nhân duyên, nhiều Phật sự đa đoan bận rộn, nói chi đến việc tiến đạo nghiêm thân một thuở! Suy nghĩ về điều này có đem đến cho huynh đệ chúng ta một tự vấn thẳm sâu?

Là con Phật, ai mà chẳng muốn được như Phật, nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa giống Phật? Có phải tại nghiệp dĩ mà ra. Đức Thế Tôn đâu không cảnh báo trước chuyện này. Nghiệp, nó có lực đó! Có lực nên nó lôi cả tam thiên đại thiên thế giới quăng vào cuồng phong bão tố, tạo ra sóng gió đảo điên, ngập lụt khắp ba cõi. Chúng sanh chìm nổi trong đó từ vô lượng kiếp đến nay vẫn chưa ra khỏi, đừng có ở đó mà mải võ miệng với nó. Đã đến lúc ngôn từ cần phải khép lại, nhường chỗ cho tâm hành xứ diệt, ba nghiệp mới chịu yên. "Làm đi, đừng có nói" luôn là mệnh lệnh của trí tuệ thâm sâu.

Thế Tôn là đấng giác ngộ, đã tự độ và độ tha viên mãn, tất cả đều nhờ vào thanh gươm trí tuệ này. Những ngày mãn hạ đã qua đi trong cuộc đời của Đức Phật và chư Thánh đệ tử, nhưng hùng lực có được từ sự tu tập của các Ngài luôn là sức mạnh dẫn đạo cho chúng đệ tử muôn đời sau. Hình ảnh, di huấn và đời sống của Như Lai đã đọng lại trong tâm tư chúng ta những ưu tư trăn trở chân thành. Để từ đó vực dậy hạt giống Phật vốn luôn sẵn có trong tâm ta nảy mầm vươn lên. Vươn lên tới đâu còn tùy ở sự nỗ lực tu tập của mỗi hành giả. Đỉnh cao nhất là giác ngộ, giải thoát, an vui. Rồi sau đó đến với cuộc đời.

Bí quyết của sự thành công đơn giản chỉ là bền lòng và cố gắng. Cố gắng không ngừng. Ý chí, nghị lực, tài năng… mà không có sự cố gắng thì không thể thành tựu chi cả. Sống chung trong thiền viện, việc gì làm sắp xong mà đại chúng đã thấm mệt, chúng tôi thường động viên nhau "Ráng lên chút nữa huynh đệ ơi" thì xong ngay. Tu cũng như vậy. Ráng lên một chút. Một chút nữa!

Trần lao quýnh thoát sự phi thường,
Hệ bã thằng đầu tố nhất trường,
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt,
Tranh đắc mai hoa phốc tỹ hương.
 
Vượt thoát trần lao việc chẳng thường,
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường,
Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt,
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.

(Thiền sư Hoàng Bá)

Chiến sĩ khi lâm trận, kỵ nhất là thối chí, buông tay, nản lòng. Cứ lầm lũi tiến, âm thầm tiến, nhất định tiến. Tiến lên để vượt qua, để chiến thắng chính mình. Kết quả sẽ không ngờ và đây chính là phần thưởng xứng đáng nhất cho sự cố gắng của chúng ta. Chuyện tu hành muôn thuở là như vậy, ban đầu mệt nhưng mà sau đó rất khỏe.

Thật ra mình tu mệt là tại vì không biết tu. Phật nói tu không có mệt, không tu mới mệt. Bởi tu là buông, đã buông làm sao mệt được! Ngày xưa, các thiền sư vui với gió, đùa với mây, ẩn cư nơi thâm sơn cùng cốc, không bao giờ sợ mất đồ, tại vì các ngài không có đồ để mất. Ngoại duyên đã như vậy, trong tâm còn vật gì để nắm? Lục tổ đâu không nói "Bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai?", xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ?

ancu-2.jpg

Chúng ta thì ngược lại, càng tu càng nắm, mặc dù không có gì để nắm! Cho nên ta mệt. Thí chủ cúng dường là của thập phương bá tánh, đâu phải của mình. Vậy mà khi nằm trong tay ta, tự nhiên thành của mình 100%. Ai đụng đến không được. Bên ngoài đã thế, bên trong tâm tư chất chứa ngổn ngang, toàn là chuyện phải bỏ. Chết dỡ chưa! Tất cả cũng tại cái thằng nghiệp mà ra. Tham sân si, cội gốc vô minh này vẫn còn nguyên thì đừng mong có được một ngày mãn hạ như sao mai sao khuê để dâng lên cúng dường Như Lai, cúng dường thầy tổ, ngõ hầu đền đáp thâm ân trong muôn một.

Cho nên nghĩ về ngày mãn hạ hôm nay, sao ta không thử tự vấn lòng mình "Đây là lần an cư thứ mấy trong cuộc đời, mà ta vẫn ngồi đây…" Hỏi như vậy để làm chi? Để ném sạch những vọng động hư ngưng bất định. Để trở về… bằng tất cả tận lực bình sinh.

Và mùa Vu lan về, chúng đệ tử hôm nay, rất mong có một chút gì đó, kính dâng lên mừng khánh tuế Như Lai, khánh tuế Ân sư – Thầy của chúng con trong hiện đời và đời đời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.