GNO - Điều đó nói lên rằng, người Phật tử thực sự kính Phật, trọng Tăng chính là người phải tu tập tốt...
1. Hôm nay, tôi đọc một bài thơ có tựa "Thầy và trò" của tác giả Nguyễn Thánh Ngã, một thầy giáo, viết nhân ngày 20-11, đăng trên Giác Ngộ và thiệt sự thích hai câu cuối trong bài: "Làm thầy khó lắm ai ơi/ Phải đâu đi dạy là thôi... làm trò!" (Xem toàn bài thơ tại đây).
Nhớ ơn thầy cô - Ảnh minh họa
Quả thật, làm thầy không dễ! Ngoài việc "trọng thầy mới được làm thầy" thì người thầy còn phải cần mẩn cập nhật kiến thức vốn luôn mới mẻ từng ngày. Do vậy, nếu, ai thiếu vắng lòng biết ơn, kính trọng những người thầy của mình và những bậc thầy trong cuộc đời thì khó làm thầy thiên hạ, bởi thiếu cái gốc "trọng thầy" - lễ nghĩa, tri ân, báo ân - một hạnh lành mang ý nghĩa điều kiện để "được làm thầy".
Về kiến thức, người thầy có thể chưa cập nhật kịp hay sẽ khó khăn đôi chút trong cập nhật - nhất là giữa thời buổi công nghệ thông tin, nên, đôi khi người thầy vẫn phải... làm học trò trong những tình huống "đi sau về trước" của lớp trẻ, phải đứng trên tư thế học hỏi lẫn nhau, tôn trọng học trò theo nghĩa: đồng học!
2. Nói về nghĩa đồng học, tôi lại thấy thích thú khi vừa "nhặt trộm" một câu quá hay trên Facebook của anh, cũng là một thầy giáo tâm huyết. Nội dung của câu nói này thuộc về tác giả G Guibe: "Dạy tức là học lần hai". Với tâm thế này, có thể, mỗi tiết học, mỗi lần đứng lớp, người thầy sẽ lắng nghe nhiều hơn những suy nghĩ, những tư duy của học trò, đôi khi là non nớt, không hẳn đã đúng - chứ không phải là một chiều ban phát, bắt học thuộc lòng.
Lắng nghe như thế, người thầy có khi sẽ à lên sung sướng vì cách suy nghĩ của học trò bởi có thêm những cái mới mà trí tuệ cá nhân người thầy chưa thể nghĩ ra hay tuổi tác của thầy không thể chạm tới. Trong cuộc sống, chính vì thế mà người ta vẫn thường nhìn nhận rằng, ai cũng là thầy của mình, cũng cho mình những điều hay ho nào đó, đáng để học hỏi.
Đó là chưa nói, từ việc lắng nghe những góc nhìn và cách nghĩ của học trò, người thầy sẽ nắm bắt được trình độ chung cũng như tâm lý riêng của từng em mà có phương cách truyền đạt phù hợp. Giống như Đức Phật, trong cách thức trao truyền giáo pháp, cũng tùy căn cơ của từng chúng sinh mà "bắt bệnh", sau đó "cắt thuốc thang" đúng liều, đúng độ, chứ không cào bằng, và buộc phải tin, phải tuân...
3. Tôi bỗng nhớ tới những cuộc thi mà thuở bé thơ mình đã từng, trong đó có "bông hoa điểm mười". Thay vì tặng thầy những bó hoa thật, hay những phần quà được mua và gói ghém cẩn thận, thì hãy tặng những bông hoa điểm mười, nghĩa là hãy học cho tốt.
Tôi đoan rằng, món quà ấy chính là liều thuốc hưng phấn tiêm vào tâm hồn để người thầy cảm thấy yêu nghề và hạnh phúc từng ngày trên mỗi giờ đứng lớp. Đó là thứ tặng phẩm mà nói như nhiều thầy cô giáo vẫn thường bộc bạch với học trò, rằng: "Niềm mong ước và hạnh phúc lớn nhứt của thầy/cô là các em thành đạt, tử tế". Hai chữ ấy đi đôi với nhau, biểu thị của một con người vừa hồng vừa chuyên, nghĩa là phải có đạo đức và thành công trên con đường học tập, chinh phục đỉnh cao tri thức, nghề nghiệp.
Tôi lại liên tưởng tới "hương lòng" mà mỗi người Phật tử cần dâng lên cúng dường Tam bảo, chính là "giới hương, định hương, dữ tuệ hương", chứ không phải là... bó hương nghi ngút khói. Điều đó nói lên rằng, người Phật tử thực sự kính Phật, trọng Tăng chính là người phải tu tập tốt, có an lạc, hạnh phúc trong thực tại tu học và đời sống chứ không phải chỉ là hương hoa, phẩm vật thuần túy. Cũng giống như học trò, nếu chỉ nhớ đến thầy cô và tặng những bông hoa tươi thắm, những món quà trang trọng mà thiếu những bông hoa điểm mười, ngụ ý cho sự học tốt, chăm ngoan... thì cũng chỉ là món quà thêm đè nặng lên tâm lý người thầy trong mỗi giờ đứng lớp mà thôi!
_______________________
* Xem thêm bài vở cùng chủ đề:
>> Khi tu sĩ là nhà giáo
>> Bung tay gieo hạt
>> Ngày hội tri ân tại Trường Phật học TP.Đà Nẵng
>> Lễ tri ân của Tăng Ni sinh các khóa giảng sư
>> Quảng Nam: Tăng Ni sinh tổ chức lễ tri ân
>> Tăng Ni sinh Học viện tri ân giáo thọ
>> TP.HCM: "Mênh mông tình thầy" tại Học viện PGVN