Nghi lễ Phật giáo

Nghi lễ Phật giáo
Giác Ngộ - Nghi lễ Phật giáo khởi nguyên từ Ấn Độ, nơi có quan niệm rằng âm nhạc là phương tiện ngôn ngữ khả dĩ duy nhất để diễn bày sự sâu thẳm của chân lý. Do vậy, nghi lễ Phật giáo đã có một bề dày lịch sử từ hàng ngàn năm nay, truyền từ đời này qua đời khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác...

Việt Nam là một trong những quốc gia mà nghi lễ Phật giáo đã có mặt từ rất sớm và đã "biến hóa" thành những nét đặc thù riêng và nếu nhìn từ góc độ văn hóa thì nghi lễ chính là một trong những thành tố cơ bản cấu tạo nên nét đặc sắc của Phật giáo Việt Nam.

Tìm hiểu nguồn gốc của âm nhạc cũng như nghi lễ Phật giáo, chúng ta có thể nhận ra ý nghĩa sâu sắc của nghi lễ Phật giáo - phát nguyên từ nhạc lễ Phật giáo biểu hiện qua 3 nội dung:

1. Âm nhạc là hiện thân của suối nguồn tâm linh.

2. Âm nhạc là phương tiện để khơi mạch nguồn tâm linh.

3. Âm nhạc là ngôn ngữ linh thiêng của tế tự.

Trong Phật giáo, ý nghĩa lễ nhạc được miêu tả rất nhiều trong kinh điển của Phật giáo (Phật giáo Nguyên thủy cũng như Phật giáo Đại thừa) dưới hình thái như chư thiên rải hoa trổi nhạc cúng dường Đức Phật, ngâm tán, ngợi ca chân lý nhiệm mầu, ngợi ca công đức Tam bảo... đây là một thứ âm nhạc cổ đại trong văn hóa Ấn Độ. Kinh chép: Đức Thế Tôn cũng thường dùng Dà đà (Kệ tụng) để làm phương tiện hoằng dương Chánh pháp. Đồng thời, Ngài cũng cho các Tỳ kheo chuyên chú vào việc đọc kinh (Thanh bái)... Luật Thập tụng thì chép: Thế Tôn khen ngợi Tỳ kheo Bạt Đề rằng: "Cho phép ông được trì tụng kinh văn theo cách Dà đà"... Lễ nhạc trong những trường hợp này được gọi là Pháp lễ hay Pháp nhạc.

Vào thời Đức Phật, ở đất nước Ấn Độ sự hiến tế sinh vật rất thịnh hành, những công việc tế lễ Thượng đế, Thần linh là rất phổ biến và là đặc quyền của giai cấp tu sĩ Bà La Môn. Đức Phật đã cực lực phản đối những việc hiến tế như thế và Ngài đã chủ xướng học thuyết duyên sinh vô ngã, bác bỏ niềm tin vào Thượng đế, và quyền năng tối thượng của Thượng đế. Với lý do rất minh triết và khoa học đó, nên trong thời Đức Phật còn tại thế, lễ nhạc Phật giáo chỉ dùng trong phạm vi Pháp lễ hay Pháp nhạc mà thôi.

Phật giáo sau khi được truyền bá rộng rãi đến nhiều vùng miền, quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau đồng thời gặp thời giới Tăng sĩ đã chuyển khuynh hướng từ đời sống tu viện sang đời sống xã hội và sự chuyển đổi này đã vượt xa hơn khi Phật giáo đã vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ để truyền vào các nước dọc theo Con đường Tơ lụa thuộc Trung Á, Trung Hoa và châu Á - Thái Bình Dương.

Và để nhằm thích ứng với văn hóa phong tục tập quán bản địa theo đúng tinh thần "khế thời, khế lý, khế cơ", Pháp lễ hay Pháp nhạc đã được chư Tổ nâng lên thành một "Pháp môn" với những quy chuẩn, nguyên lý và triết lý hóa cao cả về mặt nội dung ngôn từ lẫn nghệ thuật mà ngày nay chúng ta thường được biết là "Pháp Môn Nghi Lễ Thiền Gia".

Khi đã trở thành "Pháp môn", lẽ tất nhiên nghi lễ lúc bấy giờ không còn là một phương tiện để chuyển tải tâm linh, đưa người vào đạo nữa mà đã trở thành là một Pháp môn tu học để đạt ngộ chân như Phật pháp bằng sự rung cảm tâm linh. Bởi định tính của nghi lễ luôn luôn là sự rung cảm nên nghi lễ là một trong hai con đường (tư duy đốn ngộ và rung cảm tâm linh) để đưa hành giả đạt đến giải thoát giác ngộ nhanh và êm đềm nhất.

Xét về triết lý sâu xa của nghi lễ thì cái "cốt" của lễ là "nghiêm", và cái "lõi" của lễ là hòa. Muốn được "nghiêm" thì lễ tất nhiên phải có "nghi" và để nhạc được "hòa" thì nhạc tất nhiên phải có "điệu". Đó là hai yếu tính cơ bản định danh nên "Pháp Môn Nghi Lễ Thiền Gia".

Do đó, để thực hành nghi lễ có nghiêm có hòa (có cái tinh túy cốt lõi của nghi lễ) đòi hỏi người thực hành nghi lễ, đối tượng nghi lễ và nội dung nghi lễ phải có những phẩm chất đạo đức, năng lực tu hành nhất định.

Người hành nghi lễ: là người trực tiếp thực hiện nghi lễ hoặc là người trực tiếp truyền bá nghi lễ phải hội đủ ba phẩm chất đạo đức, đạo lực:

1. Có Thanh văn tướng trang nghiêm.

2. Có chiều sâu về quá trình tu tập tâm linh.

3. Có thẩm quyền về chuyên môn nghi lễ.

Đối tượng của nghi lễ: chính là đối tượng mà nghi lễ hướng đến phục vụ hay nói khác đi là những giới, người có nhu cầu về nghi lễ. Đối tượng nghi lễ do vậy hàm một diện rộng trong xã hội, bao gồm cả giới xuất gia, tại gia; Phật tử hoặc không phải Phật tử. Tuy nhiên, điều quan trọng là đối tượng nghi lễ nhất thiết phải có "thành ý" có "tín tâm" và có "lễ nghi". Đây là trách nhiệm và vai trò của người thực hành nghi lễ và người truyền bá nghi lễ, phải tạo dựng cho được ba yếu tố trên nơi đối tượng nghi lễ thì khi đó giá trị sâu sắc của nghi lễ mới thực sự có hiệu quả tác dụng.

Nội dung nghi lễ: gồm có nghi thức và nhạc lễ, nghi thức tức là loại hình nghi lễ tụng tán, ca ngâm... còn gọi là văn chương về lễ nghi, hay còn được gọi là "lễ văn" được biên soạn kỹ lưỡng, bài bản và khoa học. Nhạc lễ tức là âm nhạc biệt dụng cho lễ tế hay còn gọi là "lễ nhạc" cũng được tinh chọn sao cho hài hòa với từng loại nghi lễ thích hợp, thiền vị sâu lắng. Do vậy nghi thức thì phải nghiêm chỉnh, lễ văn phải hoàn bị và lễ nhạc phải hài hòa thiền vị...

Trên đây là ba yếu tố cốt lõi của nghi lễ Phật giáo, quyết định đến sự tồn vong của nghi lễ Phật giáo. Lạm dụng một trong ba yếu tố trên thì thật là uổng công chư Tổ đã dung hóa và phát triển thành nét đặc thù của âm nhạc, nghi lễ Phật giáo...

Cùng với bước hoằng dương Phật pháp của chư Tổ, nhiều "Pháp môn" đã được chư Tổ linh hoạt sáng lập nên để phương tiện đưa người đến với đạo; lập tông, lập môn là để hướng dẫn người tu hành bỏ tà quy chánh, giác ngộ giải thoát. Để tìm hiểu "Pháp Môn Nghi Lễ Thiền Gia" phải luôn tìm hiểu kỹ lưỡng 3 yếu tố: Người hành nghi lễ; đối tượng nghi lễ và nội dung nghi lễ. Và phải xác định mỗi thành phần có những phẩm chất riêng biệt nhưng luôn đặt nó trong một mối quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa các yếu tố cấu thành này trong mối liên hệ vô cùng chặt chẽ, vì đây là một "Pháp môn" phải có quy củ, quy tắc cụ thể của một "Pháp môn".

Cho nên khi một trong 3 thành tố bị khiếm khuyết là y hệt như buổi lễ sẽ "loạn". Hoặc khi người thực hành nghi lễ, người truyền bá nghi lễ có tâm lợi dụng, tâm địa bất chính là y hệt như "thợ tụng". Hoặc khi đối tượng nghi lễ (tín chủ) không có thành ý, tín tâm là buổi lễ như một tuồng hát bội, bùa chú, mê tín dị đoan...

Ở Việt Nam ngày nay, cái cốt lõi của nghi lễ Phật giáo truyền thống giữa các vùng miền đã bắt đầu có dấu hiệu bị thất truyền và bị biến dạng, không những không được bảo tồn, gìn giữ mà còn bị lợi dụng để gieo mê tín dị đoan cho quần chúng Phật tử. Đã đến lúc những người thực hành nghi lễ và truyền bá nghi lễ phải ngồi lại, bàn cách gìn giữ và bảo tồn cái cốt lõi của nghi lễ, cái tinh túy của nghi lễ. Có như thế mới không uổng công chư Tổ đã sáng lập nên "Pháp môn Nghi lễ Thiền gia".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.