Nghĩ từ vụ nữ sinh trộm sách

GNO - Các báo đưa tin, sáng 25-4 vừa qua, tại trụ sở Công an thị trấn Chư Sê (Gia Lai), Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Chư Sê đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, đọc lệnh bắt tạm giam trong thời gian 2 tháng đối với bốn nhân viên của siêu thị Vĩ Yên (huyện Chư Sê).

Những người bị bắt có liên quan đến vụ bắt trói và bêu xấu nữ sinh trên mạng Internet gồm: Nguyễn Ngọc Tân (31 tuổi), Lê Trần An (23 tuổi), Nguyễn Thị Thanh Cưng (26 tuổi) và Phan Văn Hải (25 tuổi), bị khởi tố về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

anh sieu thi.jpg
Bốn nhân viên siêu thị Vĩ Yên bị khởi tố ngày 25-4, vì hành vi
trói nữ sinh S. tại đây, do em này lấy 2 cuốn truyện tranh - Ảnh: TNO


Sở dĩ bốn nhân viên của siêu thị nói trên bị bắt là vì, lúc 11g ngày 10-4-2014 em S. - học sinh Trường THCS Chu Văn An (Chư Sê) - cùng bạn vào siêu thị Vĩ Yên. Thấy hai cuốn truyện tranh bắt mắt, S. bỏ vào túi áo và bị phát hiện tại cửa kiểm soát an ninh ngay sau đó. Bốn nhân viên siêu thị Vĩ Yên cùng nhau bắt trói, dùng băng keo buộc hai tay S. vào lan can sắt và in tờ giấy có dòng chữ “tôi là người ăn trộm” lên ngực S. để bêu xấu. Phan Văn Hải - bảo vệ siêu thị - đã chụp ảnh và đưa hình ảnh cháu S. đứng trong siêu thị lên mạng trong chiều cùng ngày.

Trước đó, khi phương tiện truyền thông đại chúng vào cuộc, đưa tin về vụ việc, làn sóng dư luận bày tỏ sự bức xúc trước hành vi phản cảm của các nhân viên siêu thị nói trên trở nên rầm rộ. Theo đó, dư luận lo ngại bởi việc làm ấy có thể dẫn tới tơi tả nhân cách một con người - một học sinh chưa đủ tuổi trưởng thành, hành động thiếu suy nghĩ, cảm tính.

Tất nhiên, mối lo ấy là chính đáng vì trước đó, đã có rất nhiều vụ việc tương tự như nghi học trò ăn cắp, giáo viên dọa đưa lên công an, thậm chí có người còn đưa các em lên công an thật. Sau đó, công an hỏi cung các em (dù không có người giám hộ ở đó), mà theo luật là cần có người giám hộ nếu các em chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự trong những vụ việc liên quan tới hỏi cung ở cơ quan điều tra.

Hậu quả (chứ không phải kết quả) là những trường hợp như vậy đã chọn cách tự tử hoặc trở nên khép kín, sợ hãi, ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý...

Đó là hành vi phi giáo dục, nhiều người lên tiếng với một tâm trạng lo lắng trong cách hành xử của người lớn đối với trẻ con, những người tuổi vị thành niên bốc đồng, nông nổi, chưa đủ sức (hay chưa có kỹ năng) để vượt qua những cú sốc tương tự.

Thật ra, ai cũng có lúc lỗi lầm, người lớn có khi còn lỗi vì không kiềm chế được bản thân, do tham-sân-si chi phối huống nữa là trẻ con. Và, cái sai của người lớn hay trẻ con đều cần phải được xử lý theo cách nào đó để trước tiên là cải tạo để người tạo ra lỗi lầm nhận chân ra sự việc hầu sống tốt lên. Mọi sự trừng phạt hay răn đe, xét về mặt giáo dục đều không được ưu tiên chọn lựa, thậm chí đó là biện pháp không thể nằm trong môi trường nhân văn, trong ứng xử văn minh của loài người bởi ở sự trừng phạt hay loại bỏ kia có phần hàm chứa sự bạo động và đôi khi mang tác dụng tiêu cực hơn là tích cực - đi ngược lại mục đích tối thượng của giáo dục là tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.

Cảm hóa bằng tình thương và sự hiểu biết bao giờ cũng là cần thiết và càng cần thiết (nhất thiết phải cần ứng dụng) đối với trẻ thơ, khi nhân cách chưa ổn định và đang trong quá trình hình thành. Do vậy, những người đứng ra lên án, phản đối hành động trói nữ sinh, dán nội dung "Tôi là kẻ ăn trộm" ngay cửa siêu thị có cái lý của mình, không nằm ngoài việc mong mỏi một sự hành xử đúng hơn của người lớn trước lỗi lầm của trẻ thơ, nhất là lỗi ăn trộm vặt (không phải là hành vi cần dùng đến bạo lực hay sỉ nhục mà phải là uốn nắn).

Nhiều người thấy số đông đứng ra bảo vệ, an ủi nữ sinh và phản đối việc làm của nhân viên siêu thị nên ngỡ là "cả xã hội đang đồng tình với trộm cắp" - có lẽ đó là số ít, và đã phần nào đi xa trong nhận định về vụ việc. Thực ra, không ai đồng tình và khuyến khích trẻ con tham lam, trộm cắp, từ bài học ở trường tới ở nhà, cha mẹ, thầy cô nào cũng bảo con mình, trò mình phải thật thà, không dối trá, không trộm cắp... Nhưng, dường như tập khí trộm cắp, tham lam vốn dĩ đã có trong mỗi người nên dẫu giáo dục rồi, song, trong những tình huống nào đó người ta không thể vượt qua, nhất là khi có ham thích chen vào, chi phối mãnh liệt thì khi đó (nhất thời) họ không thể làm chủ được hành vi. Người lớn có cái tham của người lớn và trẻ con có cái tham của trẻ con, tương xứng với tầm hiểu biết và ham muốn của bản thân, trong độ tuổi của riêng mình.

Chính vì thế, trong năm nguyên tắc cơ bản để làm người chân chánh và để lại được làm người có phước đức, Đức Thế Tôn đã dạy về nguyên tắc không tham lam, trộm cướp (giới thứ 2), được diễn dịch thành không lấy (sở hữu, tiêu thụ...) những vật phẩm, tài sản... không phải của mình, không thuộc về mình...

Lời dạy này là hàng rào bảo hộ, người con Phật và bất cứ ai nếu giữ gìn được thì sẽ trở nên nhẹ tênh giữa dòng sống mênh mông, ô trượt, vì sẽ loại được tham đắm và tìm kiếm những thứ không thuộc về mình, tránh gây tạo những điều sai quấy, dẫn tới hậu quả đau lòng như mất niềm tin từ cộng đồng, nghèo khó, xa lánh, bị phỉ báng...

Giữ nguyên tắc sống không tham lam, trộm cướp ấy là một sự chuyển hóa nội tâm, dựa trên sự hiểu biết nhân quả và sự quyết tâm cao độ từ nhiều cám dỗ bên ngoài khế hợp với ham thích bên trong vẫn còn, thi thoảng thôi thúc mình có những ước muốn chiếm hữu phi pháp.

Nói chung, ở đây, người viết không ủng hộ trộm cắp hay cướp giật dẫu chỉ là trái ổi, trái xoài, cuốn tập, quyển sách... từ thuở ấu thơ; càng không đồng tình với việc tham nhũng, tham ô, với đủ kiểu vòi vĩnh, gợi ý lót tay - kiểu "cướp" giữa ban ngày, "chính quy" của những người nắm trong tay những quyền lực nào đó (hoặc dựa trên vị trí - tài năng mình đang có, đang đảm nhiệm, hoặc dựa trên sự giao phó của nhân dân). Nhưng, thiết nghĩ, vấn đề uốn nắn sai lầm, hóa giải lòng tham nơi mỗi con người, mỗi đối tượng... cần được cân nhắc, dựa trên nền tảng nhân văn, sự hiểu biết sâu sắc về tập khí con người để có phương pháp tốt, nhằm "chuyển mê khai ngộ" chứ không phải để đẩy đương sự đi về hướng xấu hơn, đau đớn hơn, gây ra oán thán và bức bối cho cộng đồng.

Có lẽ, nhiều người cũng nghĩ vậy nên khi các nhân viên siêu thị bị khởi tố hình sự từ hành vi nói trên đối với nữ sinh S., liền lập tức dư luận lại đặt ra vấn đề: có nên bắt tạm giam các nhân viên siêu thị?

Người Việt mình vốn nhân đạo, thường bất bình và sẵn sàng chỉ trích không tiếc lời đối với người sai, làm điều quấy nhưng cũng luôn biết cân nhắc và tha thứ khi kẻ ác, người xấu biết quay đầu hoặc bị đưa ra trừng phạt, bị loại trừ khỏi đời sống xã hội. Chính vì thế, tôi tin, rồi mọi nút thắt sẽ được mở vì lòng từ bi đã sẵn có ở mỗi người chúng ta, thấm nhuần từ lối sống của ông cha bao thế hệ, rằng oán thì nên mở không nên kết, rằng ai cũng có lỗi lầm nên mới có chữ bao dung trong từ điển vậy...

Lưu Đình Long

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.