Nghĩ về công nghệ khảo cổ ở nước ta

Trụ đá ở chùa Dạm (Bắc Ninh) - ảnh minh hoạ
Trụ đá ở chùa Dạm (Bắc Ninh) - ảnh minh hoạ

GN - Vậy là các nhà khảo cổ học đã hết “hồi hộp” với niềm tin về những hạt lúa trên 3.000 năm mà họ “moi” lên được dưới nền đất Thành Dền bỗng nảy mầm để phục sinh. Phấp phỏng là bởi, rất có thể các nhà khảo cổ học nước ta sẽ làm cho toàn thế giới phải ngưỡng vọng, vì trên thế giới chưa từng có hạt thóc nào để được tới 200 năm mà vẫn nảy mầm. Câu chuyện hạt lúa Thành Dền chỉ đơn thuần là sự “giàu trí tưởng bở” của các nhà khảo cổ, nhưng cũng cho thấy rằng “công nghệ” khảo cổ của nước ta quá cổ.                                                    

“Kỳ diệu” hạt lúa Thành Dền

Theo truyền thuyết, Thành Dền còn có tên gọi là thành Cự Triền, hay thành Trại, được bà Trưng Nhị cho xây đắp để chống quân của Mã Viện. Di chỉ Thành Dền nằm ở huyện Mê Linh, Hà Nội với diện tích hơn 20 nghìn m2 được phát hiện năm 1970 và đã trải qua nhiều 9 lần thám sát và khai quật.

Với những di vật tìm được, các nhà khoa học đã xác định Thành Dền là trung tâm luyện kim và đúc đồng lớn nhất nước ta thời Tiền Đông Sơn (4.000 - 2.700 năm cách ngày nay). Xưa kia, đây vừa là nơi ở vừa là nơi chế tác công cụ với các nghề thủ công như làm đồ đá, làm gốm, làm đồ xương, dệt vải, đan lát và chế tác vũ khí bằng đồng. Các nhà khoa học nhận định, từ 3-4 nghìn năm trước, cư dân Thành Dền đã biết sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, các loại rau màu, cây lấy hạt, cây ăn quả; biết thuần dưỡng động vật để chăn nuôi và biết khai thác nguồn lợi thủy sản. 

Tháng 5-2010, nhà khoa học uy tín trong ngành khảo cổ học là PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung và cộng sự ở Trường ĐH KHXH-NV (ĐH QG Hà Nội) kết hợp với Bảo tàng Hà Nội tiến hành khai quật di chỉ Thành Dền  trên diện tích 300m2. Trong quá trình khai quật đã xuất lộ 5 - 7 vết tích bếp cổ, tạm gọi là hố rác bếp. Đoàn khai quật đã tìm thấy những hạt thóc và gạo cháy  tại 4 hố rác bếp, chúng đều nằm trong một mặt bằng là lớp 8, tức là so với mặt đất thì sâu độ gần 1m. Đất ở lớp 8 có nước rỉ ra, xung quanh có rất nhiều than tro, các tàn tích thức ăn như xương cá, vỏ ốc... Những hạt thóc này có màu đen xám, chứng tỏ nó đã được ngâm trong bùn đất một khoảng thời gian rất dài. Sự phát hiện những hạt thóc và hạt gạo cháy không phải là đặc biệt, nhưng điều làm bà và các cộng sự hết sức ngỡ ngàng là sau khi ngâm trong nước để bảo quản khoảng 2 ngày thì có tới 10 hạt thóc đã nảy mầm đâm lá. PGS. TS.Lâm Thị Mỹ Dung đã lập luận trên kinh nghiệm cá nhân và tin rằng, những hạt thóc này có niên đại cách ngày nay 3.000 - 3.500 năm.

Sự kiện này khiến giới khoa học Việt Nam phải sửng sốt, vì nếu hạt thóc có niên đại cách đây hàng nghìn năm vùi trong lòng đất đến ngày nay vẫn nảy mầm được thì quả là điều kỳ diệu. Được biết, nếu hạt thóc không tiếp xúc với nước, đóng thật kín lại có thể sống 100 năm, chứ trước đó chưa thấy hạt thóc để được 200 năm mà vẫn nảy mầm. Việc những hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm là chuyện chưa từng có trên thế giới.

Phát triển thành cây lúa giống Khang Dân

PGS-TS.Lâm Thị Mỹ Dung đã gửi các mẩu vỏ trấu của hạt thóc đã nảy mầm và hạt thóc lép sang Nhật Bản làm thí nghiệm xác định chính xác niên đại của chúng, với phí phân tích cho mỗi mẩu là 600 USD. Ngay sau đó, các nhà di truyền học của ngành nông nghiệp nước ta cũng đã bắt tay ngay vào cùng các nhà khảo cổ nghiên cứu với hy vọng đây là cơ hội làm rạng danh cho nền khoa học nước nhà.

Viện Di truyền nông nghiệp đã tiếp nhận 4 hạt thóc đã nảy mầm và 100 hạt thóc Thành Dền từ các nhà khảo cổ học để tiến hành gieo trồng nghiên cứu. Sau khi gieo trồng số thóc này, thì có 9 hạt thóc nảy mầm, cùng với những hạt lúa nảy mầm trước đó đã được trồng trong nhà lưới, chăm sóc cẩn thận và theo dõi kỹ lưỡng về kích thước, hình dáng, nhánh lúa, khóm lúa trong suốt cả quá trình, cho đến khi làm đòng, trổ bông và cho thu hoạch. Sau đó, có 9 cây đã trổ bông và cho thu hoạch.

Theo bà Lưu Minh Cúc, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện đã đưa 2 cây lúa Thành Dền vào phân tích bằng phương pháp sinh học phân tử sử dụng chỉ thị SSR với 50 cặp mồi. Kết quả, phổ AND của 2 cây “lúa Thành Dền” và lúa Khang Dân 18 hoàn toàn như nhau. Kết quả gửi sang Nhật Bản giám định với kết quả kết luận mẩu vỏ trấu của hạt thóc Thành Dền là thuộc thời hiện đại. Bởi vậy, sau cuộc hội thảo vào đầu tháng 9-2010 hội tụ hơn 20 nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực khảo cổ và nông nghiệp, các cơ quan chức năng đã quyết định dừng nghiên cứu hạt lúa Thành Dền.

TS.Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cùng nhiều nhà khoa học cho rằng: “Nhiều khả năng những hạt thóc này bằng cách nào đó đã lọt vào Khu di chỉ Thành Dền, như là chuột đưa xuống chẳng hạn. Trước đây do các nhà khoa học quá kỳ vọng vào hạt thóc cổ nên cũng muốn làm rõ về mặt khoa học. Nhưng những kết quả nghiên cứu đều cho thấy đây là hạt lúa hiện đại”.

Theo ông Trần Duy Quý, Viện phó Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: “Những hạt thóc xuất hiện có thể do trẻ con nghịch ngợm và bỏ vào hoặc do chim bay trên trời thả xuống, trong khi điều kiện khảo cổ lại chưa được bảo vệ nghiêm ngặt”. Mặc dù câu chuyện hạt lúa Thành Dền đã kết thúc, nhưng TS.Dung vẫn chưa hết niềm tin rằng đây là lúa cổ. Bà vẫn mong muốn tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sâu hơn, cho đến nơi đến chốn và đưa ra kết luận thuyết phục nhất.

Giám định niên đại di vật vẫn theo cách thức lạc hậu

Giờ đây, hạt lúa Thành Dền sẽ chỉ còn là câu chuyện phiếm, hay theo cách nói của giới trẻ thì chỉ là sự “giàu trí tưởng bở” của các nhà khảo cổ học. Nhưng nhìn thấu đáo hơn, nó cho thấy phương pháp xác định niên đại di vật khảo cổ ở nước ta quá lạc hậu.

Nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc giám định, trong đó phương pháp phân tích phóng xạ cácbon C14 được ứng dụng rộng rãi cho kết quả chính xác gần như tuyệt đối. Thế nhưng, công việc xác định niên đại di vật ở nước ta thì vẫn theo cách thức cổ xưa: nhìn bằng mắt và dựa vào những kiến thức, kinh nghiệm để phỏng đoán, đoán định.

Các nhà khảo cổ nước ta trên cơ sở những di vật đã biết rõ niên đại (trên di vật còn lưu những chữ của người xưa khắc ghi năm chế tác) để đúc kết những mẫu hoa văn, nghệ thuật tạo hình, trang trí của từng thời đại. Những di vật cổ mà không thấy khắc ghi năm chế tác thì căn cứ vào hoa văn, nghệ thuật tạo hình để đoán niên đại. Chẳng hạn, thời Lý người ta chỉ khắc rồng trơn, trên thân rồng không có vảy, từ thời Trần trở đi thì rồng mới có vảy. Nên di vật nào có chạm khắc hình rồng trơn thì cho vào thời Lý.

Với nhiều văn bia, văn tự cổ không có dòng ghi năm soạn khắc, thì các nhà khảo cổ thường tìm những chữ kiêng húy (vì mỗi triều đại khi khắc văn bản, những từ nào trùng tên với vua thì phải đổi chệch sang từ khác), hoặc căn cứ vào tên các địa danh để đoán định niên đại. Chẳng hạn, chuông Vân Bản được tìm thấy dưới đáy biển Đồ Sơn vào năm 1958, nhưng không thấy khắc ghi niên đại. Thời gian đầu, các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã nhận định: chuông đúc thời Lý. Gần hai mươi năm sau, các nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chiến và Đỗ Đức Thọ đã tìm ra những chứng cứ thuyết phục để chứng minh chuông Vân Bản không phải thời Lý, mà có niên đại thời Trần.

Cách thức chứng minh mà ông Đỗ Đức Thọ đưa ra là, văn bản khắc trên chuông Vân Bản, người xưa đã kiêng húy chữ Nam mà đổi chữ này sang chữ Bính, nên mới thành ra có chữ “Bính chí Hoàng sơn vi giới” có nghĩa là phía Nam giáp núi Hoành. Nếu chuông Vân Bản được làm vào thời Lý thì người khắc chuông không có lý do gì buộc phải kiêng tránh chữ Nam. Trong khi đó, chỉ triều Trần mới quy định viết kiêng húy chữ Nam, lệnh này ban bố từ ngày 12-5-1299 vào đời vua Trần Anh Tông. Hiện tìm thấy trên rất nhiều văn tự thời Trần có hiện tượng đổi chữ Nam thành chữ Bính.

Xác định niên đại bằng phương pháp suy luận và lý luận như vậy được áp dụng phổ biến với hầu hết các di vật mà các nhà khảo cổ tìm thấy, tuy đơn sơ nhưng cũng có tính thuyết phục khá cao. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, cách thức đoán định kiểu này, nhiều khi cũng bộc lộ những lỗ hổng. Ngay cả với những di vật còn chữ khắc ghi năm chế tác, nhưng nếu đó chỉ là những phiên bản của đời sau chế tác theo đúng một nguyên mẫu nào đó của thời trước thì cũng dễ khiến các nhà khảo cổ ngày nay mắc sai lầm.

Thực tế, có không ít di vật, cổ vật mà mỗi nhà khảo cổ học “phán” một kiểu khác nhau, để lại nhiều bất đồng. Đơn cử, cột đá chùa Dạm làm vào thời Lý hiện đã mất phần đỉnh, chỉ còn phần thân, thì GS.Chu Quang Trứ - một trong những nhà khảo cổ học uy tín bậc nhất nước ta khăng khăng bảo đó là cái “Linga”, trong khi nhiều người khác cho rằng đó là cột của một tòa sen bằng đá. Những lỗ trên cột, GS.Chu Quang Trứ biện giải là để cắm cành phan. (Các nhà sư thời xưa lại đi cắm cành phan lên cái Linga ư?). Trong khi, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ thì tin rằng đó là những lỗ mộng để lắp những xà đỡ tòa sen. Hay như tháp Tường Long giờ chỉ còn nhìn thấy đế tháp, người thì bảo tháp xưa cao 9 tầng, người thì khăng khăng là tháp cao 13 tầng.

Với cách thức nghiên cứu khảo cổ theo kiểu “phán” như vậy, ắt sẽ khó tránh khỏi tình cảnh “Thầy bói xem voi” và việc hạt thóc vài năm tuổi được “đôn” lên 3.000 năm tuổi sẽ chẳng có gì khó hiểu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.