GN - “Sự kiện chùa Bồ Đề (Hà Nội)” trở thành tâm điểm của sự quan tâm xuyên suốt trong vài tuần qua; cơ quan Công an Hà Nội trong cuộc họp báo tháng 8 khẳng định, địa bàn thành phố có 2 vụ án nổi cộm, đáng quan tâm là vụ thẩm mỹ Cát Tường và chùa Bồ Đề.
Vụ chùa Bồ Đề (Hà Nội) - yếu tố chùa làm người ta quan tâm
1 Sở dĩ chùa Bồ Đề từ nghi án đến xác thực trong quá trình nuôi trẻ có để ra sơ suất khiến vụ việc mua bán trẻ là có thực, cơ quan điều tra đã có lệnh bắt 2 đối tượng liên quan, khởi tố vụ án trở thành tâm điểm của sự quan tâm - là bởi nó có liên quan đến yếu tố chùa. Chính ngôi chùa với đặc điểm thanh cao, thoát tục đã trở thành điều đáng quan tâm khiến nhất cử nhất động nào nói tới chùa và người tu đều có thể là tin nóng hay tin đọc nhiều nhất. Đánh vào yếu tố thị hiếu này mà có không ít kênh thông tin, trong đó có nhiều tờ báo đã khai thác triệt để những nội dung liên quan đến chùa với đủ kiểu đánh lận từ ngữ, cụm từ để gây hiểu lầm trên các tít tựa hoặc nội dung bài khiến người đọc, công chúng “hiểu nhầm”.
Sức hút của thông tin về chùa “đáng quan tâm” đến mức có những tờ tin, báo online hay trang mạng xã hội đã biên tập và thêm mắm dặm muối để đăng lại nội dung nhằm câu sự tò mò, đồng nghĩa với lượt like (thích, quan tâm) cũng như lượt view (người truy cập, người đọc) tăng lên.
Ai mà chẳng muốn trang của mình trở thành trang báo, trang tin được nhiều người đọc, nhưng cách “gợi chuyện” hay khai thác đời tư tới mức lố lăng, kệch cỡm, rỉa rói vào nỗi đau, vết thương hay những sự vụ người và việc có liên quan tới một đương sự khiến cho người ta tò mò trong nỗi hoang mang và gieo sự hoài nghi cho nhiều người, nhất là đối với công tác từ thiện rất cần sự chia sẻ từ cộng đồng...
2 Khi bài báo này lên khuôn là khi chúng tôi nhận được tin từ cuộc họp báo của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (ngày 12-8) khẳng định, qua quá trình điều tra, cho thấy Ni sư Thích Đàm Lan "không liên quan việc mua bán trẻ em" của hai nghi can gồm Nguyễn Thị Thanh Trang (người trông coi trẻ ở chùa Bồ Đề) và Phạm Thị Nguyệt (người có hành vi mua bán trẻ em, liên quan tới vụ chùa Bồ Đề) đã bị bắt trước đó. Kết quả này đương nhiên đáng tin cậy hơn là những điều võ đoán, suy luận theo lô-gích mà một số người (khá đông) đã đưa ra và hùa theo chỉ trích, thậm chí khép tội ngay cả khi câu chuyện vẫn còn đang trong quá trình điều tra, chưa có gì chắc chắn...
Ác ý hơn, kinh hoàng hơn... là có nhiều “nhà báo” còn tìm về tận quê quán, truy gốc gác họ hàng và soi đến việc mồ mả ông bà, dòng họ... của những người có liên quan, cụ thể là Ni sư Thích Đàm Lan, người vừa “trắng án” cho đến thời điểm này - thông qua những gì cơ quan công an, lãnh đạo chính quyền sở tại, có chức năng trả lời chính thống mọi thông tin liên quan với công luận công bố. Trong nghề báo, ai cũng nằm lòng phương châm “đi đến cùng sự thật”, nhất là trong những bài điều tra, đấu tranh với mảng tối của xã hội, những hiện tượng đau lòng, nhức nhối... khiến dư luận quan tâm, bàng hoàng, lo lắng nhằm đưa cái xấu, cái ác ra ánh sáng, trả lại sự bình yên (vốn dĩ là mong muốn, ước nguyện của số đông).
Tuy nhiên, đi tới cùng sự thật không có nghĩa là “bới lông tìm vết”, không có nghĩa là móc moi đời tư hay những “dây mơ rễ má” với họ hàng gần xa của một ai đó đang là “điển hình” để phơi ra trên mặt báo, trong dòng chảy tin tức để người người cùng mổ xẻ, cùng bàn luận hay bình loạn với những lời lẽ cay độc, nói cho sướng miệng (tất nhiên, trong đó cũng có những người cơ hội, nhất là có những trang diễn đàn mở với comment - bình luận không hề được kiểm soát nội dung).
Thấp thoáng trong vụ việc chùa Bồ Đề chúng tôi thấy có bóng dáng của sự “tự do ngôn luận” tới mức có thể đẩy sự việc đi tới chỗ lụn bại một con người, khiến cho mọi người trở nên hoài nghi về những giá trị tốt đẹp ẩn tàng bên trong mỗi con người, mọi thời đại... Với người có mắt nhìn thương yêu thì chắc chắn sẽ nhìn sâu vào bên trong từng sự việc, từng con người để thấy phía sau điều ai cũng thấy có cái gì đáng để học hỏi, rút kinh nghiệm cho chính mình - hầu làm cho mình được thanh cao hơn, trở thành người tốt hơn và có đóng góp cụ thể. Khi đó, người ấy sẽ không vội vàng hùa theo đám đông cuồng nộ mà phản ứng một cách thái quá trong ý nghĩ (như mất niềm tin vào cuộc sống hay không còn tín tâm đối với những điều tốt đẹp), cũng như nói và làm những hành động mang tính chất sát phạt, tự cho mình cái quyền phán xét người khác, đóng vai quan tòa thanh cao để khép người khác vào tội lỗi, ép người khác vào đường cùng... Đạo Phật xem đó cũng là hành vi bạo động. Thực ra, búa rìu dư luận đôi khi nó còn tàn nhẫn hơn cả việc dùng vũ lực đối với một ai đó!
3 Ở thế kỷ XXI, chúng ta ngỡ đã xa rồi cái kiểu hành xử như thời trung cổ như ném đá cho đến chết, hoặc treo cổ một ai đó khi người ấy phạm phải lỗi lầm nào đó mà cộng đồng cho là xấu, nhưng thi thoảng ta vẫn nghe, thấy từ tin tức báo chí về cách hành xử đó với một nỗi ghê rợn, vì nó quá dã man, không có tí nhân văn nào. Nó dã man và phi lý, có sức ám ảnh ta bởi có những lầm lỗi rất đỗi con người, thuộc về con người mà chỉ vì ta chưa phạm hoặc phạm mà chưa bị phát hiện để rồi ta nhân danh cái tốt, sự trong trắng để “xử” người khác, như một cách đớn hèn chứng minh rằng tôi là người tốt, tôi trong sạch, tôi thanh cao...
Thực ra, không phải việc ném đá đến chết hoặc treo cổ một người để trừng phạt họ vì lỗi lầm họ gây ra chỉ có ở một số bộ tộc hay vùng miền lạc hậu nào đó mà ngay trong xã hội hiện đại, văn minh với phương tiện truyền thông tân tiến cũng đang tồn tại những con người với nếp nghĩ, cách làm tương tự.
Bằng cách “ném đá” với những lời lẽ cay nghiệt nhất có thể hay truy tới cùng... dòng tộc, đời sống riêng tư... của một người, sự kiện đáng quan tâm theo kiểu chạy theo nhu cầu tò mò của công chúng độc giả như đã nói, chúng ta đang trở thành những kẻ “ném đá” cho đến “thân bại danh liệt” hay tàn nhẫn hơn là đến cạn cùng niềm tin của xã hội...
Xây dựng thì khó chứ đập phá thì mấy hồi. Giáo dục và giúp một người tốt lên hay dắt dìu một người quay đầu lại để làm người sáng đẹp mới khó chứ đẩy họ vào vũng bùn sâu hơn hoặc đưa họ tới bờ vực thẳm thì thật sự chẳng có gì khó khăn, nhất là khi trong lòng ta thừa đá để ném, thừa tham-sân-si để có thể nổi khùng lên với người khác, xé những sai lầm của họ to ra và dư sức có những lý luận để bảo vệ mình tới cùng, không chịu nhận nhìn cái dở, cái sai của bản thân...
Lắng nghe và hiểu điều đó, và nhìn lại thì ôi thôi... thương mình quá đỗi vì ta cũng từng ghi danh vào số đông ném đá tả tơi một người, một sự việc, ngay cả khi nó chưa phải là sự thật được minh định, ngay khi nó mới chỉ là những giả thiết hay suy đoán, hoặc là những chứng cứ có tính may rủi, thậm chí là những ác ý gán ghép, thổi phồng sự việc vì những mục đích nào đó... Thấy vậy chứ chưa phải vậy, không hẳn vậy - là điều mà chúng ta cần nhắc nhớ thường xuyên, cẩn trọng để đừng vội tin những gì số đông nói, một người nào đó nói...
4 Trở lại vụ chùa Bồ Đề để nhìn sao cho nhân văn, để cùng tháo gỡ câu chuyện này phía sau những điều đã xảy ra như vụ mua bán một cháu bé chưa đầy một tuổi mà báo chí đã đăng, cơ quan chức năng đã vào cuộc?
Chúng tôi nghĩ, đó là việc nhìn nhận cái sai của tất cả cá nhân, tổ chức có liên quan để sửa, để kiện toàn, để nâng lên thành “cơ hội sửa sai” cho cả một hệ thống bao gồm các cá nhân, tổ chức nuôi trẻ, làm từ thiện, cơ quan nhà nước, sự quản lý của của tổ chức hội, đoàn trực thuộc để việc vận hành việc tốt đẹp là thiện nguyện, từ thiện... trở nên có ý nghĩa thực sự, duy trì bền bỉ như ngay lúc đầu tiên nó bắt đầu, được vinh danh. Từ đó, tránh để những sự lạm dụng hay sự yếu kém trong việc quản lý, giám sát, thực thi khiến những đối tượng vốn đã chịu nhiều thiệt thòi càng bị thiệt thòi nhiều hơn bởi những đòn roi của dư luận và đá ném của số đông vô cảm. Có thế thì việc truyền thông và việc “đi đến cùng sự thật” của bất kỳ sự việc hay con người nào mới mang giá trị của sự điều chỉnh hành vi, lối sống, cách nghĩ của xã hội trở nên tốt đẹp hơn, đáng sống hơn thay vì đáng chán hơn như số đông đang là!
Lưu Đình Long