Nghĩ về lời dạy thống thiết của vị cao tăng ngoài 100 tuổi

Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ trong một lần đến dự lễ khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc (2007) - Ảnh: Hoàng Độ/BGN
Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ trong một lần đến dự lễ khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc (2007) - Ảnh: Hoàng Độ/BGN
GN - Lời dạy của Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ thật thống thiết, như thể rút từ tâm can của một bậc Trưởng lão ngoài 100 tuổi, vẫn tinh tấn dụng công tu trì ngày đêm.

Trong bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi của Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN trên giai phẩm Báo Giác Ngộ Xuân Bính Thân - 2016, khi nói về hiện tượng suy đồi của một số tu sĩ, ngài cho rằng “người xuất gia nếu không dụng công tu tập thì chỉ là người tại gia ở chùa”.

Và ngài cũng đã thống thiết bộc bạch: “Kính mong quý vị Tăng Ni nếu thấy mình không có đủ sự tinh tấn tu trì thì nên xả giới hoàn tục, kẻo lâm chung đọa vào ba nẻo ác”.

Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

Lời dạy của ngài - bậc Trưởng lão một đời giản dị, khiêm cung, hiện ở ngôi vị lãnh đạo cao nhất của Giáo hội đã làm rất nhiều người xúc động, bởi chưa lúc nào ngài lại có lời thống thiết đến vậy.

Tăng Ni là hiện thân cụ thể cho Tăng bảo - một trong ba ngôi thiêng liêng (Phật, Pháp, Tăng) làm nơi nương tựa cho tín đồ, Phật tử. Đó là đoàn thể xuất gia, từ bỏ đời sống gia đình và sự hưởng thụ thế tục, nỗ lực học và tu, hành đạo theo gương của Đức Phật và chư vị Thánh Tăng. Do vậy, chư vị giáo phẩm tiền bối cũng đã từng nói: “Tăng bảo còn, Phật giáo còn. Tăng bảo bị suy đốn thì Phật giáo bại vong. Đó là một sự hiển nhiên mà lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng”.

Một vị Tăng, Ni nếu có những biểu hiện không phù hợp qua lời nói, hành vi trong ứng xử trong thực tế thường người ta quy về đoàn thể, tổ chức, do vậy ảnh hưởng xấu đến Giáo hội, đến Phật giáo nói chung.

Bởi một khi khoác chiếc áo xuất gia, Tăng Ni hiển nhiên trở thành biểu tượng của Tăng bảo, của đạo đức, lối sống giải thoát và tỉnh thức. Nên ảnh hưởng từ cá nhân Tăng Ni, cả hai mặt xấu và tốt đến số đông cũng sẽ rất lớn.

Ở một số quốc gia như Myanmar, Thái Lan hoặc Lào, hay trong truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer tại nước ta, việc xuất gia gieo duyên, xuất gia báo hiếu… vốn phổ biến đối với mọi người, và xem đó là cơ hội rèn luyện đạo đức thiện lành. Nếu không còn đủ duyên và chí nguyện mạnh mẽ, các tu sĩ có thể hoàn tục, trở thành cư sĩ ngoại hộ Chánh pháp. Điều đó là bình thường, và xem là truyền thống văn hóa tốt đẹp, đáng tự hào.

Tuy nhiên, trong số đông người Việt chúng ta thường có thái độ, cái nhìn không tốt về người tu hoàn tục, cho rằng “vị kia bị đọa”. Và chính điều đó đã làm nên rào cản vô hình trong dư luận đối với nhiều người không còn giữ vững chí nguyện cao đẹp, sống dật dờ, hoặc chạy theo danh lợi, đánh mất phẩm chất biểu tượng của Tăng bảo tôn quý. Nói như Đức Pháp chủ, họ trở thành những “người tại gia ở chùa”, lạm xưng Tăng, Ni, làm xấu hình ảnh Phật giáo, và do đó thọ chịu nghiệp xấu là điều khó tránh khỏi.

Lời dạy của Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ thật thống thiết, như thể rút từ tâm can của một bậc Trưởng lão ngoài 100 tuổi, vẫn tinh tấn dụng công tu trì ngày đêm.

Sức mạnh gợi mở của lời dạy ấy, thiết nghĩ, chính là thông điệp thực sự của ngài, bậc xuất gia sống qua nhiều hoàn cảnh lịch sử, cả một đời tận lực vì đạo, gắng công truyền bá Phật pháp, không mưu cầu và dính mắc danh lợi tầm thường.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.