Nghĩ: Ai điên, ai không?

GNO - Người ta nói rằng một con trâu bị “điên” vì không chịu “ngoan ngoãn” để bị giết (có lẽ vì đằng nào nó cũng bị giết?) nhưng người ta quên mất rằng chính con người trong khi thiếu một chút “tình” hoặc một chút “tiền”, sẵn sàng cướp, giết, hiếp còn hơn cả “trâu điên”.

Ở một trường cấp ba, người ta kể rằng có một “cuốn sách lạ”. Một phụ huynh “ảo” đã tỏ ra rất bức xúc vì trong cuốn sách có những nội dung “phản sư phạm” và “không phù hợp với học sinh cấp ba”, thế mà học sinh vẫn phải “học”.

Một anh phóng viên nhanh nhảu: “Dạy đạo đức trong trường cấp ba là một sự sỉ nhục đối với học sinh và phụ huynh” (?!!). Một cựu giáo chức nghe thấy vậy liền tự hỏi: “Có phải bây giờ đạo đức của học sinh nói riêng và xã hội nói chung đã tốt quá rồi, nên dạy đạo đức mới bị coi là sỉ nhục?”.

525156.jpg

Trâu ơi, em có "điên" không khi kháng cự trước nỗi sợ cái chết? Trong ảnh: Con trâu ở chợ Ngọc Thụy (Q.Long Biên, Hà Nội) sau khi bị đập chết "hụt" đã lồng lên, giằng đứt dây lao ra chợ húc vào một người đàn ông đang đi đường, sau đó lao vào cửa hàng chăn ga gối đệm, rồi phi ra ngoài húc vào hai người khác đang đưa con đi học hôm 13-10. Cuối cùng trâu bị "hành hình" thế nà- Ảnh: Tuổi Trẻ

Một con trâu bị gọi là “trâu điên” vì trong lúc kinh hãi chạy chốn lưỡi dao của tử thần, con trâu đã húc trọng thương một người dân và khiến nhiều người khác hoảng sợ. Không biết trên đời có con trâu “không điên” nào không hoảng sợ khi lưỡi dao nhọn hoắt của người đồ tể “đâm hụt” vào người mình hay không, nhưng theo những gì các phóng viên đưa tin thì có vẻ như nạn “ô tô điên” đang phát tấn công cả sang những con “trâu… điên”. 

Đâu đó trên xứ sở này, người ta vẫn giữ một “nét đẹp văn hóa” hằng năm tổ chức chọi trâu. Đời con đời cháu về sau chẳng biết cái nét văn hóa ấy nó “đẹp” ở chỗ nào, chỉ biết đến mùa chọi trâu sẽ “kiếm được nhiều tiền”.

Một người phụ nữ chở gánh hàng hoa quả bán rong trên chiếc xe đạp cũ không may gặp tai nạn, cả xe và người ngã sõng soài. Mấy bác xe ôm vội chạy tới giữ chân anh thanh niên đi xe máy cẩu thả đã gây tai nạn đang định bỏ chạy. Đâu đó có tiếng người dân ới nhau chạy ra “nhặt ít hoa quả”. 

Nghĩ cũng thật lạ, mấy trái quả kia có đáng là mấy đồng bạc, sao người ta phải “cơ hội” trên sự rủi ro của người khác? Dù đó không phải là trái cam trái táo, dù đó là tiền hay vàng bạc, tôi sẽ vẫn nhớ lời Thầy dạy: “Lấy của người khác mà không được phép để sử dụng cho riêng mình, sẽ phải trả lại gấp năm gấp mười như thế”. Sông có khúc, người có lúc. Hôm nay bạn ngã, tôi không nâng. Ngày mai tôi ngã, ai nâng?

Một đoàn từ thiện đến trao quà ở một trung tâm nhân đạo dành cho trẻ em. Đi cùng đoàn có cô người mẫu nổi tiếng nọ đã vô tình trở thành “bia đỡ đạn” dư luận cho cả đoàn vì “làm từ thiện với 1,5 triệu đồng”. Không nói đến chuyện ai đúng ai sai trong cách đưa tin của báo chí khiến người đọc hiểu nhầm, khi mọi chuyện đã lắng xuống, người ta mới đặt ra câu hỏi: “Không phải người Việt vẫn thường nói ‘của cho không bằng cách cho’ hay sao?”.

Một quán cơm “bình dân” bị chỉ đích danh trên báo vì đi nhặt “lá già, quả dập, thịt chảy nước bốc mùi hôi” về để làm cơm bán cho khách hàng. Người ta nói “tiêu dùng” là như vậy, nếu “tiêu” được thì vẫn “dùng”. Chỉ khổ sinh viên và những người lao động nghèo bị đánh lừa bởi cái mác “giá rẻ”. Đồ rằng có nhiều thứ còn “giá rẻ” hơn cả bát cơm vật chất kia, là tinh thần, là lương tâm con người.

Người ta gióng hết “hồi chuông cảnh báo” này đến “hồi chuông cảnh báo” khác về sự xuống cấp đạo đức học đường của học sinh, nhưng người ta lại quay lưng với một “cuốn sách đạo đức” cho học sinh để thay vào đó, người ta bắt lỗi cuốn sách, chỉ trích tác giả rất gay gắt.

Người ta lên tiếng chê bai cô hoa hậu “đi làm từ thiện” với số tiền quá ít ỏi, nhưng lại có thể nhẫn tâm đi “cướp” từng trái táo, trái cam của người đang gặp nạn.

Người ta nói rằng một con trâu bị “điên” vì không chịu “ngoan ngoãn” để bị giết (có lẽ vì đằng nào nó cũng bị giết?) nhưng người ta quên mất rằng chính con người trong khi thiếu một chút “tình” hoặc một chút “tiền”, sẵn sàng cướp, giết, hiếp còn hơn cả “trâu điên”.

Người ta thích sự bình an, yên ổn nhưng lại thích đọc “tin sốc”, “tin giật gân”.

Người ta thấy thương con trâu, con chó trước khi chết, chúng biết rơi nước mắt, nhưng người ta không dám dũng cảm dù chỉ là đọc một bài viết về lợi ích của việc ăn chay.

Người ta làm lụng vất vả để kiềm tiền, vất vả đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe và sau đó người ta dùng chính số tiền kiếm được để “lấy lại” sức khỏe.

Như vậy, ai điên, ai không?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.